Gia đình là tế bào của xã hội, một tổ ấm đầy đủ, hạnh phúc và yêu thương nhau luôn là nền tảng vững chắc góp phần hình thành nhân cách và năng lực cho thế hệ tương lai. Tuy nhiên có rất nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan hiện nay dẫn đến sự rạn nứt trong gia đình. Đó có thể là sự thiếu thấu hiểu, sẻ chia, sự nghi ngờ, chán ghét nhau, ngoại tình hay thậm chí là tình trạng bạo lực gia đình mà cả xã hội đang lên án. Có nhiều nguyên nhân song cách giải quyết thường thấy chính là thỏa thuận ly hôn. Hệ quả của ly hôn ắt hẳn mọi người đều dễ dàng thấy rõ và đây không chỉ là một vấn đề của xã hội mà còn mang tính chất pháp lý, được điều chỉnh bởi Luật Hôn nhân và gia đình.
Ngày 16/05/2024, Tòa án nhân dân tối cao đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình gồm có 12 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024 (Sau đây gọi tắt là Nghị quyết). Trong phạm vi bài viết, tác giả xin giới thiệu những nội dung cơ bản cần lưu ý của Nghị quyết này.
Một là, về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn quy định tại khoản 3 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình
Tại Điều 2 Nghị quyết hướng dẫn cụ thể như sau:
“Đang có thai” quy định tại khoản 3 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình là khoảng thời gian vợ mang trong mình bào thai và được cơ sở y tế có thẩm quyền xác định cho đến thời điểm sinh con hoặc thời điểm đình chỉ thai nghén.
“Sinh con” quy định tại khoản 3 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình là thuộc một trong các trường hợp sau đây: Vợ đã sinh con nhưng không nuôi con trong khoảng thời gian từ khi sinh con đến khi con dưới 12 tháng tuổi; Vợ đã sinh con nhưng con chết trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tuổi kể từ khi sinh con; Vợ có thai từ 22 tuần tuổi trở lên mà phải đình chỉ thai nghén.
Như vậy, chồng không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tính từ ngày vợ sinh con hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này hoặc ngày đình chỉ thai nghén hướng dẫn tại điểm c khoản 2 Điều này. Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai. Trường hợp vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt con đẻ, con nuôi.
Trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì việc xác định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn của chồng như sau: Chồng của người mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; Chồng của người nhờ mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc khi người mang thai hộ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Ành minh hoạ (Nguồn: Internet)
Hai là, về thuận tình ly hôn quy định tại Điều 55 của Luật Hôn nhân và gia đình
Tại Điều 3 Nghị quyết nêu rõ:
“Vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn” quy định tại Điều 55 của Luật Hôn nhân và gia đình là trường hợp vợ chồng cùng ký vào đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn hoặc một bên có đơn khởi kiện ly hôn, còn bên kia đồng ý ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
Thỏa thuận của vợ chồng về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con phải không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Thỏa thuận của vợ chồng về việc chia tài sản bao gồm cả trường hợp vợ chồng không yêu cầu Tòa án giải quyết việc chia tài sản.
“Việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con” quy định tại Điều 55 của Luật Hôn nhân và gia đình là việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Ba là, vấn đề ly hôn theo yêu cầu của một bên quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật Hôn nhân và gia đình
Điều 4 của Nghị quyết hướng dẫn:
“Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình” là vợ, chồng có hành vi quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
“Vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng” là vi phạm quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng dẫn đến xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người kia.
“Hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” là thuộc một trong các trường hợp sau đây: Không có tình nghĩa vợ chồng, ví dụ: vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau; vợ, chồng sống ly thân, bỏ mặc vợ hoặc chồng; Vợ, chồng có quan hệ ngoại tình; Vợ, chồng xúc phạm nhau, làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, tổn thất về tinh thần hoặc gây thương tích, tổn hại đến sức khỏe của nhau; Không bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển.
Bốn là, về hạn chế phân chia di sản của vợ, chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết quy định tại khoản 3 Điều 66 của Luật Hôn nhân và gia đình
Điều 5 của Nghị quyết hướng dẫn như sau:
Việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống và gia đình theo quy định tại khoản 3 Điều 66 của Luật Hôn nhân và gia đình và Điều 661 của Bộ luật Dân sự là trường hợp người chết có để lại di sản, nhưng nếu chia di sản này cho người thừa kế thì vợ hoặc chồng còn sống và gia đình gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống như: không có chỗ ở, mất nguồn tư liệu sản xuất duy nhất...
