Bình đẳng giới là một trong những vấn đề xã hội mang tính toàn cầu, được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm và cùng thống nhất hành động giải quyết để đạt được sự bình đẳng thực sự giữa nam và nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Có thể khẳng định bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ là một yêu cầu khách quan của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại cũng như thực hiện lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Đảng, Chính phủ cần có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng, cất nhấc và giúp đỡ ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.[1]
Thực hiện lời căn dặn của Bác, trong những năm qua, vấn đề bình đẳng giới luôn được Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt. Việt Nam cùng các tổ chức quốc tế đã có nhiều hoạt động, dự án nhằm thúc đẩy bình đẳng giới. Những nỗ lực trong việc thực hiện bình đẳng giới của Việt Nam đã mang lại nhiều thành tựu to lớn được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Bên cạnh những thành công trong bình đẳng giới ở nước ta thời gian qua, thực tế vẫn còn tồn tại những định kiến giới, gây nên sự bất bình đẳng về giới, làm cho người phụ nữ vẫn là nhóm yếu thế trong xã hội. Trong khi đó, đại dịch Covid bùng phát trên phạm vi toàn cầu[2] cũng ảnh hưởng lớn đến bất bình đẳng đối với phụ nữ. Theo các chuyên gia của Quỹ Phụ nữ của Liên hợp quốc (LHQ) cùng Văn phòng Các vấn đề xây dựng hòa bình và chính trị của LHQ: tác động của cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 đối với nữ giới… rất đáng quan ngại do nhiều dịch vụ thiết yếu bị hạn chế. Không chỉ vậy, nguy cơ bị phơi nhiễm với virus SARS CoV-2 cao do phụ nữ phải đảm nhận công việc chăm sóc sức khỏe, tình trạng bạo lực gia đình gia tăng và hệ thống y tế yếu kém bị quá tải đã cho thấy sự bất bình đẳng giới do tác động của đại dịch gây ra.[3]
Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế này là do việc nhận thức không đầy đủ về bình đẳng giới.
Vậy bình đẳng giới là gì?
Ở Việt Nam, ngay từ khi mới thành lập, Việt Nam là một nước đã chú ý đến bình đẳng nam, nữ và tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển. Trong bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1946: bình đẳng giới thể hiện bằng nội dung “không phân biệt giống nòi, gái trai” (Điều 1) và “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (Điều 9). Qua các lần sửa đổi Hiến pháp (năm 1959, năm 1980, năm 1992 và năm 2013) nội dung bình đẳng giới đã được ghi nhận một cách rõ ràng và cụ thể hơn, tại Điều 26, Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định rõ: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.”
Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, pháp luật của nhà nước ta không ngừng được hoàn thiện, công tác tổ chức được triển khai đồng bộ, quyết liệt cùng với sự tăng cường hợp tác với các đối tác phát triển và các tổ chức của Liên hợp quốc như Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên hợp quốc… để giải quyết các vấn đề xoay quanh bình đẳng giới.
Tuy nhiên, bình đẳng giới, cũng như tạo cơ hội cho sự phát triển của phụ nữ không phải là công việc dễ làm và không phải ai cũng nhận thức đúng tầm quan trọng của nó. Mặt khác, Việt Nam là một quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, vốn chịu ảnh hưởng những tư tưởng phong kiến lạc hậu trọng nam, khinh nữ, ăn sâu vào tiềm thức từ lâu đời của của người dân Việt Nam. Mặc dù trong thời đại ngày nay, xã hội ngày càng phát triển nhưng ở đâu đó xung quanh chúng ta, tư tưởng đó vẫn chưa thể xóa bỏ. Vì vậy, việc thực hiện tốt bình đẳng giới trong xã hội sẽ giúp cho những quan niệm lạc hậu bị loại khỏi, không còn sự phân biệt trong bất cứ trường hợp nào dựa trên tiêu chí giới tính.
Bình đẳng giới là quyền của con người. Phụ nữ được quyền sống xứng đáng với nhân phẩm, có thể làm điều mình mong muốn và không sợ hãi. Bình đẳng giới còn là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy sự phát triển và giảm nghèo. Phụ nữ được trao quyền sẽ góp phần cải thiện sức khỏe và năng suất lao động của cả gia đình và cộng đồng, đồng thời củng cố triển vọng cho thế hệ tương lai.[4]
Theo Khoản 3, Điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006 thì: “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.”
