Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Bộ Công an đã có Tờ trình số 155/TTr-BCA ngày 4/4/2024 gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu. Đây là dự án Luật phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số hiện nay; đồng thời tạo cơ sở pháp lý cụ thể để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia hiện nay, nhằm thực hiện thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ nhất, việc ban hành Luật Dữ liệu phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước
Việc ban hành Luật Dữ liệu phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Cụ thể như:
- Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên; trong đó có phát triển công nghệ số (ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet kết nối vạn vật, thiết bị điện tử - viễn thông, thiết kế và sản xuất chíp bán dẫn).
- Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định chính sách khoa học và công nghệ cho phát triển công nghiệp: “Khuyến khích đầu tư, phát triển xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn; đẩy mạnh phát triển khoa học phân tích, quản lý và xử lý dữ liệu lớn nhằm tạo ra các sản phẩm, tri thức mới”.
- Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-09-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư xác định “Xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia. Hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất”.
- Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định “đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm dữ liệu khu vực. Xây dựng các trung tâm dữ liệu gắn với các vùng động lực, cực tăng trưởng, hành lang kinh tế; phát triển các cụm trung tâm dữ liệu quốc gia tại khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam”.
- Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 đã giao Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng, vận hành Trung tâm dữ liệu quốc gia. Nâng cao nhận thức của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân về bảo vệ dữ liệu cá nhân, quản trị dữ liệu”.
- Ngoài ra, trong Chiến lược dữ liệu quốc gia quy định tại Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 02/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Đề án xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia quy định tại Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ, Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 quy định tại Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2568/QĐ-BTTTT ngày 29/12/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông về ban hành Khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0, hướng tới chính phủ số đều giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia để thực hiện cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin, tập trung dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
Thứ hai, Luật Dữ liệu tạo cơ sở pháp lý thống nhất trong việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia
Quán triệt, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, nhất là những vấn đề liên quan đến xây dựng, tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu đã đạt được một số kết quả tích cực như: Bước đầu khởi tạo và hình thành được 07 Cơ sở dữ liệu quốc gia; một số Cơ sở dữ liệu quốc gia đã có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu góp phần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân; hạ tầng công nghệ xây dựng các Trung tâm dữ liệu bước đầu được quan tâm đầu tư hơn...
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: (1) Một số bộ, ngành chưa có đủ hạ tầng để triển khai các hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi phục vụ cho các công tác nghiệp vụ; (2) Nhiều cơ sở dữ liệu được thu thập, lưu trữ trùng lặp, chồng chéo, chưa được chuẩn hóa, thống nhất về tiêu chuẩn, danh mục nên không có khả năng kế thừa, khó khăn khi kết nối, chia sẻ, khai thác dùng chung; (3) Các trung tâm dữ liệu đầu tư thiếu đồng bộ, không đạt các tiêu chuẩn quy định, không bảo đảm mức độ an ninh, an toàn hệ thống, không thường xuyên được kiểm tra, bảo trì, nâng cấp; (4) Một số bộ, ngành, địa phương thuê dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh an toàn thông tin do chưa thực sự quản lý, kiểm soát được dữ liệu nhà nước trên hạ tầng của doanh nghiệp; (5) Nhân lực vận hành, quản trị các hệ thống thông tin vừa thiếu, vừa yếu; (6) Các cơ sở dữ liệu quốc gia theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ chưa được xây dựng đầy đủ; (7) Nhiều hệ thống thông tin còn lỗ hổng bảo mật, không đủ điều kiện kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Hiện nay việc kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương đang được triển khai thực hiện quyết liệt đem lại những kết quả thiết thực, phục vụ có hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính công. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã tiết kiệm được chi phí trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu riêng hoặc không cần thiết phải xây dựng cơ sở dữ liệu riêng khi đã được kết nối, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung là xu thế chung của các nước trên thế giới hiện nay. Do vậy, việc xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với dữ liệu gắn với con người và các dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số. Hình thành các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của Nhà nước và doanh nghiệp từ đó triển khai các giải pháp kết nối để chia sẻ, sử dụng lại và phát triển các mô hình/ứng dụng phân tích dữ liệu chuyên sâu để tạo ra nhiều giá trị mới, sản phẩm dịch vụ mới và động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn chuyển đổi số của Việt Nam. Việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng, lưu trữ thông tin trong Cơ sử dữ liệu tổng hợp quốc gia sẽ tiết kiệm rất nhiều so với việc đầu tư các hệ thống riêng biệt để lưu trữ các thông tin này. Các thông tin được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia cũng sẽ được chia sẻ phục vụ để việc khai thác chung cho các bộ, ngành, địa phương; cơ quan quản lý dữ liệu không phải thiết lập thêm các kênh kết nối, chia sẻ riêng đối với các thông tin đã được bổ sung, lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.
Qua rà soát, Bộ Công an thấy có 69 Luật đang quy định về cơ sở dữ liệu (cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành). Trong đó, chỉ có một số luật có quy định về trách nhiệm của cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu trong việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu. Hiện nay trên cơ sở các quy định pháp luật, các bộ ngành, địa phương đã triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước, trong đó sẽ có gần 40 cơ sở dữ liệu quốc gia và gần 50 cơ sở dữ liệu chuyên ngành được xây dựng. Tuy nhiên, hầu hết các luật đều không quy định cụ thể hoặc thống nhất về việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong các cơ sở dữ liệu; chưa có luật nào quy định về các dịch vụ liên quan đến dữ liệu, điều chỉnh các nền tảng phát triển, ứng dụng dữ liệu đang có xu hướng phát triển phổ biến trên thế giới như công nghệ trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghệ chuỗi khối, công nghệ truyền thông dữ liệu, công nghệ Internet vạn vật và công nghệ dữ liệu lớn…
TS Hồ Thanh Giang - GV Khoa Luật
- Cách mạng tháng Tám năm 1945: Bài học về nhận định, vận dụng thời cơ và bảo vệ thành quả cách mạng của Đảng (18.08.2024)
- Lấp khoảng trống pháp luật về bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông (18.08.2024)
- Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (16.08.2024)
- Quy định mới về phân loại tai nạn giao thông có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2024 (15.08.2024)
- Nhận diện âm mưu lợi dụng bạo loạn, biểu tình ở một số nước nhằm kích động “cách mạng màu” tại Việt Nam (12.08.2024)
- Đảm bảo công bằng xã hội trong phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số (07.08.2024)
- Những điểm mới cơ bản của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) (21.07.2024)
- Chính phủ bổ sung 15 chất mới vào danh mục chất ma túy (19.07.2024)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay (19.07.2024)