Trên cơ sở nghiên cứu các vấn đề thực tiễn và một số hạn chế trong công tác vận động quần chúng phòng ngừa tội phạm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của lực lượng Công an cơ sở tỉnh Đắk Lắk, bài viết đã đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác này thời gian tới...
Những năm gần đây, tình hình tội phạm trên phạm vi cả nước có nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng với những nét đặc thù như: địa bàn rộng, hiểm trở đan xen rừng, núi, thác, đèo, sông suối, lại giáp với biên giới Campuchia và Lào; có nhiều tuyến giao thông kết nối với khu vực Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và miền Trung; cộng đồng dân cư đa dạng về dân tộc, tôn giáo; mặt bằng trình độ học vấn, nhận thức pháp luật còn chưa cao, cộng đồng vẫn tồn tại nhiều hủ tục, tập quán như: sử dụng vũ khí săn bắn, trồng cây cần sa, anh túc, sử dụng thuốc phiện, ma túy… Hơn nữa ở các địa phương đô thị hóa phát triển nhanh, nhiều khu công nghiệp dần hình thành và phát triển thu hút lượng lớn lao động đến làm việc, ngoài ra số lượng lao động tự do đến địa bàn hoạt động theo thời vụ vào các mùa thu hoạch nông sản tăng đột biến, gây khó khăn cho công tác quản lý nhân khẩu. Trong khi đó, hệ thống quản lý của Nhà nước nói chung, lực lượng Công an cơ sở nói riêng còn mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế dẫn đến sơ hở, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự (ANTT). Những yếu tố trên đã làm cho tình hình tội phạm diễn biến có chiều hướng ngày càng phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ khó kiểm soát, với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Theo báo cáo tổng kết của Bộ Công an và Công an tỉnh Đắk Lắk, trong giai đoạn 2018 - 2022, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra 2.673 vụ phạm tội, làm chết 60 người, bị thương 729 người, thiệt hại tài sản ước tính hơn 100 tỷ đồng. Riêng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã xảy ra 695 vụ phạm tội, chiếm 26% trong tổng số vụ phạm pháp hình sự trên toàn Tỉnh làm chết 18 người, bị thương 136 người, thiệt hại ước tính hơn 20 tỉ đồng. Như vậy, so với số dân thì phạm pháp hình sự xảy ra ở vùng đồng bào DTTS tỉnh Đắk Lắk chiếm tỉ lệ tương đối cao, cho thấy công tác phòng ngừa tội phạm đạt hiệu quả chưa cao.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm thì lực lượng Công an cơ sở đóng vai trò quan trọng, bởi đây là lực lượng “gần dân” nhất, nắm rõ địa bàn nhất, trong đó công tác vận động quần chúng (VĐQC) nói chung, VĐQC ở vùng đồng bào DTTS nói riêng của lực lượng Công an cơ sở luôn là mặt công tác được quan tâm, chú trọng, duy trì, phát triển với những nội dung, hình thức đa dạng; huy động được vai trò to lớn của quần chúng nhân dân, đặc biệt là với đối tượng vận động là người DTTS, góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn.
