Ngày 12/11/2021, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (với 466/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,39%). Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2021. Theo đó, có 03 nội dung quan trọng được sửa đổi, bổ sung bao gồm: (1) Bổ sung trách nhiệm cho Công an xã trong việc kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm; (2) Sửa đổi khoản 1 Điều 155, khoản 8 Điều 157 của Bộ luât Tố tụng hình sự (BLTTHS) theo hướng cho phép cơ quan có thẩm quyền chủ động khởi tố (không cần yêu cầu khởi tố của bị hại) đối với hành vi cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý; (3) Bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh tại các Điều 148, Điều 229 Điều 247 của BLTTHS năm 2015. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích cơ sở, nội dung Bổ sung trách nhiệm cho Công an xã trong việc kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm; trên cơ sở đó làm rõ những vấn đề cần chú ý trong công tác nghiên cứu, giảng dạy pháp luật tại Trường Đại học CSND.
1. Cơ sở tăng thẩm quyền của Công an xã trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm
Thứ nhất, cơ sở pháp lý
Theo quy định khoản 3 Điều 146 của BLTTHS năm 2015 thì trách nhiệm của Công an xã khác so với Công an phường, thị trấn, Đồn Công an. Cụ thể: (1) Công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền; (2) Công an phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật, có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Đồng thời, khoản 1, khoản 2 Điều 44 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự quy định Công an xã không được tiến hành “kiểm tra, xác minh sơ bộ” trước khi chuyển cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Quy định này là phù hợp đối với giai đoạn Công an xã chưa được bố trí Công an chính quy. Tuy nhiên, hiện nay Công an xã được được bố trí Công an chính quy, nếu vẫn giữ nguyên việc phân định trách nhiệm của Công an xã như hiện nay sẽ không còn phù hợp. Có thời điểm số lượng tin báo, tố giác về tội phạm do Công an xã tiếp nhận nhiều, nếu giữ nguyên quy định như hiện tại, thì sau khi tiếp nhận, ghi lời khai ban đầu trong thời gian 24 giờ và chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền có thể dẫn đến việc phân loại chưa thực sự chính xác sự việc, không phát huy được vai trò Công an xã chính quy; không giảm tải công việc cho Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp huyện, không kịp thời phân loại, giải quyết ngay từ cơ sở những vụ việc liên quan đến ANTT, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, Nghị định số 42/2021/NĐ-CP Bộ Công an đang tiếp tục bố trí cán bộ, chiến sĩ để tăng cường cho Công an xã. Theo đó, năng lực của Công an xã ngày được tăng lên về mọi mặt, đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và trách nhiệm trong hoạt động điều tra hình sự. Theo đó, việc quy định trách nhiệm của Công an xã trong hoạt động điều tra hình sự như tại khoản 3 Điều 146 BLTTHS năm 2015 và Điều 44 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, chưa tạo ra cơ sở pháp lý đầy đủ để phát huy được nguồn lực của Công an xã để giảm tải nhiệm vụ của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện trong hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; chưa giải quyết khó khăn, vướng mắc ngay tại địa bàn cơ sở do diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Thứ hai, cơ sở thực tiễn
Việc tăng thẩm quyền cho Công an xã trong việc kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm còn xuất phát từ kết quả việc thực hiện trách nhiệm của công an xã trong hoạt động điều tra hình sự. Như đã phân tích ở trên việc thực hiện thẩm quyền kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã hiện tại được thực hiện theo quy định tại Điều 44 (Trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an) của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và khoản 3 Điều 146 BLTTHS năm 2015. Bên cạnh đó, kể từ ngày 01/01/2018, việc tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm của Công an xã cũng được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố và Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân.
Thực hiện các quy định nêu trên, lực lượng Công an xã đã đạt được những kết quả quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều tra hình sự, cụ thể như sau:
- Việc tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm: Trong khoảng thời gian từ 01/10/2017 đến hết tháng 6/2021 lực lượng Công an xã đã tiếp nhận, xử lý 137.157 tố giác, tin báo về tội phạm (trung bình mỗi năm tiếp nhận, xử lý 36.575 tố giác tin báo về tội phạm chiếm tỷ lệ 30,47% tổng số tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố do lực lượng Công an thụ lý giải quyết hàng năm), trong đó: Số tố giác, tin báo đã tiếp nhận Công an xã chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền: 57.773 (chiếm tỷ lệ 40,26% số tố giác, tin báo về tội phạm đã tiếp nhận); số tố giác, tin báo Công an xã sau khi tiếp nhận đã lập biên bản và lấy lời khai ban đầu: 84.889 (chiếm tỷ lệ 59,74% số tố giác, tin báo về tội phạm đã tiếp nhận). Bên cạnh đó Công an xã bắt giữ, tiếp nhận 18.969 người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã[1].
