Công tác bảo vệ an ninh quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Năm 1998, lần đầu tiên Đảng ta ban hành Nghị quyết về Chiến lược an ninh quốc gia, lần đầu tiên Đảng ta hệ thống nhận diện những nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia và đề ra các chủ trương, giải pháp cơ bản chỉ đạo về bảo vệ an ninh quốc gia. Thực tiễn khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận chỉ đạo về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Trải qua 13 kỳ đại hội Đảng, nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia luôn được đề cập và bổ sung, phát triển từ nhận thức, tư duy đến đánh giá, dự báo tình hình, xác định mục tiêu, phương hướng, chủ trương, giải pháp thực hiện. Đó là quan điểm nhất quán, được Đảng ta tiếp tục khẳng định sâu sắc và rõ nét trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã kế thừa, phát triển Chiến lược an ninh quốc gia trong tình hình mới. Sự phát triển kế thừa đó được thể hiện ở một số vấn đề cơ bản sau:
Điểm mới trong nhận thức, tư duy về an ninh quốc gia
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Đại hội XIII của Đảng đặt nhân tố con người, an ninh con người làm trung tâm của mọi hoạt động, bảo vệ an ninh con người vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định chính trị xã hội và xây dựng, phát triển đất nước trường tồn, thịnh vượng.
Đại hội XIII của Đảng vấn đề “an ninh con người” được chú trọng và đề cao. Vấn đề “an ninh con người” được đề cập trong nhiều nội dung của Văn kiện Đại hội XIII. Trong định hướng phát triển đất nước 10 năm 2021-2030, Đảng ta xác định: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, phân minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người”[1]. Nhiệm vụ, giải pháp phát triển giai đoạn đất nước 5 năm tới (2021-2025) xác định: “Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người”[2]. Trong tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đại hội XIII xác định “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người”[3]. Nghị quyết Đại hội XIII xác định: “Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân”, do vậy bảo vệ an ninh quốc gia cũng chính là bảo vệ cuộc sống của người dân.
Vấn đề mới về chủ trương giải pháp trong bảo vệ an ninh quốc gia
Đối với vấn đề này Bộ trưởng Tô Lâm đã nêu rõ và phân tích sáu nội dung cốt lõi đó là: (1) về nhiệm vụ, mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới; (2) về quan điểm, phươnh hướng bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới; (3) về phạm vi bảo vệ an ninh quốc gia; (4) về kế sách bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới; (5) vấn đề tiềm lực quốc phòng, an ninh; (6) vấn đề phát triển tư duy về kết hợp giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hoá, xã hội, đối ngoại.
(1) về nhiệm vụ, mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới
Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, về tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu nước ta trở thành nước phát triển, công nghiệp cao. Do đó, xác định, định hướng về nhiệm vụ quốc phòng an ninh, thực hiện nhiệm vụ chung mọi mặt trong nhiệm kỳ này đều vươn tới tầm nhìn 2023 dài hạn. Về mục tiêu, Bộ Trưởng Tô Lâm chỉ rõ, đây là nội dung cốt lõi đã được thể hiện cụ thể trong Nghị quyết số 51 ngày 5/9/2019 của Bộ Chính trị về về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, về nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới. Nghị quyết Đại hội XIII tiếp tục khẳng định và nêu rõ “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[4]. Mục tiêu khẳng định hai vấn đề lớn: Một là, tiếp tục khẳng định nội dung bảo vệ Tổ quốc mang tính toàn diện cả phương diện tự nhiên - lịch sử và chính trị - xã hội, văn hóa, môi trường sống, môi trường hòa bình... trong một chỉnh thể thống nhất; hai là, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
(2) Về quan điểm, phươnh hướng bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới
Về quan điểm, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”[5]. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng ta, tạo cơ sở quan trọng cho Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn quân quán triệt và thực hiện. Đồng thời, Đại hội XIII của Đảng cũng xác định: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”[6]. Phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục là nhiệm vụ trung tâm, được ưu tiên, nhưng không coi nhẹ nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, bởi vì củng cố quốc phòng, an ninh là cơ sở trực tiếp tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; ngược lại, kinh tế - xã hội phát triển, tiềm lực đất nước ngày càng vững mạnh sẽ là “phương thức hữu hiệu” để tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Trong đó có quan điểm: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi… Đây là sự kế thừa nội dung “Bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc” đã được Đảng nêu ở các kỳ Đại hội trước.
