Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Những điểm mới về ứng dụng khoa học công nghệ trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ theo Thông tư số 73/2024/TT-BCA của Bộ Công an

Ngày đăng: 14.05.2025

Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông gia tăng không ngừng, trong khi tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ vẫn còn diễn biến phức tạp, thì yêu cầu đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đã trở thành một nhiệm vụ trọng yếu, cần được thực hiện bằng các giải pháp hiện đại và bền vững.

 

Sự thay đổi nhanh chóng về quy mô đô thị hóa, hạ tầng giao thông, cùng với các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, đòi hỏi lực lượng Cảnh sát giao thông không thể chỉ dựa vào phương pháp tuần tra truyền thống mà phải tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao hiệu quả kiểm soát, giám sát và xử lý. Đây không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là yêu cầu cấp bách nhằm giảm thiểu tiêu cực, minh bạch hóa quy trình xử phạt và tối ưu hóa nguồn lực trong bối cảnh lực lượng Cảnh sát giao thông đang ngày càng được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, tinh nhuệ.

Trên cơ sở đó, ngày 15/11/2024, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 73/2024/TT-BCA quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, thay thế Thông tư số 32/2023/TT-BCA, điều 1 Thông tư số 28/2024/TT-BCA và Thông tư số 24/2023/TT-BCA với nhiều điểm đổi mới quan trọng. Thông tư này không chỉ điều chỉnh lại quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ; mà còn đặc biệt nhấn mạnh đến việc ứng dụng công nghệ hiện đại như camera giám sát, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)… nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, hỗ trợ lực lượng Cảnh sát giao thông ra quyết định kịp thời, chính xác, đồng thời nâng cao niềm tin của người dân vào lực lượng thực thi pháp luật. Những điểm mới đáng chú ý như sau:

 

Thứ nhất, bổ sung quy định hình thức kiểm soát thông qua các hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về TTATGT:

a) Kiểm soát thông qua hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, TTATGT đường bộ; hệ thống camera trên tuyến giao thông, trong đô thị.

Việc sử dụng hệ thống camera giám sát trên các tuyến giao thông và trong đô thị giúp lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm, từ đó nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát. Hệ thống này còn hỗ trợ việc ghi hình, lưu trữ dữ liệu phục vụ công tác điều tra, xử lý vi phạm.

b) Kiểm soát thông qua sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe, cơ sở dữ liệu về TTATGT đường bộ.

Thông tư quy định việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thiết bị thông minh như radar, máy đo tốc độ, thiết bị ghi hình... để hỗ trợ công tác chỉ huy, điều khiển giao thông. Đồng thời, khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe và cơ sở dữ liệu về TTATGT đường bộ nhằm phát hiện và xử lý vi phạm một cách chính xác, khách quan.

c) Kiểm soát thông qua tiếp nhận dữ liệu thu thập được từ công trình kiểm soát tải trọng xe.

Việc tiếp nhận và sử dụng dữ liệu từ các công trình kiểm soát tải trọng xe giúp CSGT giám sát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về tải trọng, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: chinhphu.vn)

 

Thứ hai, bổ sung quy định kiểm soát giấy tờ, tạm giữ, tước giấy tờ đã tích hợp vào tài khoản định danh điện tử:

a) Về kiểm soát giấy tờ:

- Kiểm tra, kiểm soát thông qua thông tin trong tài khoản định danh điện tử, cơ sở dữ liệu: Người điều khiển phương tiện có thể xuất trình thông tin của các giấy tờ đã được tích hợp trong tài khoản định danh điện tử. CSGT thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát thông qua thông tin này mà không yêu cầu bản giấy.

- Phương pháp kiểm soát giấy tờ:

+ Nếu người điều khiển phương tiện xuất trình thông tin điện tử: CSGT kiểm tra, kiểm soát thông qua thông tin trong tài khoản định danh điện tử.

+ Nếu người điều khiển phương tiện xuất trình bản giấy: CSGT tiến hành kiểm tra, đối chiếu trực tiếp giấy tờ và thực hiện tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu.

b) Về tạm giữ, tước giấy tờ trên môi trường điện tử:

- Tạm giữ, tước giấy tờ đã tích hợp vào căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử: Thực hiện trên môi trường điện tử, thông qua Ứng dụng định danh Quốc gia; không giữ bản giấy các giấy tờ này.

- Biểu mẫu khi tạm giữ, trả giấy tờ trên môi trường điện tử: Thực hiện theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

 

Thứ 3, quy định sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính về TTATGT:

- Lập biên bản VPHC, in Quyết định XLVPHC và một số biểu mẫu khác: Được nhập liệu và in ra từ Hệ thống, đảm bảo tính chính xác, minh bạch và thuận tiện trong công tác xử lý vi phạm.

- Thông báo cảnh báo phạt nguội với cơ quan đăng kiểm, đăng ký xe, cấp đổi giấy phép lái xe: Thực hiện bằng phương thức điện tử, giúp các cơ quan liên quan kịp thời cập nhật thông tin, phối hợp xử lý vi phạm.

- Gửi thông báo phạt nguội cho công dân: Có thể được thực hiện bằng phương thức điện tử, giúp người dân nhanh chóng nhận được thông tin vi phạm, thực hiện nghĩa vụ nộp phạt đúng thời hạn.

- Quản lý việc trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX): Được thực hiện trên môi trường điện tử, đảm bảo tính công khai, minh bạch và thuận tiện cho người dân trong việc theo dõi, quản lý điểm GPLX của mình.

Thông tư 73/2024/TT-BCA đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm TTATGT. Việc bổ sung các quy định mới về hình thức kiểm soát, kiểm soát giấy tờ và sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu XLVPHC không chỉ nâng cao hiệu quả công tác của lực lượng CSGT mà còn góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh, hiện đại.

Để các quy định của Thông tư đi vào thực tiễn một cách hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, sự đồng thuận và hợp tác của người dân. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội giao thông an toàn, văn minh và hiện đại.

 

Bùi Khánh Vương

Giảng viên Khoa CSGT, T05

 

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN