Ngày 1/7/2023, Nghị định 13/2023/NĐ-CP bảo vệ dữ liệu cá nhân do Chính phủ ban hành chính thức có hiệu lực. Nghị định gồm 44 điều với một số điểm nổi bật sau đây:
*Dữ liệu cá nhân là gì? Khoản 1 Điều 2 Nghị định 13/2023/NĐ-CP (Sau đây gọi tắt là Nghị định) nêu rõ: Dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể. Dữ liệu cá nhân bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm.
* Dữ liệu cá nhân nhạy cảm là gì? Dữ liệu cá nhân nhạy cảm là dữ liệu cá nhân gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân mà khi bị xâm phạm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân gồm:
- Quan điểm chính trị, quan điểm tôn giáo;
- Tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án, không bao gồm thông tin về nhóm máu;
- Thông tin liên quan đến nguồn gốc chủng tộc, nguồn gốc dân tộc;
- Thông tin về đặc điểm di truyền được thừa hưởng hoặc có được của cá nhân;
- Thông tin về thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học riêng của cá nhân;
- Thông tin về đời sống tình dục, xu hướng tình dục của cá nhân;
- Dữ liệu về tội phạm, hành vi phạm tội được thu thập, lưu trữ bởi các cơ quan thực thi pháp luật;
- Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các tổ chức được phép khác, gồm: thông tin định danh khách hàng theo quy định của pháp luật, thông tin về tài khoản, thông tin về tiền gửi, thông tin về tài sản gửi, thông tin về giao dịch, thông tin về tổ chức, cá nhân là bên bảo đảm tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;
- Dữ liệu về vị trí của cá nhân được xác định qua dịch vụ định vị;
- Dữ liệu cá nhân khác được pháp luật quy định là đặc thù và cần có biện pháp bảo mật cần thiết. (Khoản 4 Điều 2 Nghị định 13/2023/NĐ-CP).
Ảnh minh hoạ
* Nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu: Điều 10 Nghị định Quy định Chủ thể dữ liệu có 5 nghĩa vụ sau: (1) Tự bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình; yêu cầu các tổ chức, cá nhân khác có liên quan bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình; (2) Tôn trọng, bảo vệ dữ liệu cá nhân của người khác. (3) Cung cấp đầy đủ, chính xác dữ liệu cá nhân khi đồng ý cho phép xử lý dữ liệu cá nhân. (4) Tham gia tuyên truyền, phổ biến kỹ năng bảo vệ dữ liệu cá nhân. (5) Thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân và tham gia phòng, chống các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
* Vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân có thể xử lý hình sự: Được quy định tại Điều 4 Nghị định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân tùy theo mức độ có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự theo quy định.
* 5 trường hợp dữ liệu cá nhân được xử lý không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu:
(1) Trong trường hợp khẩn cấp, cần xử lý ngay dữ liệu cá nhân có liên quan để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chủ thể dữ liệu hoặc người khác. Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên thứ ba có trách nhiệm chứng minh trường hợp này.
(2) Việc công khai dữ liệu cá nhân theo quy định của luật.
(3) Việc xử lý dữ liệu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm; khi có nguy cơ đe dọa an ninh, quốc phòng nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; phòng, chống bạo loạn, khủng bố, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của luật.
(4) Để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của chủ thể dữ liệu với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của luật.
(5) Phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước đã được quy định theo luật chuyên ngành. (Điều 17 Nghị định 13/2023/NĐ-CP)
* Biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân được áp dụng ngay từ khi bắt đầu và trong suốt quá trình xử lý dữ liệu cá nhân. Các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân, bao gồm Biện pháp quản lý do tổ chức, cá nhân có liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân thực hiện; Biện pháp kỹ thuật do tổ chức, cá nhân có liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân thực hiện; Biện pháp do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan; Biện pháp điều tra, tố tụng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện; Các biện pháp khác theo quy định của pháp luật. (Điều 26 Nghị định 13/2023/NĐ-CP)
* Điều kiện bảo đảm hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân
- Lực lượng bảo vệ dữ liệu cá nhân:
+ Lực lượng chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân được bố trí tại Cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân;
+ Bộ phận, nhân sự có chức năng bảo vệ dữ liệu cá nhân được chỉ định trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhằm bảo đảm thực hiện quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân;
+ Tổ chức, cá nhân được huy động tham gia bảo vệ dữ liệu cá nhân;
+ Bộ Công an xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm phát triển nguồn nhân lực bảo vệ dữ liệu cá nhân.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng, nâng cao nhận thức bảo vệ dữ liệu cá nhân cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Bảo đảm cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động cho Cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân. (Điều 30 Nghị định 13/2023/NĐ-CP).
* Cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân
Cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an, có trách nhiệm giúp Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân. (khoản 1 Điều 29 Nghị định 13/2023/NĐ-CP).
* Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân
Nghị định 13/2023/NĐ-CP bảo vệ dữ liệu cá nhân quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trách nhiệm của Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân và Trách nhiệm của Bên Xử lý dữ liệu cá nhân… Trong đó Bộ Công an có trách nhiệm:
- Giúp Chính phủ thống nhất thực hiện QLNN về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
- Hướng dẫn, triển khai hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo vệ quyền của chủ thể dữ liệu trước các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đề xuất ban hành Tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu cá nhân và các khuyến nghị áp dụng.
- Xây dựng, quản lý, vận hành Cổng thông tin quốc gia về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
- Đánh giá kết quả công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Tiếp nhận hồ sơ, biểu mẫu, thông tin về bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định tại Nghị định này.
- Thúc đẩy các biện pháp và thực hiện nghiên cứu để đổi mới trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân, triển khai hợp tác quốc tế về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
- Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý hành vi vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật (Điều 32 Nghị định 13/2023/NĐ-CP).
BBT (Tổng hợp)
- Nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ đáp ứng yêu cầu tình hình mới (24.04.2023)
- Tập trung nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy (22.04.2023)
- Xây dựng luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (18.04.2023)
- Tập huấn Phương án số 06/PA-BCA-C02 cho lực lượng CSHS Công an tỉnh Tây Ninh (15.04.2023)
- Nhất trí xây dựng và ban hành Luật đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (14.04.2023)
- Sửa đổi Luật Căn cước công dân: Mở rộng phạm vi điều chỉnh (14.04.2023)
- Luật Căn cước đáp ứng yêu cầu phát triển không gian số, Chính phủ số, công dân số (12.04.2023)
- Luật TTATGT ĐB ban hành sớm ngày nào đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản sớm cho người dân ngày đó (10.04.2023)
- Lãnh đạo Nhà trường dự Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 4/2023 (07.04.2023)