Năm là, vấn đề giải quyết việc nuôi con khi ly hôn quy định tại Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình
Theo Điều 6 của Nghị quyết nêu rõ:
Khi xem xét “quyền lợi về mọi mặt của con” quy định tại khoản 2 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình phải đánh giá khách quan, toàn diện các tiêu chí sau đây:
- Điều kiện, khả năng của cha, mẹ trong việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, bao gồm cả khả năng bảo vệ con khỏi bị xâm hại, bóc lột;
- Quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi, được duy trì mối quan hệ với người cha, mẹ không trực tiếp nuôi;
- Sự gắn bó, thân thiết của con với cha, mẹ;
- Sự quan tâm của cha, mẹ đối với con;
- Bảo đảm sự ổn định, hạn chế sự xáo trộn môi trường sống, giáo dục của con;
- Nguyện vọng của con được ở cùng với anh, chị, em (nếu có) để bảo đảm ổn định tâm lý và tình cảm của con;
- Nguyện vọng của con được sống chung với cha hoặc mẹ.
Việc lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ 07 tuổi trở lên quy định tại khoản 2 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình và khoản 3 Điều 208 của Bộ luật Tố tụng dân sự phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
- Bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, độ tuổi, mức độ trưởng thành để con có thể bày tỏ đúng và đầy đủ ý kiến của mình;
- Không lấy ý kiến trước mặt cha, mẹ để tránh gây áp lực tâm lý cho con;
- Không ép buộc, không gây áp lực, căng thẳng cho con.
“Người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con” quy định tại khoản 3 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình là trường hợp người mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị bệnh nặng khác mà không thể tự chăm sóc bản thân hoặc không thể trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
- Có thu nhập mỗi tháng thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người mẹ đang cư trú và không có tài sản nào khác để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
- Người mẹ không có điều kiện về thời gian tối thiểu để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Trường hợp điều kiện trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của người cha không tốt hơn điều kiện của người mẹ hướng dẫn tại khoản 3 Điều này thì Tòa án quyết định giao con cho mẹ trực tiếp nuôi.
Sáu là, về nghĩa vụ cấp dưỡng cho con quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật Hôn nhân và gia đình
Điều 7 Nghị quyết hướng dẫn:
Trường hợp người trực tiếp nuôi con không yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng thì Tòa án giải thích cho họ việc yêu cầu cấp dưỡng cho con là nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con. Nếu xét thấy người trực tiếp nuôi con có khả năng, điều kiện nuôi dưỡng và việc họ không yêu cầu cấp dưỡng là tự nguyện thì Tòa án không buộc bên kia phải cấp dưỡng cho con.
Tiền cấp dưỡng cho con là toàn bộ chi phí cho việc nuôi dưỡng, học tập của con và do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không thoả thuận được thì Tòa án quyết định mức cấp dưỡng căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Mức cấp dưỡng do Tòa án quyết định nhưng không thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng đối với mỗi người con.
Trường hợp các bên không thỏa thuận được phương thức cấp dưỡng thì Tòa án quyết định phương thức cấp dưỡng hàng tháng hoặc phương thức khác phù hợp với nhu cầu, lợi ích của con và điều kiện kinh tế của người cấp dưỡng.
Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình phát sinh kể từ thời điểm cha, mẹ không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Bảy là, về hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên quy định tại Điều 85 của Luật Hôn nhân và gia đình
Tại Điều 8 của Nghị quyết đã nếu:
“Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý” là bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật về một trong các tội quy định tại Chương XIV Bộ luật Hình sự đối với con chưa thành niên với lỗi cố ý.
“Hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con” là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của con hoặc làm tổn hại đến sư phát triển toàn diện của con.
“Phá tán tài sản của con” là mua, bán, tặng cho, hủy hoại hoặc hành vi khác làm thiệt hại đến tài sản của con mà không vì lợi ích của con.
“Có lối sống đồi trụy” là lối sống ăn chơi, tiêu khiển thấp hèn, xấu xa, hư hỏng, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
“Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội” là hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy, ép buộc bằng lời nói, cử chỉ hoặc bằng bất cứ hình thức nào dẫn đến con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức ra quyết định về việc cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên, cụ thể như sau:
- Không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con khi cha, mẹ có hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 4 và 5 Điều này;
- Không cho cha, mẹ quản lý tài sản của con khi cha, mẹ có hành vi quy định tại khoản 3 Điều này;
- Không cho cha, mẹ đại diện theo pháp luật cho con khi cha, mẹ có hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.
