Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Phương pháp sửa những lỗi cơ bản thường gặp trong giờ học tiếng anh

Ngày đăng: 05.05.2021

        Trong quá trình dạy học nói chung, dạy tiếng Anh nói riêng tại trường Đại học CSND, giảng viên là một nhân tố quan trọng, giữ nhiều vai trò khác nhau: người tổ chức các hoạt động giảng dạy và học tập, người quản lý, giám sát, người giúp đỡ, người kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên… Chính vì vậy, trong từng buổi lên lớp, giảng viên phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó, sửa lỗi cho sinh viên là một nhiệm vụ hết sức cần thiết. Theo Brown[1], một trong những mấu chốt, nếu không muốn nói là duy nhất để người học muốn biết mình thành công hay không đấy chính là nhờ phản hồi mà người học nhận được từ phía người dạy và những người cùng tham gia học tập.

         Thực tế giảng dạy tại Trường Đại học CSND cho thấy, với số lượng sinh viên quá đông và trình độ không đồng đều trong các lớp học ngoại ngữ hiện nay, sửa lỗi là một công việc khó khăn, đòi hỏi nhiều nỗ lực và kinh nghiệm của người giảng viên. Vậy làm thế nào để việc sửa lỗi trở nên hiệu quả, khuyến khích sinh viên hăng hái hơn trong giờ học ngoại ngữ? Trong phạm vi bài viết này tác giả xin đề cập đến một số lỗi mà người học thường mắc phải và cách thức sửa những lỗi đó.

          Cơ sở của việc sửa lỗi

         Thế nào là lỗi

        Theo các nhà ngôn ngữ (Corder, 1967, Bartholomae, 1980, Horning, 1987, Bates, 1993, Brown 1994, ...) có sự khác nhau giữa hai khái niệm mistake và error.

        Mistake (tạm gọi là lỗi nhầm lẫn) là sự sử dụng sai hệ thống ngôn ngữ đã biết, thường do lỡ lời, nhầm lẫn, hoặc do trạng thái cơ thể mệt mỏi, xúc động... Vì thế, lỗi nhầm lẫn không hệ thống, rời rạc, là điều tất yếu trong giao tiếp. Ngay cả người bản ngữ cũng có thể mắc kiểu lỗi này khi sử dụng tiếng mẹ đẻ.

        Còn error (tạm gọi là lỗi hệ thống) là cách người học ngoại ngữ sử dụng sai hệ thống ngôn ngữ đích (target language), là lỗi mang tính hệ thống, phản ánh trình độ tiếp thu ngôn ngữ đích của người học. Người ta không bị mắc lỗi kiểu này khi dùng tiếng mẹ đẻ.

        Như vậy, từ sự khác nhau giữa hai kiểu lỗi này ta có thể thấy người học trình độ khác nhau mắc phải những lỗi khác nhau, và lỗi hệ thống (error) có thể chỉ còn là lỗi nhầm lẫn (mistake) sau một thời gian học tập. Hơn nữa, người học có thể tự sửa lỗi nhầm lẫn chứ khó có thể tự sửa lỗi hệ thống nếu không có sự nhận xét phản hồi từ phía người dạy.

        Tại sao cần sửa lỗi

        Việc chỉ ra lỗi sai là vô cùng cần thiết trong các môn học khác nói chung và tiếng Anh nói riêng. Bởi trong thực tế, khi học tiếng Anh, sinh viên ít khi thực hành đúng ngay lần đầu. Nếu giảng viên cứ để mặc sinh viên phạm lỗi, tức là họ đã vô tình ủng hộ các lỗi sai mà sinh viên phạm phải. Rất nhiều giảng viên e ngại rằng nếu họ không sửa lỗi, họ sẽ càng làm tăng việc “sản sinh” ra lỗi, tạo thành một lối mòn trong cách sử dụng ngôn ngữ, rất khó sửa sau này. Quan điểm nên sửa lỗi cũng được nhiều sinh viên ủng hộ, bởi họ luôn mong muốn giảng viên sửa lỗi để tránh phạm phải cho các lần học sau.

        Hơn nữa, lỗi của người học chỉ ra được mức độ kiến thức cũng như cách học của người học hay nói theo cách khác chúng được xem là bằng chứng về việc người học đó học như thế nào và cách thức sử dụng, khai thác ngôn ngữ đó ra sao.

        Đối với người dạy, lỗi của người học là một trong những tiêu chí để đo lường kiến thức mà người học đạt được và thông qua việc thể hiện những khiếm khuyết về cách sử dụng ngôn ngữ của người học, người dạy có thể lấy đó làm cơ sở  để điều chỉnh nội dung cũng như phương pháp giảng dạy hợp lý. Brown đã chỉ ra rằng thông tin được phản hồi một cách thích hợp và việc sửa lỗi ở giai đoạn mà người học đã sẵn sàng sẽ góp phần làm tăng quá trình học một cách hiệu quả.

