Thuốc lá điện tử là gì?
Thuốc lá điện tử (Electronic cigarettes) là thiết bị chạy bằng pin dùng để làm nóng dung dịch lỏng, biến dung dịch này thành hơi để người hút có thể hít vào phổi. Bề ngoài có hình dáng giống với thuốc lá thông thường, thanh USB hoặc những thiết kế hoàn toàn khác lạ. Hầu hết các thiết bị này đều sử dụng buồng chứa tinh dầu, thường có nicotine, hương liệu và các chất phụ gia khác. Chất nicotine trong thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường là chất gây nghiện. Thuốc lá điện tử được coi là sản phẩm thuốc lá vì hầu hết chúng đều chứa nicotine.
Bên cạnh nicotine, thuốc lá điện tử có thể chứa các thành phần độc hại khác bao gồm: Các hạt siêu mịn có thể hít sâu vào phổi, chất gây ung thư; Chất tạo mùi như diacetyl (một hóa chất có liên quan đến bệnh phổi nghiêm trọng); Hợp chất hữu cơ dễ bay hơi; Kim loại nặng, chẳng hạn như niken, thiếc và chì,...
Tác hại của thuốc lá điện tử
Theo liên minh kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) đa phần thuốc lá điện tử có chứa Nicotin - chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, ngộ độc và ung thư.
Thuốc lá điện tử không an toàn cho trẻ em, thiếu niên và thanh niên: Nicotine có tính gây nghiện cao, tổn thương các tế bào thần kinh gây hại cho não đang phát triển của thanh thiếu niên, các bộ phận của não kiểm soát sự chú ý, học tập, tâm trạng và kiểm soát xung động, ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn sau này. Sử dụng nicotine ở tuổi vị thành niên cũng có thể làm tăng nguy cơ nghiện các loại thuốc khác trong tương lai.
Nghiện nicotin khi sử dụng thuốc lá điện tử làm tăng nguy cơ nghiện những sản phẩm thuốc lá điếu.
Tăng nguy cơ nghiện thêm các chất gây nghiện khác.
Khói thuốc lá điện tử chứa nhiều chất độc như thuốc lá thông thường, trong khói thuốc lá chứa nhiều chất độc hại. Trong đó Nicotin là chất gây nghiện cao và độc hại cho sức khỏe, ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ vị thành niên. Nicotine, là chất độc đối với bào thai đang phát triển cũng như nguy hiểm cho sức khỏe phụ nữ mang thai gây ra sinh non, thai chết lưu,...
Bên cạnh nicotine, bình xịt thuốc lá điện tử có thể chứa các chất gây hại cho cơ thể, điều này bao gồm các hóa chất gây ung thư, các vấn đề tim mạch, đột quỵ và các hạt nhỏ đi sâu vào phổi gây các tổn thương phổi cấp. Ngoài những tác hại cấp tính, các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu về những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của thuốc lá điện tử. Thuốc lá điện tử còn có thể gây ra những tổn thương ngoài ý muốn, pin thuốc lá điện tử bị lỗi đã gây ra cháy nổ, một số trường hợp gây thương tích nghiêm trọng. Hầu hết các vụ nổ xảy ra khi pin thuốc lá điện tử đang được sạc. Thuốc lá điện tử còn là ngồn lây nhiễm các bệnh lý truyền nhiễm khi dùng chung nhất là trong tình hình covid-19 hiện nay.
Thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn này. Tại Việt Nam, tình trạng tội phạm ma túy trộn các loại ma túy vào các sản phẩm thuốc lá điện tử đang rất phức tạp.
Tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam
Theo số liệu của Bộ Y tế, chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể. (từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023). Sử dụng thuốc lá điện tử cao ở nhóm tuổi trẻ (15 - 24 tuổi) với tỉ lệ là 7,3%;Nhóm tuổi 25 - 44 tuổi là 3,2% và Nhóm tuổi 45 - 64 tuổi là 1,4%.
Tại Việt Nam, qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy: chỉ tính riêng năm 2023, đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng TLĐT, TLNN. Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do: dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp. Thời gian sử dụng: Sử dụng lần đầu tiên: 81 người; Đã từng dùng một thời gian: 1.143 người.
Nghiên cứu mới được của Trường Đại học Y tế công cộng được hỗ trợ bởi Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá và Tổ chức Y tế Cộng đồng toàn cầu Vital Strategies mới công bố cho thấy, trong giai đoạn tháng 10 - 12/2023, trên 3.801 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 tại 11 tỉnh, thành ở Việt Nam. Kết quả có 96,2% và 37,8% học sinh nhận thức được sự tồn tại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Trong đó 14% đã từng sử dụng thử thuốc lá điện tử và 7% hiện đang sử dụng trong 30 ngày qua. Tỷ lệ này đối với thuốc lá nung nóng là 1,8% đã từng sử dụng và 1,0% hiện đang sử dụng. Mức độ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trong giới trẻ Việt Nam đang ở mức cao, đặc biệt khi so sánh với các chỉ số về sử dụng thuốc lá truyền thống.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: internet)
Để tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 13/5/2024 về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
- Bộ Y tế:
a) Thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý;
b) Nghiên cứu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
- Bộ Tài chính: Chỉ đạo lực lượng Hải quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu qua cửa khẩu, khu vực địa bàn kiểm soát của Hải quan, xác lập các chuyên án đấu tranh đối với các đường dây, ổ nhóm buôn lậu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
- Bộ Quốc phòng chỉ đạo bộ đội biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát ở khu vực biên giới, các đường mòn, lối mở để kịp thời phát hiện và xử lý các đối tượng buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu.
- Bộ Công an: Chỉ đạo lực lượng công an các cấp tăng cường công tác điều tra, nắm tình hình, xác lập các chuyên án, tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng đầu nậu, buôn bán, pha trộn các chất cấm vào dung dịch thuốc lá điện tử để khởi tố, truy tố trước pháp luật.
- Bộ Công Thương: Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường quản lý thị trường nội địa, thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu.
- Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí truyền thông, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
- Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) trực tiếp chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 của các Bộ, ngành, địa phương theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các lực lượng chức năng trong việc thực hiện Công điện này của Thủ tướng Chính phủ.
- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp và lực lượng chức năng trên địa bàn:
a) Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa được phép kinh doanh, sử dụng trên thị trường Việt Nam;
b) Tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cho người dân.
- Giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo thực hiện vấn đề này; Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, tham mưu cho Phó Thủ tướng chỉ đạo, kiểm tra và xử lý các vấn đề phát sinh.
H.P (T/h)
- Các hành vi cấm trong đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng (12.12.2022)
- Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam (09.12.2022)
- Ngày 01/01/2023, Sổ hộ khẩu giấy hết giá trị sử dụng (09.12.2022)
- Kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin giữa Cơ sở DLQG về dân cư với hệ thống thông tin khác (02.12.2022)
- Thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện an sinh xã hội (28.11.2022)
- Hướng dẫn đăng ký tài khoản, sử dụng dịch vụ công trực tuyến để giải quyết thủ tục hành chính (25.11.2022)
- Cảnh báo trang mạng xã hội giả mạo lực lượng CAND (24.11.2022)
- Một số nội dung cơ bản về giới và bình đẳng giới (23.11.2022)
- Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong Tết Quý Mão năm 2023 (22.11.2022)