Xác định công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân, ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 53/LCT ban hành Pháp lệnh “Quy định việc quản lý Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy” thành lập lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH). Đây là một trong những lực lượng thuộc Công an nhân dân Việt Nam, được Đảng, Nhà nước và Bộ Công an quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiệm vụ quản lý, tổ chức, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy trên toàn quốc, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Bản Pháp lệnh có nêu rõ: “PCCC là để bảo vệ tài sản của nhà nước, tính mạng tài sản của nhân dân; bảo vệ sản xuất với an ninh trật tự; đồng thời cũng khẳng định công tác PCCC là nghĩa vụ và trách nhiệm của toàn dân và của toàn xã hội”.
Để một quốc gia có thể thuận lợi phát triển kinh tế, xã hội thì vấn đề quốc phòng, an ninh ổn định, trật tự đóng vai trò quan trọng then chốt, trong đó có công tác PCCC. Công tác PCCC là một việc làm hết sức quan trọng, bởi PCCC giúp hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro mà cháy nổ gây ra về người và tài sản. Hỏa hoạn, cháy nổ trong đời sống hằng ngày có thể xảy ra bất cứ lúc nào, chính vì vậy nếu không có những biện pháp kịp thời sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại nghiêm traọng về người và tài sản, không những vậy còn có thể ảnh hưởng đến những khu vực lân cận.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: Tăng cường công tác phòng, chống cháy, nổ và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ (CNCH); ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe doạ an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ CNCH, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người. Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng cháy chữa cháy, mỗi người cần nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm của bản thân trong phòng cháy chữa cháy, cần trang bị những kiến thức cơ bản khi có cháy nổ, hỏa hoạn. Ngoài ra, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật thực sự đồng bộ và chặt chẽ về phòng cháy, chữa cháy. Chính vì thế, Bộ Chính trị đã họp bàn về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, và đề ra nhiệm vụ xây dựng dự án Luật điều chỉnh về PCCC và CNCH.
Dự thảo Luật được xây dựng gồm 09 chương, 61 Điều, với những nội dung cơ bản như sau:
Thứ nhất, Chương I về quy định chung
Dự thảo Luật bổ sung quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, lực lượng, phương tiện, bảo đảm điều kiện hoạt động và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Cụ thể, dự thảo Luật quy định về: Phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; chính sách của nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; báo cháy, tình huống cần phải cứu nạn, cứu hộ; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; xây dựng, thực tập các phương án về chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; các hành vi bị nghiêm cấm.
Ảnh minh hoạ
Thứ hai, Chương II về phòng cháy
Dự thảo Luật kế thừa, bổ sung các quy định để khắc phục những vướng mắc, bất cập và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoạt động phòng cháy, trong đó bổ sung quy định cụ thể hơn trách nhiệm, yêu cầu trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và nâng cao hơn nữa yêu cầu, trách nhiệm trong việc quản lý, cung ứng, sử dụng điện và thiết bị điện có liên quan đến cháy, nổ. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bỏ các nội dung hiện đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hoặc trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan để bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, bao gồm: Phòng cháy đối với rừng; phòng cháy đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; phòng cháy trong khai thác, chế biến, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng, bảo quản sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, vật tư, hàng hóa khác có nguy hiểm về cháy, nổ; phòng cháy đối với công trình cao tầng, công trình trên mặt nước, công trình ngầm, đường hầm, hầm lò khai thác khoáng sản, nhà khung thép mái tôn; phòng, chống cháy, nổ đối với cơ sở sản xuất, kho vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; phòng cháy đối với cơ sở hạt nhân; phòng cháy đối với trụ sở làm việc, thư viện, bảo tàng, kho lưu trữ; phòng cháy đối với chợ, trung tâm thương mại, kho tàng.
Cụ thể, dự thảo Luật quy định về: Yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy khi lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch xây dựng; Yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy khi lập, điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình; thiết kế xây dựng công trình; cải tạo, thay đổi công năng sử dụng công trình; thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng mới, hoán cải phương tiện giao thông; Thẩm tra, thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; Nghiệm thu, kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; Phòng cháy đối với nhà ở; Phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh; Phòng cháy đối với phương tiện giao thông; Phòng cháy đối với cơ sở; Phòng cháy trong lắp đặt, sử dụng điện.
Thứ ba, Chương III về chữa cháy
Dự thảo Luật tiếp tục kế thừa quy định của Luật hiện hành, có chỉnh lý, bổ sung một số quy định để khắc phục những vướng mắc, bất cập và nâng cao hiệu quả hoạt động chữa cháy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.
Cụ thể, dự thảo Luật quy định về: Xây dựng, thực tập phương án chữa cháy; Trách nhiệm chữa cháy; Huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản tham gia chữa cháy; Nguồn nước chữa cháy; Người chỉ huy chữa cháy; Quyền, trách nhiệm của người chỉ huy chữa cháy; Khắc phục hậu quả vụ cháy; Bảo vệ hiện trường, điều tra vụ cháy; Chữa cháy trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và nhà ở của thành viên các cơ quan này.
