Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Phòng ngừa lây nhiễm HIV từ mẹ sang con

Ngày đăng: 03.07.2024

Bài viết cung cấp một số thông tin trong hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con để cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao chủ động trong công tác dự phòng lây nhiễm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

 

HIV là gì?

HIV là loại vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. HIV phá hủy hệ thống miễn dịch của cơ thể và làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh. Người nhiễm HIV dễ mắc các bệnh cơ hội như: Lao, nấm, tiêu chảy nhiễm trùng, viêm phổi, ung thư… và tử vong vì những bệnh mắc phải đó.

Đường lây của HIV?

HIV có thể lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn, qua đường máu (tiêm chích không đảm bảo hay dùng chung kim tiêm) hoặc truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai, sinh đẻ và cho con bú. Ngoài các đường lây truyền trên, HIV có thể lây qua các đường không thể ngờ tới như: Hôn sâu khi có tổn thương niêm mạc miệng, lợi hay sâu răng chảy máu; tiếp xúc tình cờ trực tiếp với máu hay dịch tiết người nhiễm HIV; quan hệ đường miệng; dùng chung bơm kim tiêm; bị người nhiễm HIV cào cấu chảy máu; tiếp xúc với máu người nhiễm HIV qua vết thương hở hay niêm mạc…

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là gì?

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là thuật ngữ chỉ sự lây truyền HIV từ người phụ nữ đã nhiễm HIV sang con trong quá trình mang thai, sinh con hoặc cho con bú qua đường sữa mẹ, còn được gọi là lây truyền HIV chu sinh.

HIV là căn bệnh thế kỷ, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm ra loại thuốc điều trị dứt điểm căn bệnh này. Đối với thai phụ nhiễm HIV thì điều quan trọng nhất vẫn là làm sao để tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Sự lây HIV từ mẹ sang con có thể ngăn ngừa được, rất nhiều bằng chứng đã cho thấy việc sử dụng thuốc điều trị HIV kết hợp với các chiến lược khác đã giúp giảm nguy cơ lây HIV từ mẹ sang con xuống dưới 1%. Các bà mẹ chuẩn bị mang thai, đang có thai nên đến các cơ sở y tế để được khám và xét nghiệm tầm soát. Cán bộ y tế sẽ hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa và giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Các giai đoạn lây truyền HIV từ mẹ sang con

Phụ nữ mang thai nhiễm HIV có thể lây truyền vi-rút cho con qua 3 giai đoạn:

- Giai đoạn 1 - Khi mang thai: HIV từ mẹ qua rau (nhau) thai vào cơ thể thai nhi rất sớm, có thể ngay từ tuần thứ 8 của thai kì. Có khoảng 17%-25% trẻ sơ sinh có khả năng lây nhiễm HIV từ giai đoạn này.

- Giai đoạn 2 - Khi chuyển dạ đẻ: HIV lây từ các dịch và máu của mẹ nhiễm HIV vào cơ thể trẻ. Khoảng 50% trẻ sơ sinh bị lây từ mẹ ở giai đoạn này.

- Giai đoạn 3 - Khi cho con bú: HIV có thể lây qua sữa mẹ hoặc các vết nứt, trầy xước ở núm vú mẹ sang cơ thể trẻ. Khoảng 25% trẻ bị lây nhiễm HIV ở giai đoạn bú mẹ.

 

 

Ảnh minh hoạ 

 

Phụ nữ mang thai nhiễm HIV nếu được phát hiện sớm, tuân thủ điều trị thuốc kháng vi-rút ARV, đảm bảo tải lượng vi-rút dưới ngưỡng phát hiện, thấp hơn 200 bản sao/mL và áp dụng các biện pháp can thiệp hiệu quả trong suốt quá trình mang thai, khi sinh và khi cho con bú thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ xuống rất thấp, có thể dưới 2%. Nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ càng cao khi phụ nữ mang thai nhiễm HIV gặp ít nhất một trong các tình trạng sau:

- Chưa điều trị thuốc kháng vi-rút ARV hoặc mới điều trị thuốc ARV dưới 4 tuần tính đến thời điểm sinh con.

- Tải lượng vi-rút HIV ≥ 200 bản sao/mL trong thời điểm 4 tuần trước sinh.

- Phát hiện nhiễm HIV muộn lúc chuyển dạ hoặc ngay sau sinh hoặc đang cho con bú.

