Bài viết đăng trên Tạp chí Khoa học giáo dục Cảnh sát nhân dân (CSND) được viết để công bố nội dung ý tưởng khoa học; công bố từng kết quả riêng biệt của một công trình khoa học dài hạn hoặc công bố kết quả nghiên cứu toàn bộ công trình; để thông tin, tuyên truyền, trao đổi... về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ Cảnh sát. Bài viết phải chứa đựng những tri thức khoa học dựa trên kết quả khảo sát, đánh giá hoặc thực nghiệm khoa học.
Nội dung bài viết mang tính tổng kết hoạt động thực tiễn hoặc nghiên cứu một vấn đề trong công tác chuyên môn của đơn vị, địa phương (phải sau một thời gian triển khai thực hiện hoặc sau khi kết thúc một hoạt động, một mặt công tác quan trọng hoặc chuyên án lớn). Đây là hệ thống tri thức lý luận phản ánh những vấn đề thuộc về bản chất, có tính quy luật của cuộc đấu tranh, không thể và không phải là những tri thức mang tính kinh nghiệm đơn thuần, không có cơ sở khoa học. Mặc dù không thể phủ nhận vấn đề mang tính quy luật là lý luận chỉ có thể được hình thành từ thực tiễn và con đường tổng kết kinh nghiệm là một trong những phương pháp tốt nhất để sản sinh ra lý luận. Nhưng không phải vì vậy mà đánh đồng tri thức khoa học trong bài viết với kinh nghiệm. Nghĩa là phải có sự phân biệt được rõ ràng giữa những vấn đề thuộc về lý luận và những vấn đề chỉ dừng lại ở kinh nghiệm chưa được kiểm chứng hoặc chưa được hệ thống, khái quát1.
Vấn đề nghiên cứu, giải quyết trong bài viết không thể xuất phát từ một vài sự việc, sự kiện đơn lẻ mà là tổng hợp của cả quá trình và thường được rút ra trong các báo cáo sơ kết, tổng kết công tác, tham luận trong hội thảo khoa học, trong các công trình khoa học, đề tài nghiên cứu... Hay là những vấn đề mới về pháp luật, về công tác nghiệp vụ cần trao đổi để có nhận thức thống nhất, làm cơ sở để áp dụng vào thực thực tiễn đúng đắn, khoa học, hiệu quả.
- Để chủ động trong việc lựa chọn nội [1] dung bài viết, người viết phải có “vấn đề nghiên cứu” dựa trên khả năng nhận thức, trình độ chuyên môn, điều kiện công tác, điều kiện viết bài và các sự kiện khoa học đang diễn ra.
Phương pháp phát hiện “vấn đề nghiên cứu”:
Một là, nhận dạng những bất đồng trong tranh luận khoa học: Khi những đồng nghiệp bất đồng ý kiến dẫn đến tranh luận, có thể là họ đã nhận ra những mặt yếu của nhau. Đây là cơ hội thuận lợi để người nghiên cứu nhận dạng những “vấn đề nghiên cứu” mới.
Hai là, nghĩ ngược lại quan điểm thông thường. Chẳng hạn, trong khi nhiều người cho rằng: “Tội phạm tập trung chủ yếu vào nhóm người có trình độ học vấn thấp, trong khi đó khu vực đô thị dân trí cao hơn ở nông thôn. Thế tại sao tội phạm xảy ra tại đô thị lại nhiều hơn so với nông thôn?”. Từ đây, người viết phát hiện ra vấn đề mới cần nghiên cứu.
Ba là, nhận dạng những vướng mắc về lý luận, những khó khăn trong hoạt động thực tiễn của lực lượng CSND. Chẳng hạn: Tình hình tội phạm do người nghiện ma túy gây ra? Tội phạm do người có giới tính “thứ ba” gây ra? Mối quan hệ giữa tội phạm kinh tế và tội phạm tham nhũng? Những điểm mới trong Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cần nhận thức và tổ chức thực hiện; những vấn đề vướng mắc sau 5 năm thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng CSND... Đó là những “vấn đề” không thể giải thích đơn giản bằng kinh nghiệm, mà phải bằng những tri thức khoa học.
