Ngày 27/11/2023, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Căn cước (Luật số 26/2023/QH15) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Luật gồm 07 chương, 46 điều quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phát triển kinh tế - xã hội và nhận dạng công dân kỹ thuật số. Nó cũng nhằm mục đích cải thiện hệ sinh thái để kết nối, khai thác và làm phong phú dữ liệu dân cư trong nước.
So với Luật Căn cước công dân năm 2014, Luật Căn cước 2023 có một số điểm mới cơ bản như sau:
1. Về đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ căn cước
Khoản 1 Điều 3 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định: “Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này”
Khoản 11 Điều 3 của Luật Căn cước năm 2023 quy định: Thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật căn cước.
Như vậy so với Luật Căn cước công dân năm 2014 thì Luật Căn cước 2013 đã điều chỉnh căn cước công dân thành căn cước, có ý nghĩa quan trọng, thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số.
2. Mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước.
Theo quy định tại Điều 19 Luật Căn cước công dân năm 2014 thì: “ Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân”
Theo điều 19 của Luật Căn cước năm 2023 thì Người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam, trong đó công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước, trường hợp công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.
Quy định trên cho thấy Luật Căn cước 2023 mở rộng phạm vi chủ thể có quyền được cấp thẻ căn cước, cụ thể người dưới 14 tuổi cũng được cấp thẻ căn cước nếu có nhu cầu
3. Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước
Trong Luật Căn cước công dân năm 2014 thì người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch thì chưa được cấp căn cước công dân
Theo khoản 1 Điều 30 của Luật Căn cước năm 2023 thì Giấy chứng nhận căn cước được cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 06 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.
Quy định này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước với trường hợp người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, cũng như đảm bảo quyền cho những chủ thể này có cơ hội học tập, làm việc trên lãnh thổ Việt Nam khi chưa xác định được quốc tịch. Thực tế cho thấy không ít người gốc Việt hiện đang sinh sống tại Việt Nam không có thông tin, tài liệu chứng minh danh tính, lý lịch vì nhiều lý do liên quan đến lịch sử, chiến tranh, di cư... Các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương cũng không có thông tin gì về họ, danh tính hoặc lý lịch của họ. Những người này không đủ điều kiện được cấp thẻ thường trú, thẻ tạm trú theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và không làm được các thủ tục khám chữa bệnh, ký kết hợp đồng lao động , nhập học hoặc các giao dịch dân sự khác yêu cầu chứng minh thông tin cá nhân. Vì vậy, điều khoản mới là cần thiết, phù hợp và không trái với Luật Quốc tịch và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: internet)
4. Về độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước
Điều 21 Luật Căn cước công dân năm 2014 thì độ tuổi được cấp căn cước công dân là đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi
Điều 21 của Luật Căn cước năm 2023 thì độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước như sau: Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi; Thẻ căn cước đã được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật Căn cước năm 2023 có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi thẻ căn cước tiếp theo.
5. Quy định chuyển tiếp về giá trị và thời hạn sử dụng thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân đã được cấp
Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 46 của Luật Căn cước năm 2023 thì Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31 tháng 12 năm 2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15 tháng 01 năm 2024 đến trước ngày 30 tháng 6 năm 2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
Quy định có ý nghĩa không làm xáo trộn việc sử dụng giấy chứng minh nhân dân và thẻ căn cước công dân đã được cấp cũng như tránh lãng phí và gây tình trạng quá tải khi phải đổi sang sử dụng thẻ căn cước.
6. Bổ sung quy định về cấp căn cước điện tử
Đây là một quy định mới và là chính sách quan trọng được đưa vào Luật. Theo khoản 17 Điều 3, chứng minh nhân dân điện tử là danh tính của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản nhận dạng điện tử được tạo ra bởi hệ thống nhận dạng và xác thực điện tử.
Theo khoản 1 Điều 31 của Luật Căn cước năm 2023 thì mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 căn cước điện tử. Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.( Khoản 1 Điều 33)
Như vậy Căn cước điện tử có giá trị sử dụng tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ căn cước, điều này tạo điều kiện cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính công cũng như có ý nghĩa trong việc cải cách thủ tục hành chính.
