Thực tiễn ở Việt Nam và các quốc gia trên thế giới cho thấy công tác cảnh vệ là một nội dung quan trọng của công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào việc bảo đảm các điều kiện cho sự ổn định vững mạnh chế độ, chính trị, sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia. Vì vậy công tác cảnh vệ đều được các quốc gia dành sự quan tâm đặc biệt, mà trước hết là tạo dựng cơ sở pháp lý đủ mạnh để tổ chức, tiến hành công tác cảnh vệ một cách hiệu quả.
Ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Cảnh vệ số 13/2017/QH14 nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh Cảnh vệ và đáp ứng với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới đã đặt ra các yêu cầu mới.
Qua quá trình triển khai thi hành Luật Cảnh vệ năm 2017 đã xuất hiện những vấn đề vướng mắc, bất cập của pháp luật về cảnh vệ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 28/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn qua 05 năm thi hành, giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật về cảnh vệ phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Ảnh minh hoạ
Sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ năm 2024 được thể hiện thông qua các khía cạnh như sau:
Một là, Cơ sở chính trị
Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới đặt ra nhiệm vụ đến năm 2025 xây dựng lực lượng Cảnh vệ tiến thẳng lên hiện đại. Vì vậy, cần phải hoàn thiện các chế định của Luật Cảnh vệ quy định về lực lượng, nhiệm vụ, quyền hạn để kịp thời đáp ứng được nhiệm vụ nêu trên.
Kết luận số 35-KL/TW ngày 05 tháng 5 năm 2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; trong đó bổ sung một số chức vụ, chức danh cấp cao như Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thuộc nhóm các chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, Luật Cảnh vệ năm 2017 chưa quy định những người này là đối tượng cảnh vệ.
Hai là, Cơ sở pháp lý
Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”. Việc thực hiện các biện pháp cảnh vệ, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, hiện nay, nội dung các biện pháp cảnh vệ, việc sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt mặc dù đang được thực hiện trên thực tế nhưng chưa được quy định trong Luật Cảnh vệ. Do đó, để bảo đảm phù hợp với khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì các nội dung nêu trên cần phải được cụ thể hóa trong Luật Cảnh vệ.
Ba là, Cơ sở thực tiễn
Luật Cảnh vệ năm 2017 được ban hành đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ An ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo đảm xây dựng lực lượng Cảnh vệ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại; đồng thời, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về tổ chức, hoạt động của lực lượng Cảnh vệ, tạo thuận lợi cho mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng, góp phần bảo vệ an toàn tuyệt đối đối tượng cảnh vệ.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Cảnh vệ năm 2017 đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề: Đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về đối tượng cảnh vệ
Pháp luật hiện hành quy định 03 nhóm đối tượng cảnh vệ, đó là: Nhóm đối tượng cảnh vệ là con người, nhóm đối tượng cảnh vệ là khu vực trọng yếu và nhóm đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, qua tổng kết 05 năm thực hiện Luật Cảnh vệ và tình hình thực tiễn hiện nay cần thiết bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Vì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là những người đứng đầu các cơ quan xét xử và kiểm sát hoạt động tố tụng với đặc thù, tính chất công việc của hai chức danh này có liên quan trực tiếp đến việc chỉ đạo, tổ chức giải quyết các vụ án, vụ việc; xử lý vi phạm, tội phạm nên tiềm ẩn các yếu tố nguy hiểm, nguy cơ bị kẻ xấu đe dọa, xâm hại đến sức khỏe, tính mạng là rất cao. Trong xu hướng đẩy mạnh cải cách tư pháp và tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm thì tính chất công việc của hai chức danh này ngày càng phức tạp, nảy sinh nhiều tình huống bất trắc, khó lường đe dọa tính mạng, sức khỏe của những người này.
Bên cạnh đó, Điểm đ, Khoản 4, Điều 10 Luật Cảnh vệ quy định một trong các sự kiện đặc biệt quan trọng là đối tượng cảnh vệ, trong đó có “Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Nhà nước tổ chức; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ quy định tại khoản 1, điểm a và điểm b khoản 2 Điều này[1] tham dự hoặc chủ trì hội nghị”. Điều luật trên quy định tiêu chí hội nghị, lễ hội do Nhà nước tổ chức là quá rộng; đồng thời theo quy định của điều luật một hội nghị quốc tế có một trong số các đối tượng cảnh vệ quy định tại khoản 1, điểm a, b khoản 2 Điều 10 tham dự hoặc chủ trì hội nghị thì được xác định là sự kiện đặc biệt quan trọng và được áp dụng các biện pháp cảnh vệ quy định tại Điều 14 Luật Cảnh vệ… là chưa phù hợp với thực tiễn công tác cảnh vệ về bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật cũng như gây ảnh hưởng đến đi lại, thực hiện các hoạt động xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Thực tiễn triển khai thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ, ngoài việc triển khai thực hiện biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với đối tượng cảnh vệ theo quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ, lực lượng Cảnh vệ đã và đang triển khai công tác cảnh vệ đối với nhiều đối tượng khác theo đề nghị của các Bộ, Ban, Ngành. Xuất phát từ thực tế nêu trên, cần thiết bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
Thứ hai, về biện pháp, chế độ cảnh vệ
Điều 11 và Điều 12 Luật Cảnh vệ không tách biệt giữa biện pháp cảnh vệ và chế độ cảnh vệ dẫn đến không xác định được đâu là chế độ mà đối tượng cảnh vệ được hưởng, đâu là biện pháp cảnh vệ mà lực lượng Cảnh vệ phải thực hiện.