Công an chính quy và công an viên của xã Ia Rvêm huyện EA Súp, tỉnh Đắk Lắk tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự trên tuyến biên giới phía Tây Bắc giáp với Campuchia - Ảnh: TTXVN
Trong giai đoạn 2018 – 2022, ở vùng đồng bào DTTS, lực lượng Công an cơ sở tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức vận động tập trung 930 lượt cấp xã, 1.893 lượt cấp làng (thôn); tuyên truyền về ANTT 2.334 lần với 167.213 lượt người dự; mở 248 lớp giáo dục pháp luật cho 37.323 đối tượng; hòa giải có kết quả 6.581/6.985 vụ; xây dựng được 264 hòm thư tố giác tội phạm qua phát động quần chúng cung cấp cho cơ quan Công an 568.117 tin liên quan đến ANTT, trong đó có 365.743 tin giá trị (chiếm 64,37%), giúp lực lượng Công an cơ sở tỉnh Đắk Lắk làm rõ 19.893 số vụ và làm rõ 27.935 đối tượng. Trong quá trình tiến hành vận động đã thực hiện nhiều hình thức, phương pháp vận động khác nhau tùy vào từng vùng cụ thể. Bên cạnh đó, lực lượng Công an cơ sở tỉnh Đắk Lắk luôn có sự theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện, đã kịp thời nắm bắt diễn biến tình hình, tham mưu cấp ủy, chính quyền có biện pháp chỉ đạo giải quyết tốt các vấn đề phức tạp nổi lên về trật tự an toàn xã hội (TTATXH) để hỗ trợ, thúc đẩy phong trào. Đồng thời, cũng đã nghiên cứu đề ra những nội dung quy ước, quy chế của các mô hình quần chúng tự quản phù hợp với đồng bào DTTS, dễ hiểu, dễ nhớ để thực hiện thường xuyên, có hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác VĐQC phòng chống tội phạm ở vùng đồng bào DTTS của lực lượng Công an cơ sở tỉnh Đắk Lắk vẫn còn một số hạn chế nhất định như một bộ phận cán bộ chiến sỹ lực lượng Công an cơ sở tỉnh chưa nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác VĐQC phòng ngừa tội phạm nói chung, phòng ngừa tội phạm ở vùng đồng bào DTTS nói riêng. Do vậy, có nơi, có lúc còn ngại khó khăn, chưa sâu sát địa bàn, chưa thực sự cùng ăn, cùng ở với đồng bào, chưa thông thạo ngôn ngữ, thiếu hiểu biết văn hoá, phong tục, tập quán…; chưa nắm chắc tình hình để phục vụ công tác đạt hiệu quả; chưa dựa vào các đoàn thể quần chúng, xem các đoàn thể chính trị, xã hội là nòng cốt của phong trào.
Quan hệ phối hợp của lực lượng Công an cơ sở tỉnh Đắk Lăk với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể quần chúng còn chưa chặt chẽ. Ban chỉ đạo thực hiện “Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ” và ngày hội “Toàn dân bảo vệ ANTQ” các cấp chưa phát huy hết hiệu quả hoạt động. Lực lượng Công an cơ sở và các tổ chức tự quản của quần chúng làm công tác đảm bảo ANTT ở địa bàn cơ sở chưa được xây dựng đủ mạnh về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền còn theo lối mòn, chậm đổi mới về nội dung, hình thức, chưa thực sự lôi cuốn được quần chúng nhân dân. Việc phát huy vai trò của những người có uy tín, ảnh hưởng với cộng đồng là việc làm quan trọng trong công tác VĐQC phòng ngừa tội phạm ở vùng đồng bào DTTS tỉnh Đắk Lắk, hoạt động này đã được chú trọng, tiến hành thường xuyên nhưng chưa thật sự phát huy hiệu quả…
Trên cơ sở nghiên cứu các vấn đề thực tiễn và một số hạn chế nêu trên, để nâng cao hiệu quả công tác VĐQC phòng ngừa tội phạm ở vùng đồng bào DTTS của lực lượng Công an cơ sở tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện tốt các nội dung sau:
Một là, lực lượng Công an cơ sở tỉnh Đắk Lắk cần chú trọng hơn nữa công tác nắm tình hình và tham mưu trong VĐQC phòng ngừa tội phạm ở vùng đồng bào DTTS; phát hiện việc, hiện tượng, con người liên quan đến TTATXH một cách có hệ thống và làm cơ sở đề ra các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm ở vùng đồng bào DTTS; tăng cường tiếp xúc với những người già làng, trưởng bản và người có uy tín, ảnh hưởng với cộng đồng để nắm tình hình có liên quan đến công tác VĐQC phòng ngừa tội phạm ở vùng đồng bào DTTS. Trên cơ sở những thông tin về đặc điểm đó, sẽ tiến hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá những yếu tố nào là nguyên nhân, điều kiện của tình hình tội phạm và trong số đó thì những nguyên nhân, điều kiện nào có thể sử dụng công tác VĐQC tác động, hạn chế, đấn đến loại bỏ. Cần tiếp tục tăng cường, làm tốt chức năng tham mưu lãnh đạo các cấp, các ngành tập trung giải quyết các vấn đề phức tạp về ANTT, tuyên truyền chấp hành pháp luật; giáo dục, thường xuyên tập huấn, nâng cao kiến thức, năng lực cho lực lượng Công an cơ sở tỉnh Đắk Lắk về các văn bản pháp luật, các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc, tôn giáo… đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ.