- Việc tiếp nhận, xử lý ban đầu tố giác, tin báo về hành vi phạm tội đang diễn ra hoặc hành vi phạm tội xảy ra vừa kết thúc thì bị phát hiện. Công an xã đã thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý ban đầu các tin báo, tố giác đối với hành vi phạm tội đang xảy ra hoặc xảy ra vừa kết thúc thì bị phát hiện. Khi nhận được tin báo, Công an xã đều nhanh chóng, kịp thời cử lực lượng đến tham gia bảo vệ hiện trường và tiến hành các biện pháp cấp bách tại hiện trường như: Ngăn chặn ngay hành vi phạm tội đang xảy ra hoặc có thể tiếp tục xảy ra; tiến hành bắt người phạm tội quả tang, truy bắt đối tượng thực hiện hành vi phạm tội theo dấu vết nóng; ngăn chặn việc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ hoặc tẩu tán tang vật; đánh dấu các vị trí, cũng như bảo vệ các dấu vết của hiện trường và cấp cứu người bị nạn; ghi lời khai ngay của những người có liên quan đến vụ việc phạm tội đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Kết quả tham gia của Công an xã vào công tác điều tra hình sự đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở, kéo giảm tội phạm, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng Công an nhân dân trong giai đoạn hiện nay.
- Việc phối hợp tham gia của Công an xã vào công tác điều tra hình sự:
+ Trong những năm qua, lực lượng Công an xã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phối hợp với Cơ quan Cơ quan điều tra các cấp tham gia vào công tác điều tra hình sự. Tuy nhiên trước khi thực hiện Đề án của Bộ Công an về bố trí Công an chính quy đảm nhận chức danh Công an xã, lực lượng Công an xã là lực lượng bán chuyên trách, chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ Công an nên trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn trong hoạt động điều tra hình sự còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao. Khi tiến hành bố trí Công an chính quy về xã, lực lượng Công an xã đã được kiện toàn và hoạt động có hiệu quả. Việc tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự đã được thực hiện đầy đủ, hiệu quả hơn. Công an xã đã làm tốt công tác cung cấp lý lịch cá nhân, lý lịch bị can; phối hợp với Cơ quan điều tra các cấp thực hiện, triệu tập, mời người làm chứng, người chứng kiến, bị hại, người có liên quan để thực hiện công tác điều tra, xác minh và các biện pháp điều tra. Do vậy, trong thời gian vừa qua, hiệu quả của công tác điều tra hình sự cũng đã từng bước được nâng lên rõ rệt. Quá trình thực hiện nhiệm vụ lực lượng Công an xã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng nhân dân trên địa bàn tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng thế trận an ninh nhân dân góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn các xã, phường, thị trấn.
+ Công tác phối hợp xác minh, truy bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú: Công an xã đã thực hiện tốt làm tốt công tác quản lý cư trú trên địa bàn mình quản lý để phát hiện các trường hợp tạm trú có dấu hiệu nghi ngờ để rà soát với dữ liệu thông tin về truy nã; thực hiện tốt công tác phối hợp, xác minh các nhân khẩu, hộ khẩu để phát hiện đối tượng truy nã (phương châm đi từng nhà, rà từng đối tượng); ngoài ra, nhiều địa phương trên cả nước triển khai mô hình không để phát sinh đối tượng truy nã. Kết quả, Công an xã đã phối hợp với Cơ quan điều tra các cấp xác minh, truy bắt được nhiều đối tượng truy nã, góp phần kéo giảm số đối tượng truy nã hiện còn, nâng cao hiệu quả công tác truy nã tội phạm trong giai đoạn hiện nay, cụ thể: Nam Định 411 đối tượng; Gia Lai 373 đối tượng; Bình Dương 318 đối tượng; Đồng Tháp 235 đối tượng; Phú Thọ 222 đối tượng; Cà Mau 207 đối tượng; An Giang 191 đối tượng; Bình Thuận 184 đối tượng; Đăk Nông 170 đối tượng; Bắc Ninh 135 đối tượng; Quảng Ninh 93 đối tượng[2].
2. Nội dung tăng thẩm quyền Công an xã trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm
Hiện nay, tất cả công an xã đã được Bộ Công an tổ chức chính quy, đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, xử lý ngay các vụ việc tại địa bàn cơ sở. Tuy nhiên, khoản 3, Điều 146 BLTTHS năm 2015 và Điều 44 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 chưa quy định công an xã được kiểm tra, xác minh sơ bộ trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm như công an phường, thị trấn, đồn công an.
Trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung Điều 44 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự quy định về trách nhiệm của công an xã, phường, thị trấn, đồn công an. Theo đó, công an xã, phường, thị trấn, đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Trường hợp công an xã, phường, thị trấn, đồn công an phát hiện, bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt đến cơ quan công an cấp trên trực tiếp hoặc báo ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Như vậy, theo quy định hiện mới (chính thức có hiệu lực ngày 01/12/2021) Công an xã không chỉ có thẩm quyền “tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu” mà còn được “tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ” tố giác, tin báo về tội phạm.
