Ngày 25/5/2023, Thông tư liên tịch số 02/2023/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC do Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao ban hành quy định về phối hợp trao đổi thông tin giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố chính thức có hiệu lực.
Việc ban hành Thông tư liên tịch nhằm bảo đảm sự phối hợp, chỉ đạo kịp thời của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng từ trung ương đến địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong trao đổi thông tin phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Nguyên tắc phối hợp
Theo Thông tư, việc phối hợp trao đổi thông tin giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố dựa trên 4 nguyên tắc: Tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật; Được thực hiện thường xuyên, bảo đảm nắm bắt kịp thời thông tin góp phần phối hợp giải quyết vụ án đúng pháp luật; Bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật và quy định của mỗi cơ quan; Việc thực hiện trao đổi thông tin, phối hợp trong hoạt động tiến hành tố tụng đối với hành vi phạm tội rửa tiền, hành vi phạm tội tài trợ khủng bố phải tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), các văn bản quy phạm pháp luật liên tịch đang có hiệu lực thi hành và quy định của Thông tư 02/2023/TTLT-BCA-VKSNDTC- TANDTC.
Phạm vi phối hợp
Điều 7 Thông tư quy định phạm vi trao đổi thông tin giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố, như sau:
Trong giai đoạn điều tra: Thẩm quyền điều tra vụ án hình sự (đối với những vụ án có tranh chấp về thẩm quyền); nhập, tách vụ án hình sự; những vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự; việc chứng minh dòng tiền; vật chứng; giám định, định giá tài sản; việc áp dụng, thay đổi biện pháp ngăn chặn; tương trợ tư pháp về hình sự; đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can; tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can; kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tạm giữ đồ vật, tài liệu; việc áp dụng các biện pháp xử lý vật chứng và những thông tin khác trong giai đoạn điều tra mà các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy cần thiết trao đổi.
Trong giai đoạn truy tố: Nhập, tách vụ án hình sự trong giai đoạn truy tố; quyết định chuyển vụ án để truy tố theo thẩm quyền; quyết định truy tố; quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung; đình chỉ vụ án hình sự, đình chỉ bị can; tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can; phục hồi vụ án và những thông tin khác mà các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy cần thiết trao đổi.
Trong giai đoạn xét xử: Chuyển vụ án trong xét xử, bàn giao tài liệu, hồ sơ vụ án; đưa vụ án ra xét xử; xây dựng kế hoạch xét xử và phối hợp trao đổi trong việc tổ chức bảo vệ phiên tòa và những thông tin khác trong giai đoạn giai đoạn xét xử mà các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy cần thiết trao đổi.
Hình thức phối hợp
Điều 8 Thông tư quy định có 2 hình thức phối hợp gồm:
(1) Trao đổi trực tiếp: Tổ chức họp liên ngành theo các cấp độ chuyên viên hoặc lãnh đạo liên ngành, thành lập tổ, đoàn công tác liên ngành để hướng dẫn hoặc các hình thức phối hợp trực tiếp khác phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố.
(2) Trao đổi gián tiếp: Trao đổi cung cấp thông tin qua văn bản, phương tiện liên lạc điện tử và các hình thức phối hợp gián tiếp khác.
Trách nhiệm phối hợp
Tại các Điều 13,14 và 15 của Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao, trong đó Trách nhiệm của Bộ Công an (Điều 13) được quy định như sau:
(1) Hàng năm, xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình, Kế hoạch phối hợp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an;
(2) Hằng năm chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức họp liên ngành, có sự tham gia của các bộ, ngành hữu quan để đánh giá tình hình phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố, kết quả thực hiện Thông tư liên tịch, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề ra giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố;
(3) Phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao rà soát, xây dựng, ban hành văn bản liên quan đến công tác thực thi pháp luật trong điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố theo đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật.
(4). Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân trong quá trình điều tra tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố. Cơ quan điều tra Công an cấp trên có trách nhiệm hướng dẫn về nghiệp vụ, pháp luật, kịp thời tiếp nhận thông tin, trả lời thỉnh thị của Cơ quan điều tra cấp dưới để bảo đảm quá trình giải quyết tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
(5) Tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm điều tra tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố; chỉ đạo xây dựng Quy trình, hướng dẫn thực hiện Thông tư liên tịch trong Công an nhân dân.
Ngoài ra, Thông tư liên tịch còn quy định về những hành vi bị nghiêm cấm như: Thu thập, tiết lộ trái phép thông tin về tình hình, kết quả điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố hoặc lợi dụng để thu thập, cung cấp trái phép thông tin cá nhân, thông tin khác không thuộc phạm vi điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố. Sử dụng thông tin cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc thông tin khác không thuộc phạm vi điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố vào mục đích cá nhân hoặc các mục đích khác không thuộc phạm vi điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố…
Thanh Hồng (Tổng hợp)
- Tọa đàm về chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng (14.06.2024)
- Trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan và tổ chức trong phòng, chống ma túy (11.06.2024)
- Trách nhiệm của gia đình trong việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới (11.06.2024)
- 8 nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2023 (10.06.2024)
- Quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (10.06.2024)
- 76 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc: Thi đua phải là vì yêu nước (10.06.2024)
- Các nhóm nhiệm vụ của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (10.06.2024)
- An ninh văn hóa trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay (08.06.2024)
- Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số (08.06.2024)