“Diễn biến hòa bình” là chiến lược chống phá toàn diện của thế lực thù địch đối với Việt Nam, trong giai đoạn hiện nay các thế lực thù địch lợi dụng triệt để xu thế toàn cầu hoá, hội nhập để nâng cấp “chiến tranh tâm lý” trên không gian đa diện nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, coi đó là mũi nhọn, là con đường ngắn nhất dẫn tới sự xói mòn về niềm tin của Nhân dân với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Bài viết này đề cập đến nội dung bản chất “Chiến lược diễn biến hoà bình”, Âm mưu, hoạt động của thế lực thù địch thực hiện “diễn biến hòa bình” chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng và đề cập đến một số nhiệm vụ đối với cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường đại học CSND trong chống “diễn biến hòa bình” góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
1. Sự ra đời và bản chất chiến lược “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch.
Chiến lược “diễn biến hòa bình” ra đời vào thời kỳ chiến tranh lạnh trong bối cảnh quốc tế đang biến động phức tạp. Từ đó đến nay, chiến lược này liên tục được các thế lực phản động, thù địch điều chỉnh, bổ sung trở thành một chiến lược tổng hợp, dùng biện pháp “phi vũ trang” là chủ yếu nhằm chống phá, tiến tới lật đổ chế độ chính trị ở các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, hệ thống các nước XHCN hình thành và ngày càng lớn mạnh, phong trào cách mạng thế giới, giải phóng dân tộc khỏi thế lực đô hộ phát triển rộng khắp. Trước tình hình so sánh lực lượng bất lợi, chủ nghĩa đế quốc ráo riết tìm kiếm giải pháp chiến lược nhằm ngăn chặn “làn sóng cộng sản” từ Đông Âu và Liên Xô. Mỹ với “chiến lược ngăn chặn” chủ trương sử dụng thủ đoạn cứng rắn, đặc biệt là thủ đoạn quân sự với con át chủ bài là bom nguyên tử để “ngăn chặn”. Tổng thống Mỹ Truman từng nói: “Mỹ phải dùng quả đấm sắt và ngôn ngữ cứng rắn để đối phó với Liên Xô”. Mặc dù vậy, sau một thời gian, “chiến lực ngăn chặn” này không mang lại hiệu quả đáng kể. Đầu năm 1946, khi còn là đại diện lâm thời của Mỹ ở Liên Xô, G. Kennan đã kiến nghị với Nhà Trắng, phải thực hiện giải pháp ngăn chặn bằng thủ đoạn gieo vào trong lòng chế độ Xô viết những mầm mống tự thủ tiêu, làm “mềm hóa từng bước” để cuối cùng tan rã. Trên cơ sở lý luận của Kennan, tháng 3 năm 1947, chính quyền Truman công bố chính thức thực hiện chiến lược “ngăn chặn” chủ nghĩa cộng sản; phát động cuộc chiến tranh lạnh, đối đầu quyết liệt, toàn diện với Liên Xô bằng chiến tranh tâm lý, chạy đua vũ trang, cấm vận kinh tế, lập vành đai bao quanh Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, trực tiếp can thiệp vào nội bộ nhiều nước (cả can thiệp vụ trang). Đối với các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, Mỹ xác định, cần phải “giải phóng” họ khỏi chế độ cộng sản nhưng không phải bằng một cuộc chiến tranh mà bằng “biện pháp hòa bình”, phi chiến tranh. Vì thế, Mỹ đã cấu kết với 14 quốc gia phương Tây, bí mật thành lập “Ủy ban thống nhất quản lý thị trường xuất khẩu” (Feria, 1949) để bao vây cấm vận đối với các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, làm suy kiệt kinh tế, tạo bất mãn, phẫn nộ trong nội bộ người dân tiến đến tạo biến động chính trị theo khuynh hướng ngả về phương Tây.
