Vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố đặc biệt quan trọng quyết định thành công trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hướng tới đất nước ta đạt được những thành tựu của sự phát triển nhanh, ổn định và bền vững, bảo đảm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, đời sống nhân dân được cải thiện. Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu để hướng tới phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng hàng đầu mà Đảng đề ra theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XIII.
Việc quy định tại Điều 43 (Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường) trong Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam cho thấy Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. trong nội dung Nghị quyết Đại hội XIII, Đảng ta xác định vai trò to lớn của sự nghiệp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của Đất nước[1].
Tại mục tiêu cụ thể của Nghị quyết Đại hội XIII xác định: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong đó đối với công tác bảo vệ môi trường: Đến năm 2025, tỉ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95 - 100%, nông thôn là 93 - 95%; tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 92%; tỉ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; giữ tỉ lệ che phủ rừng ổn định 42%[2], qua việc xác định mục tiêu cụ thể của Nghị quyết Đại hội XIII, có thể thấy rằng Đảng ta xác định công tác bảo vệ môi trường là một trong ba nội dung cơ bản để tạo động lực tiền đề cho sự phát triển bền vững của đất nước, trong đó xác định cụ thể các tiêu chí về tỉ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư; tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; tỉ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý, giữ tỉ lệ che phủ rừng ổn định 42%.
Năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình Chính phủ ban hành các Nghị định số 54/2021/NĐ-CP ngày 21/5/2021 về đánh sơ bộ tác động môi trường, Nghị định số 55 ngày 24/5/2021 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT để tạo sự đồng bộ với các luật mới được Quốc hội thông qua có liên quan đến BVMT, không tạo ra khoảng trống pháp luật, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính theo chủ trương của Chính phủ; Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường. Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung cao độ mọi nguồn lực để xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật BVMT năm 2020. Trong đó chú trọng nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của quốc tế, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; tổ chức các Hội thảo trực tuyến, lắng nghe đầy đủ ý kiến của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan do Bộ trưởng Bộ TN&MT chủ trì để hoàn thiện, thống nhất Dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Ngày 10/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT; Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ký ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BVMT. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 Kế hoạch, 2 Đề án, 1 Chỉ thị; xem xét để ban hành 1 Đề án, 2 Chỉ thị để thúc đẩy công tác BVMT, BTTN và ĐDSH.
Trong nội dung “12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030”, tại định hướng thứ 6 xác định về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu: Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường[3].
Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, Đảng ta xác định nhiệm vụ trọng tâm thứ 6 về công tác bảo vệ môi trường: Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt[4].
Trong 3 khâu đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, trong đó khâu đột phá thứ 3 đề cập đến công tác ứng phó với biến đổi khí hậu: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số[5].
Qua việc nghiên cứu các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết về công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu có thể thấy, quan điểm, chủ trương của Đại hội XIII về vấn đề bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn. Đây là sự kế thừa và phát triển quan điểm bảo vệ môi trường của Đảng qua các thời kỳ. Đảng luôn xác định và đánh giá đúng về tác động của môi trường và biến đổi khí hậu đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Đại hội XIII của Đảng đã giành nhiều thời lượng và nhiều nội dung để bàn về vấn đề bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đảng ta xác định mục tiêu bảo vệ môi trường là mục tiêu hết sức quan trọng, đặt ngang bằng với những mục tiêu về kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng - an ninh.
Từ quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu mà Nghị quyết Đại hội XIII đã thông qua, cần có những giải pháp đồng bộ và cụ thể để Nghị quyết Đại hội nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống, giúp cho công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đạt được kết quả tốt phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, trong đó thời gian tới cần triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, các cấp ủy Đảng cần tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung tinh thần chỉ đạo Nghị quyết Đại hội XIII vào thực tiễn để Nghị quyết thực sự nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Thứ hai, các cơ quan Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng chương trình kế hoạch vận dụng chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của Đại hội XIII vào các mục tiêu kinh tế - xã hội cụ thể; thực hiện lồng ghép mục tiêu bảo vệ môi trường vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ ba, mỗi tổ chức, gia đình và cá nhân cần nâng cao nhận thức và ý thức trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là trong việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Thông qua Nghị quyết, Đại hội kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giá trị văn hoá, khát vọng phát triển đất nước, sức mạnh con người Việt Nam, vai trò của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội để đất nước ta phát triển nhanh, bền vững hơn, lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta[6]. Thành công của sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh đường lối xây dựng, phát triển đất nước của Đảng là đúng đắn và phù hợp với quy luật phát triển của nước ta. Chúng ta tin tưởng khi toàn Đảng, toàn dân cùng chung tay góp sức thì chủ trương về bảo vệ môi trường của Đại hội XIII sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống; tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường sẽ dần được khắc phục, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ được thực hiện hiệu quả. Môi trường sống sẽ ngày càng được cải thiện, đời sống của người dân sẽ tốt hơn. Nước ta sẽ nhanh chóng hoàn thành mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh và bền vững./.
Tài liệu tham khảo:
1. Toàn văn Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ban hành vào ngày 1/2/2021.
2. Hiến pháp sửa đổi năm 2013.
3. Luật bảo vệ môi trường năm 2005, 2014, 2020.
[1] Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, toàn văn Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được ban hành vào ngày 1/2/2021.
[2] Định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, toàn văn Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được ban hành vào ngày 1/2/2021.
[3] Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030, toàn văn Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được ban hành vào ngày 1/2/2021.
[4] Nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, , toàn văn Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được ban hành vào ngày 1/2/2021.
[5] Các đột phá chiến lược, toàn văn Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được ban hành vào ngày 1/2/2021.
[6] Toàn văn Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được ban hành vào ngày 1/2/2021.
Tác giả: Mai Thanh
- Ngăn chặn từ sớm, từ xa các nguy cơ mất an ninh, trật tự (16.11.2022)
- Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (16.11.2022)
- Quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không (16.11.2022)
- Quốc hội thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm, thi hành án, phòng, chống tham nhũng (09.11.2022)
- Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới (08.11.2022)
- Đấu tranh với hoạt động lợi dụng Internet, mạng xã hội chống phá Đảng, nhà nước ta hiện nay (08.11.2022)
- Tập huấn công tác THAHS tại cộng đồng tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An (03.11.2022)
- Vai trò của người giảng viên đối với công tác tuyên truyền pháp luật (31.10.2022)
- Hội nghị trực tuyến Thông báo kết quả Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (28.10.2022)