Tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 6, chiều 08/5/2023, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội thẩm tra dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND) dưới sự chủ trì của Trung tướng Lê Tấn Tới, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBQPAN. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu tại phiên họp.
Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới chủ trì phiên họp, điều hành nội dung thảo luận
Tham dự phiên họp có các đồng chí thành viên UBQPAN, đại diện một số bộ, ngành Trung ương và địa phương...
Bảo đảm đồng bộ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT)
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, Luật CAND được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019 (trừ các quy định về cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng; phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp Tướng; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng có hiệu lực thi hành từ ngày 11/01/2019).
Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện, Luật CAND đã tạo cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ, toàn diện để lực lượng CAND thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững ANTT của đất nước. Tổ chức bộ máy các cấp Công an đã được đổi mới căn bản, toàn diện và sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; vị trí, việc làm của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân Công an đã được xác định rõ ràng, cụ thể, góp phần quan trọng xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại...
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng trình bày tờ trình về dự án Luật
Tuy nhiên, bên cạnh đó, quá trình thực hiện Luật CAND đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải sửa đổi luật. Đồng thời, ngày 16/3/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 12 về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, trong đó chỉ đạo "Xây dựng, hoàn thiện pháp luật về ANTT, xây dựng lực lượng hậu cần, kỹ thuật CAND và pháp luật có liên quan, nhất là Luật CAND (sửa đổi)".
"Do đó, việc xây dựng dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND để thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội là cần thiết", Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nêu rõ.
Dự thảo Luật gồm 2 Điều, sửa đổi, bổ sung 9 khoản thuộc 5 Điều của Luật CAND năm 2018, tập trung 3 chính sách, gồm: hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân Công an; thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác; cấp bậc hàm cao nhất đối với một số chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND.
Phù hợp cơ cấu tổ chức mới, nâng cao sức chiến đấu của CAND
Uỷ viên Thường trực UBQPAN Vũ Huy Khánh trình bày báo cáo thẩm tra
Qua thẩm tra, UBQPAN nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, thấy rằng việc sửa đổi một số quy định của Luật CAND năm 2018 trong thời điểm hiện nay là cần thiết, nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về CAND, thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng CAND; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Lao động về độ tuổi nghỉ hưu; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng CAND để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo Đại tá Vũ Huy Khánh, Uỷ viên Thường trực UBQPAN, đa số ý kiến Uỷ ban nhất trí bổ sung 6 vị trí cấp Tướng như tờ trình và dự thảo Luật (1 vị trí cấp bậc hàm cao nhất Thượng tướng, 5 vị trí cấp bậc hàm cao nhất Thiếu tướng) vì không vượt quá số lượng cấp Tướng trong CAND do Bộ Chính trị quy định, phù hợp với nhu cầu thực tiễn công tác và cơ cấu tổ chức mới của Bộ Công an. Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung một vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tướng đối với sĩ quan CAND biệt phái khi được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội.
Về 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng gồm: Hiệu trưởng trường Đại học Cảnh sát nhân dân; Hiệu trưởng trường Đại học An ninh nhân dân; 1 Trợ lý Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; 2 vị trí Phó Cục trưởng tại đơn vị thuộc Bộ Công an, đa số ý kiến UBQPAN bày tỏ nhất trí để bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp với thực tiễn tổ chức trong CAND, góp phần nâng cao sức chiến đấu của CAND, tuy nhiên cần được đánh giá đầy đủ, toàn diện.
Các đại biểu tham dự phiên họp
UBQPAN cũng nhất trí quy định cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá đối với chức vụ Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, bởi theo quy định hiện nay, thành phố trực thuộc Trung ương là đơn vị hành chính tương đương cấp quận. Trong khi Luật CAND quy định Trưởng Công an quận trực thuộc TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá.
UBQPAN thấy rằng, hiện nay trong CAND, cấp Trung đoàn chủ yếu được tổ chức ở các đơn vị chiến đấu hoặc địa bàn trọng điểm (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Công an một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) để đáp ứng yêu cầu thực tiễn về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đây là các đơn vị có tính chất đặc thù, được tổ chức tập trung, tính cơ động và sẵn sàng chiến đấu cao, trực tiếp thực hiện công tác đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm. "Vì vậy, Uỷ ban tán thành quy định cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá đối với Trung đoàn trưởng ở các đơn vị", Đại tá Vũ Huy Khánh nêu.