Quy định trên đã thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về bố trí Công an xã chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã[3], thực hiện quy định của pháp luật[4], với phương châm “bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, hiện nay, lực lượng Công an xã - đã được tổ chức chính quy (về chức danh, cơ cấu lực lượng, năng lực, trách nhiệm…) là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn xã; đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp như hiện nay thì Công an xã càng đóng vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cần thiết phải xử lý ngay vụ việc tại địa bàn cơ sở. Do vậy, việc bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã (tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an) trong BLTTHS là cần thiết để tăng cường vai trò của Công an xã, đồng thời kịp thời giảm tải khối lượng công việc hiện đang rất lớn cho Cơ quan điều tra Công an cấp huyện, giải quyết khó khăn, vướng mắc cấp bách trong hoạt động điều tra hình sự do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 từ địa bàn cấp cơ sở.
3. Những vấn đề đặt ra đối với công tác nghiên cứu, giảng dạy pháp luật tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
Thứ nhất, cần tiến hành rà soát chỉnh lý, cập nhật quy định mới về thẩm của Công an xã trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Hiện nay, việc giảng dạy học phần Luật Tố tụng hình sự tại Trường Đại học CSND đang sử dụng Tập bài giảng Luật Tố tụng hình sự được ban hành vào năm 2019. Tài liệu này được biên soạn dựa trên Bộ luật TTHS năm 2015 và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015. Do đó, để đảm bảo tính pháp lý, tính kịp thời đòi hỏi Khoa Luật phải tiến hành rà soát chỉnh lý cho phù hợp với những nội dung đã được sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó hệ thống các chuyên đề, tài liệu dạy học có liên quan đến nội dung này cũng cần phải tiến hành rà soát, chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung đã được sửa đổi, bổ sung.
Thứ hai, chủ động rà soát hệ thống kế hoạch dạy học thuộc học phần Luật Tố tụng hình sự. Theo đó, bổ sung các nội dung sửa đổi về thẩm quyền của Công an xã trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Đặc biệt là đối với chuyên ngành Quản lý hành chính về trật tự xã hội cần bổ sung và xác định đây là một trong những nội dung trọng tâm trong quá trình giảng dạy môn Luật Tố tụng hình sự.
Thứ ba, chủ động tổ chức sinh hoạt chuyên môn bằng nhiều hình thức khác nhau để triển khai nội dung mới về thẩm quyền của Công an xã trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nói riêng và các nội dung được sửa đổi, bổ sung nói chung. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, cần chủ động ứng dụng công nghệ thông tin tổ chức các buổi Toạ đàm trực tuyến với sự tham gia của giảng viên, sinh viên trong trường và các chuyên gia pháp lý.
Thứ năm, rà soát kiến chỉnh lý, sửa đổi chương trình đào tạo cho phù hợp với tình hình mới. Hiện nay theo chương trình đào tạo dùng cho bậc Đại học CSND hệ chính quy 4 năm theo tín chỉ và bậc Đại học CSND hệ vừa làm vừa học theo tín chỉ, đối với chuyên ngành Quản lý hành chính về trật tự xã hội, học phần Luật Tố tụng hình sự (PL06) chỉ có 02 tín chỉ. Với thời lượng như vậy, trong quá trình giảng dạy không đáp ứng được yêu cầu đào tạo lực lượng Công an cấp xã để đáp ứng với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ mới. Do đó, việc kiến nghị sửa đổi chương trình đào tạo tăng thời lượng giảng dạy Học phần Luật Tố tụng hình sự đối với chuyên ngành Quản lý hành chính về trật tự xã hội.
[1] Báo cáo số 1038 /BC-BCA, ngày 02/9/2021 của Bộ Công an Tổng kết thực tiễn thi hành trách nhiệm của Công an xã trong điều tra hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015; thi hành Điều 148 và Điều 229 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 đến nay.
[2] Báo cáo số 1038 /BC-BCA, ngày 02/9/2021 của Bộ Công an Tổng kết thực tiễn thi hành trách nhiệm của Công an xã trong điều tra hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015; thi hành Điều 148 và Điều 229 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 đến nay.
[3] Tại Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
[4] Luật Công an nhân dân năm 2018, Nghị định số 42/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy.
Tác giả: Thiếu tá, Ths. Huỳnh Trung Hậu
- Nhận diện âm mưu, thủ đoạn phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời đại số (16.03.2023)
- Cảnh giác với các thủ đoạn gọi điện thoại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản (16.03.2023)
- Tập huấn công tác nghiệp vụ cho lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Long An (10.03.2023)
- 75 năm CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy và Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch HCM (03.03.2023)
- Hoàn cảnh ra đời, ý nghĩa của Lời kêu gọi thi đua ái quốc và tư tưởng HCM về thi đua yêu nước (03.03.2023)
- Hoàn cảnh ra đời, nội dung, ý nghĩa Sáu điều Bác Hồ dạy CAND (24.02.2023)
- Triển khai cấp Hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam từ ngày 1/3/2023 (23.02.2023)
- Nâng cao bản lĩnh chính trị cho thanh niên CAND góp phần phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (17.02.2023)
- Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân – Kỳ II (08.02.2023)