Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 đã bùng phát trên phạm vi toàn cầu làm trên 72 vạn người mắc, gần 3,5 vạn người tử vong ở trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ở Việt Nam, hiện đã có 4 đợt dịch COVID-19. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận 939.463 ca mắc COVID-19, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.528 ca mắc)[1]. Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) với biến thể Delta đã làm dịch bùng phát mạnh với tốc độ lây nhiễm cao gấp nhiều lần so với các biến chủng khác trước đó, số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 934.583 ca, trong đó có 830.858 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh[2].
Trước diễn biến rất phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn cả nước, Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ trong phòng, chống dịch. Từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam nói chung hay từ khi dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 là với biến chủng Delta cho tới nay nói riêng, công tác phòng, chống dịch ngày càng chuyển biến tích cực, đạt hiệu quả cao hơn. Chúng ta đã bám sát yêu cầu thực tiễn; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung từng bước hoàn thiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới theo phương châm “5K + vaccine + điều trị + công nghệ + ý thức của Nhân dân”, khẩn trương khắc phục tình trạng lúng túng, bị động, bất ngờ trong giai đoạn đầu của đợt dịch. Đến thời điểm hiện nay, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đã cơ bản được kiểm soát. Các địa phương đang tích cực triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chuyển hướng sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Một trong các giải pháp quan trọng trong trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã được thực hiện ngay từ đầu là ban hành hệ thống văn bản pháp luật chặt chẽ, thống nhất về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để các cơ quan, đơn vị và quần chúng nhân dân thực hiện nhằm kịp thời kiểm soát tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, góp phần ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh; đồng thời phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến dịch bệnh, gồm: Các công văn số 79-CV/TW ngày 30/1/2020, Điện của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 07/3/2020, các Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020, 06/CT-TTg ngày 31/01/2020, 10/CT-TTg, 11/CT-TTg, 13/CT-TTg ngày 11/3/2020, 15/CT-TTg, 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 và các Công điện số 121/CĐ-TTg, 156/CĐ-TTg cùng với nhiều văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, như: Quyết định số 878/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 của Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19”; Quyết định số 1246/QĐ-BYT ngày 20/3/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn tạm thời cách ly tập trung tại khách sạn trong phòng, chống dịch Covid-19 do người được cách ly tự nguyện chi trả”; Quyết định số 3468/QĐ-BYT ngày 07/8/2020 của Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống Covid-19”…
Theo đó, có thể xác định chủ trương trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thể hiện thông qua các khía cạnh như sau:
Một là, kiểm soát chặt chẽ nguồn lây bệnh
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ tập trung chỉ đạo: Chủ động, quyết liệt ngăn chặn, phát hiện nhanh và kiểm soát chặt chẽ nguồn lây bệnh (cả ở trong nước và xâm nhập từ nước ngoài); tổ chức cách ly hoặc giám sát người đã tiếp xúc với người bệnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh. Thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả các hành khách nhập cảnh Việt Nam theo quy định, quản lý thông tin khai báo chặt chẽ, hiệu quả và phát hiện sớm để thực hiện cách ly đối với những trường hợp đến từ hoặc đi qua vùng dịch; hạn chế tối đa các chuyến bay giữa Việt Nam đến các vùng có dịch và ngược lại (kể cả của các hãng hàng không nước ngoài). Cấp ủy, chính quyền cơ sở, nhất là phường, xã, thôn, bản, tổ dân phố... tập trung rà soát phát hiện nhanh nhất các trường hợp nghi nhiễm bệnh để có biện pháp phù hợp; vận động người dân hạn chế tham gia các hoạt động tập trung đông người.
Hai là, sẵn sàng phương án cách ly trên diện rộng
Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm việc cách ly và chuẩn bị sẵn sàng phương án cách ly trên diện rộng. Thực hiện các biện pháp cách ly phù hợp đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh đến từ, đi qua vùng có dịch tại các cơ sở cách ly; thực hiện sàng lọc và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp đối với từng loại trường hợp tại các khu cách ly tập trung, không để lây chéo. Chăm lo bảo vệ sức khỏe, bảo đảm điều kiện sinh hoạt, không để lây nhiễm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, lực lượng vũ trang làm việc tại các khu cách ly tập trung; UBND các tỉnh, thành phố tổ chức khoanh vùng, cách ly và tiêu độc khử trùng ngay đối với những khu vực phát hiện có người nhiễm bệnh; kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu vực cách ly. Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đẩy nhanh việc chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực để thực hiện việc cách ly; rà soát, cập nhật phương án, kế hoạch cách ly trên diện rộng; có phương án huy động khách sạn, cơ sở lưu trú… làm nơi cách ly tập trung.
Ba là, nghiên cứu phương thức phòng, chống, phác đồ điều trị, vắc xin phòng bệnh COVID-19
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp Bộ Y tế tiếp tục tập trung chỉ đạo nghiên cứu phương thức phòng, chống, phác đồ điều trị, vắc xin phòng bệnh COVID-19. Bộ Y tế rà soát việc bảo đảm nhân lực, phương tiện, vật tư y tế sẵn sàng ứng phó trong trường hợp dịch lây lan trên diện rộng.
Theo Thông báo số 285/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt 3 trụ cột trong công tác phòng, chống dịch để các địa phương kiên định, vững vàng chuyển sang trạng thái bình thường mới chính là: Cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất có thể, có mục tiêu và lộ trình để có giải pháp phù hợp, hiệu quả để sớm kết thúc cách ly, phong tỏa; xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch, bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế; điều trị tích cực từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở, góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong. Cùng với đó, chúng ta vẫn duy trì thực hiện hiệu quả phương châm 5K + vaccine + điều trị + công nghệ + ý thức nhân dân và các biện pháp cần thiết khác.
