Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 01 ngày 8/2/2022 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Trước bối cảnh đại dịch COVID-19 dự báo thời gian tới còn diễn biến phức tạp, khó lường và biến động của tình hình quốc tế, khu vực, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành và địa phương thực hiện đa mục tiêu trong phòng chống dịch COVID – 19, sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời gian để đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngay sau kỳ nghỉ Tết, phải bắt tay ngay vào công việc để thúc đẩy mạnh mẽ và từng bước nhanh chóng mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, các hoạt động kinh tế - xã hội, tạo khí thế phấn khởi ngay từ đầu năm để phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra của năm 2022.
Tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh; tiếp tục tập trung nguồn lực, tổ chức thực hiện thần tốc Chiến dịch tiêm vaccine mùa Xuân năm 2022. Khẩn trương triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ; bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là nhiệm vụ phải thực hiện trong quý I năm 2022. Tập trung rà soát sửa đổi văn bản, tăng đối thoại, tham vấn, tiếp thu ý kiến hiệp hội, doanh nghiệp, tháo gỡ ngay vướng mắc.
Thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Khẩn trương phân khai chi tiết dự toán chi, đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công ngay từ đầu năm 2022. Giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, chủ động xả trạm (mở ba-ri-e) để giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc kéo dài nhất là các tuyến kết nối khu vực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đầu mối giao thông lớn; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm, gian lận xuất xứ hàng hóa.
Tổ chức triển khai ngay các nhiệm vụ được giao tại Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025. Đồng thời tiếp tục duy trì, phát triển các hoạt động trực tuyến, ứng dụng công nghệ số trên các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội.
Tập trung triển khai việc mua, tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tiếp tục rà soát, hướng dẫn và triển khai thực hiện các biện pháp y tế, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với lộ trình mở cửa lại du lịch, vận tải hàng không, các hoạt động dịch vụ giải trí, văn hóa, nghệ thuật, thể thao và mở cửa lại trường học. Rà soát, thực hiện tốt chính sách, chế độ đãi ngộ, động viên đội ngũ y, bác sỹ, các lực lượng tuyến đầu, người tình nguyện tham gia phòng, chống dịch, không để ai bị thiệt thòi, bất bình đẳng trong quá trình tham gia phòng, chống dịch.
Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Có các giải pháp kịp thời, phù hợp để duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hệ thống các tổ chức tín dụng. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Có giải pháp huy động nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí.
Kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết, hỗ trợ người lao động quay trở lại nơi làm việc, nhất là các khu vực đang vào đà phục hồi, khôi phục và phát triển. Tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung cầu lao động, đáp ứng đủ lao động cho các địa phương, nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm, các ngành nghề sử dụng nhiều lao động.
Theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các hàng hóa thiết yếu như xăng dầu, vật tư nông nghiệp… để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung, gây bất ổn thị trường; kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật, trục lợi bất chính. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi chuỗi cung ứng, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia để sớm đi vào vận hành, tạo năng lực sản xuất mới.
Bố trí đủ phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại sau Tết của nhân dân, không để hành khách không có phương tiện trở lại làm việc, học tập; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tăng giá vé trái quy định; tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm điều kiện về an toàn đối với kết cấu hạ tầng, phương tiện và dịch vụ vận tải.
Kịp thời công bố lộ trình và triển khai thực hiện mở cửa lại du lịch, các ngành giải trí, văn hóa, nghệ thuật, thể thao gắn với các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh; Lên kế hoạch và triển khai kiểm tra các địa phương, các cơ sở giáo dục đại học về việc đưa học sinh, sinh viên đi học trực tiếp gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 phấn đấu trước ngày 14/2/2022; kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong việc dạy học trực tiếp để có biện pháp tháo gỡ theo thẩm quyền và đề xuất nếu vượt quá thẩm quyền.
Khẩn trương kết thúc các cuộc thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch. Rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Thực hiện nghiêm chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh những hành vi phạm tội liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, các dự án đầu tư công của ngành giao thông vận tải; việc cấp phép khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá, cát, sỏi) ở các địa phương.
Bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các mục tiêu, công trình trọng điểm, sự kiện chính trị, văn hóa, đối ngoại quan trọng của đất nước. Tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm tham nhũng, đặc biệt cần đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trung ương theo dõi, chỉ đạo. Tiếp tục đẩy mạnh tiến độ các đề án, dự án lớn, quan trọng....
Văn Long
(Tổng hợp)
- Bồi dưỡng kiến thức an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (23.12.2023)
- Phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam (22.12.2023)
- Dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ (22.12.2023)
- Bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, an ninh kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế (21.12.2023)
- Trường Đại học CSND chúc mừng Bộ tư lệnh quân khu 7 nhân kỷ niệm 79 năm ngày Thành lập QĐND Việt Nam (21.12.2023)
- Bế giảng khoá LT7T – T48 (19.12.2023)
- Lễ trao tặng huy hiệu Đảng và trao các Quyết đinh bổ nhiệm chức danh năm 2023 (18.12.2023)
- Bế giảng Khoá D29S - Đào tạo đại học chính quy cho cán bộ thuộc Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia (18.12.2023)
- Trường Đại học CSND giành giải Nhất toàn đoàn giải Việt dã chào mừng ngày thành lập QĐND Việt Nam (17.12.2023)