78 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, được sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đã không ngừng phát huy bản chất tốt đẹp, vừa xây dựng, vừa chiến đấu và trưởng thành làm nên những chiến công mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc như những biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng vĩ nước quên thân, vì dân phục vụ. Đồng hành trong sự nghiệp đó, không thể không kể đến những cống hiến, hy sinh của những nữ Công an nhân dân anh hùng.
Dù những năm tháng chiến tranh đau thương đã lùi xa, những mất mát đang dần được khỏa lấp trong cuộc sống hòa bình hôm nay, nhưng lịch sử Việt Nam luôn khắc ghi đóng góp to lớn của những nữ anh hùng liệt sỹ. Trải qua thời kỳ kháng chiến chống quân xâm lược, đấu tranh giải phóng dân tộc cho đến ngày hôm nay, ở mỗi giai đoạn cách mạng, phụ nữ CAND đã có mặt trên nhiều trận tuyến, luôn tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu về mọi mặt, nỗ lực vươn lên, khẳng định vị trí, vai trò, đóng góp quan trọng, tích cực vào sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính Phủ ghi nhận những đóng góp của phụ nữ Công an từ những ngày đầu thành lập đến nay, đã có 321 cán bộ nữ Công an anh dũng hy sinh, 35 đồng chí được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang; hàng trăm tấm gương phụ nữ kiên trung, sẵn sàng hy sinh thân mình vì sự nghiệp của Đảng, của cách mạng, của dân tộc.[1] Tiêu biểu là: Liệt sĩ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu, người đội viên Công an xung phong Đất Đỏ đã dũng cảm, sáng tạo, tham gia nhiều trận chiến đấu để bảo vệ quê hương; Liệt sĩ Bùi Thị Cúc, Anh hùng lực lượng vũ trang CAND đã nêu gương sáng về tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất, chịu mọi đòn roi tra tấn của kẻ thù để giữ gìn bí mật cho đồng đội và nhân dân, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Sáu chữ vàng “Sống anh dũng, chết vẻ vang” và nhiều tấm gương anh hùng … các chị là những tấm gương sáng ngời cho các thế hệ phụ nữ Công an noi theo. Bài viết là những sưu tầm thông tin về cuộc đời, sự nghiệp của các chị - luôn là tấm gương khắc khi lời Bác của phụ nữ CAND noi theo.
1. Người nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trẻ tuổi nhất – Liệt sĩ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu
Đồng chí Võ Thị Sáu, sinh năm 1933 trong một gia đình nghèo giàu truyền thống cách mạng, ở xã Phước Lợi, quận Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa (nay là xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Đồng chí tham gia cách mạng từ nhỏ, năm 1947, đồng chí được kết nạp vào Đội Công an xung phong quận Đất Đỏ và làm liên lạc cho Đội Công an xung phong quận Đất Đỏ. Do chưa đến tuổi thành niên nên đồng chí có điều kiện đi lại giữa hai vùng ta và địch. Công an quận Đất Đỏ đã huấn luyện Võ Thị Sáu sử dụng mìn, súng và lựu đạn để vào vùng địch phá tề, trừ gian. Với vóc dáng nhỏ bé cùng với sự thông minh, nhanh nhẹn và can đảm của mình trong các vai người buôn bán, người làm công, đồng chí luồn sâu vào vùng địch tạm chiếm thu thập nhiều tin tức quan trọng phục vụ công tác.
Anh hùng Liệt sỹ Võ Thị Sáu, (1933 – 1952)
đội viên Công an xung phong quận Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa
Với trí thông minh và năng khiếu trinh sát, đầu năm 1948, đồng chí đã phát hiện tên Sáu Thoại làm gián điệp cho Pháp và tên Sơn phản hội, âm mưu đưa Pháp về đánh úp căn cứ của đội Công an xung phong ở Ruộng Rừng. Những tin tức đó đã giúp Công an quận Đất Đỏ có kế hoạch chủ động đề phòng và tiến công địch. Nhờ đó lực lượng Công an nhanh chóng thoát khỏi nguy hiểm và kịp thời bắt giữ, xử lý đối tượng tránh tổn thất cho ta.
