Pháp luật về Bình đẳng giới hiểu theo nghĩa rộng bao hàm tất cả các quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Theo nghĩa hẹp, theo pháp luật về bình đẳng giới là tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp vấn đề bình đẳng giới. Bài viết dưới đây giới thiệu một số quy định của pháp luật về Bình đẳng giới ở Việt Nam.
1. Hiến pháp
Vấn đề bình đẳng giới là một trong những chính sách được Đảng và Nhà nước quan tâm; được thể hiện qua những quy định rõ ràng và xuyên suốt trong các bản Hiến pháp cũng như trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
- Hiến pháp năm 1946
Điều thứ 1: Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.
Điều thứ 9: Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện.
- Hiến pháp năm 1959
Điều 22: Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đều bình đẳng trước pháp luật.
Điều 23: Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, không phân biệt dân tộc, nòi giống, nam nữ, thành phần xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, tình trạng tài sản, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, từ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, từ hai mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử, trừ những người mất trí và những người bị Toà án hoặc pháp luật tước quyền bầu cử và ứng cử.
Công dân đang ở trong quân đội có quyền bầu cử và ứng cử.
Điều 24: Phụ nữ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình.
Cùng việc làm như nhau, phụ nữ được hưởng lương ngang với nam giới. Nhà nước bảo đảm cho phụ nữ công nhân và phụ nữ viên chức được nghỉ trước và sau khi đẻ mà vẫn hưởng nguyên lương.
Nhà nước bảo hộ quyền lợi của người mẹ và của trẻ em, bảo đảm phát triển các nhà đỡ đẻ, nhà giữ trẻ và vườn trẻ.
Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình.
. Hiến pháp năm 1980
Điều 55: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
Điều 57: Công dân không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, từ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và từ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có thể được bầu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, trừ những người mất trí và những người bị pháp luật hoặc Toà án nhân dân tước các quyền đó.
Điều 63: Phụ nữ và nam giới có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình.
Nhà nước và xã hội chăm lo nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học, kỹ thuật và nghề nghiệp của phụ nữ, không ngừng phát huy vai trò của phụ nữ trong xã hội.
Nhà nước có chính sách lao động phù hợp với điều kiện của phụ nữ. Phụ nữ và nam giới việc làm như nhau thì tiền lương ngang nhau. Phụ nữ có quyền nghỉ trước và sau khi sinh đẻ mà vẫn hưởng nguyên lương nếu là công nhân, viên chức, hoặc hưởng phụ cấp sinh đẻ nếu là xã viên hợp tác xã.
Nhà nước và xã hội chăm lo phát triển các nhà hộ sinh, nhà trẻ, lớp mẫu giáo, nhà ăn công cộng và những cơ sở phúc lợi xã hội khác, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ sản xuất, công tác, học tập và nghỉ ngơi.
Hiến pháp năm 1992
Điều 52: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
Điều 54: Công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật.
Điều 63: Công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình.
Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ.
Lao động nữ và nam việc làm như nhau thì tiền lương ngang nhau. Lao động nữ có quyền hưởng chế độ thai sản. Phụ nữ là viên chức Nhà nước và người làm công ăn lương có quyền nghỉ trước và sau khi sinh đẻ mà vẫn hưởng lương, phụ cấp theo quy định của pháp luật.
Nhà nước và xã hội tạo điều kiện để phụ nữ nâng cao trình độ mọi mặt, không ngừng phát huy vai trò của mình trong xã hội; chăm lo phát triển các nhà hộ sinh, khoa nhi, nhà trẻ và các cơ sở phúc lợi xã hội khác để giảm nhẹ gánh nặng gia đình, tạo điều kiện cho phụ nữ sản xuất, công tác, học tập, chữa bệnh, nghỉ ngơi và làm tròn bổn phận của người mẹ.
Điều 16.
- Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
- Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Điều 26.
- Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới.
- Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.
- Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.
Điều 36.
- Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
- Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em.
