Bình đẳng giới là một trong những vấn đề xã hội mang tính toàn cầu, được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm và cùng thống nhất hành động giải quyết để đạt được sự bình đẳng thực sự giữa nam và nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.[1] Tại khoản 3 Điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định: “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”.
Ảnh minh hoạ
Quyền bình đẳng giới là một trong những quyền cơ bản, quan trọng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và được pháp luật của các quốc gia quy định cụ thể, bảo đảm quyền bình đẳng ngang nhau trong việc tham gia tất cả các hoạt động của đời sống xã hội của công dân đặc biệt là của người nữ so với nam giới. Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, phụ nữ đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp phụ nữ luôn là đối tượng yếu thế, chịu nhiều thiệt thòi, ít có điều kiện tiếp cận với pháp luật, bị phân biệt đối xử, là nạn nhân của nạn bạo lực gia đình, tội phạm tình dục, tội phạm buôn bán phụ nữ, sự nghèo đói, lạc hậu và phụ thuộc đặc biệt là phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo,…
Do đó, BLHS Việt Nam quy định bất kỳ ai có hành vi xâm phạm đến quyền bình đẳng giới đều bị xử lý theo quy định pháp luật. Cụ thể: Bộ luật hình sự năm 1999 quy định tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ[2]. Trên cơ sở kế thừa quy định BLHS năm 1999, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) được Quốc Hội nước CHXHCNVN thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV ngày 20/6/2017 gồm có 26 chương với 426 điều, quy định tội xâm phạm quyền bình đẳng giới.
Điều 165. Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới
“1. Người nào vì lý do giới mà thực hiện hành vi dưới bất kỳ hình thức nào cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Việc quy định tội xâm phạm quyền bình đẳng giới so với tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ theo BLHS năm 1999 là mở rộng phạm vi áp dụng, không chỉ đối với phụ nữ mà đối với tất cả mọi người, cả đối với nam giới, những người đồng tính và những người có khiếm khuyết về giới, bảo đảm theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và Luật Bình đẳng giới năm 2016. Nếu trước đây, xã hội còn có tư tưởng trọng nam khinh nữ, nên mọi tuyên ngôn hay các cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng, cũng là đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Tuy nhiên, xã hội càng phát triển thì không chỉ có quyền của phụ nữ mà còn có cả quyền của nam giới và của những người đồng tính và người chuyển đổi giới cũng cần được bảo vệ và được bình đẳng với mọi người khác. Do đó, khái niệm bình đẳng phụ nữ không còn phù hợp với xu thế phát triển của xã hội nữa mà hiện nay khi nói đến bình đẳng giới là muốn nói nam giới và nữ giới, và cả cộng đồng người đồng tính và người chuyển giới cần nhận được đối xử công bằng trong tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội và quyền con người, quyền công dân như: giáo dục, y tế, văn hóa, hôn nhân, gia đình, việc làm, chính sách phúc lợi…
1. Khái niệm tội xâm phạm quyền bình đẳng giới
Xâm phạm quyền bình đẳng giới là hành vi cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế dưới bất kỳ hình thức nào vì lý do giới[3].
Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới là hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định tại Điều 165 BLHS năm 2015, là trường hợp vì lý do giới mà thực hiện hành vi dưới bất kì hình thức nào cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá, thông tin, thể dục thể thao, y tế[4].
2. Dấu hiệu pháp lý của tội xâm phạm quyền bình đẳng giới
Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới có các dấu hiệu pháp lý sau:
Thứ nhất, về khách thể của tội phạm
Tội phạm xâm phạm vào quyền bình đẳng giới được Luật hình sự quy định và bảo vệ. Đó là quyền bình đẳng về giới của con người nhất là quyền bình đẳng của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Quyền bình đẳng giới được đề cập khá sớm trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp năm 1946: bình đẳng giới thể hiện bằng nội dung “không phân biệt giống nòi, gái trai” (Điều 1) và “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (Điều 9). Qua các lần sửa đổi Hiến pháp (năm 1959, năm 1980, năm 1992 và năm 2013) nội dung bình đẳng giới đã được ghi nhận một cách rõ ràng và cụ thể hơn, tại Điều 26, Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định rõ: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.” Ngoài Hiến pháp còn có Luật Bình đẳng giới năm 2006 và một số đạo luật như: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, Luật Phòng, chống mua bán người năm 2012, Bộ luật lao động năm 2012, Luật Việc làm năm 2013 quy định về bình đẳng giới ở Việt Nam cũng như được lồng ghép vấn đề giới.
