Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ Môi trường (viết tắt là BVMT) 2020 gồm 16 chương, 171 điều có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Xin giới thiệu bạn đọc một số điểm mới cơ bản của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
* Lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời được bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường
- Luật BVMT năm 2020 đã bổ sung “cộng đồng dân cư” vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 2 và khoản 28 Điều 3) nhằm khẳng định vị trí, vai trò của nhóm đối tượng quan trọng này trong công tác BVMT cũng như thực hiện một trong những mục tiêu xuyên suốt của Luật là bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm người dân được sống trong môi trường trong lành.
- Luật đã bổ sung quy định thiết lập hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị, tham vấn của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về BVMT (khoản 5 Điều 159), qua đó giúp cộng đồng dân cư có thể tham gia giám sát hoạt động BVMT thông qua công nghệ thông tin, tương tác các ứng dụng thông minh trên điện thoại di động.
- Vấn đề công khai thông tin đã được quy định xuyên suốt, thống nhất trong Luật BVMT năm 2020 theo các nội dung cụ thể về BVMT, cùng với một khoản riêng quy định việc cung cấp, công khai thông tin về môi trường.
- Lần đầu tiên quy định việc công khai danh sách hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM (khoản 11 Điều 34); dành một điều quy định công khai thông tin và sự tham gia của cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường (Điều 129).
- Lần đầu tiên, trách nhiệm của chủ dự án trong việc tham vấn cộng đồng dân cư được quy định ngay từ khi lập báo cáo ĐTM (Điều 33).
* Thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; cắt giảm thủ tục hành chính
- Luật BVMT năm 2020 đã thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường thông qua thể chế hóa chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế; BVMT không chỉ là phòng ngừa, kiểm soát, xử lý chất thải; các hoạt động sản xuất, phát triển phải hài hòa với tự nhiên, khuyến khích bảo vệ và phát triển tự nhiên. Đồng thời, Luật cũng đặt ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước trên thế giới và cũng hài hòa với quy định của quốc tế để góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về BVMT, ứng phó với BĐKH.
- Lần đầu tiên, Luật tiếp cận phương pháp quản lý môi trường xuyên suốt, khoa học đối với dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường; sàng lọc, không khuyến khích các dự án không tuân theo quy luật tự nhiên, chiếm dụng lớn diện tích rừng, đất lúa, tác động đến các di sản thiên nhiên, khu bảo tồn; áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn từ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch đến thực hiện dự án đầu tư.
* Đã định chế nội dung sức khỏe môi trường; bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, môi trường nước
- Luật đã bổ sung nội dung quản lý các chất ô nhiễm có tác động trực tiếp đến sức khỏe con người; quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh trong theo dõi, kiểm soát, phòng ngừa các chất ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như đánh giá mối quan hệ giữa sức khỏe môi trường với sức khỏe con người, đặc biệt là mối quan hệ giữa ô nhiễm môi trường với các loại bệnh dịch mới.
- Luật đã quy định việc lập và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt (Điều 9), môi trường không khí (Điều 12) nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ các thành phần môi trường; đồng thời, quy định về tiêu chí và phân loại khu vực ô nhiễm môi trường đất (Điều 16), quy định nội dung về xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất (Điều 18).
- Luật cũng đã quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; đánh giá, theo dõi chất lượng môi trường không khí và công khai thông tin; cảnh báo cho cộng đồng và triển khai các biện pháp xử lý trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm; tổ chức thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng (khoản 3 Điều 14).
- Luật còn quy định nhiều nội dung có liên quan về quản lý nước thải, quản lý bụi, khí thải và các chất ô nhiễm khác cũng như các nội dung về quản lý CTR (sẽ góp phần giảm tác động đến môi trường đất, nước và không khí), quan trắc các thành phần môi trường…
* Thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
- Luật BVMT năm 2020 đã quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay.