Đối với phương hướng, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, xác định phương hướng, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh đó là: “Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”[7]. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, điều này khẳng định tư duy và định hướng xa hơn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó cũng nhấn mạnh nội dung “an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương”… Coi việc giữ vững an ninh quốc gia vừa là mục tiêu, giải pháp để phát triển bền vững đất nước; đồng thời thể hiện tư tưởng chỉ đạo phát triển để giữ vững an ninh, an ninh để phát triển, an ninh trong phát triển.
(3) Về phạm vi bảo vệ an ninh quốc gia: Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, về phạm vi bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia: Đại hội XIII phát triển tư duy mới về phạm vi bảo vệ an ninh quốc gia không chỉ giới hạn trong phạm vi biên giới hành chính quốc gia. Phải bảo vệ an ninh quốc gia từ xa, từ sớm, tạo vành đai an ninh từ ngoài lãnh thổ, biên giới hành chính quốc gia (an ninh đối ngoại)…
(4) Về kế sách bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới: Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định cần phải: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”[8]. Củng cố quốc phòng và an ninh ngay trong thời bình, bảo đảm đủ sức mạnh đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn, đầy lùi từ sớm, từ xa những nhân tố bất ổn có thể dẫn đến các tình huống quốc phòng, an ninh và các thế lực thù địch lợi dụng gây hấn, tạo cớ gây xung đột, chiến tranh. Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung và nhấn mạnh đến vấn đề “Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân. Xác định “chủ động phòng ngừa” là chính. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh”[9]. Trong đó xác định phương hướng, chủ động chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng các phương án giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Điều này thể hiện tư duy trong bảo vệ an ninh quốc gia là luôn giữ vững thế chủ động chiến lược, chủ động trong mọi tình huống, thể hiện “tính chiến đấu” thường xuyên, liên tục trong mọi hoàn cảnh vừa gắn chặt với xu thế hòa bình, ổn định để phát triển đất nước một cách bền vững".
“Trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, chúng tôi xác định chủ động phòng ngừa là chính. Bộ Công an đã chỉ đạo thực hiện những chiến lược này, kế sách này, cụ thể đối với phòng, chống tội phạm chúng tôi phấn đầu sẽ giảm 5%. Đấu tranh ngăn ngừa tội phạm là rất quan trọng, giải quyết, xử lý được những nguy cơ, mẫu thuẫn trong xã hội làng, xã, thậm chí trong từng gia đình”- Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
(5) Đối với phát triển tư duy về đề tiềm lực quốc phòng, an ninh
Đảng ta chủ trương tiếp tục “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân”[10]. Dựa vào nhân dân, tổ chức vận động, khai thác, huy động cao nhất trách nhiệm và mọi nguồn lực của nhân dân kết hợp với nguồn lực của Nhà nước tạo thành sức mạnh tổng hợp để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng ta trong mọi giai đoạn cách mạng, đặt ra yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân phải toàn diện cả về lực lượng, tiềm lực và thế trận trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, cả ở trong và ngoài nước. Đây là thể hiện tư duy mới tạo ra cơ chế mở để phát huy cao nhất các nguồn lực xã hội nhằm xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh vững mạnh hơn trong bối cảnh hiện nay.
(6) Vấn đề phát triển tư duy về kết hợp giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hoá, xã hội, đối ngoại.
Trên cơ sở tổng kết 35 năm đổi mới đất nước, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (sửa đổi, bổ sung năm 2011)... đã phát triển toàn diện nhận thức của Đảng ta về mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, xã hội, đối ngoại... Điều này thể hiện tư duy, tầm nhìn vừa chiến lược, toàn diện, vừa cụ thể, thực tiễn để bảo đảm sự kết hợp có hiệu quả. Theo đó, Nghị quyết Đại hội XIII đã chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại. Cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc; trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong từng địa phương, vùng, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể”[11].
Tư duy về xây dựng lực lượng Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới
Đây là điểm thứ chín quan trọng trong chủ trương, giải pháp bảo vệ an ninh quốc gia, theo Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, Đại hội XIII đã định hướng: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Quân đội và Công an tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, bảo đảm chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống”[12]. So với Đại hội XII, Đảng ta xác định chuyển từ trạng thái “từng bước hiện đại” sang “một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”. Đây là tư duy rất mới trong việc định hướng xây dựng lực lượng CAND phù hợp với xu thế, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia cũng như tiềm lực của đất nước hiện nay...
Đại hội XIII còn xác định: “Quan tâm xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ sở đủ mạnh, đáp ứng đòi hỏi nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở”, đây là căn cứ, tiền đề quan trọng để Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an thực hiện chủ trương “tăng cường cơ sở”, trong đó xây dựng Công an xã chính quy.
Nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới
Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập quốc tế, lực lượng Công an nhân dân cần phải có quan niệm mới, tư duy mới về an ninh quốc gia theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII . Theo đó, cần tiếp tục quán triệt thực hiện Nghị quyết số 51 ngày 5/9/2019 của Bộ Chính trị về về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, về nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới. Đồng thời, nắm vững phương châm chỉ đạo, đó là: Phải đặt “độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn diện lãnh thổ của Tổ quốc và lợi ích quốc gia-dân tộc là trên hết”. Phải giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh quốc gia từ cơ sở, dưới sự chỉ huy, chỉ đạo của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương theo cơ chế thống nhất và phương châm 4 tại chỗ. Trong thực hiện chức năng nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm phải quán triệt quan điểm: “Điều tra, xử lý tội phạm phải kiên quyết, thận trọng, khách quan, toàn diện, không bỏ lọt tội phạm, không để ra oan, sai”. Trên cơ sở đó, lực lượng công an nhân dân cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành nhằm kịp thời thể chế hoá quan điểm của Đảng về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia trong tình mới. Trước hết là sửa đổi Luật An ninh quốc gia năm 2004. Bởi lẽ, Khoản 1 Điều 3 Luật An ninh quốc gia năm 2004 quy định: “An ninh quốc gia là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”. Theo quy định này thi nội hàm An ninh quốc gia chủ yếu nhấn mạnh vào an ninh chính trị, an ninh quân sự. Do đó, cần sửa đổi nội hàm An ninh quốc gia bao gồm toàn diện trên nhiều lĩnh vực như: An ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh quân sự, an ninh biên giới, biển, đảo, an ninh đối ngoại, an ninh tư tưởng - văn hóa, an ninh xã hội, an ninh thông tin… cuối cùng là an ninh con người. Trên cơ sở đó, điều chỉnh các quy định khác của Luật này phù hợp với nội hàm mới của khái niệm An ninh quốc gia.
Thứ hai, xây dựng lực lượng CAND mạnh, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả . Thời gian qua, Bộ Công an đã xây dựng triển khai Đề án Công an xã chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, theo đó, tất cả Công an xã đã được bố trí Công an chính quy thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT ở địa bàn cấp xã. Thực hiện chủ trương xây dựng Công an xã chính quy, từ năm 2018 đến nay, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương hoàn thiện, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định liên quan đến xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy; tích cực phối hợp với các bộ, ngành trong việc tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện trong thực hiện xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy, cũng như bố trí công tác khác đối với đội ngũ Công an xã bán chuyên trách. Công an các đơn vị, địa phương đã quyết liệt, chủ động, bài bản, khoa học trong việc triển khai điều động, bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã. Thực tiễn cho thấy chủ trương này đã đạt được nhiều hiệu quả thiết thực trên thực tế. Do đó, trong thời gian tới, Bô Công an cấn tiếp tục thực hiện với những giải pháp đồng bộ nhằm góp phần quan trọng để triển khai nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đó là: Nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, trách nhiệm của người dân và toàn xã hội đối với các vấn đề liên quan an ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia. Xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, kết hợp chặt chẽ với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, thiết lập thế trận an ninh liên hoàn. Bên cạnh đó, cần tập trung giải quyết các yếu tố tiềm ẩn phức tạp đối với an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh văn hoá, tư tưởng, an ninh thông tin. Sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Nhiệm vụ quan trọng kế tiếp là xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn; tăng cường hội nhập quốc tế về an ninh; củng cố tiềm lực an ninh quốc gia./.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 116.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 147.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 148.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr.155-156.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr.156.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr.110.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr.156
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 156
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 157
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 156
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 158
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 158
Tác giả: Nguyễn Quốc Khánh
- 75 năm Ngày Truyền thống Ngành Kiểm tra của Đảng (16/10/1948 – 16/10/2023) (11.09.2023)
- Tìm hiểu về những điểm mới của luật Giao dịch điện tử năm 2023 (08.09.2023)
- Việt Nam khẳng định mạnh mẽ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (01.09.2023)
- Tuyên ngôn Độc lập – Bản anh hùng ca bất hủ trong trái tim những người con đất Việt (28.08.2023)
- Công tác xây dựng mô hình tự quản đảm bảo ANTT trong cộng đồng người Raglai, tỉnh Ninh Thuận (27.08.2023)
- Tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen” (25.08.2023)
- Người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tối đa 100 triệu đồng/người để sản xuất, kinh doanh (24.08.2023)
- Bảo đảm trật tự, ATGT dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 và Tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường (22.08.2023)
- Luật Căn cước tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực (18.08.2023)