         Lỗi nào cần sửa? Khi nào cần sửa?

        Trong các công trình nghiên cứu gần đây, các nhà ngôn ngữ học đã chú trọng rất nhiều đến việc nghiên cứu lỗi của người học như lỗi do áp dụng sai các quy tắc ngữ pháp hoặc do không nhận biết đúng điều kiện mà trong đó các quy tắc được áp dụng. Ngoài ra, do kinh nghiệm về ngôn ngữ còn hạn chế nên người học thường mắc lỗi khi tự xây dựng các giả thuyết ngôn ngữ trong các tình huống giao tiếp. Và các lỗi này thường là lỗi trong cách dùng từ loại như động từ, mạo từ……Bên cạnh đấy, do ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ nên người học cũng thường hay mắc lỗi về phát âm, về từ vựng hay cú pháp.

        Tuy nhiên, giảng viên cần phải lưu ý rằng nếu sửa tất các lỗi mà sinh viên mắc phải sẽ khiến họ cảm thấy hoang mang, mất hứng thú học tập. Giảng viên chỉ nên tập trung vào sửa những lỗi nghiêm trọng có ảnh hưởng đến nghĩa của câu, có thể gây ra sự hiểu nhầm trong giao tiếp bao gồm:

           - Thì động từ (Verb tense)

           - Trật tự từ (Word order)

           - Lựa chọn từ không chính xác (Confusing word choice)

        - Lỗi phát âm (pronunciation mistakes): lỗi phát âm cơ bản (pronunciation), trọng âm (stress), ngữ điệu (intonation), phụ âm cuối (last consonants)...

           - Lỗi dịch từng từ hoặc cụm từ từ tiếng Việt sang tiếng Anh (word by word translation)

           Đôi khi không cần thiết phải sửa các lỗi không ảnh hưởng lớn đến nghĩa của câu nếu sinh viên mắc quá nhiều lỗi để tránh tâm lí chán nản (Errors that are less likely to interfere with meaning):

           - Mạo từ (Article mistakes)

           - Giới từ (Preposition mistakes)

           - Dấu chấm(.) hay dấu phẩy (,) (Comma splices)

           - Các lỗi chính tả nhỏ  (Minor spelling mistakes )

         Các phương pháp sữa lỗi cơ bản.

        Giảng viên sửa (Teacher's correction)

        Giảng viên sửa lỗi cho sinh viên là phương pháp tiêu biểu mà nhiều giảng viên thường áp dụng trong quá trình giảng dạy. Phương pháp này gồm có hai loại: Chỉnh sửa trực tiếp và chỉnh sửa gián tiếp. Trong khi chỉnh sửa trực tiếp chỉ dừng lại ở việc giảng viên chỉ ra lỗi sai và sửa lỗi sai đó thì loại chỉnh sửa gián tiếp có thể thực hiện dưới nhiều hình thức hơn. Chúng ta cần lựa chọn hình thức phù hợp với đối tượng  sinh viên của mình.

           Ví dụ: Khi sinh viên mắc lỗi về cấu trúc câu bị động giảng viên viết cấu trúc câu đúng lên bảng bằng phấn đỏ, gọi một sinh viên khác đứng dậy so sánh cấu trúc câu đúng với câu sai, lúc đó sinh viên có thể tự sửa câu sai thành câu đúng và tiếp tục cho sinh viên đặt thêm các ví dụ khác để sinh viên luyện tập cấu trúc câu.

           This house    was     build          by    those workers

           S            +  Be  +  V_ 3/ed   + by       + O    

           This house    was built by those workers 

        Sinh viên có thể vận dụng phong cách sửa lỗi của giảng viên để tự sửa lỗi (Learners' preferred style of teacher's correction)

        Trong thực tế sinh viên không thích cách sửa lỗi trực tiếp của giảng viên. Khi được hỏi tại sao, phần lớn sinh viên cho rằng họ mong muốn được tham gia vào quá trình sửa lỗi. Nói cách khác, giảng viên chỉ làm một phần của công việc, chỉ ra các lỗi, tạo cơ hội cho sinh viên vận dụng kiến thức, trí não của mình để tìm ra cách sửa chữa sai sót. Chính nỗ lực này của sinh viên làm cho quá trình sửa lỗi của sinh viên có ý nghĩa hơn và có lợi cho học tập bởi thông qua cách làm này sinh viên lại một lần nữa ghi nhớ và khắc sâu hơn kiến thức đã gặp.

        Sửa lỗi cả lớp (Class correction)

       Giảng viên có thể cho sinh viên nói hoặc viết tự do, ghi lại những lỗi cơ bản sau đó sửa chung cho cả lớp - tránh tình trạng nêu lỗi của một sinh viên cụ thể vì làm như thế dễ gây cảm giác “mất mặt” cho sinh viên.

