Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.
Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng (Nguồn: dangcongsan.vn)
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nhận thức sâu sắc vai trò của văn hóa. Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 khẳng định: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa), ở đó người cộng sản phải hoạt động” và “không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa”. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định: Văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất. Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn và chấn hưng nền văn hóa dân tộc, cần khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc, phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người dân Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Nghị quyết - Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Trong sự nghiệp bảo vệ An ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, Lực lượng Công an nhân dân luôn xác định rõ: Xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống. chính trị xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ. Chính vì vậy, lực lượng Công an nhân dân luôn vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, đấu tranh kiên cường và sáng tạo trên mặt trận tư tưởng, văn hóa: Đẩy mạnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Kết luận của Hội nghị văn hóa toàn quốc và đặc biệt là Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của văn hoá, thời gian qua. Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Trường Đại học CSND luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc phát triển các thiết chế văn hoá trong Nhà trường, xem việc xây dựng và phát triển văn hoá là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần thực hiện thường xuyên và hiệu quả. Qua đó đã tạo nên những sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, học viên Nhà trường. Các phong trào, hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao có sức lan toả và ảnh hưởng tích cực trong toàn Trường dần trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi cán bộ, học viên. Các đội văn nghệ xung kích, câu lạc bộ, các đơn vị, lớp học không chỉ có nhiều chương trình, tác phẩm văn hoá, nghệ thuật biểu diễn phục vụ nhiều sự kiện lớn của Nhà trường, mà còn tích cực tham gia các hoạt động văn hoá văn nghệ do Bộ Công an, địa phương tổ chức. Đồng thời, Nhà trường đã huy động được sức mạnh tổng hợp của tập thể, phát huy tốt vai trò của mỗi cá nhân để mỗi cán bộ, giảng viên, học viên thực sự là các văn nghệ sĩ, cùng chung tay, đóng góp cho sự phát triển của nền văn hoá Trường Đại học CSND nói riêng, của lực lượng CAND nói chung.
Cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Trong bối cảnh trong nước và thế giới có những diễn biến phức tạp, đất nước vẫn đang đối diện với hàng loạt vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, trong đó an ninh văn hoá là một mặt trận bị các thế lực thù địch ra sức chống phá quyết liệt. Đồng thời, trong thời đại công nghệ số, bùng nổ thông tin hiện nay, tin giả, tin xấu, độc của các thế lực thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước; các văn hoá phẩm đồi truỵ, bạo lực, trái thuần phong, mỹ tục, vi phạm đạo đức và các giá trị văn hoá của dân tộc bị phát tán, lan truyền với tốc độ nhanh chóng, rộng khắp trên không gian mạng đã có những ảnh hưởng nhất định đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, học viên. Trước những nguy cơ đó, để tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện trong tác phẩm "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", bên cạnh việc tiếp tục phát huy những ưu điểm đã đạt được, Trường Đại học CSND cần thực hiện một số giải pháp để xây dựng văn hoá Nhà trường trong thời gian tới:
Một là, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên là về vị trí, vai trò “nền tảng tinh thần xã hội” của văn hóa; về hệ giá trị văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, xác định ý thức trách nhiệm, phát huy vai trò của mỗi đơn vị, mỗi tổ chức đoàn thể quần chúng và cá nhân cán bộ, giảng viên Nhà trường trong việc bảo vệ, bảo tồn, xây dựng, phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc, tạo nội lực, động lực mạnh mẽ trong quá trình công tác, sáng tạo nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn, bảo đảm ngày càng có thêm những tác phẩm mới, có giá trị, góp phần phát triển nền văn hóa trong giai đoạn mới.
Hai là, tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong toàn Đảng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Ban Giám hiệu và lãnh đạo các đơn vị đối với hoạt động văn hóa tại Nhà trường. Đầu tư, khai thác đa dạng các nguồn lực, tăng cường xã hội hoá để phát triển văn hóa, văn nghệ. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05/NQ-ĐUCA, ngày 28/9/2021 của Đảng ủy Công an Trung ương về nâng cao chất lượng công tác văn hóa, văn nghệ đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả và chất lượng các sáng tác với tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ, phát triển của cán bộ, học viên và công nhân viên Nhà trường. Đồng thời góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng vấn đề văn hoá để xuyên tạc, chống phá.
Bốn là, tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội Văn nghệ xung kích, các Câu lạc bộ, các tổ chức đoàn thể. Khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo văn học, nghệ thuật để có được những tác phẩm có giá trị cao trong các lĩnh vực văn học, sân khấu hoá, âm nhạc về hình ảnh Nhà trường, về người giảng viên CAND.
Năm là, tăng cường các hoạt động báo chí, xuất bản, truyền thông theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại. Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Trang Thông tin điện tử Nhà trường theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại; đẹp về hình thức, đa dạng, phong phú về nội dung, đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động. Tăng cường đăng tải, xuất bản các tác phẩm văn học, nghệ thuật, âm nhạc trên nền tảng Trang thông tin điện tử Trường Đại học CSND.
Sáu là, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số vào lĩnh vực văn hoá trong CAND nói chung, tại Nhà trường nói riêng. Tăng cường sử dụng các trang mạng xã hội, các trang web, các nền tảng và phần mềm chia sẻ hình ảnh, video trực tuyến để phát, chia sẻ những tác phẩm văn học, nghệ thuật nhằm lan toả mạnh mẽ những thông điệp, những giá trị tích cực và xây dựng hình ảnh tốt đẹp của Nhà trường trên các nền tảng số. Tăng cường sử dụng trí tuệ nhân tạo, nền tảng dữ liệu lớn và các phần mềm công nghệ cao để hỗ trợ cho các hoạt động sáng tác, chế bản, in ấn, xuất bản, lưu trữ và chia sẻ những tác phẩm văn học, nghệ thuật, âm nhạc.
Tóm lại, việc quán triệt quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa tại Trường Đại học CSND là nội dung xuyên suốt, là nền tảng quan trọng giúp định hình về nhận thức, hành vi và ảnh hưởng đến thái độ ứng xử của cán bộ, giảng viên, học viên, đồng thời là yếu tố quan trọng trong việc góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Nhà trường.
Trịnh Phong
- Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới (15.12.2021)
- Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay và những vấn đề đặt ra đối với công tác công an (09.12.2021)
- Tìm hiểu Thông tư quy định giải thưởng “Gương mặt trẻ Công an tiêu biểu (05.12.2021)
- Bảo đảm an ninh con người, an ninh xã hội thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta (02.12.2021)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm (29.11.2021)
- Giữ vững an ninh quốc gia, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến (23.11.2021)
- Những người phải kê khai, công khai tài sản, thu nhập hằng năm (22.11.2021)
- Tăng thẩm quyền Công an xã trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm – Những vấn đề cần chú ý (14.11.2021)
- Phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (14.11.2021)