Bốn là, lắng nghe những lời phàn nàn từ người thân trong gia đình, từ quần chúng, nhân dân. Thực tế cho thấy: “Vấn đề nghiên cứu” không chỉ xuất hiện từ những cán bộ, chiến sĩ công tác trong lực lượng CSND, mà đôi khi nó lại xuất hiện từ những phàn nàn của người thân trong gia đình, của quần chúng nhân dân hoàn toàn không am hiểu về lĩnh vực nghiệp vụ CSND. Chẳng hạn, khi biết được thông tin về tội phạm trộm, cướp, giết người, cố ý gây thương tích. trên các phương tiện thông tin đại chúng, họ phàn nàn: Công an đâu mà sao bây giờ tội phạm nhiều thế? Tại sao con người lại đối xử với nhau mất hết nhân tính như thế? Tại sao “hiệp sĩ” không được hưởng chế độ khi tham gia truy bắt tội phạm... Đó là những vấn đề mà người viết có thể phân tích, đánh giá để phát hiện ra “vấn đề nghiên cứu” cho mình.
Năm là, phát hiện mặt mạnh, mặt yếu trong các công trình khoa học của những người nghiên cứu đi trước. Phương pháp này tiến hành dựa trên kết quả phân tích, đánh giá những công trình khoa học, bài viết đã được công bố để rút ra những mặt mạnh trong luận điểm, luận cứ, phương pháp. để sử dụng làm luận cứ hoặc phương pháp chứng minh luận điểm của mình, còn mặt yếu được sử dụng để phát hiện “vấn đề nghiên cứu” và xây dựng luận điểm cho nghiên cứu của mình[2].
Sáu là, từ những câu hỏi bất chợt xuất hiện không phụ thuộc lý do nào: Đây chính là những câu hỏi xuất hiện ở người nghiên cứu do bất chợt quan sát một sự kiện, hiện tượng nào đó, cũng có thể xuất hiện một cách rất ngẫu nhiên không phụ thuộc vào bất cứ lý do nào, thời gian hoặc không gian nào[3].
- Để viết bài, người viết phải có quá trình nghiên cứu, sưu tầm, thu thập, tích lũy những thông tin, tài liệu cần thiết liên quan đến “vấn đề nghiên cứu”. Hoạt động này đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành luận cứ để chứng minh luận điểm khoa học của bài viết. Độ tin cậy của toàn bộ bài viết phụ thuộc vào những thông tin, tài liệu mà người viết đã thu thập được. Có nhiều phương pháp thu thập thông tin, tài liệu:[4]
Thu thập, tích lũy các báo cáo tổng kết công tác, báo cáo chuyên đề nghiệp vụ, báo cáo tổng kết, sơ kết chuyên án.;
Nghiên cứu tài liệu có liên quan mà các đồng nghiệp đã nghiên cứu;
Trực tiếp nghiên cứu, khảo sát, quan sát các hoạt động nghiệp vụ có liên quan được tiến hành trong thực tiễn;
Tiến hành phỏng vấn, trao đổi với những người am hiểu hoặc có liên quan đến những thông tin cần nghiên cứu, thu thập; gửi phiếu điều tra (bảng hỏi) để thu thập thông tin liên quan; thảo luận dưới các hình thức hội nghị khoa học...
- Khai thác các thông tin, tài liệu đã thu thập và diễn đạt các nội dung trong bài viết.
Người viết bài tiến hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá, phân loại các thông tin, tài liệu đã thu thập được thành từng nhóm nội dung công tác có liên quan. Ví dụ: Nhóm nội dung phản ánh về hoạt động tuyên truyền giáo dục; về quản lý cá biệt; về phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan... để quản lý người chưa thành niên, phòng ngừa họ phạm tội.
Sau đó sắp xếp, diễn đạt các nội dung này vào bài viết theo trình tự thực tế đã tiến hành hoặc theo tính chất, mức độ quan trọng hay hiệu quả của từng nội dung công tác một cách hợp lý.
Khi diễn đạt một nội dung trong bài viết, người viết cần đảm bảo tính thuyết phục, qua việc sử dụng hai loại luận cứ: Luận cứ lý thuyết, là các luận điểm khoa học đã được chứng minh. Luận cứ lý thuyết được khai thác từ tài liệu, công trình khoa học của những người nghiên cứu đi trước. Việc sử dụng luận cứ lý thuyết sẽ giúp người nghiên cứu tiết kiệm thời gian, không mất thời gian để chứng minh lại những gì mà người khác đã chứng minh; luận cứ thực tiễn, là những vấn đề được thu thập từ trong thực tiễn bằng cách quan sát, thực nghiệm, khảo sát, tổng kết kinh nghiệm hay phỏng vấn, điều tra hoặc khai thác từ các công trình nghiên cứu...[5]
- Bố cục của bài viết thường bao gồm 3 phần, bao gồm:
+ Đặt vấn đề nghiên cứu: Đặc điểm, tình hình chung của địa bàn hoặc vấn đề mới đặt ra.
Đặc điểm kinh tế, xã hội, dân cư. của địa bàn.
Yêu cầu đặt ra đối với công tác công an để đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn.
Vấn đề mới đặt ra về pháp luật, nghiệp vụ cần nhận thức.
+ Đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp đảm bảo ANTT trên địa bàn hoặc các hoạt động nghiệp vụ đã được triển khai trong thực tiễn.
Kết quả thực hiện các biện pháp, hoạt động nghiệp vụ, giải pháp xã hội. nhằm đảm bảo ANTT trên địa bàn, như: Những việc đã làm được (nêu bật cải tiến, đổi mới, hiệu quả trong công tác), việc chưa làm được. Mỗi vấn đề nêu ra phải phân tích, đánh giá và có tư liệu, số liệu minh họa.
Nguyên nhân của những kết quả đạt được, hạn chế và khó khăn cần khắc phục hoặc những nhận thức, vận dụng chưa phù hợp.
+ Đề xuất giải pháp cần chú trọng tiến hành, cần nâng cao hiệu quả khi thực hiện các biện pháp, hoạt động nghiệp vụ hoặc vấn đề cần nhận thức, cần thực hiện thống nhất trong thời gian tới.
4. Yêu cầu về kỹ thuật đối với bài viết
Bài viết phải ngắn gọn, súc tích, nhiều thông tin, không sai ngữ pháp; bài viết thể hiện dưới các hình thức: Bài phản ánh, bình luận, chuyên luận...; bài viết phải đảm bảo các yêu cầu quy định về chất lượng khoa học và thể thức đăng bài theo quy định của Ban biên tập Tạp chí Khoa học CSND; bài viết nên có hình ảnh minh họa; bài viết được gửi bản in và file mềm về Tòa soạn theo địa chỉ, thời gian quy định.
Trong quá trình viết bài, khi cần tác giả có thể trao đổi với Ban Biên tập (biên tập viên về nội dung, bố cục, hình thức thể hiện bài viết) theo địa chỉ ghi trên phiếu đặt bài.
Trên đây là ý kiến trao đổi về phương pháp viết bài đăng trên Tạp chí Khoa học Giáo dục CSND. Để có bài viết đảm bảo chất lượng đòi hỏi người viết phải có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực nghiên cứu, bên cạnh đó cần có quá trình khảo sát, trải nghiệm thực tiễn thì bài viết mới đáp ứng yêu cầu khoa học và có giá trị trong thực tiễn.
Tài liệu tham khảo
1. Vũ Cao Đàm, Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, Nxb Khoa học & Kỹ thuật, Hà nội, 2006.
2. TS Đinh Huy Liêm, Phương pháp nghiên cứu khoa học, Nxb CAND, Hà Nội, năm 2014.
3. PGS, TS. Nguyễn Văn Lê, Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà nội, 2004.
4. Trường Đại học CSND, Quy định về chất lượng khoa học và thể thức đăng bài đối với Tạp chí Khoa học CSND.
Tác giả: Phùng Văn Bách
- Chuẩn đầu vào và chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ bậc thạc sĩ theo các thông tư mới (06.10.2021)
- Thông tư ban hành nội quy cơ sở lưu trú (03.10.2021)
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định về thương mại điện tử (01.10.2021)
- Thực hành dân chủ XHCN, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII (28.09.2021)
- Phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên (15.09.2021)
- Những điểm mới và quan trọng nhất của Luật Cảnh sát biển Việt Nam (14.09.2021)
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cơ duyên với nền giáo dục nước nhà (12.08.2021)
- Đồng chí Lê Quang Đạo: Tấm gương thực hành dân chủ và lấy dân làm gốc (08.08.2021)
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Tôi là một vị tướng và là một nhà báo!” (06.08.2021)