Đến những năm 60 của thế kỷ XX, “diễn biến hòa bình” bước đầu trở thành chiến lược của chủ nghĩa đế quốc với tên gọi “chiến lược hòa bình”. Tổng thống Kennedy và sau đó là Richard Nixon thực hiện thủ thuật “nước đôi” một mặt tiếp tục bao vây, cấm vận, xây dựng lực lượng chống đối bên trong, mặt khác vạch kế hoạch “hòa bình” bằng chính sách “cây gậy và củ cà rốt”, đàm phán trên thế mạnh, tăng cường tiếp xúc hòa bình với các nước XHCN, lấy hòa hoãn thay dần cho “chiến tranh lạnh”, qua đó để thẩm thấu tư tưởng và văn hóa, tác động vào kinh tế, phá hoại quốc phòng, an ninh, gieo rắc hạt giống chống phá nền tảng tư tưởng từ bên trong…
Sang thập kỷ 80 của thế kỷ XX, lợi dụng các nước XHCN cải tổ, cải cách, mở cửa Mỹ đề ra dự án “dân chủ toàn cầu” nhằm ủng hộ sự xuất hiện của lực lượng “dân chủ” ở các nước XHCN, tìm cách đả kích hệ tư tưởng Mác-xít, đề cao “dân chủ”, “tự do” phương Tây, thúc đẩy sự hòa nhập kinh tế thế giới để lái cải cách đi chệch khỏi quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội. Sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ (1-1989), G.Bush đưa ra chiến lược “vượt trên ngăn chặn”, trong đó linh hồn là “diễn biến hòa bình”, nhằm đưa cuộc đấu tranh vào trong lòng các nước xã hội chủ nghĩa (bằng lực lượng phản động), làm cho các nước xã hội chủ nghĩa bị xô đẩy tới chỗ sụp đổ. Đến đây, “diễn biến hòa bình” từ vị trí là thủ đoạn của chiến lược “ngăn chặn”, “vượt trên ngăn chặn” đã trở thành một chiến lược chống các nước XHCN toàn diện, trên phạm vi toàn cầu. Sử dụng chiến lược này, Mỹ và các thế lực phản động đã thúc đẩy sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu.
Như vậy, có thể hiểu bản chất của chiến lược “diễn biến hòa bình” sự phát động và thực hiện một “cuộc chiến” toàn diện trên nhiều lĩnh vực (Kinh tế, chính trị, quân sự, tư tưởng, văn hóa) của các nước tư bản đế quốc chủ nghĩa chống lại các quốc gia khác hệ tư tưởng chính trị. Mục tiêu của chiến lược “diễn biến hòa bình” là nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn cầu, lật đổ chế độ chính trị ở các quốc gia theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa, thậm chí là cả các quốc gia không the tư tưởng chủ nghĩa tư bản.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
2. Âm mưu, hoạt động của thế lực thù địch thực hiện “diễn biến hòa bình” chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng
Nền tảng tư tưởng của Đảng là hệ thống lý luận, là cơ sở khoa học và thực tiễn về xây dựng Đảng, về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, về định hướng phát triển của Đảng, về mục tiêu đấu tranh cách mạng của Đảng. Nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. ngay từ khi ra đời, Đảng ta xác định “lấy chủ nghĩa Mác - Lênin” làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn đất nước để đề ra cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Đến Đại hội Đảng lần thứ VI (12/1986) của Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, năm 1991, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động” (Đảng Cộng sản Việt Nam (1991): Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự Thật, Hà Nội, tr. 21). Như vậy Đảng đã thể hiện rõ quan điểm nhất quán về mặt tư tưởng, cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một bộ phận cơ bản cấu thành hệ tư tưởng, thế giới quan, phương pháp luận của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự khẳng định nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ bảo đảm sự thống nhất nhận thức trong toàn Đảng mà còn thể hiện rõ ý chí kiên quyết đấu tranh đối với những những luận điệu sai trái, thù địch đi ngược lại tư tưởng cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Với mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng, các thế lực thù địch ngày càng đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” với cấp độ ngày càng nguy hiểm, quyết liệt, chống phá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực xã hội với thủ đoạn: chống phá về chính trị, tư tưởng, văn hoá làm khâu đột phá; chống phá kinh tế làm mũi nhọn; lấy vấn đề dân chủ, dân tộc, tôn giáo, nhân quyền làm ngòi nổ; lấy ngoại giao để hậu thuẫn hỗ trợ, cô lập; lấy quân sự để răn đe và sẵn sàng can thiệp khi có điều kiện và thời cơ. Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch đặc biệt coi trọng “chiến tranh tâm lý” nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, coi đó là mũi nhọn, là con đường ngắn nhất dẫn tới sự xói mòn về niềm tin của Nhân dân với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Một mặt, lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng xã hội, lợi dụng xu thế hội nhập để tiếp tục ráo riết tuyên truyền xuyên tạc nhằm phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với thang bậc và luận điệu mới, lấy sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu để quy kết chủ nghĩa Mác – Lê nin là sai lầm từ gốc dễ và nham hiểm cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang đưa đất nước vào “ngõ cụt”; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam bằng luận điệu xuyên tạc lịch sử, bóp méo dư luận. Một mặt, dùng các thủ đoạn mới trong việc tìm cách đẩy nhanh quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đưa ra những luận điệu lập lờ, lẫn lộn giữa hai mặt tích cực và tiêu cực, giữa tư tưởng xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa đến Đảng viên và nhân dân. Khuyến khích những quan điểm lệch lạc và những khuynh hướng xã hội cực đoan, xã hội “dân chủ” thiên lệch phủ nhận tính kỷ cương làm cho người dân thấy hoài nghi về “xã hội Việt Nam” và mơ tưởng về một “xã hội khác” được cổ xúy là tốt đẹp hơn.
