78 năm trôi qua, bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh như bản Anh hùng ca bất hủ, sống mãi trong trái tim của những người con đất Việt...
Sáng ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử do chính Người chuẩn bị, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể thế giới về sự ra đời của một Nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Bản Tuyên ngôn Độc lập ngắn gọn nhưng chứa đựng những nội dung bất hủ, không chỉ có giá trị lịch sử đối với dân tộc Việt Nam, mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc.
Trước hết, Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền dân tộc, quyền con người luôn gắn bó chặt chẽ với nhau bằng việc luận dẫn những lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Tuy nhiên, nếu như trong các bản Tuyên ngôn của Mỹ, của Pháp chỉ đơn thuần nói đến quyền con người như một sự tất yếu của tạo hóa, không ai có thể xâm phạm được, là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng sự nhạy cảm, bằng sự trải nghiệm thực tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam, đã phát triển sáng tạo, đưa ra một luận đề không thể bác bỏ, phủ nhận, đó là quyền của các dân tộc.
Người đã đi từ khái niệm con người sang khái niệm dân tộc một cách tổng quát và đầy thuyết phục, khẳng định quyền dân tộc và quyền con người có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người và ngược lại thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc.
Về giá trị lịch sử, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản Tuyên ngôn độc lập là một trang vẻ vang trong lịch sử Việt Nam. Nó chấm dứt chính thể quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân áp bức; đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới của đất nước. Đại diện cho chính phủ lâm thời của nước Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố “thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xoá bỏ mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”, đồng thời khẳng định “các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.” Tác giả tự hào nêu cao truyền thống anh hùng bất khuất chống thực dân, chống phát xít dân tộc ta và khẳng định: “Dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.
Với Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào và với thế giới về sự khai sinh của Nhà nước Việt Nam mới, biểu dương lực lượng và ý chí của toàn thể dân tộc Việt Nam quyết tâm giữ vững nền độc lập, tự do của mình. Trên thế giới, nhiều dân tộc chịu ách đô hộ, thống trị của chủ nghĩa thực dân đế quốc hàng chục năm, đã vùng dậy giành được độc lập tự chủ, nhưng không phải dân tộc nào cũng có được Tuyên ngôn độc lập. Với địa vị hợp pháp, Việt Nam có vinh dự là một trong rất ít quốc gia, sau cách mạng, có được một bản Tuyên ngôn nổi tiếng về quyền các dân tộc, có giá trị đóng góp vào sự phát triển pháp lý tiến bộ của nhân loại.
Kết thúc bản Tuyên ngôn độc lập là một lời tuyên bố mang ý nghĩa lịch sử như một lời thề thiêng liêng, thể hiện sâu sắc khát vọng độc lập, tự do của nhân dân ta, biểu thị quyết tâm và sức mạnh Việt Nam: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Với lời văn ngắn gọn, đanh thép, lập luận chặt chẽ, dễ hiểu đi vào lòng người, Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có ý nghĩa vượt thời đại khi những tư tưởng, quan điểm của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là sự thống nhất biện chứng giữa quyền độc lập dân tộc và quyền sống của mỗi con người, đó là sự thể hiện giữa khát vọng sống trong hòa bình, tự do với tinh thần kiên quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền độc lập tự do.
Bản Tuyên ngôn độc lập là một cơ sở pháp lý vững chắc, là sản phẩm kết hợp các giá trị của truyền thống anh hùng, bất khuất và ý chí độc lập dân tộc của Việt Nam với sứ mệnh cao cả của giai cấp vô sản được đề cập trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (năm 1848). Nó thể hiện rõ nét cách mạng Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của cách mạng thế giới và giai cấp vô sản Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của giai cấp vô sản thế giới, có sứ mệnh lịch sử cao cả, vĩ đại là giải phóng dân tộc và nhân loại.
Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đã trở thành sức mạnh to lớn, giúp dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện lời thề thiêng liêng trong ngày Lễ độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Với tinh thần đó, cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong suốt 78 năm qua.
Hàng năm, cứ đến ngày Quốc khánh 2/9, mỗi người con đất Việt lại không khỏi bồi hồi, xúc động. Không chỉ mang ý nghĩa lịch sử to lớn với Bản tuyên ngôn độc lập bất hủ, đây còn là dịp để đồng bào cả nước cũng như bào kiều ở nước ngoài cùng hướng về Tổ quốc; cùng nhau tưởng nhớ những người anh hùng đã hy sinh bất khuất, cùng tưởng nhớ và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh - người anh hùng của dân tộc Việt Nam. Mốc son chói lọi ấy, cũng là lời nhắc nhở thế hệ trẻ ngày nay phải không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện sao cho xứng đáng với truyền thống vẻ vang của ông cha, đưa đất nước ngày càng phát triển, hội nhập sâu rộng nhưng vẫn giữ cái “cốt cách”, “cội nguồn” của dân tộc Việt Nam.
H.P (Tổng hợp)
- Chia sẻ kinh nghiệm đọc sách hiệu quả trong quá trình tự học của sinh viên chuyên ngành QLHC về TTXH (13.03.2022)
- "Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước vì dân, quên thân phục vụ"- kỳ2 (12.03.2022)
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật TTHS tăng trách nhiệm cho Công an xã (11.03.2022)
- “Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước vì dân, quên thân phục vụ”- kỳ I (10.03.2022)
- Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong CAND giai đoạn 2021-2025 (08.03.2022)
- Lấy ý kiến về quy định việc kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu số (03.03.2022)
- Sửa đổi, bổ sung bộ luật TTHS để khắc phục những vướng mắc do tác động của dịch bệnh COVID-19 (22.02.2022)
- Thông tư quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong CAND (18.02.2022)
- Hãy yêu quý, bảo vệ và phục hồi đất ngập nước (13.02.2022)