        Sửa lỗi nhóm (Group correction)

       Đây cũng là một cách sửa lỗi gây được hứng thú cho sinh viên. Sinh viên làm việc theo nhóm, vừa luyện tập, vừa sửa lỗi. Cách sửa lỗi theo nhóm sẽ làm cho giờ học trở nên nhẹ nhàng và thú vị hơn.

        Một số thủ thuật sửa lỗi

        Như đã đề cập ở trên, mắc lỗi là điều không thể tránh khỏi trong quá trình học ngoại ngữ. Nhiêm vụ của người giảng viên không chỉ là cung cấp tri thức mới cho học viên mà còn giúp họ sửa lỗi một cách hiệu quả nhất. Nhưng sửa lỗi như thế nào lại không phải là một vấn đề đơn giản. Trong quá trình sửa lỗi, giảng viên cần có thái độ đúng đắn, tích cực, phù hợp với sinh viên mắc lỗi khi sử dụng ngôn ngữ. Ngoài ra, người giảng viên cũng phải biết cách tạo không khí vui tươi gây húng thú học tập cho sinh viên, giúp sinh viên có được cảm giác thoải mái nếu mắc lỗi khi sử dụng ngôn ngữ, và xem việc  mắc lỗi  khi sử dụng ngôn ngữ là điều không thể tránh khỏi. Giảng viên cũng nên động viên khuyến khích sinh viên tập trung vào những gì sinh viên đúng nhiều hơn chứ không thiên về những điều sai, chỉ nên lấy cái sai ra để so sánh và tránh lặp lại lỗi sai đó. Bên cạnh đó, khích lệ những câu trả lời đúng của sinh viên, thậm chí cả những câu chưa đúng hoàn toàn bằng phương pháp này sinh viên sẽ cảm thấy mình hiểu và đang hoàn thiện dần. Đặc biệt, giảng viên phải tránh miệt thị sinh viên hoặc làm cho sinh viên cảm thấy việc đặt câu hoặc việc trả lời sai là việc rất tồi tệ. Muốn thực hiện được những điều này, giảng viên có thể áp dụng một số thủ thuật sau:

        Dùng bút/ phấn đánh dấu khác màu vào những lỗi của các em

           Ví dụ: Bài viết của sinh viên:

           Lan get up at six o’clock. She brushes her teeth, washes her face and  have breakfast.

           Giảng viên đánh dấu khác màu các lỗi sai và yêu cầu sinh viên tự sửa lỗi của mình.

        Làm mẫu ( Teacher –to- student)

          Ví dụ: khi sinh viên muốn diễn đạt “tôi muốn một ly trà” nhưng vốn từ vựng và ngữ pháp của sinh viên chỉ dừng lại ở những từ đơn (single words) là “I, cup, tea”, họ sẽ diễn đạt:

          SV: I cup o’ tea

          GV: OK. Listen to me. I’d like a cup of tea. I’d like a cup of tea.

          SV: I’d li cup o’ tea

          GV: like. Repeat

          SV: like

          GV: I’d like a cup of tea

          SV: I’d like a cup of tea

        Hỏi nhấn mạnh (Question mark)

          Sử dụng dấu hỏi, giọng điệu hoặc cử chỉ khuôn mặt

          Sv: I go shopping yesterday.

          GV: [ hơi quay mặt, vẻ mặt  nghiêm nghị, giọng nói nhấn mạnh] go?

          SV: Oh. Yes. I went shopping yesterday.

        Sự thay đổi ( Alternatives)

         Khi phát hiện lỗi sai của sinh viên, giảng viên sẽ đưa ra 2 phương án, một phương án đúng và một phương án sai, nhiệm vụ của sinh viên là nhận biết phương án sai và dùng phương án đúng để thay đổi.

          SV: He go to the market

          GV: He go or he goes?

          SV: He goes

          GV: Say it again

          SV: He goes to the market

       Phân cặp hoặc nhóm, yêu cầu sinh viên sửa lỗi cho nhau bằng cách sử dụng một trong những phương pháp trên.

          SV1: I can soccer

          GV: [ sử dụng ngôn ngữ cơ thể để cho sinh viên biết cần phải thêm từ “play”]

          SV1: I can soccer

          GV: [ Chỉ định SV2] Help him

          SV2: I can play soccer

          SV1: I can play soccer.

        Chữa gián tiếp (indirect correction)

       Đây là thủ thuật được thực hiệng khi sinh viên thực hành cặp/ nhóm, giảng viên  đi chung quanh nhóm này đến nhóm khác với tập giấy nhớ và bút. Lắng nghe và ghi lại lỗi sai  cần chú ý. Cuối tiết học hoặc đầu tiết sau, giảng viên đọc hoặc viết các lỗi lên bảng. Gọi sinh viên  chữa các lỗi đó.

 

 


[1] H.D.Brown (1994) Teaching by principles. Prentice Hall Regents

 

Tác giả: Đào Thị Lê Mai

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 55
  • Tuần: 153
  • Tháng: 1506
  • Tổng: 1100200