Tại Phiên họp thứ 33, ngày 14/5/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH). Sau khi nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về dự án Luật, thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều đánh giá cao về dự án luật và đồng ý trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Đây là một trong những dự án luật do Bộ Công an chủ trì nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân; đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; tạo môi trường an toàn phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong hoạt động PCCC, CNCH; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành và bổ sung quy định đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới. Sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thể hiện qua một số vấn đề cụ thể sau:
Thứ nhất, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ
- Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: Tăng cường công tác phòng, chống cháy, nổ và tìm kiếm CNCH; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe doạ an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ CNCH, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người.
- Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Đề án số 292-ĐA/ĐĐQH15 ngày 20/10/2021 của Đảng đoàn Quốc hội về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026) đề ra nhiệm vụ xây dựng dự án luật điều chỉnh về PCCC và CNCH.
- Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội, Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC đề ra nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCCC, CNCH.
Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
Thứ hai, bổ sung quy định về hoạt động cứu nạn cứu hộ cho phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân
- Hoạt động CNCH của lực lượng PCCC có tác động trực tiếp, làm hạn chế quyền con người, quyền công dân như thực hiện các biện pháp y tế tác động đến người bị nạn; phá dỡ nhà, công trình, phương tiện, chướng ngại vật để mở lối tiếp cận, lối thoát nạn, bố trí phương tiện, dụng cụ, lực lượng CNCH; ngăn chặn, loại bỏ các yếu tố nguy hiểm đe dọa an toàn phương tiện, tài sản, sức khỏe, tính mạng lực lượng CNCH và thực hiện các biện pháp khác trong quá trình CNCH... và theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật”. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có hoạt động PCCC được quy định trong Luật Phòng cháy và chữa cháy, còn đối với hoạt động CNCH đối với những tai nạn, sự cố thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày mà lực lượng PCCC đang thực hiện lại chưa được quy định cụ thể trong văn bản luật là chưa bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và không phù hợp với Hiến pháp năm 2013, không bảo đảm cơ sở pháp lý đúng quy định để lực lượng PCCC thực hiện nhiệm vụ.
- Thực tiễn hiện nay cho thấy, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH vẫn đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới quản lý nhà nước về CNCH và là lực lượng giữ vai trò nòng cốt, thường trực trong công tác CNCH hằng ngày, có đầy đủ các điều kiện, khả năng để thực hiện nhiệm vụ và thực tiễn hoạt động đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
- Qua tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Đức, Pháp, Thái Lan, Singapore, Malaysia... đều giao nhiệm vụ CNCH cho lực lượng PCCC chuyên trách làm nòng cốt đảm nhiệm và tham gia phối hợp còn có các lực lượng khác ở cơ sở đã đem lại hiệu quả cao trong công tác CNCH khi xảy ra sự cố, tai nạn.
Thứ ba, khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành và đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong tình hình mới
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC, CNCH trong tình hình mới. Nội dung này đã được báo cáo cụ thể trong Tờ trình số 795/TTr-BCA ngày 09/11/2023 của Bộ Công an.
TS Phan Thị Bích Hiền - GV Khoa Luật
- Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng (12.06.2023)
- Quy định về phối hợp thông báo hoặc gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội (11.06.2023)
- Hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính (05.06.2023)
- Lan toả văn hoá đọc tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân (31.05.2023)
- Phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến tổ chức đánh bạc và đánh bạc (31.05.2023)
- Phối hợp trao đổi thông tin trong điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố (27.05.2023)
- Bộ Công an khuyến cáo người dân các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ em và cứu người bị đuối nước (24.05.2023)
- Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo (21.05.2023)
- Công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến của lực lượng CA cơ sở tỉnh Long An (18.05.2023)