Hai là, kiện toàn tổ chức cán bộ trong công tác VĐQC phòng, chống tội phạm ở vùng đồng bào DTTS, đặc biệt đối với Công an cấp xã và cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS, chú ý phát huy vai trò cán bộ, đảng viên là người đồng bào DTTS tại chỗ; tiếp tục tăng cường bố trí Công an chính quy, Công an viên là người người DTTS tại chỗ theo cơ cấu cán bộ tương ứng với tỷ lệ dân cư là người DTTS; xây dựng các kế hoạch bồi dưỡng Ban chỉ huy Công an xã có chất lượng, hoạt động tốt, có năng lực lãnh đạo, quản lý và kỹ năng VĐQC. Mặt khác, cần có chính sách ưu tiên phù hợp để thu hút Công an chính quy và Công an viên đến làm việc trong vùng đồng bào DTTS sinh sống. Những chính sách thu hút cần cụ thể, đảm bảo tính lâu dài; Đào tạo, bồi dưỡng Công an xã nắm vững và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chính sách dân tộc, tôn giáo; hiểu biết phong tục, tập quán, tiếng nói của dân tộc nơi mình công tác, thực hiện “4 cùng” với dân (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) gần dân và tôn trọng dân, không mặc cảm, định kiến, không phân biệt đối xử với quần chúng nhân dân có đạo. Các đơn vị và cơ quan chức năng cần tạo điều kiện, có chính sách ưu tiên cụ thể, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho các cán bộ phụ trách chuyên sâu lĩnh vực này hơn nữa.
Công an huyện Krông Năng đến nhà dân tuyên truyền phòng, chống ma tuý (Nguồn: baodantoc.vn)
Ba là, Công an xã đẩy mạnh xây dựng, bồi dưỡng lực lượng quần chúng nòng cốt và phát huy những tổ chức quần chúng sẵn có phù hợp ở vùng đồng bào DTTS. Lực lượng Công an cơ sở tỉnh Đắk Lắk cần có kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cho từng thời điểm để chăm lo xây dựng lực lượng quần chúng nòng cốt làm công tác VĐQC phòng, chống tội phạm ở vùng đồng bào DTTS, đảm bảo yêu cầu làm “tai mắt” cho tổ chức, là chỗ dựa tin cậy của nhân dân; đổi mới nội dung, phương pháp, kỹ năng khi tiến hành vận động, thuyết phục của lực lượng quần chúng nòng cốt. Việc xây dựng lực lượng quần chúng nòng cốt vững mạnh sẽ góp phần quan trọng trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức quần chúng cơ sở; tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết các dân tộc ở địa phương; xây dựng tiêu chuẩn, quy chế hoạt động lực lượng quần chúng nòng cốt; đổi mới, bổ sung chính sách tạo động lực cho lực lượng quần chúng nòng cốt hoàn thành nhiệm vụ; thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, kịp thời khen thưởng để khích lệ các tổ chức quần chúng ở cơ sở tích cực hoạt động, nhân rộng các điển hình tiên tiến để thúc đẩy công tác VĐQC phòng ngừa tội phạm ở vùng đồng bào DTTS tỉnh Đắk Lắk.