Thứ tư, Chương IV về cứu nạn, cứu hộ
Các nội dung trong dự thảo Luật đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đang quy định trong Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 và giao Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cứu nạn, cứu hộ đối với những sự cố, tai nạn xảy ra trong đời sống hằng ngày và thực tiễn thi hành cho thấy, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với vai trò làm nòng cốt cùng với các lực lượng phòng cháy và chữa cháy ở cơ sở đã và đang phát huy hiệu quả quan trọng trong việc thực hiện các hoạt động cứu nạn, cứu hộ đối với các tình huống tai nạn, sự cố thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Cụ thể, dự thảo Luật quy định về: Tình huống cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Trách nhiệm cứu nạn, cứu hộ; Xây dựng, thực tập phương án cứu nạn, cứu hộ của cơ quan Công an; Người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ; Huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản tham gia cứu nạn, cứu hộ.
Thứ năm, Chương V về xây dựng, bố trí lực lượng, nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Trên cơ sở tiếp tục kế thừa quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm, Dự thảo Luật phát huy giá trị để tiếp tục quy định đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung các quy định liên quan đến xây dựng, bố trí lực lượng, nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Cụ thể, dự thảo Luật quy định các nội dung về: Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Thành lập, quản lý lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành và lực lượng dân phòng; Nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành và lực lượng dân phòng; Phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tình nguyện; Xây dựng, bố trí lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Thứ sáu, Chương VI về phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ
Dự thảo Luật bổ sung các quy định về phương tiện cứu nạn, cứu hộ; đồng thời, chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung về phương tiện phòng cháy, chữa cháy đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cụ thể, dự thảo Luật quy định về: Trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở, hộ gia đình, phương tiện giao thông cơ giới; trang bị phương tiện cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; quản lý và sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; sản xuất, nhập khẩu phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Thứ bảy, Chương VII về bảo đảm điều kiện cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ
Dự thảo Luật về cơ bản tiếp tục kế thừa quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy, đồng thời bổ sung quy định về bảo đảm điều kiện cho hoạt động cứu nạn, cứu hộ. Cụ thể, dự thảo Luật quy định về: Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Chế độ, chính sách đối với người được huy động, tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Trang phục, phù hiệu, cấp hiệu và chế độ, chính sách đối với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; Nguồn tài chính bảo đảm cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Ngân sách đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Khuyến khích đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Hoạt động khoa học, công nghệ, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy.
Thứ tám, Chương VIII về quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ
Dự thảo Luật quy định về Nội dung quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy; Xử lý đối với các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Thứ chín, Chương IX về điều khoản thi hành.
Dự thảo Luật quy định về sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống thiên tai; hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp.
Tóm lại, đây là một trong những dự án luật do Bộ Công an chủ trì nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân; đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; tạo môi trường an toàn phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong hoạt động PCCC, CNCH; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành và bổ sung quy định đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.
Trong thực tế, cần xác định: PCCC là trách nhiệm chung của toàn xã hội, bởi an toàn PCCC liên quan mật thiết đến tính mạng, tài sản của tất cả mọi người. Vì thế, cùng với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, mỗi người dân, mỗi chính quyền địa phương, mỗi cơ quan, đoàn thể cần tích cực tham gia phong trào toàn dân PCCC, coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Có như vậy, công tác đảm bảo an toàn PCCC mới đạt được hiệu quả; tai nạn cháy, nổ mới từng bước được đẩy lùi, góp phần xây dựng đất nước ngày càng bình yên, giàu mạnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ Công an (2024), Tài liệu tuyên truyền về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ngày 08/10/2024.
2. Chính phủ (2017), Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2023 quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
4. Đảng đoàn Quốc hội (2021), Đề án số 292-ĐA/ĐĐQH15 ngày 20/10/2021 của Đảng đoàn Quốc hội về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026).
5. Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024.
6. Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2013.
ThS, Đại úy Ngô Thị Thùy Trang
Giảng viên Khoa Luật
- Nghị định Quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân (11.03.2019)
- Bán kết 1, cuộc thi Olympic các môn Pháp luật (05.03.2019)
- Rộn ràng Hội thao chào mừng Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 (27.02.2019)
- Trao đổi về phương pháp viết bài đăng trên Tạp chí Khoa học giáo dục Cảnh sát nhân dân (26.02.2019)
- Công tác vận động quần chúng của lực lượng Cảnh sát giao thông công an Thành phố Hồ Chí Minh trong đ (18.02.2019)
- Nâng cao chất lượng Tạp chí Khoa học giáo dục Cảnh sát nhân dân đáp ứng nhu cầu hội nhập (18.01.2019)
- Chứng từ điện tử có giá trị như chứng từ giấy (11.01.2019)
- Thesis: “Activities of the People’s Police Force in preventing deliberate infliction of bodily (05.12.2018)
- Dissertation: “Examining scenes in investigating cases of using explosive materials” (29.11.2018)