Xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN) là hai nhiệm vụ chiến lược, xuyên suốt, có mối quan hệ biện chứng với nhau của cách mạng Việt Nam. Sau các nghị quyết chuyên đề về vấn đề này, Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, với tư duy mới, nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về nhiều vấn đề vừa mang tính cấp thiết trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài, trong đó có “tăng cường dân chủ xã hội chủ nghĩa”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân tại thôn Thượng Điện, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN
1. Chế độ dân chủ XHCN ở Việt Nam là một thể chế chính trị để bảo đảm và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trên thực tế trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội; phát huy cao độ tính tích cực sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thông qua sự quản lý thống nhất của Nhà nước.
Trong Thông báo ý kiến của Bộ Chính trị, ngày 6/5/2010 về việc “Xuất bản Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991-2011)” chỉ rõ: “Khẳng định dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân”(1). Từ đó, lần đầu tiên Đảng ta đưa vào Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và xác định, bổ sung nội hàm của dân chủ XHCN với tính cách là “động lực” của cách mạng Việt Nam: “Dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”(2).
Dân chủ XHCN với tính cách “là động lực”, cùng với quan điểm chỉ đạo của Đảng “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(3) được xác định trong Văn kiện Đại hội XIII tạo thành “hệ động lực” xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới. Vì vậy, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình mới đã đề ra một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là phải: “Tăng cường dân chủ XHCN”(4).
Là động lực của bảo vệ Tổ quốc, vai trò của dân chủ thể hiện ở chỗ, khi lợi ích giữa cá nhân và cộng đồng được giải quyết, nó sẽ khơi thông các nguồn lực, phát huy tối đa tính tích cực của cá nhân và cộng đồng, làm nhân lên sức mạnh của nội lực và ngoại lực, tạo ra xung lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả về tốc độ, quy mô và chất lượng để tạo nguồn lực cơ bản cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Động lực dân chủ không chỉ biểu hiện ở kinh tế mà còn biểu hiện ngày càng rõ hơn ở chính trị, khi quyền lực và ý chí của nhân dân được tôn trọng và thực hiện rõ ràng, công khai, minh bạch, thì dân chủ chính trị sẽ tỏ rõ sức mạnh đối với tiến bộ và phát triển xã hội nói chung, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của người dân nói riêng. Môi trường xã hội dân chủ sẽ làm hình thành dư luận xã hội tích cực, thúc đẩy hành động sáng tạo của đông đảo quần chúng; khi dân chủ được bảo đảm, con người và các quan hệ xã hội sẽ trở nên cởi mở và năng động hơn. Quyền lực chính trị của nhân dân nếu không được bảo đảm thì có thể dẫn tới tình trạng người dân thờ ơ, lãnh đạm đối với xã hội, suy giảm tính tích cực chính trị - đó chính là nguyên nhân làm suy giảm hoặc đánh mất tiềm năng sáng tạo, mất động lực để nhân dân phụng sự sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, nguồn lực của mọi nguồn lực, động lực của mọi động lực và động lực sâu xa, bền vững cho mọi sự phát triển chính là nhân tố con người trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Với từng công dân, dân chủ là động lực mạnh mẽ để thực hiện các quyền cá nhân, hình thành nhân cách trung thực và sáng tạo, hình thành môi trường xã hội dân chủ lành mạnh - nơi các giá trị nhân cách, năng lực con người được tôn trọng, được đánh giá khách quan, công bằng và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng. Khi đó, ý thức bảo vệ Tổ quốc của công dân được nâng cao và phát huy tối đa; nhân dân hết lòng, hết sức theo Đảng và tận hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo và đường lối của Đảng, sự quản lý của Nhà nước suy đến cùng là động lực tinh thần to lớn, quyết định đến thành - bại của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn gần 95 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhất là từ thực tiễn lãnh đạo công cuộc đổi mới của Đảng đã chứng minh điều đó. Vì vậy, Đảng ta rút ra một trong những bài học sâu sắc là: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”(5). Trong khi đó, “Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và dân chủ XHCN có lúc, có nơi chưa được phát huy đầy đủ. Các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa được phát huy. Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm”(6).
Dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước thời gian tới tác động đến sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình mới đã khái quát: Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Cục diện thế giới đa cực, đa trung tâm hình thành ngày càng rõ nét hơn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, toàn diện, thậm chí đối đầu. Luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương đứng trước những thách thức nghiêm trọng... Trong nước, nguy cơ tranh chấp biển, đảo, đe dọa chủ quyền lãnh thổ, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng gia tăng. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị cấu kết, tăng cường chống phá công khai và trực diện, với âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi...
2. Từ tình hình trên và từ vai trò là động lực của dân chủ XHCN ở Việt Nam luôn luôn đặt ra tính cấp thiết phải tăng cường dân chủ XHCN nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Theo đó, trong thời gian tới, cần quán triệt và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng, nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính các cấp đối với tăng cường dân chủ XHCN trong nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình mới.
Đây là giải pháp cơ bản, có ý nghĩa quyết định thành công trong bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, nhất là khi: “Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ bảo Tổ quốc chưa được đầy đủ, sâu sắc, còn biểu hiện chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhất là với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch”(7). Do đó, điều kiện tiên quyết của công tác tuyên giáo, công tác tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp là phải làm chuyển biến tích cực, sâu sắc về tư tưởng, nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính các cấp, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên và lực lượng nòng cốt đối với việc tăng cường dân chủ XHCN trong bảo vệ Tổ quốc tình hình mới. Cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân phải luôn luôn quán triệt quan điểm dân chủ là động lực của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Công tác tuyên giáo nói chung, công tác tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp nói riêng phải thấu suốt và khơi thông nguồn lực đặc biệt đó thông qua các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường dân chủ XHCN trong bảo vệ Tổ quốc.
Trong điều kiện hiện nay, cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và thực hiện hiệu quả những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới” cho cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp, các địa phương và nhân dân.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống lý luận về tăng cường dân chủ XHCN trong bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện nhiệm vụ, giải pháp này nhất thiết phải tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, nhiệm vụ, phương thức tăng cường dân chủ XHCN trong bảo vệ Tổ quốc phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong hoàn cảnh mới. Theo đó, phải có tổng thể các chủ trương, nội dung, biện pháp của các tổ chức, các lực lượng tác động vào ý thức, năng lực nghiên cứu tổng hợp của đội ngũ cán bộ quản lý khoa học, các chuyên gia, đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành trong nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống lý luận về tăng cường dân chủ XHCN trong bảo vệ Tổ quốc.
Trước mắt, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp đưa Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (có hiệu lực từ 1/7/2023) vào cuộc sống; tập trung luận giải sâu sắc hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp để khơi dậy, tăng cường và phát huy dân chủ XHCN trong bảo vệ Tổ quốc.
Để mở rộng dân chủ, thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, một mặt, Nhà nước phải bảo đảm các thể chế, thiết chế, cơ chế dân chủ được chế định bằng nguyên tắc, luật pháp và các chuẩn mực văn hóa đạo đức. Pháp luật phải ghi nhận và thể chế hóa đầy đủ quyền con người, quyền công dân và bảo đảm về mặt pháp lý để các thành viên của xã hội có điều kiện bảo vệ lợi ích hợp pháp cũng như kiểm soát được quyền lực của mình... Mặt khác, phải bảo đảm tính toàn diện trong quá trình mở rộng và phát huy dân chủ: Về kinh tế, vấn đề cốt lõi là bảo đảm lợi ích kinh tế của người lao động, của người tham gia vào nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Những lợi ích đó phải được thể chế hóa trong các quyền công dân, làm cho người lao động làm chủ thực sự về tư liệu sản xuất, phát triển sản xuất kinh doanh. Về chính trị, phải bảo đảm cho nhân dân có quyền tham gia vào các hoạt động quản lý điều hành của Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội; đảm quyền dân chủ trong ứng cử, bầu cử, trong thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng các dự án luật có liên quan đến bảo vệ Tổ quốc. Về văn hóa, tinh thần, phải tạo cho các tầng lớp nhân dân có quyền tự do hưởng thụ thành tựu văn hóa tiến bộ và tự do tư tưởng, tự do sáng tạo văn hóa, nhất là văn hóa giữ nước cả truyền thống và hiện đại trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Thứ ba, không ngừng nâng cao văn hóa dân chủ của nhân dân trong tham gia bảo vệ Tổ quốc.
