Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng (02/4/1904 - 02/4/2024) là dịp để toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân thể hiện sự tri ân, tôn vinh người chiến sĩ cộng sản xuất sắc, nhà lãnh đạo tài năng tận tụy cống hiến hy sinh hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
Trong khuôn khổ bài viết này tập trung làm rõ những cống hiến thể hiện tài năng, phẩm chất cao quý của người cộng sản kiên trung mẫu mực Nguyễn Lương Bằng trên các cương vị lãnh đạo, đóng góp quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc ta.
Đặt vào từng hoàn cảnh lịch sử mới hiểu rõ vai trò tiên phong và tài năng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng trong tổ chức xây dựng Đảng và Nhà nước. Đó là từ giai đoạn hết sức khó khăn, phức tạp của quá trình vận động cách mạng khi Đảng ta chưa ra đời (trước năm 1930), trong bối cảnh sự đàn áp khắc nghiệt của chế độ thực dân, phong kiến đối với cách mạng nước ta (trước năm 1945), những gian nan của công cuộc xây dựng và bảo vệ chế độ mới, chống “thù trong giặc ngoài” (1945 -1946), trước những khó khăn, khốc liệt của hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và sự phức tạp của quan hệ quốc tế (1947 - 1975)…
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - người chiến sĩ Cộng sản tiên phong trong công tác tư tưởng và tổ chức thời kỳ đầu của cách mạng Việt Nam.
Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở thôn Ðông, nay thuộc xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương; lớn lên trong bối cảnh đất nước bị thống trị, Nhân dân phải sống cực khổ, lầm than, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã sớm có tinh thần yêu nước, thương dân, lòng căm thù thực dân xâm lược, nuôi ý chí phá bỏ ách thống trị bóc lột của thực dân, phong kiến. Khi được gặp Nguyễn Ái Quốc, được tiếp cận con đường cứu nước của Người, người thanh niên Nguyễn Lương Bằng đã nhanh chóng trở thành người chiến sĩ cộng sản kiên cường, một lòng một dạ hy sinh cho sự nghiệp cách mạng đấu tranh vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của Nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng thăm quê hương Thanh Miện năm 1976 (Ảnh: huyendakglei.kontum.gov.vn)
Ngay từ những năm đầu thập kỷ 20 của thế kỷ XX, được chứng kiến và tham gia các phong trào yêu nước, được tuyên truyền, giác ngộ, Nguyễn Lương Bằng đã được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện chính trị của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu, tháng 9/1926, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được giao nhiệm vụ về nước hoạt động để thiết lập hệ thống liên lạc, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước và mở rộng phong trào cách mạng. Chỉ trong một thời gian ngắn, đồng chí đã thể hiện vai trò là một trong những người tiên phong tổ chức thắng lợi việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc vào Việt Nam, xây dựng thành công các cơ sở cách mạng của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên cũng như thiết lập thành công hệ thống giao thông liên lạc trong nước với nước ngoài trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn, trước sự truy lùng gắt gao của kẻ thù.
Theo chủ trương của tổ chức, đồng chí Nguyễn Lương Bằng tình nguyện đi vào phong trào “vô sản hóa”, nắm bắt thực tiễn, góp phần thúc đẩy sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng cách mạng Nguyễn Ái Quốc với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở nước ta, đẩy nhanh quá trình vận động tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân và của cả dân tộc. Ðồng chí là một trong những nhà lãnh đạo tiền bối góp phần xây dựng những nền tảng đầu tiên về chính trị, tư tưởng và tổ chức của Ðảng, đi đầu truyền bá chủ nghĩa cộng sản khoa học ở nước ta thời dựng Đảng, là một cộng sự đắc lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh “trong việc xây dựng Đảng ta, giáo dục đảng viên, chăm lo sự vững vàng của Đảng về tư tưởng và tổ chức”.
Trong thời gian hoạt động cách mạng dưới chế độ thực dân, từ 1925 đến 1945, đồng chí Nguyễn Lương Bằng nhiều lần bị bắt, trải qua nhiều nhà tù thực dân hà khắc. Ðương đầu với những cuộc tra tấn dã man của bọn đế quốc, đồng chí không hề nao núng, rất mực trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Ðảng Cộng sản và giai cấp công nhân, luôn giữ vững khí tiết cách mạng.