Theo khái niệm trên thì bình đẳng giới không phải là sự hoán đổi vai trò của nam, nữ từ thái cực này sang thái cực khác và cũng không phải là sự tuyệt đối hóa bằng con số hoặc tỉ lệ 50/50 mà là sự khác biệt về giới tính trong các vai trò sản xuất, tái sản xuất, vai trò chính trị và cộng đồng, đặc biệt là sự chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc các thành viên gia đình để tạo cơ hội và điều kiện cho nam, nữ phát triển toàn diện về mọi mặt. Đồng thời tạo điều kiện và cơ hội cho phụ nữ bù đắp những khoảng trống do việc mang thai, sinh con và gánh vác phần lớn lao động gia đình đem lại.
Chúng ta có thể nhận thức một cách sâu sắc vấn đề bình đẳng giới có nghĩa là nam và nữ đều được tiếp cận với giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, tham gia vào các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị,... Bình đẳng giới có nghĩa rằng không còn sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính, phụ nữ và nam giới cùng có địa vị bình đẳng trong xã hội. Bình đẳng không có nghĩa là nam giới và phụ nữ hoàn toàn như nhau mà là các điểm tương đồng và khác biệt giữa họ được thừa nhận và tôn trọng.
Bình đẳng giới không chỉ là để giải phóng phụ nữ, mà còn là giải phóng đàn ông. Khi quá đề cao nam giới và hạ thấp nữ giới thì không chỉ có nữ giới bị ảnh hưởng mà nam giới cũng bị ảnh hưởng theo. Chẳng hạn, quan niệm nam giới phải mạnh mẽ, không được khóc, không được thể hiện cảm xúc khi gặp những vẫn đề khó khăn, bế tắc trong công việc, cuộc sống là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tỉ lệ tự tử ở nam cao gấp 3 lần nữ giới, tuổi thọ của họ cũng ngắn hơn.
Mục tiêu bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Những nội dung cơ bản về bình đẳng giới
- Nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
- Nam, nữ không bị phân biệt đối xử về giới.
- Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt đối xử về giới.
- Chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới.
- Bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật.
- Thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân.
Như vậy, bình đẳng giới không có nghĩa là nam và nữ phải giống như nhau hay bình đẳng về mặt kết quả. Bình đẳng giới là đảm bảo rằng mỗi giới đều được phát triển trọn vẹn đúng theo tiềm năng vốn có của mình. Bình đẳng giới, vì vậy không có nghĩa là chỉ đấu tranh vì quyền lợi của phụ nữ. Hay nói cách khác, bình đẳng giới có nghĩa là nam giới và nữ giới được tạo những điều kiện ngang nhau để phát huy đầy đủ các tiềm năng của bản thân và có cơ hội để tham gia đóng góp và hưởng lợi như nhau từ các hoạt động phát triển của cộng đồng trên mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội; không có nghĩa nam giới và nữ giới là giống nhau mà có nghĩa là sự tương đồng và sự khác biệt của họ được thừa nhận, được coi trọng như nhau. Những quy định về vấn đề bình đẳng giới trong các văn bản pháp luật quốc gia và các điều ước quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo lập quyền bình đẳng giới, nhằm xóa bỏ phân biệt đối xử về giới; Tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ; đồng thời thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Trong thực tế vẫn còn tồn tại vấn nạn ngược đãi phụ nữ, nhất là ở những vùng dân trí chưa cao, định kiến về giới vẫn còn tồn tại và gây nhiều thiệt hại không chỉ cho đối tượng yếu thế mà còn ảnh hưởng đến toàn xã hội. Bất bình đẳng giới cũng được coi là một trong những nguyên nhân chủ yếu của nạn bạo lực gia đình. Công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ cũng chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Ở các vùng sâu, vùng xa, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, thiếu thốn. Công tác quản lý kinh tế – xã hội nói chung còn yếu kém, ảnh hưởng tới việc thực hiện các chính sách bình đẳng giới. Trên thị trường lao động, tỷ lệ lao động nữ phải làm công việc dễ bị tổn thương lên tới 59,6%, cao hơn nhiều so với với mức 31,8% của lao động nam.[5] Bên cạnh đó, thu nhập của họ không ổn định và bấp bênh từ những công việc chỉ được ký hợp đồng lao động ngắn hạn hoặc thậm chí không có hợp đồng. Phụ nữ Việt Nam đang phải mang “gánh nặng kép” giữa công việc được trả lương và công việc chăm sóc không được trả lương. Ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, phụ nữ đã phải đảm nhận công việc chăm sóc trong gia đình nhiều gấp đôi so với nam giới, mà đây là rào cản hàng đầu ngăn cản phụ nữ tham gia, duy trì và thăng tiến trong lực lượng lao động. Đại dịch bùng phát đã làm gia tăng sự phân chia công việc không công bằng này.