Đối tượng bị phân biệt thường là phụ nữ hoặc người đồng tính, chuyển giới, cũng có trường hợp là nam giới.
Thứ hai, về mặt khách quan của tội phạm
Một là. về hành vi khách quan
BLHS năm 2015 đã quy định cụ thể hành vi khách quan là hành vi cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế dưới bất kỳ hình thức nào vì lý do giới tính. Hành vi cản trở có thể là hành vi ngăn cản, làm cho người khác không thể hoặc không dám tham gia vào các hoạt động này hoặc cho phép tham gia nhưng có sự phân biệt đối xử.
Hành vi có thể thực hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động nhưng chủ yếu dưới dạng hành động, cụ thể như là:
+ Hành vi dùng vũ lực để cản trở họ không được tham gia các hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế là dùng sức mạnh thể chất tác động vào thân thể của nạn nhân như: đánh, trói, nhốt trong buồng, trong hầm để nạn nhân không tham gia được các hoạt động kể trên.
+ Đe dọa dùng vũ lực.
+ Uy hiếp, đe doạ sẽ gây thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần nạn nhân như: dọa sẽ ly hôn nếu cứ tham gia, dọa công bố bí mật đời tư, dọa đuổi việc, cắt tiền thưởng, tiền lương, nhạo báng...
+ Các thủ đoạn khác gây cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế như buộc phụ nữ phải làm việc trong điều kiện môi trường tồi tệ hơn nam giới; không cho nam giới thực hiện các đề tài khoa học, biểu diễn hay đi học tập ở nước ngoài khi cùng điều kiện như nữ giới…
Khi xác định hành vi khách quan của tội xâm phạm quyền bình đẳng giới cần chú ý: Nếu người phạm tội dùng vũ lực để cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế mà gây thương tích cho người bị cản trợ hoặc gây chết người thì người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng, ngoài tội xâm phạm quyền bình đẳng giới.
Hai là, về hậu quả của tội phạm
Hậu quả của tội “Xâm phạm quyền bình đẳng giới” là những thiệt hại do hành vi cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế.
Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Người phạm tội có thể đã có hành vi cản trở nhưng người bị cản trở vẫn tham gia được vào các họa động trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.
Những thiệt hại của tội phạmnày có thể là thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần, nhưng chủ yếu là thiệt hại về tinh thần mà trực tiếp là các quyền của con người bị xâm phạm. Nếu có thiệt hại về vật chất thì những thiệt hại đó chỉ là gián tiếp do hành vi xâm phạm quyền bình đẳng của con người gây ra.
Đối với các thiệt hại khác như tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của nạn nhân, nếu cấu thành tội phạm độc lập thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng với hành vi và hậu quả đã gây ra cho bị hại.
Thứ ba, về mặt chủ quan của tội phạm
Tội “Xâm phạm quyền bình đẳng giới” được thực hiện do lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là xâm phạm quyền bình đẳng giới, cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Động cơ phạm tội: Điều luật quy định lý do mà chủ thể thực hiện hành vi cản trở người khác tham gia các hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế là “vì lí do giới”. Đây là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Vì lí do giới thể hiện sự không tôn trọng quyền bình đẳng giới mà chủ thể thực hiện hành vi cản trở người khác tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bị hại bị cản trở như vậy là vì họ là nam hoặc là nữ tùy thuộc vào định kiến đối với nam hay nữ.
Mục đích của người phạm tội là mong muốn người khác giới không tham gia được các hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế.