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ qua con

Để tầm soát HIV ở phụ nữ mang thai, tất cả thai phụ nên đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt (tốt nhất là trong 3 tháng đầu). Nếu phát hiện bệnh và được uống thuốc theo phác đồ điều trị sớm, bệnh nhân có thể đảm bảo hiệu quả tối ưu trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con. Nếu không áp dụng các biện pháp dự phòng, tỉ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con là 30-35%. Trong khi đó nếu được phát hiện sớm và điều trị thích hợp, tỷ lệ này giảm xuống còn dưới 5% (100 trẻ sinh ra có thể chỉ có 3-5 trẻ nhiễm HIV từ mẹ hoặc thậm chí còn ít hơn nữa).

Trước khi mang thai:

- Người mẹ chưa nhiễm HIV cần chủ động đến các cơ sở y tế để tư vấn và xét nghiệm HIV, đồng thời nên tư vấn bác sĩ chuyên khoa trước khi có ý định mang thai.

- Đối với những người mẹ đã nhiễm HIV cần phải điều trị ARV sớm, dùng thuốc ARV ít nhất đủ 24 tháng và tuân thủ điều trị tốt để đạt được tải lượng vi rút dưới 200 bản sao trong 1ml máu và nên tư vấn bác sĩ chuyên khoa về thời điểm mang thai.

Trong khi mang thai: 

- Tư vấn về dinh dưỡng khi mang thai và nuôi dưỡng trẻ sau sinh; về nguy cơ và bất lợi có thể xảy ra khi mang thai, sinh đẻ, kể cả việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sau này;

Khám thai định kỳ ở cơ sở y tế chuyên khoa sản để được tư vấn, hướng dẫn về chăm sóc thai sản, chọn nơi sinh phù hợp;

- Người mẹ đang nhiễm HIV cần phải tuân thủ điều trị để tải lượng vi rút dưới 200 bản sao trong 1ml nhằm giảm thiểu tối đa khả năng lây truyền HIV cho con.

Khi sinh: 

- HIV từ nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo của mẹ xâm nhập vào trẻ qua niêm mạc mắt, mũi, hậu môn hoặc da bị sây sát của trẻ trong quá trình sinh.

- HIV cũng có thể từ trong máu của mẹ thông qua các vết loét ở cơ quan sinh dục của mẹ xâm nhập vào cơ thể của trẻ sơ sinh. Vì vậy những người mẹ nhiễm HIV thường được tư vấn sinh mổ để hạn chế sây xát da em bé, giảm thiểu nguy cơ lây truyền HIV

Thực hiện đảm bảo các nguyên tắc vô khuẩn trong sản khoa. Hạn chế các thủ thuật: bấm ối, mổ lấy thai, đặt điện cực, rạch màng ối sớm. Tắm cho trẻ ngay sau sinh.

Sau khi sinh: 

- Người mẹ cần đến cở sở điều trị HIV/AIDS để được tiếp tục theo dõi sức khỏe và điều trị ARV.

- Trẻ em ngay sau sinh (trong vòng 24 giờ) được uống thuốc ARV theo chỉ dẫn của bác sĩ để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

- HIV có thể lây từ mẹ sang con do HIV có trong sữa mẹ hoặc máu, dịch tiết từ các vết nứt ở núm vú người mẹ, vì vậy tốt nhất không cho trẻ bú mẹ.

- Nếu nuôi con bằng sữa mẹ người mẹ phải được điều trị ARV và tuân thủ tốt để tải lượng vi rút dưới 200 bản sao trong 1ml máu.

- Nếu nuôi con bằng sữa thay thế thì cần phải đáp ứng cung cấp đủ sữa thay thế hoàn toán trong vòng 6 tháng đầu, có nước sạch và chuẩn bị sữa ăn thay thế an toàn , hợp vệ sinh và đủ số lượng phù hợp với tuổi của trẻ.

- Khi trẻ được 4-6 tuần tuổi, đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV. Sau đó bác sĩ sẽ tư vấn cho người mẹ có phương pháp chăm sóc thích hợp và thời điểm xét nghiệm lại./.

Hiện nay tại Trung tâm Y tế huyện Tân Phú Đông đã và đang thực hiện các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con qua các thời kỳ. Thai phụ có thể liên hệ trực tiếp Khoa Kiểm soát bệnh tật hoặc Khoa Phụ sản Trung tâm Y tế huyện để được hỗ trợ./.

 

Tác giả: H.P (Tổng hợp)

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 3677
  • Tuần: 66115
  • Tháng: 100001
  • Tổng: 100001