Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam, một chiến sĩ xuất sắc, một nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc. Trong suốt cuộc đời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, đề ra đường lối đúng đắn đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Bên cạnh đó, Người cũng luôn dành sự quan tâm đến các vấn đề dân tộc, con người, giải phóng con người.
Các quan điểm và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập với thế giới hiện nay vẫn còn nguyên giá trị, là tài sản tinh thần vô giá, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong di sản vô giá tư tưởng Hồ Chí Minh, có một bộ phận quan trọng là tư tưởng của Người về bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình”.[1] Người từng nói: “Không có phụ nữ, riêng nam giới không thể làm nổi cuộc cách mạng”.[2] Điều đó đã được lịch sử chứng minh trong thời kỳ kháng chiến chống quân xâm lược, đấu tranh giải phóng dân tộc cho đến ngày hôm nay, ở mỗi giai đoạn cách mạng, người phụ nữ luôn có mặt trên nhiều trận tuyến, luôn tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu về mọi mặt, nỗ lực vươn lên, khẳng định vị trí, vai trò, đóng góp quan trọng, tích cực vào sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước. Đó là hình ảnh Bà Trưng, Bà Triệu những năm đầu công nguyên đánh quân Hán; là Triệu Thị Trinh với tinh thần “muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang san, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta”; là hình ảnh Nguyên phi Ỷ Lan Hoàng thái hậu gánh vác sơn hà… Đó là rất nhiều tấm gương anh dũng hy sinh, những tấm gương phụ nữ anh hùng luôn khắc ghi lời Bác[3], như: người con gái trẻ tuổi Võ Thị Sáu hiên ngang trước nanh vuốt quân thù; vị nữ tướng anh hùng Nguyễn Thị Định với tài chỉ huy mưu lược đã nêu cao tinh thần dân tộc, lòng tự hào tự tôn dân tộc và ý chí đấu tranh kiên cường... hay những chiến tích của “Đội quân tóc dài” đã trở thành huyền thoại[4] hay những hy sinh thầm lặng của Những Người Mẹ Việt Nam Anh hùng....
Với những cống hiến to lớn đó, phụ nữ Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh vinh danh bằng 8 chữ vàng: “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”. Đó là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta về truyền thống hào hùng và bản chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Tiếp tục ngọn lửa truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, trong sự nghiệp đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, những người phụ nữ thời nay đã luôn quyết tâm đoàn kết, phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đóng góp tài năng, sức lực trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến tháng 12/2022, có 15/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ, đạt 50%, tăng 3,4% so với năm 2021. Số liệu về bình đẳng giới cho thấy Việt Nam có tỉ lệ nữ tham gia chính trị thuộc nhóm đứng đầu thế giới.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vị trí và vai trò của người phụ nữ và đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Theo quan điểm của Người, “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”.[5] Người đã chỉ ra: giải phóng phụ nữ là một trong những mục tiêu của sự nghiệp cách mạng, gồm: Giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Đây là cơ sở quan trọng để bảo đảm quyền bình đẳng nam nữ được thực hiện trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Người cho rằng, giải phóng phụ nữ là một cuộc cách mạng gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo quan điểm của Người: “để xây dựng được chủ nghĩa xã hội thì phải thực sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ” [6]; và Người còn nhấn mạnh: “chúng ta làm cách mạng để tranh lấy quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau”.[7] Người cũng đề cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ…”[8]
Việt Nam ta là một đất nước trải qua thời gian phong kiến lâu đời. Dưới xã hội phong kiến, “…người phụ nữ là người bị áp bức, chịu đau khổ và thiệt thòi nhiều nhất”, giá trị của người phụ nữ lại không được xem trọng – “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Thế nhưng thực tế, phụ nữ là một lực lượng quan trọng trong sự nghiệp cách mạng, sẵn sàng cùng với dân tộc, gắn bó với sự nghiệp cách mạng vĩ đại, lớn lao. Không những thế, phụ nữ còn có vai trò tái sản xuất sức lao động cho xã hội, thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ, có vai trò quyết định đến sự tồn tại và phát triển của gia đình trong cộng đồng xã hội. Vì lẽ đó, Người đề ra nhiệm vụ cho Đảng phải chăm lo vào giải phóng phụ nữ.