7. Về việc bỏ thông tin về quê quán, vân tay và đặc điểm nhận dạng trên thẻ căn cước
Theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật Căn cước năm 2023 thì thông tin được in trên thẻ căn cước bao gồm: Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”; Dòng chữ “CĂN CƯỚC”; Ảnh khuôn mặt; Số định danh cá nhân; Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh; Quốc tịch; Nơi cư trú; Ngày, tháng, năm cấp thẻ; Ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng; Nơi cấp: Bộ Công an.
Như vậy, theo quy định của Luật Căn cước năm 2023 thì trên thẻ căn cước đã lược bỏ quê quán, nơi thường trú (thay bằng nơi đăng ký khai sinh) và vân tay, đặc điểm nhân dạng.
Thay đổi trên có ý nghĩa trong việc bảo mật thông tin cá nhân, tránh bị các đối tượng xấu sử dụng thông tin cá nhân để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
8. Bổ sung quy định thu thập thông tin sinh trắc học
Theo quy định tại khoản 3 Điều 18 của Luật Căn cước năm 2023 thì thông tin được mã hóa, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước gồm thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của công dân, các thông tin quy định từ khoản 1 đến khoản 18 Điều 9, khoản 2 Điều 15 và khoản 2 Điều 22 của Luật Căn cước năm 2023. Đồng thời, theo quy định tại Điều 23 của Luật Căn cước năm 2023 thì trong thủ tục cấp thẻ căn cước cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có quy định về bước người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước.
Bên cạnh đó, đối với thủ tục cấp thẻ căn cước với người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi cũng có quy định về bước thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt như người từ đủ 14 tuổi trở lên. Tuy nhiên, đối với người dưới 06 tuổi thì cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học.
9. Bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước:
Thông tin tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Người dân đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp thẻ căn cước.
Việc sử dụng thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.
10. Về bổ sung trường hợp cấp đổi thẻ căn cước
Khoản 1 Điều 24 Luật Căn cước năm 2023 đã bổ sung các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước như sau: Các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước bao gồm: Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này; Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật…
Với Các trường hợp cấp lại thẻ căn cước bao gồm: Bị mất thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được, trừ trường hợp quy định tại Điều 21 của Luật này; Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam.
Như vậy Luật Căn cước đã mở rộng phạm vi các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước như mở rộng độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước với người đủ 14 tuổi chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật, có thay đổi nhân dạng, bổ sung thông tin ảnh khuôn mặt…
Tóm lại, khi Luật Căn cước chính thức có hiệu lực thi hành, việc triển khai thực hiện Luật sẽ đẩy nhanh quá trình hoàn thiện pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý dân cư, cải cách hành chính, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, để triển khai thi hành hiệu quả Luật Căn cước, các ban ngành đoàn thể và các cơ quan có liên quan cần phối hợp chặt chẽ, xây dựng lộ trình cụ thể, bảo đảm từ ngày 01/7/2024 Luật Căn cước được thi hành đồng bộ, thống nhất trong phạm vi toàn quốc. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Luật; góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc thi hành Luật Căn cước./.
-----------------------
Tài liệu tham khảo
1. Luật Căn cước 2023
2. Luật Căn cước Công dân 2014
3. Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 14/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước
GV Nguyễn Tiến Nam
Khoa luật – Trường Đại học CSND
- Một số nội dung người dân cần biết khi Luật Căn cước có hiệu lực (26.03.2024)
- Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” - 55 năm vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn (25.03.2024)
- Các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước (23.03.2024)
- Công tác tôn giáo trong tình hình mới (22.03.2024)
- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ (21.03.2024)
- Tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật trong Công an nhân dân (19.03.2024)
- Một số thay đổi về lương hưu, trợ cấp bảo hiểm năm 2024 (18.03.2024)
- Điều kiện để phương tiện cơ giới nước ngoài và người nước ngoài điều khiển phương tiện vào tham gia giao thông tại Việt Nam (17.03.2024)
- 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: 56 ngày đêm chấn động địa cầu (15.03.2024)