Trong công cuộc phát triển đất nước, Việt Nam đẩy mạnh quá trình toàn cầu hóa, hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới. Hiện nay, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đang được triển khai tích cực và đạt được những thành tựu tốt đẹp. Vì vậy, việc thực hiện bình đẳng giới nói chung và nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là vô cùng quan trọng. Cùng với đó là việc nâng cao nhận thức xã hội đúng đắn về bình đẳng giới để Luật Bình đẳng giới đi vào cuộc sống, từng bước xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ, tạo cơ hội cho nữ tham gia vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Hưởng ứng “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 với chủ đề: “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới” thông qua việc tăng cường tuyên truyền, lan toả chủ đề, thông điệp, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, bài viết mong muốn mang lại nhận thức đúng đắn về bình đẳng giới để qua đó, thay đổi hành vi về bình đẳng giới của các cấp, các ngành và ngay chính với bản thân người phụ nữ, nam giới để đạt được hiệu quả cao nhất trong tiến trình xây dựng xã hội tiến bộ, bình đẳng.
Có thể, con đường mang tên “bình đẳng” sẽ không dễ dàng đạt được hiệu quả tuyệt đối, thế nhưng từ sự chuyển biến trong nhận thức của từng cá nhân người phụ nữ, nam giới và cả xã hội, cùng với sự tự tin của người phụ nữ tự mình bước qua để khẳng định vị thế, vai trò của bản thân đối với gia đình và xã hội thì sự nghiệp bình đẳng giới tại Việt Nam sẽ sớm đạt được trong tương lai.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2000, t.12, tr. 504.
[2] Ngô Thị Thùy Trang (2021), Sự quyết liệt, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật trong phòng, chống Dịch Covid-19, Trang thông tin điện tử Trường Đại học CSND: https://dhcsnd.edu.vn/su-quyet-liet-tinh-dong-bo-cua-he-thong-phap-luat-trong-phong-chong-dich-covid-19
[3] Trang thông tin điện tử báo Giáo dục và thời đại: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/suc-manh-cua-phu-nu-trong-cuoc-chien-chong-dai-dich-covid-19-tren-toan-cau-QEkCADUMg.html
[4] Trang thông tin điện tử Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc UNFPA (cơ quan Liên Hợp Quốc chuyên trách về sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản): https://vietnam.unfpa.org/vi/topics/b%C3%ACnh-%C4%91%E1%BA%B3ng-gi%E1%BB%9Bi
Thượng tá, TS. Phan Thị Thanh Tâm
Thượng úy, ThS. Ngô Thị Thùy Trang
- Mối quan hệ giữa Mặt trận Việt Nam với nhân dân, các tổ chức trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội (14.10.2024)
- Lịch sử phát triển của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10.10.2024)
- Xử lý vi phạm pháp luật về giao thông “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” (05.10.2024)
- 11 năm Ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (4-10-2013/ 4-10-2024): Suốt cuộc đời quán triệt tinh thần “Dĩ công vi thượng” (04.10.2024)
- Phát huy “thế trận lòng dân” trong công tác PCCC và CNCH góp phần giữ vững ANTT và an sinh xã hội (04.10.2024)
- Phản bác những hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc gây mất ổn định an ninh trật tự hiện nay (27.09.2024)
- Để không ai bị bỏ lại phía sau (24.09.2024)
- Một số nội dung đáng chú ý tại Luật sửa đổi luật Cảnh vệ năm 2024 (24.09.2024)
- Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát (24.09.2024)