Trong hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ nhiệm vụ của cách mạng không chỉ giành lại độc lập cho dân tộc, ruộng đất cho nông dân nghèo, các sản nghiệp lớn cho công nhân, các quyền dân chủ tự do cho nhân dân, mà còn nhằm: “thực hiện nam nữ bình quyền”. Mục tiêu này đã được Người đưa vào Chương trình của Mặt trận Việt minh. Cụ thể: Trong Mười chính sách của Việt Minh (1941), Người viết:
“Đàn bà cũng được tự do,
Bất phân nam nữ, đều cho bình quyền”[9]
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời vào năm 1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần tuyên bố với thế giới và quốc dân về vấn đề bình đẳng giới của người phụ nữ. Người cho rằng: phụ nữ có quyền tham gia mọi hoạt động chính trị một cách bình đẳng như nam giới, có quyền bầu cử, ứng cử, có quyền tự do ngôn luận, đi lại, cư trú và quyền bình đẳng trước pháp luật. Điều 6 Hiến pháp năm 1946 do Người là Trưởng Ban soạn thảo ghi rõ: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa”. Cụ thể hơn về quyền lợi, Điều 9 ghi: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Phát biểu tại phiên họp bế mạc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập… phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân”[10]
Tư tưởng bình đẳng với nam giới về mọi phương diện được nêu ra trong Hiến pháp năm 1946 đã mở ra cho phụ nữ một thời đại mới - thời đại người phụ nữ được làm chủ cuộc sống của mình, được tham gia các hoạt động xây dựng và kiến thiết đất nước - những quyền và nghĩa vụ mà người phụ nữ chưa từng được thừa hưởng trong các chế độ xã hội trước. Những quyền bình đẳng đó tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp năm 1959: “Phụ nữ Việt Nam Dân chủ cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình…” (Điều 24, chương 3). Từ Hiến pháp, tư tưởng nam nữ bình quyền của Người còn được công bố và thừa nhận qua các văn bản pháp lý quan trọng, như: pháp luật về hôn nhân và gia đình, các chỉ thị, chính sách… đối với lao động nữ. Những quy định này đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng về địa vị pháp lý của phụ nữ Việt Nam và thể hiện tính nhân văn, tầm nhìn vượt thời đại, tư duy chính trị sắc sảo của Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên trong lịch sử, phụ nữ Việt Nam được pháp luật thừa nhận và bảo đảm có những quyền bình đẳng với nam giới trên tất cả các lĩnh vực.
Quan tâm tới vị trí của phụ nữ trong xã hội, đồng thời chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên rằng, một trong những nhiệm vụ của phụ nữ dưới chế độ ta là phải “hăng hái tham gia chính quyền”. Người còn nói, nếu cán bộ lãnh đạo là nữ mà ít, đấy cũng là một thiếu sót của Đảng. Về nguyên nhân của tình trạng phụ nữ ít được tham gia lãnh đạo quản lý, theo chủ tịch Hồ Chí Minh đó là vì “Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi, như vậy là rất sai”.[11] Quyền lợi chính trị của chị em luôn được Bác chú ý. Bác nói Đảng và Chính phủ sẵn sàng tạo điều kiện cân nhắc và giao cho phụ nữ những chức trách quan trọng.
Có thể khẳng định rằng không phải ai cũng có được một cái nhìn tiến bộ về phụ nữ như Bác. Không chỉ quan tâm đến quyền bình đẳng của nữ giới trong quan hệ xã hội mà Bác Hồ còn lo cho hạnh phúc của nữ giới trong quan hệ vợ chồng, Bác khuyên chị em ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình để tự đấu tranh giải phóng mình khỏi những ràng buộc phi lý kiểu “chồng chúa vợ tôi”. Với cương vị của một Chủ tịch nước, trong những lo lắng quan tâm chung cho đồng bào cả nước, Bác nhiều lần phê phán những thái độ đối xử không tốt đối với phụ nữ như: coi thường không tin tưởng chị em, tệ đánh vợ... Người khẳng định đây là tệ nạn về mặt đạo đức và vi phạm pháp luật: “Đàn ông là người công dân, đàn bà cũng là người công dân, dù là vợ chồng, người công dân này đánh người công dân khác tức là phạm pháp”.[12]
Trước lúc ra đi vào cõi vĩnh hằng, Bác Hồ kính yêu của dân tộc ta, người thầy vĩ đại của Đảng ta, đã để lại cho chúng ta bản Di chúc quý giá, trong đó có những dòng viết riêng cho phụ nữ Việt Nam “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Ðảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.[13] Theo đó, Bác đã nhắc nhở Đảng và Chính phủ phải quan tâm đến công tác phụ nữ.
