Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 96 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021), mỗi người làm báo cách mạng Việt Nam càng thêm tự hào và ý thức hơn về trách nhiệm trong công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 25/1-1/2/2021 đã thành công tốt đẹp. Ảnh: Tư liệu
6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược
Thực hiện mục tiêu đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao; Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2021-2026, đó là: 1-Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; 2- Phát triển kinh tế; 3- Nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; 4- Nhiệm vụ về văn hóa, xã hội; 5- Nhiệm vụ về thực hiện dân chủ XHCN, đại đoàn kết dân tộc; 6- Nhiệm vụ về quản lý tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong đó nhấn mạnh:
1- Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nhấn mạnh củng cố niềm tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương. Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ.
2- Tập trung kiểm soát đại dịch COVID-19, tiêm chủng đại trà vaccine COVID-19 cho cộng đồng; phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh; ứng dụng những thành tựu của cuộc CMCN 4.0; thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
3- Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
4- Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam.
5- Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là việc thực thi tinh thần “thượng tôn pháp luật”.
6- Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhằm thực hiện mục tiêu được Đại hội thông qua, Nghị quyết đã đề ra 3 đột phá chiến lược. Cụ thể là:
i) Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả.
ii) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
iii) Xây dựng hệ thống kết cẩu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
Bác Hồ nói chuyện với các nhà báo tháng 9/1960. Ảnh: Tư liệu
Quán triệt sâu sắc - thực hiện mạnh mẽ lời Bác dạy
Nhằm góp phần tích cực thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, người làm báo cách mạng Việt Nam cần ra sức học Bác Hồ trong công tác báo chí, thông tin, tuyên truyền.
Bác cho rằng, chủ thể sáng tạo tác phẩm báo chí là con người, vì vậy xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí cách mạng là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Nhà báo, trước hết là người cán bộ cách mạng, gắn cuộc đời mình với dân tộc, trung với Đảng, với nhân dân. "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ". Bác nhắc nhở các nhà báo không ngừng học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, đặc biệt là trình độ chính trị; đồng thời phải hoà mình vào đời sống của quần chúng nhân dân để viết cho đúng với tâm trạng, nhu cầu và nguyện vọng của họ. Quần chúng nhân dân là đối tượng cung cấp thông tin cho báo chí, đối tượng tiếp nhận thông tin báo chí, đồng thời cũng là đối tượng thẩm định chất lượng tác phẩm báo chí.
Do vậy, người làm báo cần học tập Bác ở tính trung thực trong tác nghiệp báo chí, theo cách “Chân đi, tay sờ, mắt thấy, tai nghe”. Đây là phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, đòi hỏi khi viết báo phải trung thực, tôn trọng sự thật, không làm sai lệch thông tin. Mọi thông tin đưa ra công luận phải phản ánh đúng bản chất sự thật khách quan, cung cấp cho công chúng hình ảnh chân thực về sự kiện và tình huống được thông tin, thông qua đó hướng dẫn, định hướng dư luận.
Đồng thời phải đề cao tính chiến đấu, tính định hướng trong từng tác phẩm báo chí. Theo Bác, hoạt động báo chí thực chất là hoạt động chính trị, báo chí là vũ khí đấu tranh cách mạng, nên người viết báo phải thể hiện rõ sự ủng hộ hay phản biện đối với vấn đề, sự kiện mà mình đang phản ánh.
Bác cũng lưu ý người cầm bút: Phải học cách viết sao cho lối hành văn ngắn, gọn, cô đọng, súc tích, sức thuyết phục cao, “không dây cà ra dây muống” và phải luôn tự hỏi: “Viết để làm gì?”, “Viết cái gì? Viết cho ai? Viết thế nào?”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo Cổng TTĐT Chính phủ ngày 12/5/2021. Ảnh: Nhật Bắc/VGP
Lấy cái đẹp dẹp cái xấu
Mới đây, ngày 12/5/2021, trong buổi làm việc với Ban lãnh đạo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu: Công tác thông tin, truyền thông của Chính phủ phải nhanh chóng, kịp thời, trung thực, chính xác, bám sát thực tế sinh động, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; định hướng chính sách, tạo sự cảm thông, chia sẻ và ủng hộ của nhân dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; truyền đi những thông điệp góp phần làm an lòng dân, ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tinh thần chỉ đạo chung là phải làm cho dân biết, dân hiểu, dân bàn, dân làm, dân cùng giám sát kiểm tra và dân thụ hưởng thành quả của truyền thông; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu; lấy ánh sáng đẩy lùi bóng tối; biểu dương, khuyến khích, nhân rộng hành động, nghĩa cử cao đẹp, truyền cảm hứng cho xã hội; kiên quyết đấu tranh, phản bác thông tin thù địch, bóp méo, xuyên tạc, sai sự thật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhắc nhở các cơ quan chức năng, nhất là người đứng đầu thực hiện ba không (không nói không; không nói khó; không nói có mà không làm), năm thật (nghĩ thật, nói thật, làm thật, đem lại hiệu quả thật và người dân được thụ hưởng thật).
Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 96 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021), tin rằng những người làm báo cách mạng Việt Nam với “bút sắc, tâm trong” ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, nỗ lực không ngừng để có những tác phẩm báo chí hay, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, sớm đưa nước nước ta “bước đến đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ từng tâm nguyện./.
Lê Việt
Nguồn: chinhphu.vn
- Cuộc thi Giám định số Quốc tế năm 2024 (17.11.2024)
- Ấn tượng Hội diễn Nghệ thuật quần chúng chào mừng kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (16.11.2024)
- Trường Đại học CSND khởi công xây dựng công trình Khu nhà hiệu bộ (15.11.2024)
- Khoa Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý tổ chức các hoạt động chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam (15.11.2024)
- Giảng viên Trường Đại học CSND đạt danh hiệu Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương (15.11.2024)
- Giao lưu tác giả - tác phẩm với chủ đề “Thư cho em” (14.11.2024)
- Bế mạc Hội thao chào mừng kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (13.11.2024)
- Mục tiêu cao nhất là giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy (13.11.2024)
- Khai giảng lớp bồi dưỡng pháp luật, nghiệp vụ cho cán bộ đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng ngoài ngành mở tại Trường (12.11.2024)