Thứ tư, về chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này là cá nhân con người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt đủ độ tuổi theo quy định của BLHS. Theo Điều 12 Bộ luật Hình sự, người từ đủ 16 tuổi trở lên là chủ thể của tội phạm này. Điều luật cũng quy định trách nhiệm hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Tuy nhiên cả 2 khoản của Điều 165 quy định tội “Xâm phạm quyền bình đẳng giới” đều thuộc nhóm tội phạm ít nghiêm trọng. Do đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
Tội phạm có thể được thực hiện độc lập hoặc dưới hình thức đồng phạm. Trong trường hợp là vụ án đồng phạm, các chủ thể có thể cùng là người thực hành, cùng trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Nhưng cũng có thể có sự phân chia nhiệm vụ đối với từng đồng phạm như người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Thông thường người phạm tội thường là người khác giới đối với nạn nhân. Thực tế thường thấy đó là người phụ nữ bị đối xử bất bình đẳng do quan niệm trọng nam khinh nữ. Cá biệt ở một số dân tộc ở Việt Nam vẫn theo chế độ mẫu hệ, đề cao vai trò người phụ nữ dẫn đến tình trạng trọng nữ khinh nam.
Theo quy định của điều luật, chủ thể của tội phạm còn đòi hỏi là người đã bị xử lý kỷ luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm phạm quyền bình đẳng giới:
+ Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm là trước đó đã có lần xâm phạm quyền bình đẳng giới, đã bị xử lý bằng một trong những hình thức kỷ luật theo quy định của Nhà nước hoặc theo quy định trong Điều lệ của tổ chức và chưa hết thời hạn được xóa kỷ luật, nay lại có hành vi xâm phạm quyền bình đẳng của con người. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý kỷ luật, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi xâm phạm quyền bình đẳng giới thì cũng không cấu thành tội phạm này.
+ Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm là trước đó đã có lần xâm phạm quyền bình đẳng giới của người khác, đã bị xử phạt hành chính bằng một trong những hình thức xử phạt hành chính hoặc bằng một trong những hình thức xử lý hành chính khác theo quy định của Luật Xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính, nay lại có hành vi xâm phạm quyền bình đẳng giới của con người. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý hành chính, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi xâm phạm quyền bình đẳng giới của con người thì cũng không cấu thành tội phạm này.
Thứ năm, về hình phạt
Điều 165 Bộ luật Hình sự quy định khung hình phạt đối với người phạm tội với 2 khoản và khoản 3 là hình phạt bổ sung.
Khoản 1 của điều luật quy định khung hình phạt cơ bản là phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
Khoản 2 của điều luật quy định khung hình phạt tăng nặng là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm khi người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn: Đây là trường hợp người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn nhất định và đã sử dụng vị thế này để xâm phạm quyền bình đẳng giới; nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện việc xâm phạm quyền bình đẳng giới; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện tội phạm một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, người phạm tội có việc lợi dụng chức vụ để phạm tội thì mới bị coi là có tình tiết tăng nặng. Nếu tội phạm do họ thực hiện không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của họ thì dù họ có chức vụ, quyền hạn thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội này.
b) Phạm tội 02 lần trở lên: Đây là trường hợp người phạm tội đã thực hiện tội xâm phạm quyền bình đẳng giới ít nhất 02 lần nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và các hành vi phạm tội đều còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 27 BLHS. Trường hợp người phạm tội phạm tội 2 lần với 2 tội khác nhau thì sẽ bị xử lý hình sự về 2 tội khác nhau không thuộc trường hợp này.
c) Đối với 02 người trở lên: Đây là trường hợp người phạm tội xâm phạm quyền bình đẳng giới của 02 người trở lên.
Ngoài ra, hình phạt bổ dung của điều luật tại khoản 3 còn quy định: người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
3. Một số vướng mắc, bất cập
Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định nam, nữ bình đẳng trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá, thông tin, thể dục thể thao, y tế, gia đình. (Các điều từ Điều 11 đến Điều 18). Nội dung của Điều 165 Bộ luật Hình sự đã liệt kê các hành vi xâm phạm quyền bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế là tương đối đầy đủ, tuy nhiên còn thiếu lĩnh vực rất quan trọng đó là quan hệ gia đình đã được Luật Bình đẳng giới quy định tại Điều 18. Điều này vô hình chung làm thu hẹp cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền bình đẳng giới nhất là quyền bình đẳng giới của phụ nữ.