Ngày 14/7/1948, bọn ngụy quyền quận tổ chức mít tinh tại sân vận động kỷ niệm “ngày Quốc khánh Pháp”. Sau khi địch dồn nhân dân vào khu vực bảo vệ để tổ chức mít tinh, nhận nhiệm vụ của Đội Công an Xung phong Đất Đỏ được giao nhiệm vụ phá cuộc mít tinh, đồng chí Võ Thị Sáu dùng lựu đạn ném vào khán đài trống để uy hiếp, giải tán cuộc mít tinh. Sau đó, hai chốt Công an Xung phong nổ sung uy hiếp giải tán cuộc mít tinh và yểm trợ cho đồng chí Sáu rút lui an toàn. Sau chiến công này, đồng chí được tổ chức tuyên dương khen ngợi.
Biết rõ tên cai tổng Tòng là Việt gian khét tiếng gian ác, Võ Thị Sáu đã đề xuất với Công an quận Đất Đỏ phương án diệt y ngay tại tổng hành dinh. Sau khi được cấp trên chấp thuận, một buổi sáng tháng 11/1949, đồng chí Võ Thị Sáu trà trộn cùng tốp người làm căn cước mang theo trái lựu đạn “mãng cầu” giấu trong cơi đựng trầu vào nhà làm việc của tên cai tổng Tòng rút chốt lựu đạn ném thẳng vào và hô “Việt Minh tấn công” rồi chạy ra ngoài. Lựu đạn nổ, tổng Tòng bị thương nặng, làm cho bọn tề và quân lính khiếp sợ.
Tiếp sau đó, đồng chí Sáu còn đề nghị với lãnh đạo tiêu diệt hai tên việt gian Cả Suốt và Cả Đay - hai ác ôn có nhiều tội ác với nhân dân. Tháng 2/1950, trong phiên chợ giáp Tết Canh Dần, đồng chí Võ Thị Sáu táo bạo dùng lựu đạn tiêu diệt 2 tên Cả Đay và Cả Suốt. Mặc dù đã được đồng đội yểm trợ, nhưng do quân địch đông nên Võ Thị Sáu bị địch bắt đưa về giam giữ tại khám Chí Hoà (Sài Gòn). Trong nhà tù, chị không khai báo cho địch, luôn lạc quan, tích cực học thêu, học hát, được nhận giải thưởng về thành tích phổ cập tiểu học do liên đoàn tù nhân kháng chiến khám Chí Hoà tặng; kẻ địch không khuất phục được người con gái quận Đất Đỏ, bọn chúng đưa ra toà đại hình, Võ Thị Sáu đã vạch mặt bọn Pháp xâm lược và bọn tay sai bán nước hại dân.
Run sợ trước dư luận, ngày 21/1/1952 bọn thực dân đưa chị ra Côn Đảo để chờ thi hành án. Tại Côn Đảo đồng chí tiếp tục giữ vững khí tiết của người chiến sỹ Công an, đêm ngày 22/01/1952, Võ Thị Sáu được Chi bộ nhà tù Côn Đảo kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam và công nhận là đảng viên chính thức. Ngày 23/1/1952, địch đưa chị ra pháp trường. Trước lúc hy sinh, Võ Thị Sáu từ chối rửa tội: “Tôi không có tội. Nếu cha muốn rửa tội xin hãy rửa cho những kẻ sắp giết tôi đây”. Không cần bịt mắt, chị hiên ngang nhìn thẳng vào họng súng kẻ thù, hát vang bài Tiến quân ca rồi hô to: “Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam độc lập muôn năm!”.
Đồng chí Võ Thị Sáu hy sinh đã để lại sự thương tiếc vô hạn đối với đồng chí, đồng đội và đồng bào; đồng thời sự hy sinh của chị là lời tố cáo đanh thép đối với sự dã man và âm mưu hèn hạ của chế độ thực dân Pháp lúc bấy giờ.