Đúng như bí danh Sao Ðỏ - đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã trở thành một tấm gương sáng đối với những người cách mạng, còn kẻ thù thì khiếp sợ. Qua hơn 10 năm tù đày ở nhiều nhà tù, từng trải qua mọi thử thách của sự khủng bố, thiếu thốn, bệnh tật, đồng chí vẫn kiên trì hoạt động cách mạng, lãnh đạo và giáo dục các đồng chí của mình đấu tranh với kẻ thù và bọn phản bội. Đồng chí đã dũng cảm, mưu trí tổ chức vượt ngục hai lần thành công. Lần vượt ngục của đồng chí năm 1943 như một huyền thoại, thoát khỏi nhà tù Sơn La vượt qua những con đường chông gai cực kỳ nguy hiểm để trở về với Ðảng và Nhân dân, tiếp tục hoạt động cách mạng.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng rất chú trọng đến công tác xây dựng Đảng, đặc biệt coi trọng phương châm dựa vào quần chúng để xây dựng Đảng, xem đó là phương châm công tác của mình để phát triển lực lượng cũng như các phong trào cách mạng. Đồng chí cho rằng, nếu không dựa vào quần chúng để xây dựng Đảng sẽ dẫn đến tình trạng “lỏng chân đứng”. Vì vậy, đồng chí ra sức tổ chức, xây dựng các tổ chức, đoàn thể quần chúng, lấy đó làm bàn đạp để xây dựng Đảng. Quan điểm của đồng chí là các tổ chức, đoàn thể quần chúng lớn mạnh, phát triển rộng rãi, thì Đảng cũng sẽ lớn mạnh, phát triển rộng rãi. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, đồng thời, cũng là sự nghiệp của Đảng, khi kết hợp hai yếu tố đó sẽ tạo nên sức mạnh của Đảng và bảo đảm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng trong các giai đoạn lịch sử.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - nhà lãnh đạo tài năng, gương mẫu.
Tháng 8/1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, Tuyên Quang (từ ngày 14 - 15/8), đồng chí được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào (ngày 16 - 17/8) đã bầu Đồng chí vào Ban Thường trực Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam. Là thành viên của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã cùng các đồng chí lãnh đạo của Ðảng và của Tổng bộ Việt Minh tổ chức cuộc đấu tranh của Nhân dân ta trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn chống ách áp bức của hai đế quốc Pháp, Nhật, đối phó với những cuộc khủng bố điên cuồng, đẩy tới cao trào cứu nước. Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng, đồng chí đã tham gia lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám và là người tham gia sáng lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhà nước cách mạng đầu tiên trong lịch sử dân tộc, tổ chức cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là người học trò, đồng chí gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng Ðảng, giáo dục đảng viên, chăm lo sự vững vàng của Ðảng về tư tưởng và tổ chức, nhân tố bảo đảm cho mọi thắng lợi của cách mạng trong các giai đoạn lịch sử.
Quá trình hoạt động và cống hiến cho cách mạng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã góp phần quan trọng vào những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX: thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, của hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; thắng lợi của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh, thực sự là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng nói chuyện thân mật với cử tri sau khi bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 1, khu phố Hai Bà Trưng, khu vực bầu cử số 3, thành phố Hà Nội, ngày 25/4/197 (Ảnh: TTXVN)
Một trong những nhiệm vụ góp phần thực hiện thành công đường lối kháng chiến của Đảng, tăng cường lực lượng của ta, từng bước làm chuyển hóa tương quan lực lượng giữa ta và địch là công tác lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng. Nhiệm vụ quan trọng đó được Đảng trao cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng phụ trách, nhất là từ lúc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám đến lúc toàn quốc kháng chiến. Năm 1947, sau khi các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ di chuyển lên chiến khu Việt Bắc, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử phụ trách công tác kinh tế, tài chính của Đảng, giữ chức Trưởng Ban Kinh tế - Tài chính Trung ương. Với những đóng góp xuất sắc trong quá trình hoạt động cách mạng nói chung và trong chỉ đạo công tác kinh tế - tài chính của Đảng nói riêng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đã bầu đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1951 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), đồng chí được bổ nhiệm Tổng Giám đốc đầu tiên.
