Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư 45/2025/TT-BCA quy định quản lý học sinh trung học phổ thông trong Công an nhân dân. (Sau đây gọi tắt là Thông tư 45).
Thông tư 45 quy định về nguyên tắc, nội dung và các hoạt động quản lý học sinh; quyền, nghĩa vụ của học sinh; phân công trách nhiệm quản lý học sinh trung học phổ thông trong Công an nhân dân. Thông tư áp dụng với các đối tượng sau: Học sinh Việt Nam và học sinh nước ngoài đang học tập Chương trình giáo dục trung học phổ thông; học sinh nước ngoài đang học tập Chương trình bồi dưỡng tiếng Việt, ôn tập kiến thức văn hóa trung học cơ sở tại Trường Văn hoá; Các đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung.
Nguyên tắc quản lý học sinh:
- Chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an và nhà trường.
- Bảo đảm tính kỷ luật, chính quy, thống nhất, toàn diện.
- Kết hợp chặt chẽ các biện pháp quản lý với việc sử dụng các quy luật của hoạt động giáo dục, trong đó lấy giáo dục là chủ yếu; huy động sự tham gia của các đơn vị, tổ chức, cá nhân, gia đình trong công tác quản lý học sinh.
- Phát huy tính tự giác, tự quản của học sinh.
- Tôn trọng phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa của từng quốc gia, dân tộc; gìn giữ và phát huy quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa Việt Nam với các nước có học sinh học tập.
Thông tư quy định công tác quản lý hoạt động học tập, rèn luyện và các phong trào của học sinh, gồm có:
- Quản lý, cập nhật, bổ sung và khai thác hồ sơ của học sinh;
- Tổ chức cho học sinh sinh hoạt đầu khoá, đầu năm học để học tập, nghiên cứu các văn bản của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và nhà trường liên quan đến hoạt động học tập, rèn luyện, tham gia phong trào của học sinh;
- Tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động thể dục, rèn luyện sức khỏe. Tổ chức giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hoá cho học sinh;
- Theo dõi, nhận xét ý thức, thái độ tự học, rèn luyện, tham gia các hoạt động, phong trào của học sinh; đánh giá kết quả rèn luyện, xếp loại tập thể học sinh; tổ chức xét khen thưởng tập thể và cá nhân học sinh, xử lý kỷ luật học sinh vi phạm nội quy, quy chế. Tổ chức đối thoại định kỳ giữa Hiệu trưởng với học sinh. Tổ chức lấy ý kiến phản hồi của học sinh về công tác quản lý giáo dục học sinh của nhà trường;
- Tổ chức hoạt động tự học ngoài giờ lên lớp; tạo cơ chế, khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thi; động viên học sinh giúp đỡ nhau trong học tập, rèn luyện, xây dựng nếp sống văn minh, văn hoá;
- Thực hiện chế độ, chính sách đối với học sinh theo quy định; thăm hỏi, động viên, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh là đối tượng chính sách; giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan tới học sinh;
- Tổ chức cho học sinh tập huấn điều lệnh Công an nhân dân; tham gia các hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, các câu lạc bộ trong và ngoài nhà trường; tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện chung sức vì cộng đồng;
- Đề xuất thành lập các tổ chức quần chúng; thực hiện công tác phát triển Đảng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đối với học sinh nhà trường;
- Thực hiện công tác y tế trường học, tổ chức khám sức khoẻ cho học sinh khi nhập học; chăm sóc, phòng chống dịch, bệnh và khám sức khoẻ định kỳ cho học sinh; đề xuất giải quyết những trường hợp không đủ tiêu chuẩn sức khoẻ để học tập, rèn luyện; tổ chức cho học sinh tham gia lao động, vệ sinh cảnh quan môi trường;
- Tổ chức cho học sinh trực ban, trực gác, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có yêu cầu của cấp trên;
- Giải quyết các vấn đề khác liên quan đến học sinh theo quy định.
Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
Một số nội dung về quản lý học sinh trung học phổ thông trong Công an nhân dân tại Thông tư 45 2025 TT BCA như sau:
(1) Nội dung, khung điểm, cách thức đánh giá kết quả rèn luyện
- Nội dung đánh giá kết quả rèn luyện:
+ Quan điểm, lập trường, phẩm chất chính trị; đạo đức, lối sống; quan hệ cộng đồng;
+ Ý thức, thái độ và kết quả chấp hành điều lệnh Công an nhân dân, các quy định, quy chế liên quan đến học sinh;
+ Ý thức, thái độ và kết quả học tập;
+ Ý thức, thái độ và kết quả tham gia hoạt động tập thể, hoạt động phong trào ở trong và ngoài trường;
+ Ý thức, thái độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Hiệu trưởng quy định chi tiết khung điểm, tiêu chí đánh giá các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 45/2025/TT-BCA phù hợp với đối tượng học sinh và đặc điểm, mục tiêu giáo dục của nhà trường.
- Cách thức đánh giá:
+ Điểm rèn luyện tháng là tổng điểm đạt được theo thang điểm quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 45/2025/TT-BCA;
+ Điểm rèn luyện học kỳ là tổng của trung bình cộng điểm rèn luyện các tháng trong học kỳ với điểm thưởng (nếu có);
+ Điểm rèn luyện của học sinh quy định tại điểm a và b khoản này được đánh giá theo thang điểm 10 và làm tròn đến 01 chữ số thập phân.