Về hình phạt của tội “Xâm phạm quyền bình đẳng giới” tại Điều 165 Bộ luật Hình sự hiện nay còn nhẹ và chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tính chất, vai trò tầm quan trọng của các hành vi xâm phạm đến quyền bình đẳng giới nói riêng; chưa tạo được cơ sở pháp lý đủ sức răn đe phòng ngừa đối với các hành vi xâm phạm tới quyền bình đẳng về giới, đặc biệt là các hành vi xâm phạm đến quyền bình đẳng của phụ nữ đang ngày càng tinh vi và phức tạp hơn. Do vậy, cần thiết phải tăng mức hình phạt được quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự để đáp ứng tốt hơn yêu cầu đấu tranh phòng ngừa tội phạm và bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền bình đẳng về giới được Hiến pháp quy định.
Tóm lại, về bản chất, quy định của Điều 165 BLHS năm 2015 tương tự quy định tại Điều 130 BLHS năm 1999 về hành vi như: “hành vi dùng vũ lực hoặc có hành vi nghiêm trọng khác cản trở phụ nữ ttham gia hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa, xã hội” song quy định của BLHS năm 2015 đã hoàn thiện hơn trong cách diễn đạt và mức độ bao quát hành vi. Tuy nhiên, bên cạnh đó, quy định này còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập cần thiết được nghiên cứu, sửa đổi trong thời gian tới để đảm bảo quyền bình đẳng giới trong xã hội và thực thi các chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước ta về chính sách đối với phụ nữ, vì sự tiến bộ của phụ nữ./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ luật hình sự năm 2015
2. Luật Bình đẳng giới năm 2006
3. Nguyễn Thị Phương Hoa, Phan Anh Tuấn (2017), Bình luận khoa học Những điểm mới của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Nxb. Hồng Đức.
4. Đinh Văn Quế (2019), Bình luận Bộ luật hình sự năm 2015 Phần thứ 2: Các tội phạm: Chương XV: Các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; Chương XXIII: Các tội phạm về chức vụ (Bình luận chuyên sâu), Nxb. Thông tin và truyền thông.
5. Phan Thị Thanh Tâm, Ngô Thị Thùy Trang (2021), Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, Trang Thông tin điện tử Trường Đại học CSND, https://dhcsnd.edu.vn/nang-cao-nhan-thuc-ve-binh-dang-gioi
[1] Phan Thị Thanh Tâm, Ngô Thị Thùy Trang, Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, Trang Thông tin điện tử Trường Đại học CSND, https://dhcsnd.edu.vn/nang-cao-nhan-thuc-ve-binh-dang-gioi (truy cập ngày 20/7/2022)
[2] Điều 130 BLHS năm 1999.
[3] Đinh Văn Quế (2019), Bình luận Bộ luật hình sự năm 2015 Phần thứ 2: Các tội phạm: Chương XV: Các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; Chương XXIII: Các tội phạm về chức vụ (Bình luận chuyên sâu), Nxb. Thông tin và truyền thông.
[4] Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định nam, nữ bình đẳng trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá, thông tin, thể dục thể thao, y tế, gia đình. (Các điều từ Điều 11 đến Điều 18).
Tác giả: ThS. Ngô Thị Thùy Trang
- Một số điểm mới của luật Căn cước 2023 (31.05.2024)
- “Bùng nổ thương mại điện tử và cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (28.05.2024)
- 8 nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2023 (27.05.2024)
- Chớ “lớn tiếng” xuyên tạc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam! (26.05.2024)
- Nghị định mới về hoạt động thông tin cơ sở (25.05.2024)
- Tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp (22.05.2024)
- Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (19.05.2024)
- Tìm hiểu về Cuốn sách “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” (18.05.2024)
- Đồng chí Đào Duy Tùng với công cuộc đổi mới đất nước (17.05.2024)