Các thế lực thù địch thực hiện “diễn biến hòa bình” chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay còn tinh vi, xảo quyệt, thâm độc ở chỗ bên cạnh việc tấn công trực diện là ra sức kêu gọi, kích động đòi thực hiện dân chủ bằng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, tuyên truyền công kích về tư tưởng, chính trị, lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc các đối tượng thuộc các thành phần xã hội (trong đó có cả cán bộ, trí thức tha hóa) chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ trương, chính sách của Đảng. Mặt khác, với mưu đồ gây chia rẽ nội bộ, làm cho Đảng ta “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong, chúng bịa đặt về các phe phái trong Đảng, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là thanh trừng nội bộ, thổi phồng những sai lầm, thiếu sót của một số cán bộ, đảng viên thành vấn đề chính trị nghiêm trọng, qua đó gây hoang mang, tạo bức xúc trong dư luận xã hội, kích động người dân gây mất an ninh, trật tự... Ngoài ra, lợi dụng việc tiếp cận thông tin còn hạn chế, thiếu chọn lọc của một số tầng lớp nhân dân, các thế lực thù địch, phản động đơm đặt những thông tin sai lệch, nhằm tạo khoảng trống trong tư tưởng Nhân dân, làm cho Nhân dân hoài nghi, mất niềm tin với chế độ, Đảng và nhà nước, từ đó chúng kích động các hoạt động gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch còn lợi dụng vấn đề an ninh phi truyền thống (ANPTT) để tuyên truyền chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, gây xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng và các cấp chính quyền. Xảo quyệt, tinh vi ở chỗ bất kỳ vấn đề an ninh phi truyền thống nào, các thế lực thù địch đều gắn kết, quy chụp, phủ nhận và đổ lỗi vô căn cứ. Đối với vấn đề ANPTT có nguồn gốc tự nhiên, thế lực thù địch, phản động tập trung khai thác hậu quả đối với xã hội, đời sống con người và khả năng ứng phó, xử lý của Nhà nước (thậm chí xuyên tạc hậu quả, phủ nhận công sức ứng phó) để đổ lỗi cho chính quyền, cho Đảng Cộng sản Việt Nam; Đối với vấn đề ANPTT nảy sinh do bất cập về cơ chế, chính sách, thì ra sức lợi dụng để phê phán năng lực của Chính phủ, đả kích đường lối đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước, khoét sâu vào mâu thuẫn nội bộ, kích động các hoạt động bất tuân dân sự; Đối với vấn đề ANPTT nảy sinh do hoạt động của tội phạm xuyên quốc gia, bọn chúng vừa tác động tham gia vừa lợi dụng những hạn chế trong đấu tranh với loại tội phạm này để hạ thấp vai trò của lực lượng Công an, thậm chí xuyên tạc, lừa bịp dư luận về tình hình TP xuyên quốc gia ở Việt Nam; Đối với vấn đề ANPTT nảy sinh do xung đột xã hội, thì thế lực thù địch, phản động tập trung vào việc bảo đảm an sinh xã hội và các quyền của người dân để kích động hoạt động “đấu tranh đòi quyền lợi”, “đòi dân chủ, nhân quyền” “tự do tôn giáo”…, tạo dựng “ngọn cờ” chống chế độ
3. Một số nhiệm vụ đối với cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường đại học CSND trong chống “diễn biến hòa bình” góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Quan điểm chỉ đạo, xuyên suốt của Đảng ta trong chống “diến biến hòa bình” là cấp bách, hàng đầu trong nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay, là cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc gay go, quyết liệt, phức tạp và lâu dài, phải phát huy sức mạnh tổng hợp trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Đối với cán bộ, giảng viên, sinh viên trường Đại học Cảnh sát nhân dân phải ý thức rõ vai trò của người chiến sĩ Công an nhân dân, lực lượng nòng cốt, tuyến đầu trong bảo vệ an ninh chính trị, trong đó bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là tiền đề then chốt. Vì vậy, cán bộ, giảng viên, sinh viên phải xác định và thực hiện tốt nhiệm vụ sau đây:
Một là, nhận thức đầy đủ, đúng bản chất nguy hiểm chiến lược “diễn biến hòa bình”, học tập, rèn luyện để có năng lực nhận diện được các thế lực thù địch tấn nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, nhận diện được mọi phương thức, thủ đoạn, mọi biểu hiện của “diễn biến hòa bình” cho dù tính chất có tinh vi, xảo quyệt và sự nguy hiểm, thâm độc đến đâu chăng nữa, có bản lĩnh để chúng ta phải luôn tỉnh táo, bình tĩnh xem xét, phân tích, vạch trần bản chất phản động, những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng ta, không được mơ hồ, mất cảnh giác, bị động, lúng túng.