Đồng chí Võ Thị Sáu là người tử tù đầu tiên ở Côn Đảo cũng là người nữ tù nhỏ tuổi nhất[2]. Đồng chí là tấm gương sáng để lại cho các thế hệ đời sau noi theo. Với thành tích xuất sắc trong chiến đấu, dũng cảm kiên cường trong lao tù và hy sinh anh dũng, năm 1993, Nhà nước đã truy tặng chị Huân chương chiến công hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.[3]
2. Liệt sĩ Bùi Thị Cúc, Anh hùng lực lượng vũ trang CAND – người được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Sáu chữ vàng “Sống anh dũng, chết vẻ vang”
Liệt sỹ CAND Bùi Thị Cúc tên thật là Trần Thị Lan, sinh năm 1930 tại làng Vân Mạc, xã Quang Trung, huyện Ân Thi, nay là thôn Vân Mạc, xã Vân Du, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, nhưng giàu truyền thống cách mạng, nhà có 7 anh chị em, chị là con thứ 5. Bố mất khi chị còn nhỏ, do nhà nghèo nên từ khi 9 tuổi chị đã phải đi làm con nuôi - thực chất là con ở trừ nợ cho gia đình địa chủ trong làng. Khi cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, được chia ruộng đất, chị được trở về đoàn tụ với gia đình. Trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, lại sẵn có lòng yêu nước và tính cần cù, chị giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Được các đồng chí đảng viên tin tưởng giao nhiệm vụ và rèn luyện, thử thách, nên mọi nhiệm vụ được giao, dù bất kỳ hoàn cảnh nào chị đều hoàn thành xuất sắc. Cuối năm 1947 chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam- là nữ Đảng viên trẻ nhất xã, làm cán bộ phụ nữ xã, rồi làm cán sự Hội Phụ nữ huyện Ân thi.
Những năm 1947, 1948, Ân Thi là một huyện “nóng” của tỉnh Hưng Yên, quân địch đóng bốt và lập căn cứ vùng tề ở hầu hết các xã trọng điểm, xã Quang Trung có 12 thôn thì có 4 thôn lập tề. Chúng xây dựng bốt Cảnh Lâm để khống chế các vùng lân cận và kiểm soát quốc lộ số 5. Chúng sử dụng nhiều tên Việt gian thu thập tin tức, lùng bắt cán bộ ta. Với tên Nguyễn Doãn Súy làm xếp bốt, Nguyễn Doãn Tín và Nguyễn Doãn Nhi (anh em vợ Súy), đều làm việc ở phòng nhì, chúng là địa chủ gian ác rất nguy hiểm cho cách mạng, bắt nhân dân phải quy hàng để phục dịch cho bộ máy cai trị của chúng. Trong đó, tên Doãn Nhi đã có nhiều tội ác với đồng bào và gây nhiều khó khăn cho hoạt động của ta trong khu vực. Công an Hưng Yên giao nhiệm vụ cho đồng chí Bùi Thị Cúc tiếp cận đối tượng và phối hợp với lực lượng của ta lập kế hoạch diệt tên Doãn Nhi, tạo điều kiện phát triển phong trào cách mạng ở vùng này.
Theo kế hoạch đã định, ngày 12-5-1950, đồng chí Bùi Thị Cúc, công an tỉnh Hưng Yên đã mưu trí dụ được tên Doãn Nhi, nhân viên Phòng Nhì bốt Cảnh Lâm vào nơi ta đã phục kích để đồng đội tiêu diệt. Khi đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ cũng là lúc địch phát hiện và bắt được đồng chí.
Sau những trận tra tấn ác liệt, chị vẫn kiên quyết không khai. Chị nói với anh em bị giam chung một nơi: “Tôi nhận cả về tôi rồi, đừng ai khai gì cả”. Chị lại dặn các đồng chí đảng viên có mặt “Thế nào nó cũng giết tôi. Dù chết tôi cũng không khai ai cả, các đồng chí cứ yên tâm. Chúc các đồng chí ở lại mạnh khỏe. Có gặp mẹ tôi, nhờ các đồng chí động viên cụ giúp tôi”. [4]
Bất lực trước sự hiên ngang và ý chí kiên cường của chị, dù sau những ngày chúng dụ dỡ và dùng nhiều cực hình, sáng ngày 15/5/1950, bọn chúng đã đưa chị Cúc ra hành hình trước mặt dân làng. Tại đây chúng tiếp tục giở những trò man rợ để khủng bố dân chúng. Dù bị tra tấn dã man, khi còn chút sức lực cuối cùng, chị vẫn cố gắng hô: “Hồ Chủ tịch muôn năm”, không hề khai báo, giữ vững khí tiết của người công an cách mạng cho đến hơi thở cuối cùng.