Bốn là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch về diễn biến dịch tại Việt Nam, về các trường hợp thuộc đối tượng cách ly tập trung hoặc giám sát y tế, theo dõi sức khỏe tại cộng đồng theo đúng quy định; chú trọng đưa tin có chọn lọc nhằm ổn định xã hội.
Xử lý nghiêm, kể cả xử lý theo pháp luật hình sự các trường hợp đưa tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, mất ổn định xã hội và các hành vi găm hàng, tăng giá, gây bất ổn thị trường theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Tư pháp đề xuất các hình thức xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe; chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm về khai báo y tế, không chấp hành cách ly.
Năm là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, học tập
Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chủ động, tập trung chỉ đạo công tác phòng chống dịch coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc chức trách, nhiệm vụ trong phòng, chống dịch bệnh. Hạn chế tổ chức cuộc họp, sự kiện và hoạt động tập trung đông người; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, học tập, khai báo điện tử, kiểm soát dịch bệnh; hướng dẫn, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Sáu là, đảm bảo nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội
Các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước theo chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1771/VPCP-KTTH ngày 07 tháng 3 năm 2020.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cùng với việc quyết liệt phòng, chống dịch cần tích cực triển khai các giải pháp phòng chống dịch, đồng thời tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp cụ thể, hữu hiệu để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội theo đúng Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của người dân dần trở lại trạng thái bình thường mới trong giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Bảy là, phát động toàn dân nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe
Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể phối hợp với các cấp chính quyền nhất là chính quyền cơ sở trong việc vận động nhân dân tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh; nghiêm túc thực hiện việc cách ly, giám sát y tế, phát hiện kịp thời các trường hợp nghi nhiễm; phát động toàn dân nâng cao ý thức và tăng cường các hoạt động tự bảo vệ sức khỏe.
Tóm lại, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương và sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ trong toàn hệ thống và trên tất cả các lĩnh vực. Đến nay, tình hình dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam dần được kiểm soát, số ca tử vong và ca mắc mới giảm rõ rệt, đặc biệt số ca tử vong xuống còn hai con số.[3] Theo Thượng tướng Võ Minh Lương - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam: “Tính trung bình, một đợt bùng phát dịch như ở TP.HCM, các nước trên thế giới, kể cả các nước có nền y tế tiên tiến, phải tập trung nguồn lực trong thời gian từ 6-9 tháng mới dập được dịch. Nhưng chỉ trong vòng 4 tháng, chúng ta đã từng bước làm chủ tình hình.”[4]
Ngày 08/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, trong đó nêu rõ, từ thực tiễn tình hình, ý kiến phân tích của các nhà khoa học, chuyên gia, ý kiến của các địa phương và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ xác định mục tiêu công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”./.
[1] Bộ Y tế (2021), Tin tổng hợp tình hình dịch bệnh theo ngày. Nguồn: Website Bộ Y tế: https://moh.gov.vn/tin-tong-hop/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/sang-4-11-con-3-052-benh-nhan-covid-19-nang-ang-ieu-tri-tp-hcm-giam-sat-chat-nguoi-tro-ve-tu-cac-tinh-thanh-khac?inheritRedirect=false&redirect=https%3A%2F%2Fmoh.gov.vn%3A443%2Ftin-tong-hop%3Fp_p_id%3D101_INSTANCE_k206Q9qkZOqn%26p_p_lifecycle%3D0%26p_p_state%3Dnormal%26p_p_mode%3Dview%26p_p_col_id%3Drow-3-column-2%26p_p_col_pos%3D1%26p_p_col_count%3D2
(truy cập ngày 4/11/2021)
[2] Bộ Y tế (2021), tldd (chú thích số 1).
[3] Theo thông tin tổng hợp của Bộ Y tế: “Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 3/11 là 8.869 nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 833.675, Số bệnh nhân tử vong Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 61 ca”.
[4] Báo Pháp luật online (2021), Phải để dân hiểu rõ “không có Zero COVID”, dịch lúc nào cũng sẵn sàng quay lại, Nguồn: Website Báo Pháp luật online: https://plo.vn/xa-hoi/phai-de-dan-hieu-ro-khong-co-zero-covid-dich-luc-nao-cung-san-sang-quay-lai-1025478.html (truy cập ngày 04/11/2021).
Tác giả: Ths Ngô Thị Thùy Trang - Khoa Luật
- Sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp giữa Trường Đại học CSND và Công an các tỉnh Tây Nam Bộ giai đoạn 2022 – 2024 (23.10.2024)
- Khai giảng lớp Bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều tra mở tại Trường (23.10.2024)
- Cần thiết ban hành Luật Dữ liệu phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính (22.10.2024)
- Khởi động giải Thể thao chào mừng kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (21.10.2024)
- Phát huy truyền thống vẻ vang của QĐND, CAND anh hùng, xứng đáng là người chỉ huy tài năng, mẫu mực (21.10.2024)
- Phát biểu kết luận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 (21.10.2024)
- Chỉ đạo điều hành nổi bật của Bộ Công an trong tuần từ ngày 13/10/2024 - 19/10/2024 (21.10.2024)
- Nâng cao năng lực điều tra tội phạm về ma túy cho cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh SÊ KÔNG (Lào) (19.10.2024)
- Rộn ràng ngày hội của phụ nữ Trường Đại học CSND (19.10.2024)