Hai là, trong giảng dạy, nghiên cứu và học tập cần làm rõ nội dung chính yếu, nhận thức đúng bản chất và thực sự thấm nhuần những giá trị cốt lõi, những giá trị lý luận trường tồn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử; học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội; lý luận về xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền; lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản; tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; tư tưởng về đại đoàn kết toàn dân tộc, về giải phóng và phát triển toàn diện con người. Giảng viên phải gắn những vấn đề giảng dạy, nghiên cứu lý luận Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các vấn đề thực tiễn đang diễn ra hiện nay và chứng minh soi rọi những giá trị để khẳng định chân lý nền tảng tư tưởng của Đảng. Học viên phải biết vận dụng, cụ thể hoá kiến thức lý luận thành sự nhìn nhận, cách suy nghĩ và hành động trong chính hoạt động học tập của mình với phương châm tích cực: “thực học, thực nghiệp, thực lực” để phấn đấu trở thành người có “thực tài”.
Ba là, Mỗi cán bộ, giảng viên, sinh viên phải thực sự “tự soi”, “tự sửa” xem lại chính bản thân mình có biểu hiện “suy thoái” hay không? Bởi vì “diễn biến hòa bình” trong một phạm vi rất hẹp cũng có thể hiểu là “diễn biến tự thân” từ sự không hài lòng về hoàng cảnh, về kết quả mưu cầu không như ý muốn làm nảy sinh tư tưởng chán nản, buông xuôi, bất mãn, không còn động lực tích cực trong chính công việc của mình. Vô hình trung, những biểu hiện đó chính là báo hiệu sự suy thoái và là điều kiện để các thế lực thù địch, phản động tấn công, tác động thành “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Một thực tế ai cũng nhận thấy, trong khi tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước, thì vẫn có một số người, do những hoàn cảnh, động cơ khác nhau, hoặc vô tình hoặc cố ý, đã “sập bẫy” cuộc chiến tranh tâm lý - thông tin. Vì vậy, chống “diễn biến hoà bình” phải bắt đầu từ chính bản thân mỗi người, đối với cán bộ, giảng viên phải “tự soi” xem mình đã thực hiện cho đúng bổn phận, đúng vai trò và hết trách nhiệm hay chưa? Có bị sa vào lối sống vị kỷ không? Đối với học viên phải tự vấn xem mình có rơi vào trạng thái “nhạt phai lý tưởng” không? Hoặc đơn giản hơn có rơi vào tình trạng xem nhẹ những vấn đề thuộc chính trị, khoa học xã hội nhân văn, khuynh hướng “thương mại hoá” không?
Bốn là, tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Trước hết, mỗi cán bộ, giảng viên, sinh viên phải nâng cao ý thức tự giác, kỷ luật trong khi tiếp xúc thông tin; nắm vững và chấp hành tốt các quy định về quyền thông tin, phạm vi thông tin theo quy định của Hiến pháp, Luật An ninh mạng. Khi tham gia mạng xã hội cần nghiêm túc thực hiện điều lệ và quy định kỷ luật của Ðảng, của ngành Công an và của Nhà trường. Tiếp đó, phải thực hiện có hiệu quả biện pháp vận động quần chúng để giúp quần chúng nhân dân nhận thức, nhận diện và có phương thức phù hợp đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời tích cực phản biện, phê phán những thông tin sai trái, phiến diện góp phần lan toả những thông tin chính thống, những thông điệp tích cực trong đời sống xã hội.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Tuyên giáo Trung ương (2007), Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2. Bộ giáo dục và đào tạo (2021), Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (T.1, T2), NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
4. Quốc Hội (2013), Hiến pháp nước Cộng hoà xã gội chủ nghĩa Việt Nam
5. Nguyễn Việt Linh (2010), Quản lý nhà nước về an ninh phi truyền thống theo chức năng của lực lượng Công an nhân dân, NXB Công an nhân dân)
TS. Ngô Quang Cảnh
P. Trưởng Khoa NVCB
- Luật Cảnh sát cơ động có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 (30.09.2022)
- Việt Nam – Campuchia: Mối quan hệ đoàn kết hữu nghị 55 năm xây dựng và phát triển (22.09.2022)
- ASEAN đẩy mạnh hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia (22.09.2022)
- 60 năm quan hệ đoàn kết, hữu nghị Việt Nam – Lào và vai trò của thế hệ trẻ (09.09.2022)
- Quy định mới về định danh và xác thực điện tử (08.09.2022)
- Bảo vệ an ninh biển, đảo trước mối đe doạ An ninh phi truyền thống trong giai đoạn hiện nay (08.09.2022)
- Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong (1902 - 2022) (05.09.2022)
- Cương quyết, khôn khéo trong phòng, chống tham nhũng (02.09.2022)
- Thí điểm dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam từ ngày 1/9/2022 (31.08.2022)