Bốn là, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức VĐQC phù hợp với vùng đồng bào DTTS. Hình thức VĐQC cần theo hướng xã hội hóa ngày càng cao, đa dạng hóa các hình thức, phù hợp với sự dịch chuyển cơ cấu sản xuất trong nền kinh tế thị trường nhiều thành phần; phát triển các hình thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ đến từng gia đình, cộng đồng dân cư, các tổ chức quần chúng trong vùng đồng bào DTTS, định kỳ hằng tháng tổ chức cho nhân dân tự kiểm tra, đánh giá, chấn chỉnh việc thực hiện nội dung phong trào của từng gia đình, dòng họ qua các buổi sinh hoạt dân làng, sử dụng có hiệu quả hình thức vận động tập trung qua các buổi họp dân, chọn thời điểm thích hợp để dân làng được tham dự đông đủ; kết hợp sử dụng có hiệu quả hình thức vận động cá biệt đối với người có uy tín, quần chúng tiêu biểu, nòng cốt để nêu gương, tác động ấn tượng đến đông đảo quần chúng DTTS, hỗ trợ cho hình thức vận động tập trung, tạo được khí thế cách mạng sôi nổi, lôi cuốn quần chúng tự giác tích cực tham gia phong trào.
Ngoài ra, cần thường xuyên duy trì hình thức vận động tập trung với nội dung có chất lượng hơn, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, lợi ích đồng bào, thu hút quần chúng chú ý để quán triệt, nâng cao nhận thức và thực hiện tốt; sử dụng tối đa các phương tiện truyền thông hiện có ở địa phương (đài truyền thanh, panô, áp phích, khẩu hiệu), chương trình phát thanh và chương trình truyền hình tiếng DTTS của Đài phát thanh truyền hình tỉnh, các tạp chí chuyên đề về xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông thôn và dân tộc, miền núi của tỉnh để tuyên truyền thường xuyên về phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, tạo diện rộng và chiều sâu cho phong trào, lựa chọn xây dựng những điểm sáng, mô hình, điển hình mới tiêu biểu để phổ biến, nhân rộng ra các địa phương DTTS có đặc điểm tương đồng trong Tỉnh, tạo tính đa dạng về hình thức phong trào, phù hợp với nhu cầu đổi mới của quần chúng, thu hút đông đảo đồng bào tham gia.
Công an xã Cư Né và Người có uy tín trao đổi công tác tuyên truyền (Nguồn: baodantoc.vn)
Năm là, tăng cường vận động cá biệt, tranh thủ người có uy tín, tiêu biểu có ảnh hưởng ở vùng đồng bào DTTS; xây dựng quy chế phối hợp cụ thể giữa Mặt trận Tổ quốc với các ban ngành có liên quan; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn về đường lối, chủ trương, chính sách về dân tộc cho những già làng, trưởng bản, những người tiêu biểu để nâng cao kiến thức, ngoài ra cũng cần có kế hoạch xây dựng, bồi dưỡng kiến thức liên quan đến những âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm để họ hiểu và sẽ tự giác tuyên truyền giúp cho lực lượng Công an cơ sở tỉnh Đắk Lắk; mở các lớp tập huấn về công tác tuyên truyền, vận động cho những người có uy tín, tiêu biểu để họ có đủ năng lực tiến hành tuyên truyền vận động hiệu quả; xây dựng tiêu chí người có uy tín, tiêu biểu ở vùng đồng bào DTTS ở mỗi địa phương trên cơ sở các tiêu chuẩn như: được cộng đồng suy tôn, có năng lực, kinh nghiệm tập hợp quần chúng, bản thân và gia đình gương mẫu, biết chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của tập thể và nhân dân, là chỗ dựa quan trọng của cấp uỷ, chính quyền, Công an xã tham mưu cho Đảng uỷ, UBND và Mặt trận và các tổ chức đoàn thể các cấp trong việc tuyên truyền, vận động, tổ chức đồng bào các DTTS chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ANTT và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng, thường xuyên thăm hỏi, tặng quà người có uy tín, tiêu biểu khen thưởng về vật chất và tinh thần khi có thành tích để động viên, kích thích họ tự giác, tích cực tham gia vào việc VĐQC phòng ngừa tội phạm.