- Kết quả rèn luyện của học sinh trong từng học kỳ được đánh giá theo 04 mức:
+ Mức Tốt: Từ 8,0 điểm đến 10 điểm;
+ Mức Khá: Từ 6,5 điểm đến dưới 8,0 điểm;
+ Mức Đạt: Từ 5,0 điểm đến dưới 6,5 điểm;
+ Mức Chưa đạt: Dưới 5,0 điểm.
- Kết quả rèn luyện của học sinh cả năm học được đánh giá theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông.
(2) Đánh giá kết quả rèn luyện đối với một số trường hợp cụ thể
- Đánh giá kết quả rèn luyện học kỳ đối với học sinh bị xử lý kỷ luật:
+ Đến thời điểm đánh giá rèn luyện, học sinh chưa được công nhận tiến bộ thì đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh mức Chưa đạt;
+ Đến thời điểm đánh giá rèn luyện, học sinh đã được công nhận tiến bộ thì căn cứ điểm rèn luyện học kỳ để đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh nhưng không vượt quá mức Đạt;
+ Trong học kỳ liền kề trước, học sinh chưa được công nhận tiến bộ và trong học kỳ tiếp theo tính đến thời điểm đánh giá rèn luyện, học sinh đã được công nhận tiến bộ (đối với hình thức kỷ luật của học kỳ liền kề trước) thì học sinh đó được đánh giá kết quả rèn luyện như trường hợp học sinh không vi phạm kỷ luật trong học kỳ.
- Học sinh nghỉ học theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ chính trị, tham gia các cuộc thi, giải đấu, các phong trào, hoạt động chung, nhà trường căn cứ thời gian được triệu tập, yêu cầu và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao để quyết định việc đánh giá kết quả rèn luyện cho học sinh.
- Tổ chức cho học sinh rèn luyện trong kỳ nghỉ hè theo quy định tại Điều 13 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT.
(3) Điểm thưởng
- Đối tượng được cộng điểm thưởng:
+ Học sinh đoạt giải ở các cuộc thi do Bộ Công an hoặc các Bộ, ban, ngành Trung ương, Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương và nhà trường tổ chức, phát động;
+ Học sinh là cán bộ lớp, cán bộ tổ, cán bộ Đoàn;
+ Học sinh được cấp có thẩm quyền quyết định khen thưởng vì có thành tích đột xuất trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, tham gia các hoạt động xã hội.
- Nguyên tắc cộng điểm thưởng:
+ Điểm thưởng được cộng 01 lần vào điểm rèn luyện học kỳ của học sinh. Trường hợp học sinh đoạt giải, được khen thưởng sau thời điểm sơ kết học kỳ hoặc tổng kết năm học thì việc cộng điểm thưởng được thực hiện ở học kỳ kế tiếp. Tổng điểm thưởng không vượt quá 15% trung bình cộng điểm rèn luyện các tháng trong học kỳ;
+ Học sinh đoạt giải ở mỗi cuộc thi, được nhiều cấp khen thưởng khác nhau thì được cộng điểm thưởng ở khung có giá trị cao nhất;
+ Học sinh đảm nhiệm nhiều chức trách, nhiệm vụ khác nhau thì cộng điểm thưởng 01 lần với mức điểm thưởng cao nhất.
- Cục trưởng Cục Đào tạo quy định mức điểm thưởng đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT.
(4) Xếp loại tập thể lớp
- Xếp loại tập thể lớp theo năm học gồm 04 mức: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Hoàn thành tốt nhiệm vụ; Hoàn thành nhiệm vụ và Không hoàn thành nhiệm vụ.
- Tập thể lớp Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải đạt các tiêu chuẩn:
+ 100% học sinh có kết quả học tập và kết quả rèn luyện được đánh giá từ mức Đạt trở lên;
+ Có từ 20% trở lên học sinh đạt danh hiệu Học sinh Giỏi trở lên;
+ Có học sinh đạt danh hiệu Học sinh Xuất sắc;
+ Không có học sinh bị kỷ luật;
+ Tập thể đoàn kết, giúp đỡ nhau trong học tập, rèn luyện, tổ chức nhiều hoạt động thi đua và tích cực hưởng ứng phong trào thi đua do Bộ Công an, Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương và nhà trường phát động.
- Tập thể lớp Hoàn thành tốt nhiệm vụ phải đạt tiêu chuẩn quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 2 Điều 12 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT.
- Tập thể lớp Hoàn thành nhiệm vụ phải đạt các tiêu chuẩn:
+ Có từ 80% trở lên học sinh có kết quả học tập và kết quả rèn luyện được đánh giá từ mức Đạt trở lên;
+ Không có học sinh bị kỷ luật hình thức tạm dừng học ở trường có thời hạn;
+ Tập thể đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, rèn luyện; tham gia các phong trào thi đua do Bộ Công an, Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương và nhà trường phát động.
- Tập thể lớp Không hoàn thành nhiệm vụ khi không đạt các tiêu chuẩn của Tập thể học sinh Hoàn thành nhiệm vụ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 04 tháng 8 năm 2025.
H.P (tổng hợp)
- Quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe (21.11.2024)
- Một số điểm mới về kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu (16.11.2024)
- Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên phát triển vươn tầm (15.11.2024)
- Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo khi truy cập vào đường link do shipper gửi (14.11.2024)
- Bình đẳng giới trong một số lĩnh vực và thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong bình đẳng giới (14.11.2024)
- Một số quy định pháp luật về bình đẳng giới ở Việt Nam (13.11.2024)
- Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới 2024 (13.11.2024)
- Một số vấn đề về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trong tình hình mới (07.11.2024)
- Khái lược lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (04.11.2024)