Chúng ta thấy rằng: Tư tưởng của Bác phù hợp với Tuyên bố của thế giới về quyền của con người: “Mọi dân tộc trên thế giới đều có quyền hưởng tự do và bình đẳng” cũng như Tuyên bố của Liên Hợp quốc về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ năm 1993: “Bạo lực đối với phụ nữ là biểu hiện của quan hệ quyền lực bất bình đẳng về mặt lịch sử giữa nam giới và phụ nữ, dẫn đến tình trạng nam giới thống trị và phân biệt đối xử đối với phụ nữ, đồng thời ngăn cản sự tiến bộ đầy đủ của phụ nữ…” Hình thành từ khi xã hội Việt Nam còn trong cao trào cách mạng, tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng giới luôn là nội dung có ý nghĩa thực tiễn, xuyên suốt chặng đường lịch sử dân tộc đã qua, những nội dung ấy vẫn còn vẹn nguyên giá trị nguyên sơ và đang ngày càng được phát huy trong xã hội đương thời.
Tóm lại, trong bất kì hoàn cảnh nào, trong xã hội nào, bình đẳng giới vẫn luôn là vấn đề mang tính cấp thiết, bởi qua đó góp phần thiết lập trạng thái cân bằng trong xã hội, bất kì mỗi cá nhân nào tồn tại trong môi trường xã hội đều được hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ như nhau, ai cũng được học tập, làm việc, được thực hiện các quyền và nghĩa vụ công bằng, bình đẳng với nhau, không có sự phân biệt về giới tính; từ đó tạo động lực cho sự phát triển toàn diện, bền vững và lâu dài của đất nước./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2011.
2. Hồ Chí Minh, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia.
3. Hiến pháp năm 1946, 1959.
4. Ngô Thị Thùy Trang (2023), Những tấm gương Phụ nữ anh hùng luôn khắc ghi lời Bác, Trang Thông tin điện tử Trường Đại học CSND, Link: https://dhcsnd.edu.vn/nhung-tam-guong-phu-nu-cand-anh-hung-luon-khac-ghi-loi-bac
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.9, tr.593.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2011, tập 7, tr.340.
[3] Ngô Thị Thùy Trang (2023), Những tấm gương Phụ nữ anh hùng luôn khắc ghi lời Bác, Trang Thông tin điện tử Trường Đại học CSND, Link: https://dhcsnd.edu.vn/nhung-tam-guong-phu-nu-cand-anh-hung-luon-khac-ghi-loi-bac
[4] Hoàng Trung (2018), Huyền thoại đội quân tóc dài. Trang Thông tin điện tử Tạp chí của Ban Tuyên giáo rung ương, Link: https://tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/van-hoa/huyen-thoai-doi-quan-toc-dai-113996
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia 2011, tập 7, tr.340.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, t.12, tr.705-707: Bài viết của Bác Hồ trên Báo Nhân Dân, số 2409, ngày 23-10-1960, tr.1.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, t.9,tr. 523; t.10, tr. 225; t11, tr. 194; t.12, tr. 195.
[8] Hồ Chí Minh: Về Đảng cầm quyền, Nxb. Sự thật, Hà Nội 1996, tr.186.
[9] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG 2011, t.3, tr.206.
[10] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG 2011, tập 4, tr.491.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2009, t.2, tr.258.
[12] Bài nói với cán bộ tỉnh Hà Tây (10/2/ 1967) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.12, tr 221-226.
[13] Hồ Chí Minh, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia.
- Một số điểm mới quan trọng của Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) (03.07.2024)
- Phòng ngừa lây nhiễm HIV từ mẹ sang con (03.07.2024)
- Các mối quan hệ lớn trong đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng hiện nay (02.07.2024)
- Từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng (02.07.2024)
- “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030” (01.07.2024)
- Trình tự cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi, giữ, trả lại thẻ căn cước (01.07.2024)
- Trình tự, thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử (01.07.2024)
- Nâng cao hiệu quả hoạt động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội tại các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (30.06.2024)
- Các Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 (30.06.2024)