Nhất trí cao tính cấp thiết, cơ sở lý luận, thực tiễn xây dựng dự án Luật
Bà Lê Thị Hoà thảo luận tại phiên họp
Thảo luận tại phiên họp, bà Lê Thị Hoà, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự, hành chính, Bộ Tư pháp nhất trí cao việc xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND, đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, đánh giá để có giải trình phù hợp, nhất là liên quan các vị trí cấp Tướng; về việc kéo dài độ tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân Công an cũng cần giải trình, đánh giá tác động cụ thể, bảo đảm sự công bằng, hợp lý.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Đông, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Sơn La cho rằng, gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 12 nên sửa Luật là kịp thời để lực lượng CAND thực hiện các nhiệm vụ của Bộ Chính trị cũng như Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao.
Đi vào các vấn đề cụ thể, ông đồng tình với việc bổ sung quy định cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng, bổ sung quy định cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng, Thiếu tướng như đề xuất, bởi trong việc thực hiện Nghị quyết số 18,19 của Bộ Chính trị, Bộ Công an là bộ đi đầu trong tinh gọn tổ chức bộ máy, và bộ máy hiện tại đã tinh gọn, giảm đầu mối hơn trước đây rất nhiều. "Đồng chí Chủ nhiệm UBQPAN của Quốc hội có cấp bậc hàm cao nhất Thượng tướng là phù hợp, bởi đồng chí ấy là Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an biệt phái đảm nhiệm, mà theo quy định, Thứ trưởng Bộ Công an có cấp bậc hàm cao nhất Thượng tướng", Bí thư Tỉnh uỷ Sơn La Nguyễn Hữu Đông phân tích.
Phó Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Minh Đức thảo luận tại phiên họp
Cũng đề cập vấn đề này, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm UBQPAN cho rằng, việc điều động, phân công các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng giữ chức Chủ nhiệm UBQPAN là sự phân công của Đảng. Luật CAND hiện hành không quy định cấp bậc hàm cao nhất cho vị trí Chủ nhiệm UBQPAN, nên không thể thăng cấp bậc hàm cho đồng chí giữ chức vụ ấy, mà phải quay trở về vị trí được biệt phái ban đầu là Thứ trưởng (Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an) để thăng cấp bậc hàm. Trong khi, chức vụ Phó Chủ nhiệm UBQPAN lại quy định rõ trong luật. Do vậy, cần phải bổ sung quy định cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng đối với sĩ quan CAND biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm UBQPAN vào dự án Luật này để đảm bảo tính logic của luật, bảo đảm tương quan trong hệ thống chính trị, phân cấp chỉ huy của lực lượng vũ trang. "Sau này, chúng tôi cũng sẽ tham mưu sửa quy định tương tự trong Luật Sĩ quan QĐND", Phó Chủ nhiệm UBQPAN nêu.
Nhất trí cao tính cấp thiết, cơ sở lý luận, khoa học, thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật này và khẳng định rất ủng hộ dự thảo Luật, chủ yếu xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, ông Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần phân tích sâu hơn việc sửa đổi Luật CAND năm 2018 nhằm phù hợp với thực tiễn chiến đấu, chế độ, chính sách cho CBCS Công an. Đồng thời đại biểu đề nghị nên chăng cần sửa đổi thêm về cơ cấu biên chế, tổ chức, bố trí lại lực lượng CAND ở các cấp cho phù hợp...
Lắng nghe các ý kiến phát biểu trách nhiệm, tâm huyết, toàn diện tại phiên họp, Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới trân trọng cảm ơn, đánh giá cao các thành viên UBQPAN, các đại biểu dự phiên họp đã đóng góp nhiều ý kiến tham gia vào dự án Luật. Đồng thời khẳng định, Cơ quan thẩm tra sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, giải trình các vấn đề, hoàn thiện các báo cáo để trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới...
Quang Khải - Quỳnh Vinh
- Chung kết Cuộc thi Olympic Tin học năm học 2023 - 2024 (08.12.2023)
- Lễ công bố các Quyết định của Hiệu trưởng về bố trí cán bộ theo Đề án số 19/ĐA-BCA của Bộ Công an (06.12.2023)
- Tổng kết cuộc thi tìm hiểu Luật phòng, chống ma túy (06.12.2023)
- Khai giảng lớp bồi dưỡng cấp chứng nghiệp vụ điều tra mở tại Công an tỉnh Bình Định (04.12.2023)
- Nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khoá XIII của Đảng (04.12.2023)
- Bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống ma túy cho cán bộ hải quan khu vực duyên hải Nam Trung Bộ (30.11.2023)
- Tập trung đấu tranh với các loại tội phạm có chiều hướng gia tăng dịp cuối năm (29.11.2023)
- Khai giảng khóa bồi dưỡng nghiệp vụ công tác lãnh đạo cấp quận, huyện cho cán bộ Bộ Nội vụ Campuchia (27.11.2023)
- Quốc hội chính thức thông qua dự án Luật Căn cước (27.11.2023)