Sáu là, lực lượng Công an cơ sở tỉnh Đắk Lắk tham mưu, hỗ trợ các ngành chức năng để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong vùng đồng bào DTTS. Xuất phát từ đặc điểm vùng đồng bào DTTS tỉnh Đắk Lắk nhìn chung còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, văn hoá, giáo dục, y tế còn thấp vì vậy rất dễ bị các thế lực thù địch cũng như các loại tội phạm lôi kéo dụ dỗ tham gia vào hoạt động phạm tội. Vì thế cần phải phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho đồng bào DTTS. Tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống, đưa đồng bào DTTS thoát khỏi những khó khăn bế tắc của cuộc sống hiện tại bằng việc cụ thể hóa các chính sách kinh tế phù hợp; hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào DTTS áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động và chất lượng nông sản; xây dựng môi trường sống, môi trường văn hóa lành mạnh cho từng buôn làng nhưng không được lấy cách nhìn nhận môi trường sống, môi trường văn hóa – xã hội của người Kinh ở miền xuôi, ở đô thị hay môi trường văn hóa của một tôn giáo, để giải quyết các vấn đề văn hóa trong các thôn (buôn, làng), đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa; tăng cường hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với nội dung và hình thức phù hợp; xây dựng và phát huy hiệu quả nhà sinh hoạt cộng đồng ở các khu dân cư; khuyến khích, hỗ trợ giúp đỡ đồng bào DTTS duy trì các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống tốt đẹp như tổ chức các lễ hội, sưu tầm văn hóa vật thể và phi vật thể.
Tóm lại, việc nghiên cứu thực trạng công tác VĐQC phòng ngừa tội phạm ở vùng đồng bào DTTS của lực lượng Công an cơ sở tỉnh Đắk Lắk để từ đó xây dựng, tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng ngừa tội phạm là rất cần thiết và quan trọng. Bên cạnh phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động của lực lượng Công an cơ sở trong công tác VĐQC phòng ngừa tội phạm ở vùng đồng bào DTTS cũng cần phải nghiên cứu những đặc điểm mang tính đặc thù, tác động đến hiệu quả của công tác VĐQC ở vùng đồng bào DTTS tỉnh Đắk Lắk. Do vậy cần có kế hoạch và biện pháp thực hiện đồng bộ, triển khai các hoạt động nghiệp vụ cần chủ động nhằm nâng cao hiệu quả của công tác VĐQC phòng ngừa tội phạm nói chung, tội phạm ở vùng đồng bào DTTS nói riêng, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn Tỉnh thời gian tới.
* Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Công an (2013), Chỉ thị số 02/CT-BCA-C41 ngày 01/4/2013 quy định về công tác NVCB của lực lượng CSND.
2. Chính phủ (2011), Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14/11/2011 quy định về công tác dân tộc.
3. Văn Phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đăk Lăk, Báo cáo tổng kết của giai đoạn 2018 - 2022.
Đại uý, Ths Đinh Văn Long
Phòng QLĐT&BDNC, Trường Đại học CSND
- Những điểm cốt lõi trong Quy định 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới (28.06.2024)
- Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các nội dung về công tác Công an bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới tại Trường Đại học CSND hiện nay (26.06.2024)
- Cuốn sách của tư duy, tầm nhìn và sự tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam (23.06.2024)
- Báo chí Việt Nam trước yêu cầu, nhiệm vụ và thử thách mới (19.06.2024)
- Những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 (19.06.2024)
- Một số vấn đề về cần lưu ý trên cơ sở Nghị quyết Số 01/2024/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình (18.06.2024)
- Trình tự thực hiện đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi (15.06.2024)
- Tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (14.06.2024)
- Tọa đàm về chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng (14.06.2024)