2. Luật Bình đẳng giới
– Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực ngày 01/7/2007. Luật bao gồm 44 điều được chia thành 6 chương với Mục tiêu bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, Luật đã tạo ra khuôn khổ pháp lý tương đối đầy ddur về vấn đề bình đẳng giới cụ thể như sau:
Thứ nhất: trong Luật đã có nhiều quy định để đảm bảo sự thống nhất trong việc thi hành bao gồm những quy định về nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới, chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới, nội dung quảng lý nhà nước về bình đẳng giới. Các nguyên tắc này là cơ sở để việc thực hiện công tác bình đẳng giới một cách nhất quán. (Điều 6. Các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới)
Thứ hai: Luật đã quy định việc bảo đảm bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, bao gồm: chính trị; kinh tế; lao động; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao; y tế; gia đình. Đây cơ sở sở để xây dựng các quy định, chính sách, cũng như tạo điều kiện cho nam, nữ có cơ hội ngang nhau được tham gia, phát huy năng lực, thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển trong các lĩnh vực. Đặc biệt, để giảm khoảng cách tỉ lệ nữ giới so với nam giới tham gia trong lĩnh vực chính trị, Luật đã quy định nội dung cũng như biện pháp để thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực này, cụ thể Điều 11. Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị
Thứ ba: Luật quy định các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới; thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới; nguồn tài chính cho hoạt động bình đẳng giới. Các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới được quy định chi tiết tại Điều 19, bao gồm:
Điều 19. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới
1. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới bao gồm:
a) Quy định tỷ lệ nam, nữ hoặc bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng tham gia, thụ hưởng;
b) Đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ năng lực cho nữ hoặc nam;
c) Hỗ trợ để tạo điều kiện, cơ hội cho nữ hoặc nam;
d) Quy định tiêu chuẩn, điều kiện đặc thù cho nữ hoặc nam;
đ) Quy định nữ được quyền lựa chọn trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam;
e) Quy định việc ưu tiên nữ trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam;
g) Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được quy định tại khoản 5 Điều 11, khoản 2 Điều 12, khoản 3 Điều 13, khoản 5 Điều 14 của Luật này.
2. Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ có thẩm quyền quy định biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới quy định tại khoản 1 Điều này, có trách nhiệm xem xét việc thực hiện biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới và quyết định chấm dứt thực hiện khi mục đích bình đẳng giới đã đạt được.
Luật cũng đã có quy định mang tính chất nguyên tắc về việc bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy định này sẽ giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới cũng như nâng cao được nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan về công tác bình đẳng giới. Từ đó, vấn đề bình đẳng giới được quan tâm và được lồng ghép trong các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách, chương trình… (Điều 21. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật).
Thứ tư, Luật quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân trong việc thực hiện và đảm bảo bình đẳng giới. Luật quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan của Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, gia đình, cá nhân trong công tác bình đẳng giới. Trong đó hằng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Bên cạnh đó, Luật còn có các quy định về thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.
Nói tóm lại, Luật Bình đẳng giới ra đời và từng bước được triển khai đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện công tác bình đẳng giới; bước đầu có kết quả tích cực, tạo được sự bình đẳng thực chất của nam, nữ trong các lĩnh vục của xã hội và cũng như đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: internet)
3. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2020 đã quy định trong các nguyên tắc xây dựng, ban hành VBQPPL là bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong VBQPPL. Quy định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong toàn bộ quy trình xây dựng văn bản vi phạm pháp luật bằng các quy định cụ thể về trách nhiệm , nội dung, thủ tục, hồ sơ và được bắt đầu ngay từ khi lập đề nghị Chương trình xây dụng luật, pháp lệnh.
4.Luật chuyên ngành
Thông qua việc thực hiện nghiêm túc quy định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình ban hành văn bản vi phạm pháp luật, cũng như việc thay đổ nhận thức của các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan có liên quan trong nhiều luật chuyên ngành đã có những quy định cụ thể đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới. Cụ thể là:
4.1. Trong lĩnh vực chính trị
– Quy định về đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 35% ứng cử viên là nữ (Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân).
– Bảo đảm bình đẳng giới là là một trong các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ, quy định nhiệm vụ và quyề hạn của Chính phủ trong bảo đảm quyền bình đẳng nam, nữ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình (Luật tổ chức chính phủ).
– Đại biểu Quốc hội bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội (Luật tổ chức Quốc hội)…
4.2. Trong ĩnh vực kinh tế
– Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017 có quy định nguyên tắc quản lý ngân sách nhà nước phải đảm bảo ưu tiên bổ trí ngân sách để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và quy định đảm bảo bình đẳng giới là một trong các căn cứ để lập dự toán ngân sách nhà nước hằng năm;
– Danh nghiệp sản xuất, xây dựng, vận tải sử dụng nhiều lao động nữ được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bằng số chi thêm cho lao động nữ (Luật thuế thu nhập doanh nghiệp)…
4.3. Trong lĩnh vực lao động
– Quy định riêng tiêu chuẩn, điều kiện đặc thù cho lao động nữ; Người sử dụng lao động nữ có nghĩa vụ phải tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của hộ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ; Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động; Tăng thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản, bổ sung quy định cho phép lao động nữ có thể nghỉ trước sinh với thời gian không quá 2 tháng (Bộ luật lao động).
