Vừa qua, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 63/2024/TT-BCA quy định công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường sắt của Cảnh sát giao thông (sau đây gọi là Thông tư 63).
Thông tư 63 quy định về nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn, trang phục, trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hồ trợ, nội dung, trình tự kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường sắt của Cảnh sát giao thông. Cụ thể:
Nguyên tắc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường sắt
(1) Tuân thủ quy định của Luật Đường sắt 2017, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Thông tư 63/2024/TT-BCA và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
(2) Thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ được phân công theo quy định, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền ban hành; thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; quy tắc ứng xử và Điều lệnh Công an nhân dân.
(3) Phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường sắt và hành vi vi phạm pháp luật khác theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định.
Nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát giao thông trong kiểm tra, kiểm soát giao thông đường sắt
(1) Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đã được cấp có thẩm quyền ban hành.
(2) Kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường sắt trong phạm vi tuyến đường, địa bàn được phân công.
(3) Phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường sắt, vi phạm pháp luật khác và bảo đảm an ninh, trật tự theo quy định; phối hợp với cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt.
(4) Phối hợp điều tra, xác minh, giải quyết tai nạn giao thông đường sắt theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
(5) Trực tiếp, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên các tuyến giao thông đường sắt. Tham gia phòng, chống khủng bố, chống biểu tình gây rối; phòng, chống dịch bệnh, thiên tai; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn và cứu hộ trên các tuyến giao thông đường sắt theo quy định.
(6) Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt.
(7) Giúp đỡ, hỗ trợ người tham gia giao thông đường sắt khi cần thiết.
(8) Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm thực hiện các nhiệm vụ:a) Phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt để báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền kiến nghị với cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục kịp thời; b) Hướng dẫn, tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt và chấp hành pháp luật về giao thông đường sắt.
(9) Thực hiện các nhiệm vụ khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.
Lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện kiểm tra, kiểm soát đối với tuyến đường sắt (Nguồn: bocongan.gov.vn)
Công tác kiểm tra, kiểm soát giao thông đường sắt tiến hành như sau:
(1) Khi kiểm tra, kiểm soát người tham gia giao thông đường sắt, nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, cán bộ Cảnh sát giao thông được phân công làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thực hiện như sau:
- Thực hiện chào theo Điều lệnh Công an nhân dân. Khi tiếp xúc với người có hành vi vi phạm pháp luật, cán bộ Cảnh sát giao thông phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong, có thái độ ứng xử đúng mực;
- Thông báo cho người bị kiểm tra, kiểm soát biết lý do kiểm tra, kiểm soát; đề nghị xuất trình các giấy tờ có liên quan theo quy định để kiểm tra, kiểm soát.
Trường hợp người bị kiểm tra, kiểm soát xuất trình bản giấy các giấy tờ thì kiểm tra, đối chiếu trực tiếp các giấy tờ đó và thực hiện tra cứu thông tin liên quan đến giấy tờ đó trong cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông, cơ sở dữ liệu khác;
Trường hợp người bị kiểm tra, kiểm soát xuất trình thông tin của các giấy tờ đã được tích hợp, cập nhật trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên Ứng dụng định danh quốc gia, trong cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý thì thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát thông qua thông tin trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên Ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu và có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ đó.
(2) Thực hiện kiểm tra, kiểm soát các nội dung theo quy định.
(3) Kết thúc kiểm tra, kiểm soát, cán bộ Cảnh sát giao thông báo cáo Tổ trưởng về kết quả kiểm tra, kiểm soát; thông báo cho người bị kiểm tra, kiểm soát và người có liên quan biết kết quả kiểm tra, kiểm soát, hành vi vi phạm (nếu có) và biện pháp xử lý.
(4) Khi có căn cứ cho rằng trong người tham gia giao thông, phương tiện vận tải, đồ vật có cất giấu tang vật, phương tiện, tài liệu được sử dụng để vi phạm hành chính thì được khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
(5) Trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Nội dung kiểm tra, kiểm soát giao thông đường sắt
Thông tư quy định nội dung kiểm tra, kiểm soát thực hiện theo quy định của Luật Đường sắt năm 2017; Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng và quy định sau đây:
Kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về tín hiệu, quy tắc giao thông đường sắt; Kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt; Kiểm tra, kiểm soát về điều kiện tham gia giao thông của phương tiện giao thông đường sắt, thông tin chỉ dẫn, trang thiết bị phục vụ hành khách, thiết bị an toàn trên phương tiện giao thông đường sắt; Kiểm tra, kiểm soát về điều kiện quy định đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu khi làm việc; Kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường sắt của nhân viên đường sắt khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao;
Kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy tắc giao thông tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu chung đường bộ với đường sắt, hầm đường sắt và trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt; Kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường sắt của các tổ chức, cá nhân; Kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về vận tải hành khách, hành lý và hàng hóa trên đường sắt; chấp hành quy định về tải trọng, vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.
Kim Hoa (T/h)
- Đổi mới sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ mới (12.04.2021)
- Giờ Trái đất 2021: Lên tiếng vì thiên nhiên (12.04.2021)
- Tòa án nhân dân tối cao công bố 4 án lệ mới (12.04.2021)
- Học tập và làm theo phương pháp luận Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước (11.04.2021)
- Tìm hiểu biện pháp Tư pháp trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại trong Luật Hình sự hi (29.01.2021)
- Hội thảo khoa học về tăng cường quan hệ phối hợp giữa Trường Đại học CSND với C10 - Bộ Công an và cá (18.12.2020)
- Chung kết Hội thi “Tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng hình ảnh CAND bản (29.11.2020)
- Trường ĐH.CSND đạt giải Ba toàn đoàn Giải vô địch Judo Đại học Nguyễn Tất Thành mở rộng năm 2018 (19.04.2020)
- Hội thi lái xe giỏi, an toàn lần thứ III (04.03.2020)