Quyền lực thuộc về nhân dân chỉ trở thành hiện thực trong cuộc sống khi ý thức chính trị, trình độ thực hành dân chủ và khả năng tham gia vào đời sống chính trị của đất nước của nhân dân đạt được ở những mức độ nhất định và ngày càng được nâng cao. Do vậy, phải phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, nâng cao dân trí và năng lực thực hành dân chủ cho nhân dân. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phát triển truyền thông đại chúng, làm cơ sở cho các cuộc tranh luận, thảo luận, trưng cầu ý kiến, qua đó nâng cao văn hóa dân chủ trong xã hội, hình thành dư luận xã hội tích cực; đồng thời là diễn đàn để nhân dân bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng, quyền và lợi ích hợp pháp của mình đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Thứ tư, chủ động đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai trái về tăng cường dân chủ XHCN trong bảo vệ Tổ quốc.
Nếu các giải pháp trên nhằm tăng cường dân chủ XHCN trong bảo vệ Tổ quốc hay nói cách khác là để “xây”, thì giải pháp này nhằm hạn chế, triệt tiêu những “lực cản” trong quá trình tăng cường dân chủ XHCN trong bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện giải pháp này phải khắc phục hai khuynh hướng: Hoặc là tuyệt đối hóa tăng cường dân chủ XHCN với tính cách là động lực, song lại tách rời, coi nhẹ các động lực khác đã được Văn kiện Đại hội XIII chỉ rõ; hoặc là coi nhẹ tăng cường dân chủ XHCN trong bảo vệ Tổ quốc, cho đây chỉ là nhiệm vụ của cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy các cấp trong lực lượng vũ trang, nhất là trong Quân đội nhân dân. Đó còn là những hành vi dân chủ quá trớn, dân chủ vô hạn độ, thậm chí cực đoan của một bộ phận nhân dân khi đòi hỏi phải công khai tất cả, kể cả bí mật quân sự, bí mật nhà nước và “thiên cơ” của quốc gia…
Tóm lại, bất luận trong hoàn cảnh nào, việc tăng cường dân chủ XHCN luôn là vấn đề căn cốt để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình mới theo tinh thần Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình mới của Đảng./.
Dân chủ XHCN với tính cách “là động lực”, cùng với quan điểm chỉ đạo của Đảng “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” được xác định trong Văn kiện Đại hội XIII tạo thành “hệ động lực” xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới. Vì vậy, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình mới đã đề ra một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là phải: “Tăng cường dân chủ XHCN”. |
Thượng tá, TS. HÀ SƠN THÁI
Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
Trung tá, ThS. THÁI DOÃN HÙNG
Trường Sĩ quan Pháo binh
_______________
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2018, t.69, tr.452.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr.84.
(3) (5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, H, 2021, t.I, tr.34, 27-28.
(4) (6) (7) Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu nghiên cứu các Văn kiện Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Dùng cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên), Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, H, 2023, tr.305, 287, 289.
https://tuyengiao.vn/
- Công tác vận động quần chúng của lực lượng Cảnh sát giao thông công an Thành phố Hồ Chí Minh trong đ (18.02.2019)
- Nâng cao chất lượng Tạp chí Khoa học giáo dục Cảnh sát nhân dân đáp ứng nhu cầu hội nhập (18.01.2019)
- Chứng từ điện tử có giá trị như chứng từ giấy (11.01.2019)
- Thesis: “Activities of the People’s Police Force in preventing deliberate infliction of bodily (05.12.2018)
- Dissertation: “Examining scenes in investigating cases of using explosive materials” (29.11.2018)
- Tin bảo vệ luận án của NCS Trần Hữu Tiến (26.11.2018)
- Title of thesis: Investigating the scene of extortion cases by the Criminal Investigation on So (24.11.2018)
- Ngăn ngừa hành vi lợi dụng internet, mạng xã hội để xuyên tạc về quyền con người (01.11.2018)
- Giao lưu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử (01.10.2018)