Nhận nhiệm vụ Trưởng ban Kinh tế - Tài chính Trung ương, rồi Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, đồng chí Nguyễn Lương Bằng thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kháng chiến lâu dài, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, đã chỉ đạo thực hiện nhiều quyết sách hiệu quả, tăng cường tiềm lực quan trọng cho các cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong những năm phụ trách công tác kinh tế, tài chính của Đảng, Đồng chí đã đề xuất, tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách đúng đắn và sáng tạo về kinh tế, tài chính; xây dựng những cơ sở sản xuất, kinh doanh của tài chính Đảng, góp phần quan trọng vào việc ổn định nền kinh tế nước nhà; bảo đảm khối lượng tài lực to lớn đáp ứng nhu cầu lãnh đạo và hoạt động của Đảng, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta đến thắng lợi. Đồng chí cũng là người chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ tài chính có phẩm chất và năng lực, đóng góp những cán bộ cốt cán cho các ngành kinh tế và tài chính của Nhà nước. Đảng ta đánh giá: “Đồng chí đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng chính quyền cách mạng, xây dựng nền tài chính của nước ta và tổ chức cuộc kháng chiến chống Pháp”.
Trên cương vị Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Liên Xô và phụ trách cả Đông Âu, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã tiến hành các hoạt động hoàn thành các mục tiêu đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa khác, đoàn kết với giai cấp công nhân và Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, cùng chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc xâm lược, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, với tài năng và trí tuệ của mình, đồng chí đã tiến hành nhiều hoạt động tăng cường quan hệ tốt đẹp với sứ quán các nước châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh và các tổ chức quốc tế, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh ngày càng mạnh mẽ vì hòa bình, dân chủ của Nhân dân tiến bộ trên thế giới, phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp, ủng hộ cuộc kháng chiến của Nhân dân Việt Nam.
Năm 1956, trước yêu cầu nhiệm vụ mới của đất nước, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được giao vừa đảm đương nhiệm vụ Trưởng ban Kiểm tra Trung ương của Đảng kiêm chức Tổng Thanh tra của Chính phủ, Đồng chí đã luôn thể hiện được tài năng lãnh đạo và sự trung thành với lợi ích của Đảng và Nhân dân, tính gương mẫu và cái tâm trong sáng của người Cộng sản. Đồng chí khẳng định: “Trong công tác xây dựng Đảng có ba công tác quan trọng là công tác tư tưởng, tổ chức và kiểm tra. Nếu thiếu một trong ba công tác này sẽ ảnh hưởng không tốt đến công tác xây dựng Đảng”.
Theo đồng chí, công tác kiểm tra phải nắm vững phương châm thi hành kỷ luật của Đảng trước hết là nhằm giáo dục đảng viên không tái phạm sai lầm và việc áp dụng một hình thức kỷ luật nào cũng là nhằm giáo dục để mở đường cho đảng viên sửa chữa sai lầm; đồng thời để phòng ngừa, ngăn ngừa sai phạm; phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, xa rời quần chúng. Đồng chí chỉ rõ: “Bản thân công tác kiểm tra của Đảng có mục đích bảo đảm sự đoàn kết nhất trí trong Đảng; bảo đảm chấp hành mọi đường lối, chính sách của Đảng”; “Công tác thanh tra, kiểm tra không chỉ tìm ra những sai lầm trong thực hiện chủ trương, đường lối và chính sách, mà còn tìm ra những thiếu sót, sai lầm trong bản thân các nghị quyết, chỉ thị, chính sách để kịp thời bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Qua công tác kiểm tra, có thể thấy được tinh thần, năng lực của đội ngũ cán bộ, trên cơ sở đó có chính sách cán bộ đúng đắn từ bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm… và xử lý những cán bộ có sai phạm, những cán bộ thoái hóa, biến chất”. Bởi vậy, công tác kiểm tra, thanh tra có tác dụng to lớn trong việc củng cố Đảng, củng cố chính quyền, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Khi ở cương vị là Phó Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là cộng sự tin cậy của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, kế tục sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - chiến đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Trong những tháng ngày căng thẳng của năm 1972, khi đế quốc Mỹ trở lại leo thang đánh phá ác liệt bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc lần thứ hai, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước kiên quyết chỉ đạo quân, dân miền Bắc quyết tâm đập tan âm mưu của đế quốc Mỹ định ép Việt Nam phải chấp nhận những điều khoản do chúng đặt ra tại bàn đàm phán ở Hội nghị Pari. Đồng thời, đồng chí trực tiếp đến những nơi bị bom đạn Mỹ tàn phá để thăm hỏi, động viên đồng bào, chiến sĩ.
