Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 28/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
Luật sửa đổi Luật Cảnh vệ năm 2024 với những nội dung đáng chú ý như: Bổ sung quy định ưu tiên đảm bảo phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, kinh phí, khoa học và công nghệ, trang bị vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật hiện đại đáp ứng yêu cầu công tác cảnh vệ; bổ sung đối tượng cảnh vệ và quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng và bổ sung thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ, cụ thể:
(1) Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 3 như sau:
- Sửa đổi, bổ sung khoản 4:
“4. Đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; khu vực trọng yếu; sự kiện đặc biệt quan trọng và đối tượng khác được áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ theo quy định của Luật này.”;
- Bổ sung các khoản 7, 8, 9, 10 vào sau khoản 6:
“7. Chế độ cảnh vệ là những chính sách mà Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dành cho đối tượng cảnh vệ quy định tại Luật này.
8. Kiểm tra an ninh, an toàn là biện pháp cảnh vệ được lực lượng Cảnh vệ áp dụng để phát hiện vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chất cháy, chất độc sinh học, chất độc hóa học, chất phóng xạ và các yếu tố khác nhằm kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ mất an ninh, an toàn cho đối tượng cảnh vệ.
9. Kiểm nghiệm thức ăn, nước uống là biện pháp cảnh vệ được lực lượng Cảnh vệ áp dụng nhằm kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các nguy cơ đầu độc, ngộ độc từ thức ăn, nước uống.
10. Sử dụng thẻ, phù hiệu là biện pháp cảnh vệ được lực lượng Cảnh vệ áp dụng để kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra, vào khu vực cảnh vệ.”.
(2) Bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 Điều 6 như sau:
“3. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.”.
Ảnh minh hoạ (nguồn: Chinhphu.vn)
(3) Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 10 như sau:
- Sửa đổi, bổ sung câu dẫn của khoản 1 như sau:
“1. Người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm:”;
- Sửa đổi, bổ sung các điểm e, g và h khoản 1 như sau:
“e) Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị;
g) Ủy viên Ban Bí thư;
h) Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.”;
c) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 như sau:
“b) Cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ trên nguyên tắc đối đẳng, có đi có lại, yêu cầu đối ngoại;”;
d) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 như sau:
“d) Khách mời khác theo đề nghị của Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trên nguyên tắc đối đẳng, có đi có lại, yêu cầu đối ngoại.”;
- Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 4 như sau:
“đ) Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức có đối tượng cảnh vệ quy định tại các điểm a, b, c hoặc d khoản 1 Điều này tham dự; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 hoặc điểm a khoản 2 Điều này tham dự.”;
- Sửa đổi, bổ sung khoản 5 và bổ sung khoản 6 vào sau khoản 5 như sau:
“5. Căn cứ tình hình an ninh chính trị trong từng giai đoạn, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định bổ sung đối tượng cảnh vệ và việc áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ phù hợp với quy định tại các điều 11, 11a, 12, 12a, 13 và 14 của Luật này.
6. Trong trường hợp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.”.
Tại Trường Đại học CSND, Ban Giám hiệu đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi Luật Cảnh vệ năm 2024. Trong đó Nhà trường tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật đến toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên; Tổ chức biên soạn, in, cấp phát tài liệu, tổ chức quán triệt, tập huấn luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi Luật Cảnh vệ năm 2024. Các đơn vị chức năng tổ chức ra soát, hệ thống hóa các văn bản phạm quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc bãi bỏ; Tổ chức nghiên cứu tham gia ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung được giao trong luật; Tổ chức ra soát, sửa đổi, bổ sung, biên soạn mới hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học phù hợp với nội dung của Luật sửa đổi Luật Cảnh vệ năm 2024…
Cao Hà (Tổng hợp)
- Tìm hiểu về luật Phòng thủ dân sự năm 2023 (01.10.2023)
- Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới (25.09.2023)
- Quyết định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực 12 tháng (22.09.2023)
- Các trường hợp Cảnh sát đường thủy được dừng phương tiện để kiểm soát (20.09.2023)
- Hoạt động giảng dạy các môn pháp luật gắn liền với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (19.09.2023)
- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (14.09.2023)
- Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm rửa tiền (12.09.2023)
- 75 năm Ngày Truyền thống Ngành Kiểm tra của Đảng (16/10/1948 – 16/10/2023) (11.09.2023)
- Tìm hiểu về những điểm mới của luật Giao dịch điện tử năm 2023 (08.09.2023)