Ngày 8/11/2024, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Trình bày trước Quốc hội Tờ trình về Quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, tình hình ma túy thế giới, khu vực và các nước láng giềng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, tác động trực tiếp, làm gia tăng nguy cơ, áp lực đối với công tác phòng, chống ma túy ở nước ta. Tình hình ma túy ở trong nước diễn biến rất phức tạp và khó lường với số vụ, đối tượng và tang vật ma túy bắt giữ có xu hướng tăng qua các năm. Số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy vẫn còn ở mức rất cao, có ở mọi thành phần, lứa tuổi, địa bàn. Số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy trong toàn quốc không giảm và chiếm tỷ lệ đa số (chiếm 83,7%).
Phó Thủ tướng Lê Thành Long trình bày Tờ trình
Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 nhằm tiếp nối và phát huy các thành tựu, kết quả đạt được của Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 trên các mặt công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tuyên truyền phòng ngừa; đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy; cai nghiện ma túy, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai. Đồng thời, Chương trình cũng phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống ma túy của đất nước...
Về Cơ quan chủ trì quản lý Chương trình: Bộ Công an
Cơ quan, đơn vị phối hợp, thực hiện Chương trình: Các bộ, cơ quan: Công an; Lao động - Thương binh và Xã hội; Y tế; Quốc phòng; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Thông tin và Truyền thông; Giáo dục và Đào tạo; Tư pháp; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đối tượng thụ hưởng của Chương trình là người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và người vi phạm pháp luật liên quan đến ma tuý thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Các tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; cai nghiện ma túy; điều trị nghiện ma túy và tham mưu, quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy. Cộng đồng người dân Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung chương trình
Địa điểm thực hiện Chương trình là trên phạm vi cả nước.
Thời gian thực hiện Chương trình: Từ năm 2025 đến hết năm 2030. Trong đó, năm 2025: Thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình. Giai đoạn 2026-2030: Triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến năm 2030.
Tổng vốn thực hiện Chương trình: 22.450,194 tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách Trung ương: 17.725,657 tỷ đồng (chiếm 78,96%), gồm: Vốn đầu tư phát triển: 9.827 tỷ đồng; Vốn sự nghiệp: 7.898,657 tỷ đồng. Vốn ngân sách địa phương: 4.674,537 tỷ đồng (chiếm 20,82%), gồm: Vốn đầu tư phát triển: 2.451 tỷ đồng; Vốn sự nghiệp: 2.223,537 tỷ đồng. Vốn huy động hợp pháp khác: dự kiến 50 tỷ đồng (chiếm 0,22%).
Tăng trên 3% số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ toàn quốc mỗi năm
Mục tiêu tổng quát của Chương trình nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân nhằm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy; hướng tới giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy. Tổ chức phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về ma tuý từ sớm, từ xa; không để Việt Nam trở thành địa bàn sản xuất, trung chuyển và tiêu thụ ma tuý; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, trang thiết bị tiên tiến vào công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma tuý. Bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện, điều trị nghiện ma túy; hỗ trợ can thiệp y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý cho người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma tuý, người sau cai nghiện ma túy, người vi phạm pháp luật về ma tuý thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Từng bước làm giảm bền vững số người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma tuý; góp phần chăm sóc, bảo vệ tốt hơn quyền con người; xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Đại biểu tham dự kỳ họp
Về các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến 2030: Hằng năm, số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ tại khu vực biên giới, tuyến đường biển, đường hàng không, chuyển phát nhanh tăng trên 3%; số vụ phạm tội về ma túy có tổ chức xuyên quốc gia được phát hiện, bắt giữ tăng trên 3%; số vụ phạm tội lợi dụng không gian mạng được phát hiện, triệt phá tăng trên 5%; góp phần tăng trên 3% số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ toàn quốc mỗi năm. Các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy phấn đấu được phát hiện, triệt phá 100%.
Trên 70% lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy cấp bộ, cấp tỉnh và lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý Cảnh sát biển được ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại để thu thập, khai thác, chia sẻ dữ liệu thông tin nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, kịp thời phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Trên 80% CBCS lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc lực lượng CAND, Cảnh sát biển, Hải quan được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về lĩnh vực có liên quan đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Trên 80% các đơn vị và CBCS lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội biên phòng và Cảnh sát biển được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tội phạm ma túy.
100% diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy phát hiện được triệt phá.
Kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện dưới 01%/năm và tỷ lệ gia tăng người sử dụng trái phép chất ma túy dưới 01%/năm. Ít nhất 80% người nghiện ma túy được tư vấn cai nghiện; 90% người sau cai nghiện ma túy được hỗ trợ phòng, chống tái nghiện ma tuý và hòa nhập cộng đồng. Trên 90% người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và gia đình người nghiện ma tuý được cung cấp, tiếp cận chính sách, pháp luật, thông tin hệ thống dịch vụ về cai nghiện, quản lý, hỗ trợ xã hội.
Tỷ lệ xã, phường, thị trấn không có ma túy trên toàn quốc đạt trên 20%.
Quang cảnh hội trường
Bộ Công an chủ trì 4 Dự án và 1 Tiểu dự án
Chương trình gồm 9 Dự án, 6 Tiểu dự án do 8 bộ, ngành chủ trì, cụ thể:
Dự án 1: Phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về ma túy có tổ chức, xuyên quốc gia (Bộ Công an chủ trì).
Dự án 2: Ứng dụng khoa học và công nghệ trong phòng, chống ma tuý (Bộ Công an chủ trì).
Dự án 3: Nâng cao năng lực công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy của Bộ Quốc phòng (Bộ Quốc phòng chủ trì), gồm 2 Tiểu dự án: Tiểu dự án 1: Mua sắm trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm về ma túy của Bộ đội Biên phòng. Tiểu dự án 2: Nâng cao năng lực công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy của Cảnh sát biển Việt Nam.
Dự án 4: Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy ở cơ sở (Bộ Công an chủ trì).
Dự án 5: Nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy và quản lý sau cai (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì).
Dự án 6: Tăng cường đáp ứng y tế trong phòng, chống ma tuý (Bộ Y tế chủ trì).
Dự án 7: Truyền thông, giáo dục về phòng, chống ma tuý (Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì), gồm 4 Tiểu dự án: Tiểu dự án 1: Truyền thông về phòng, chống ma túy (Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì). Tiểu dự án 2: Nâng cao hiệu quả truyền thông, giáo dục phòng, chống ma tuý ở cơ sở (Bộ Công an chủ trì). Tiểu dự án 3: Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì). Tiểu dự án 4: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy cho công nhân lao động các khu công nghiệp (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì).
Dự án 8: Nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng về dịch vụ trợ giúp pháp lý chất lượng và giáo dục pháp luật trong phòng, chống ma tuý (Bộ Tư pháp chủ trì).
Dự án 9: Giám sát, đánh giá Chương trình (Bộ Công an chủ trì).
"Chính phủ đề xuất thời gian thực hiện Chương trình bắt đầu từ năm 2025 đến hết năm 2030. Đồng thời, để bảo đảm tính bền vững, duy trì, kế thừa, tiếp nối và phát huy tối đa hiệu quả, thành tựu, kết quả, mục tiêu đạt được của Chương trình trong giai đoạn 2025 - 2030, tránh tình trạng đứt gãy những thành tựu đạt được, dẫn đến lãng phí nguồn lực, Chính phủ kính đề xuất chủ trương đến năm 2030 trên cơ sở tổng kết đánh giá Chương trình để đề xuất tiếp tục chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý cho giai đoạn 2031 - 2035", Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu rõ.
Thành Luân – Quỳnh Vinh
- Bế giảng 2 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ thuộc Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia (19.12.2024)
- Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025 (18.12.2024)
- Lực lượng Công an nhân dân tiếp tục gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các chủ trương của Đảng (18.12.2024)
- Nâng cao kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm cho cán bộ, công nhân viên Trường Đại học CSND (17.12.2024)
- Truyền thống đoàn kết gắn bó giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân, cội nguồn sức mạnh, động lực quan trọng đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (16.12.2024)
- Trường Đại học CSND thăm, động viên cán bộ Công an tỉnh Vĩnh Long bị thương khi làm nhiệm vụ (15.12.2024)
- Quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (14.12.2024)
- Olympic Tin học sinh viên Việt Nam 2024 (14.12.2024)
- “Một giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại” (14.12.2024)