Tòa án quyết định rút ngắn thời hạn hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên trong trường hợp cha, mẹ đã thực hiện được một phần hai thời hạn theo quyết định của Tòa án và trong thời hạn này, cha, mẹ không thực hiện một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.
Tám là, về xác định thẩm quyền giải quyết vụ án về hôn nhân và gia đình trong một số trường hợp
Điều 9 của Nghị quyết hướng dẫn xác định thẩm quyền giải quyết vụ án về hôn nhân và gia đình trong một số trường hợp cụ thể sau:
Trường hợp thứ nhất, vụ án về hôn nhân và gia đình có tranh chấp về bất động sản mà nơi cư trú, làm việc của bị đơn, nguyên đơn quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự và nơi có bất động sản đang tranh chấp khác nhau thì thẩm quyền của Tòa án được xác định theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Trường hợp thứ hai, cha và mẹ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài có đơn khởi kiện về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, con chung đang sinh sống tại Việt Nam thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 469 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Chín là, về giải quyết vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ
Theo Điều 10 của Nghị định:
Trong vụ án ly hôn, người Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với người Việt Nam ở nước ngoài và nguyên đơn chỉ cung cấp được địa chỉ nơi cư trú cuối cùng ở Việt Nam của bị đơn mà không cung cấp được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài thì Tòa án giải quyết như sau:
- Trường hợp qua người thân thích của bị đơn có căn cứ xác định họ có liên hệ với người thân thích ở trong nước nhưng người thân thích của họ không cung cấp địa chỉ của bị đơn cho Tòa án, không thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết thì được coi là cố tình giấu địa chỉ.
- Trường hợp Tòa án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà người thân thích của họ không cung cấp địa chỉ của bị đơn cho Tòa án, không thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết thì Tòa án tiếp tục giải quyết, xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung.
Sau khi xét xử, Tòa án gửi cho người thân thích của bị đơn bản sao bản án, quyết định để họ chuyển cho bị đơn, đồng thời tiến hành niêm yết công khai bản sao bản án, quyết định tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của bị đơn và nơi người thân thích của bị đơn cư trú để đương sự có thể thực hiện quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật tố tụng.
Mười là, về án phí trong giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình
Điều 11 của Nghị quyết hướng dẫn:
Đương sự phải chịu án phí trong vụ án tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con theo quy định tại Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, trừ trường hợp tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
Trong vụ án ly hôn mà các bên đương sự thuận tình ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình thì cần phân biệt như sau:
- Trường hợp các bên đương sự thuận tình ly hôn trước khi mở phiên tòa sơ thẩm thì các bên đương sự phải chịu 50% mức án phí quy định (mỗi bên phải chịu 25% mức án phí quy định);
- Trường hợp các bên đương sự thuận tình ly hôn tại phiên tòa sơ thẩm thì các bên đương sự phải chịu 100% mức án phí quy định (mỗi bên phải chịu 50% mức án phí quy định).
Trường hợp trước khi mở phiên tòa, các bên đương sự tự nguyện ly hôn nhưng không thỏa thuận được về con chung và tài sản chung mà Tòa án xét xử và ra bản án sơ thẩm thì các đương sự phải chịu 50% mức án phí quy định đối với yêu cầu xin ly hôn (mỗi bên phải chịu 25% mức án phí quy định); về quan hệ tài sản thì mức án phí mỗi bên phải chịu tương./.
Tác giả: Đại úy Vũ Thị Hồng Phương – Khoa Luật
- Chứng từ điện tử có giá trị như chứng từ giấy (11.01.2019)
- Thesis: “Activities of the People’s Police Force in preventing deliberate infliction of bodily (05.12.2018)
- Dissertation: “Examining scenes in investigating cases of using explosive materials” (29.11.2018)
- Tin bảo vệ luận án của NCS Trần Hữu Tiến (26.11.2018)
- Title of thesis: Investigating the scene of extortion cases by the Criminal Investigation on So (24.11.2018)
- Ngăn ngừa hành vi lợi dụng internet, mạng xã hội để xuyên tạc về quyền con người (01.11.2018)
- Giao lưu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử (01.10.2018)
- Hiến máu tình nguyện được tặng dịch vụ khám chữa bệnh (12.09.2018)
- Sôi động cùng mùa giải chào mừng năm học mới (17.08.2018)