Trong phạm vi công việc được phân công phụ trách, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng rất quan tâm đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, cách thức lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và nhất là đời sống Nhân dân các địa phương. Sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, đồng chí đã đến thăm và làm việc tại một loạt địa phương, thăm hỏi, động viên đồng bào, chiến sĩ khắc phục khó khăn, tranh thủ điều kiện hòa bình ổn định đời sống, khôi phục và phát triển sản xuất, làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Thành công của đồng chí Nguyễn Lương Bằng trong thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng giao phó gắn liền với phương pháp hoạt động, đồng thời thể hiện bản lĩnh của một nhà lãnh đạo luôn đặt lợi ích của dân tộc, của Đảng lên trên hết. Trước sự phức tạp, phong phú, sinh động của cuộc sống, để giải quyết một vấn đề thực tiễn đặt ra hoặc vấn đề chiến lược của Đảng, Đồng chí luôn kiên nhẫn thực hiện những phương pháp vừa bảo đảm nguyên tắc vừa có sự hài hòa trong quan hệ công tác. Phương pháp lãnh đạo đó không chỉ góp phần hình thành những chỉ thị, nghị quyết sát hợp thực tiễn, mà còn góp phần quan trọng tăng cường xây dựng Đảng, Nhà nước vững mạnh, xứng đáng với sự tin cậy của Nhân dân.
Ðánh giá về đồng chí Nguyễn Lương Bằng, đồng chí Ðỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đã khẳng định: “Anh Nguyễn Lương Bằng, anh cả quý mến của chúng ta đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc. Anh cả là tấm gương sáng về tinh thần cách mạng kiên cường, bất khuất, về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và tác phong cần cù, giản dị; là người lãnh đạo, người đồng chí được toàn Ðảng, toàn dân yêu mến, cảm phục”. Cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú và những cống hiến xuất sắc của các lớp cán bộ cách mạng tiền bối, trong đó có đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã viết nên những trang sử hết sức vẻ vang của cách mạng Việt Nam, khai mở con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đưa Nhân dân ta trên con đường xây dựng cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc, phồn vinh.
Hiện nay, công cuộc đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử quan trọng, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng và tình trạng chậm phát triển, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, giải quyết có hiệu quả nhiều vấn đề xã hội, quốc phòng - an ninh được củng cố, đối ngoại được mở rộng... đem lại thế và lực mới cho đất nước. Trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá. Bên cạnh đó, tình trạng suy thoái hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực... tiếp tục đặt ra những thách thức lớn đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng (02/4/1904 - 02/4/2024) là dịp để toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân thể hiện sự tri ân, tôn vinh người chiến sĩ cộng sản xuất sắc, nhà lãnh đạo tài năng tận tụy cống hiến hy sinh hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Đây cũng là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, noi gương học tập đồng chí Nguyễn Lương Bằng, phát huy vai trò tiên phong, nêu gương thực hành đạo đức cách mạng, tận tụy cống hiến, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, sáng tạo đổi mới, nỗ lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII của Đảng, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Nguyễn Thị Ánh
- 9 hành vi bị cấm theo Luật Căn cước công dân (19.02.2024)
- Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước đổi mới (10.02.2024)
- Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi (06.02.2024)
- Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái (02.02.2024)
- 6 nhiệm vụ Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (01.02.2024)
- Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (22.01.2024)
- Tiêu chuẩn sức khỏe đặc thù đối với lực lượng Công an nhân dân (18.01.2024)
- Quy trình tiếp nhận, phân loại, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Tổ tụng hình sự trong CAND (15.01.2024)
- Những chiến công thầm lặng của lực lượng Công an cơ sở trong thời bình (12.01.2024)