Người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết, trước hết; an toàn cháy, nổ để phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước... Đó là quan điểm về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong tình hình mới được nêu ra tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ thị nêu rõ, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn hiện nay là nghiêm trọng, đặt ra yêu cầu cấp bách phải có tư duy, nhận thức, phương pháp, cách làm mới trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương, nòng cốt là các lực lượng chuyên trách trong công tác PCCC và CNCH và đòi hỏi ý thức rất cao của người dân đối với công tác này.
Công tác PCCC và CNCH phải quán triệt quan điểm Người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết, trước hết; an toàn cháy, nổ để phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Trong công tác PCCC phải lấy phòng ngừa là chính. Huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong “thời điểm vàng” 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm: Lực lượng ở trong dân - Phương tiện ở trong dân - Hậu cần ở trong dân - Chỉ huy ở trong dân.
Theo Chỉ thị, thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư khóa XIII về tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW; Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy; Công văn số 319/TB-VPCP ngày 5/10/2022 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị công tác phòng cháy chữa cháy và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 quy định về công tác cứu hộ cứu nạn của lực lượng phòng cháy chữa cháy…
Đổi mới tư duy, nhận thức phương pháp, cách tiếp cận và tổ chức thực hiện trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn phù hợp yêu cầu tình hình mới hiện nay.
Xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội.
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác PCCC và CNCH đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình về PCCC và CNCH phù hợp với điều kiện thực tiễn, tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và năng lực quản lý, năng lực sản xuất của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Chú trọng nghiên cứu, xây dựng chiến lược, kế hoạch, phương án PCCC và CNCH…
Tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ vừa có chiều rộng, vừa chuyên sâu, dễ hiểu, dễ tiếp thu, bằng các giải pháp cụ thể tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân đối với công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho mọi tầng lớp nhân dân nhất là đối với học sinh, sinh viên, đội ngũ lao động trẻ trong xã hội.
Kiện toàn, củng cố về nhân lực, cơ sở vật chất cho các lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên ngành, bảo đảm hoạt động hiệu quả, thực chất. Xây dựng cơ chế phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa Công an, Quân đội và các lực lượng khác trong thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập, thực tập các phương án, tình huống xử lý sự cố cháy, nổ và cứu nạn cứu hộ.
Tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, xây dựng, trang bị cơ sở vật chất, hậu cần cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Tập trung các nguồn lực để xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc, hệ thống cảnh báo sự cố, tai nạn...). Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ hiện đại, phù hợp với tình hình, sự phát triển của đất nước. Khẩn trương nghiên cứu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Huy động mọi nguồn lực hợp pháp (trong đó có hợp tác công tư, xã hội hóa) để mua sắm trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Về phía Bộ Công an, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu tham mưu, báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội về sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy và chữa cháy; Rà soát các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trách nhiệm đối với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, quản lý, điều hành để xảy ra các vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCCC và CNCH tại các bộ, ngành, địa phương; Thực hiện nghiêm việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho các cơ sở đầu tư kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện về an ninh, trật tự…
Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới. Điển hình như chú trọng rà soát sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC và CNCH đảm bảo phù hợp với tình hình mới (Bộ Xây dựng chủ trì); Bố trí kinh phí tăng cường nguồn lực đầu tư cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Tài chính chủ trì); tổ chức có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, thực hành, diễn tập kiến thức kỹ năng về PCCC và CNCH cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục (Bộ Giáo dục đào tạo chủ trì); tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH; Định kỳ kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn PCCC và CNCH tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường (Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì thực hiện)…
Tác giả: Thu Hòa (Tổng hợp)
- Phân biệt vi phạm hành chính và tội phạm (08.07.2019)
- Không thể xuyên tạc pháp luật của Nhà nước Việt Nam vì sự phát triển của đất nước và quyền con người (13.06.2019)
- “Đã uống rượu bia – không lái xe” (20.05.2019)
- Gặp mặt kỷ niệm 88 năm Ngày phụ nữ Việt Nam (11.04.2019)
- Nghị định Quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân (11.03.2019)
- Bán kết 1, cuộc thi Olympic các môn Pháp luật (05.03.2019)
- Rộn ràng Hội thao chào mừng Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 (27.02.2019)
- Trao đổi về phương pháp viết bài đăng trên Tạp chí Khoa học giáo dục Cảnh sát nhân dân (26.02.2019)
- Công tác vận động quần chúng của lực lượng Cảnh sát giao thông công an Thành phố Hồ Chí Minh trong đ (18.02.2019)