– Nhà nước có chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động, sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, lao động nữ, lao động là người dân tộc thiểu số; bình đẳng về cơ hội việc làm và thu nhập (Luật việc làm).
– Lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản; trường hợp lao động nam nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi được hưởng BHXH; trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rũi ro sau khi sinh mà không có đủ sức khỏe để chăm sóc con có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo thẩm quyền thì người cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi; trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH khi vợ sinh con thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 tháng tiền lương cơ sở cho mỗi con; Tăng thêm 01 tháng cho thời gian lao động nữ nghỉ thai sản trong trường hợp con chết sau sinh (Luật bảo hiểm xã hội ( sửa đổi)).
Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở phải đảm bảo tỷ lệ thành viên nữ tham gia phù hợp với nguyên tắc bình đẳng giới, điều kiện thực tế ở cơ sở sản xuất, kinh doanh (Luật an toàn, vệ sinh lao động).
4.4. Trong Lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Người học là phụ nữ, lao động nông thôn khi tham gia các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo dưới 03 tháng được hỗ trợ chi phí đào tạo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (Luật giáo dục nghề nghiệp).
4.5. Trong lĩnh vực y tế
Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng này (Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế).
Quyền được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám bệnh, chữa bệnh không phân biệt giới tính; ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh với trường hợp cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng, người từ dduur 80 tuổi trở lên, người có công cách mạng, phụ nữ có thai (Luật khám bệnh , chữa bệnh).
4.6. Trong lĩnh vực gia đình: Luật hôn nhân và gia đình, Luật phòng, chống bạo lực gia đình.
5. Điều ước Quốc tế
Việt Nam là thành viên tích cực trong việc thực hiện cam kết quốc tế về nhân quyền, trong đó điễn hình Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW).
6.Các văn bản khác
Bên cạnh việc ban hành, sửa đổi các quy định của luật, Chính phủ đã ban hành các nghị định, thông tư, Chiến lược quốc gia để thực hiện công tác bình đẳng giới. Cụ thể như:
– Sau khi kết thúc Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu tổng quát là tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ, nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống, xã hội, góp phần vào phát triển bền vững của đất nước. Chiến lược đã đưa ra 20 chỉ tiêu của 6 mục tiêu trong tất cả các lĩnh vực. Để thực hiện chiến lược này, Chính phủ cũng đưa ra các giải pháp chung, những giải pháp cụ thể và công tác tổ chức thực hiện, trong đó phân công rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành.
– Nghị Định 70/2008/NĐ-CP ngày 4-6-2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bình đẳng giới.
– Nghị định 48/2009/NĐ-CP ngày 19-5-2009 của Chính phủ quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới. Đây là Nghị định quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới. Điểm nổi bật của Nghị định này là quy định về hai nội dung: lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Về vấn đề lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nghị định đã có những quy định, nội dung cũng như trách nhiệm của các cơ quan (soạn thảo, thẩm tra, cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới) trong việc thực hiện công tác này. Bên cạnh đó, Nghị định cũng đã quy định rõ về việc ban hành, trách nhiệm xây dựng, ban hành, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện cũng như chấm dứt các biện pháp này. Việc quy định chi tiết vấn đề này, là cơ sở để cơ quan, tổ chức triển khai việc thực hiện trong thục tế.
– Nghị định 55/2009/ NĐ-CP ngày 10/6/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới.
– Nghị định 39/2015/ NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chính sách hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dâ tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số.
– Nghị định số 53/2015/ NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về tuổi nghỉ hưu ở độ tuổi cáo hơn đối với cán bộ, công chức.
– Thông tư số 17/2014/TT-BTP của Bộ Tư pháp: Quy định về lòng ghép vấn đề về bình đẳng giới trong xây dựng văn bản vi phạm pháp luật.
– Thông tư số 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính: Hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN góp phần cụ thể hóa chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động nữ.
– Thông tư số 191/2009/TT-BC ngày 01-10-2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sủ dụng kinh phí hoạt động bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ,…
K.H (Tổng hợp)
- Một số giải pháp phát triển văn hoá đọc tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân (29.04.2024)
- Hiểu rõ ý nghĩa Giỗ Tổ Hùng Vương, phản bác các quan điểm sai trái (29.04.2024)
- Sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ (26.04.2024)
- Tìm hiểu Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở 2023 (18.04.2024)
- Để nền tảng tư tưởng của Đảng trở thành niềm tin, lẽ sống (18.04.2024)
- Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Bộ Công an, công ty Luật, Văn phòng Luật sư hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa, bị treo (16.04.2024)
- Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người con ưu tú của dân tộc (15.04.2024)
- Chiến dịch Điện Biên Phủ và ý nghĩa đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa (14.04.2024)
- Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (11.04.2024)