Liệt sỹ Bùi Thị Cúc
(1930 -1951)
Chị Cúc đã hiên ngang, kiên cường, anh dũng hy sinh, thể hiện phẩm chất cao quý của người Đảng viên Cộng sản, người chiến sỹ Công an Cách mạng, người phụ nữ kiên trung, bất khuất. Gương chiến đấu, hy sinh của nữ chiến sỹ CAND Bùi Thị Cúc đã được đồng bào, đồng chí vô cùng cảm phục, nén đau thương, căm phẫn và uất ức chờ ngày trả thù cho Chị - người con gái tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, với nước.
Tinh thần hi sinh và hành động dũng cảm của chị Cúc đã vang xa trên khắp đất nước, được Hồ Chủ tịch theo dõi sát, thăm hỏi điạ phương và gia đình. Ghi nhận công lao và sự hy sinh anh dũng của người Cộng sản trẻ tuổi, người chiến sỹ Công an cách mạng, ngày 15/1/1952 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 77/SL truy tặng đồng chí Bùi Thị Cúc Huân chương độc lập hạng III và 6 chữ vàng: “Sống anh dũng, chết vẻ vang”. Ngày 03 tháng 8 năm 1995, nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, Đảng, Nhà nước đã tuyên dương và Chủ tịch nước ký Quyết định số 499-KT/CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đối với liệt sỹ Bùi Thị Cúc (tức Trần Thị Lan).
Trên đây là hai trong rất nhiều tấm gương phụ nữ CAND khắc ghi lời Bác, anh dũng chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp của Tổ quốc. Các bà, các chị hy sinh để lại cho chúng ta niềm tự hào và quyết tâm phấn đấu vì sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Là nữ chiến sỹ trong lực lượng CAND, chúng ta nguyện nguyện học tập và làm theo 6 điều Bác Hồ dạy, hết lòng ra sức phấn đấu rèn luyện về thể chất, nâng cao trình độ về mọi mặt để cống hiến cho quê hương, đất nước, đưa đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh, văn minh và giàu đẹp./.
N.T.T.T.
[1] Bộ Công an (2023), Đề cương tuyên truyền 40 năm Ngày thành lập Hội Phụ nữ BCA (08/3/1983 – 08/3/2023) ban hành kèm theo Kế hoạch số 14/KH-HPN ngày 08/02/2023 của BCH HPN BCA tổ chức sinh hoạt chính trị kỳ niệm 40 năm Ngày thành lập HPN BCA (08/3/1983 – 08/3/2023); 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh có Sáu điều dạy CAND (11/3/1948 – 11/3/2023) và 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023).
[2] Cổng thông tin huyện Đất Đỏ, Tóm tắt tiểu sử và gương chiến đấu anh dũng của Liệt sĩ Võ Thị Sáu. Link: https://datdo.baria-vungtau.gov.vn/article?item=c236f3a636cabb063765f22e5bae6d7b
[3] Bảo tàng công an nhân dân, Liệt sĩ Võ Thị Sáu. Link: http://m.baotangcand.vn/tri-an/Vang-bong-mot-thoi/anh-hung-liet-si-vo-thi-sau.htm
Tác giả: Đại úy, Ths. Ngô Thị Thùy Trang - Khoa Luật
- Một số điểm mới của luật Căn cước 2023 (31.05.2024)
- “Bùng nổ thương mại điện tử và cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (28.05.2024)
- 8 nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2023 (27.05.2024)
- Chớ “lớn tiếng” xuyên tạc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam! (26.05.2024)
- Nghị định mới về hoạt động thông tin cơ sở (25.05.2024)
- Tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp (22.05.2024)
- Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (19.05.2024)
- Tìm hiểu về Cuốn sách “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” (18.05.2024)
- Đồng chí Đào Duy Tùng với công cuộc đổi mới đất nước (17.05.2024)