Một số biện pháp, chế độ cảnh vệ hiện nay lực lượng Cảnh vệ đang triển khai thực hiện nhưng nội dung của các biện pháp chưa quy định cụ thể trong luật, như biện pháp bảo vệ tiếp cận; vũ trang tuần tra canh gác; kiểm tra an ninh, an toàn; kiểm nghiệm thức ăn, nước uống kiểm tra an ninh, kiểm soát người, đồ vật, phương tiện ra, vào khu vực, địa điểm tổ chức các sự kiện đặc biệt quan trọng, kiểm tra an ninh, an toàn thường xuyên tại khu vực trọng yếu, địa điểm hoạt động của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước; trong khi đó nội dung các biện pháp trên tác động đến quyền con người, quyền công dân và theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013 phải do luật định. Do vậy, nội dung này cần thiết được đưa vào Luật Cảnh vệ, tạo hành lang pháp lý để triển khai hiệu quả công tác cảnh vệ.
Một số thuật ngữ về biện pháp cảnh vệ, như: “Chế độ cảnh vệ”, "Kiểm tra an ninh, an toàn”, “Kiểm nghiệm thức ăn, nước uống”, “Sử dụng thẻ, phù hiệu” chưa đưa vào giải thích từ ngữ; do vậy áp dụng trên thực tế chưa được thống nhất.
Thứ ba, về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ và điều kiện bảo đảm thực hiện công tác cảnh vệ
Điều 6 Luật Cảnh vệ năm 2017 quy định: "(1) Nhà nước xây dựng lực lượng Cảnh vệ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. (2) Ưu tiên bảo đảm phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, kinh phí, khoa học và công nghệ; trang bị vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công tác cảnh vệ". Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai thực hiện nội dung này còn khó khăn do chưa có văn bản quy định chi tiết thi hành.
Thời gian qua, khi triển khai bảo vệ đối tượng cảnh vệ tại địa bàn nước ngoài, đối với những quốc gia không cùng thể chế chính trị hoặc do pháp luật của nước sở tại quy định chế độ, biện pháp cảnh vệ chưa có sự tương đồng với pháp luật Việt Nam (ví dụ một số nước Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội không áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ như nguyên thủ quốc gia), lực lượng Cảnh vệ phải thuê lực lượng, phương tiện để đảm bảo an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ nhưng pháp luật Cảnh vệ hiện nay chưa quy định cụ thể việc chi kinh phí đảm bảo.
Luật Cảnh vệ năm 2017 chưa quy định cụ thể việc sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt.
Khoản 1 Điều 16 Luật Cảnh vệ quy định: "Lực lượng Cảnh vệ được tổ chức tại Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, bao gồm: Cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thuộc Bộ Công an; cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Cục Bảo vệ an ninh Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng". Quy định trên chưa phù hợp với khoản 2 Điều 18 Luật Công an nhân dân quy định: "Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đơn vị trực thuộc Bộ, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, Công an xã, phường, thị trấn và các đơn vị còn lại trong Công an nhân dân". Bởi vì, với quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Công an nhân dân, Bộ trưởng Bộ Công an có thể quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Công an các đơn vị, địa phương, kể cả việc cho phép bố trí cán bộ, chiến sĩ làm công tác cảnh vệ ở Công an các địa phương nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 16 Luật Cảnh vệ thì Bộ trưởng Bộ Công an chỉ có thể bố trí cán bộ, chiến sĩ làm công tác cảnh vệ tại Bộ Tư lệnh Cảnh vệ; do vậy chưa tương thích với thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Công an nhân dân trong trường hợp cần bố trí cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ tại Công an các địa phương.
Pháp luật Cảnh vệ hiện hành chưa quy định các nhiệm vụ bao gồm: cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ phải thường xuyên huấn luyện nâng cao, huấn luyện chuyên sâu, đặc thù, diễn tập phương án tác chiến thực hiện công tác cảnh vệ; đồng thời tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cảnh vệ cho Công an các đơn vị, địa phương, huấn luyện điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân; lực lượng tham gia thực hiện công tác cảnh vệ và lực lượng khác phục vụ công tác cảnh vệ.
Tóm lại, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn qua 05 năm thi hành, giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật về cảnh vệ phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Ngày 28/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ được thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ là một bước quan trọng trong quá trình tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực bảo vệ An ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan như: Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, Luật Quốc phòng, Luật trưng mua, trưng dụng tài sản... và phù hợp với luật pháp quốc tế liên quan đến công tác cảnh vệ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Luật Cảnh vệ năm 2017.
2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ năm 2024.
3. Tờ trình Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
4. Trường Đại học CSND (2024), Kế hoạch số 3316/KH-T05 triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ trong CAND tại Trường Đại học CSND.
[1] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.
ThS, Đại úy Ngô Thị Thùy Trang
Giảng viên Khoa Luật
- Mạng xã hội - nhận diện và nguy cơ (17.07.2021)
- Đổi mới phong trào thi đua nhằm phát huy ý chí tự lực, tự cường, xây dựng đất nước (11.07.2021)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới (27.06.2021)
- Những quy định nổi bật của Luật thoả thuận quốc tế năm 2020 (25.06.2021)
- Xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại (20.06.2021)
- Luật Cư trú 2020 “siết” chặt hơn việc khai báo tạm vắng (17.06.2021)
- Tư duy mới về An ninh quốc gia theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII (16.06.2021)
- Những điểm mới của Thông tư 55 hướng dẫn Luật Cư trú (03.06.2021)
- Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Mặt trận Việt Minh (19/5/1941 - 19/5/2021) (17.05.2021)