Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống, là bài học cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và rèn luyện, luôn luôn xác định "đoàn kết" là giá trị cốt lõi và "đại đoàn kết toàn dân tộc" là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam. Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành chiến lược cách mạng của Đảng, là động lực to lớn tạo nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công!".
Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng Minh - tổ chức tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay. Trải qua các thời kỳ cách mạng với những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không ngừng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, trở thành một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tại Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào ngày 10/9/1955 như sau: "Lịch sử trong những năm qua đã tỏ rõ lực lượng đoàn kết của nhân dân là vô địch.
Mặt trận Việt Minh đã giúp cách mạng tháng Tám thành công.
Mặt trận Thống nhất Việt Minh - Liên Việt đã giúp kháng chiến thắng lợi.
Chúng ta có thể tin chắc rằng: với sự cố gắng của mỗi người và sự ủng hộ của toàn dân, Mặt trận Tổ quốc sẽ làm tròn nhiệm vụ vẻ vang là giúp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh".
Phát biểu tại lớp bồi dưỡng cán bộ về công tác Mặt trận ngày 08/01/1962,Người chỉ rõ: "Chính sách Mặt trận là một chính sách rất quan trọng. Công tác Mặt trận là một công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng. Cán bộ và Đảng viên ta cần nắm vững và chấp hành đúng Nghị quyết của Đại hội Đảng và Nghị quyết Bộ Chính trị về vấn đề Mặt trận Dân tộc thống nhất. Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Dân tộc thống nhất vẫn là một trong những lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam".
2. Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng trong lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ chiến lược trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như cách mạng xã hội chủ nghĩa và trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.
Trong các thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tiếp đó là liên minh công - nông - trí, dưới sự lãnh đạo của Đảng là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu, là nhân tố có ý nghĩa quyết định, đảm bảo thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ Đại hội VI – Đại hội mở đầu cho thời kỳ đổi mới đến nay, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết nhằm củng cố, tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới, đó là các nghị quyết Đại hội lần thứ VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII và XIII của Đảng; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung và phát triển năm 2011); Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW, ngày 27/3/1990 Hội nghị lần thứ 8 BCH TW Đảng (khoá VI) Về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân; Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 17/11/1993 của Bộ Chính trị “Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất”; Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh"; Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc; Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo; Kết luận số 62-KL/TW, ngày 08/12/2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị, xã hội…
Quang cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024
Đại hội lần thứ XI của Đảng khẳng định quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như sau:
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chăm lo lợi ích của các đoàn viên, hội viên; thực hiện dân chủ và xây dựng xã hội lành mạnh; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng, quyền và nghĩa vụ công dân, tăng cường mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội.
Đại hội XII của Đảng khẳng định: Khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được mở rộng, củng cố và tăng cường trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân đã đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động; phát huy ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cùng Đảng, Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội; thường xuyên tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước. Đạt được kết quả trên là do Đảng và Nhà nước luôn có chủ trương nhất quán, phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên, Đại hội cũng nêu rõ những hạn chế: sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ; có lúc, có nơi chưa phát huy được vai trò, sức mạnh của nhân dân. Chưa đánh giá và dự báo chính xác những diễn biến, thay đổi cơ cấu xã hội, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để có chủ trương phù hợp. Chủ trương, quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, về quyền và lợi ích hợp pháp của các giai cấp, tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài chưa được kịp thời thể chế hóa, hoặc đã thể chế hóa nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định phương hướng, nhiệm vụ: Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước; bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; khắc phục những hạn chế, bảo đảm tác dụng, hiệu quả thực chất hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; tạo sự đồng thuận xã hội.
Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; tin dân, tôn trọng, lắng nghe những ý kiến khác nhau; có hình thức, cơ chế, biện pháp cụ thể, thích hợp để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; trân trọng, tôn vinh những đóng góp, cống hiến của nhân dân.
Báo cáo chính trị Đại hội nhấn mạnh: Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Đổi mới tổ chức, bộ máy, nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tăng cường đối ngoại. Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh, đại đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Văn kiện Đại hội XIII khẳng định: "Củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại...". Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã một lần nữa khẳng định và bổ sung nội dung, phương châm: "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"; xác định rõ hơn vai trò "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ". Đảng và Nhà nước đề ra đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân; khẳng định "vai trò chủ thể, vị trí trung tâm" của nhân dân trong toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Việc xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải luôn luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng là ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu vì một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Văn kiện Đại hội cũng đã chỉ ra trách nhiệm và vai trò nêu gương của các cấp ủy đảng trong việc xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết, nhấn mạnh: "Sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng là điều kiện tiên quyết để Đảng thực sự xứng đáng là hạt nhân đoàn kết của cả dân tộc, của toàn xã hội". Nêu rõ yêu cầu: "Cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức phải nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội" trong thực hành dân chủ, trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Đồng thời "Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân".
Cùng với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, việc tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được Đảng ta xác định là cơ sở để tạo sự đồng thuận xã hội, sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhân dân, qua đó tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định phải "đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn", đồng thời "gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc".
H.P (Tổng hợp)
- Chung kết Hội thi “Tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng hình ảnh CAND bản (29.11.2020)
- Trường ĐH.CSND đạt giải Ba toàn đoàn Giải vô địch Judo Đại học Nguyễn Tất Thành mở rộng năm 2018 (19.04.2020)
- Hội thi lái xe giỏi, an toàn lần thứ III (04.03.2020)
- Hội thảo khoa học “Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 – Những vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo, bồi (24.02.2020)
- Công bố phương án thi THPT quốc gia năm 2019 (31.12.2019)
- Mối nguy hiểm từ chợ vũ khí online (12.12.2019)
- 20 năm tham gia APEC: Từ tầm nhìn chiến lược đến những dấu ấn Việt Nam (09.12.2019)
- Siết chặt quy định về đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe (28.11.2019)
- Văn hóa mạng và sự lợi dụng (28.11.2019)