- Luật BVMT năm 2020 trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, Cơ sở thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, UBND cấp xã… trong việc phân loại, thu gom, vận động thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn (quy định tại các Điều 75,76,77)
- Ngoài quy định trách nhiệm phân loại CTR công nghiệp phát sinh từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (khoản 1 Điều 81), Luật lần đầu tiên đã quy định trách nhiệm mở rộng của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì có khả năng tái chế/khó có khả năng tái chế phải thu hồi với tỷ lệ và quy cách bắt buộc hoặc thông qua hợp đồng dịch vụ hoặc cơ chế đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu.
* Lần đầu tiên chế định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; phân cấp triệt để cho địa phương
- Luật BVMT năm 2020 đã bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, xả nước thải vào công trình thủy lợi mà lồng ghép nội dung này trong GPMT nhằm thống nhất trách nhiệm, thẩm quyền và nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; đồng thời, giảm TTHC mạnh mẽ cho doanh nghiệp. Song song với chế định này, Luật cũng đã bổ sung trách nhiệm, thẩm quyền tham gia, phản biện và đồng thuận của cơ quan quản lý công trình thủy lợi ngay từ giai đoạn ĐTM cho đến khi cấp GPMT đối với cơ sở xả nước thải vào công trình thủy lợi nhằm tăng cường công tác phối hợp của các cơ quan (điểm d khoản 3 Điều 34).
- Luật đã phân cấp mạnh mẽ cho địa phương thông qua chế định giao UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành (quy định hiện hành phân cấp các Bộ, ngành đều có thể thẩm định báo cáo ĐTM) đồng thời quy định các Bộ có liên quan có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp tỉnh trong quá trình thực hiện nhằm bảo đảm hiệu quả (điểm b khoản 2 Điều 35). Quy định này sẽ bảo đảm quản lý thống nhất tại địa phương, thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát, cấp phép sau này và phù hợp với xu hướng phân cấp cho địa phương như hệ thống pháp luật hiện hành.
* Lần đầu chế định cụ thể về kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của doanh nghiệp
- Tiếp thu kinh nghiệm thành công của quốc tế về kiểm toán môi trường được áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhằm đánh giá mức độ hiệu quả sử dụng tiết kiệm tài nguyên, quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm và BVMT, Luật BVMT năm 2020 đã bổ sung nội dung về kiểm toán môi trường nhằm điều chỉnh hoạt động kiểm toán trong nội bộ tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ do đơn vị tự thực hiện hoặc thông qua dịch vụ kiểm toán (Điều 74).
- Luật cũng đã bổ sung quy định Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và pháp luật có liên quan (khoản 5 Điều 160).
* Cụ thể hóa các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước
Luật BVMT năm 2020 đã bổ sung các quy định về thích ứng với BĐKH (Điều 90), giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (Điều 91), bảo vệ tầng ô-dôn (Điều 92), trong đó xác định nội dung và trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan và địa phương về thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; bổ sung quy định về lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch (Điều 93), thực hiện cam kết quốc tế về BĐKH và bảo vệ tầng ô-dôn (Điều 96).
* Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản thiên nhiên phù hợp với pháp luật quốc tế về di sản thế giới, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế
Luật BVMT năm 2020 đã đưa ra các quy định về tiêu chí xác lập di sản thiên nhiên dựa trên cơ sở các tiêu chí của quốc tế và thực tiễn điều kiện Việt Nam hiện nay (Điều 20) và quy định việc điều tra, đánh giá, quản lý và BVMT di sản thiên nhiên để bảo vệ, phát huy giá trị bền vững di sản thiên nhiên ở nước ta (Điều 21).
* Tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên
Luật BVMT năm 2020 đã bổ sung một chương quy định về các công cụ kinh tế và nguồn lực cho BVMT (Chương XI). Trong đó, đã bổ sung các chính sách về phát triển ngành công nghiệp môi trường (Điều 143); dịch vụ môi trường (Điều 144); sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường (Điều 145); ưu tiên thực hiện mua sắm xanh (Điều 146) đối với dự án, nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước; thúc đẩy việc khai thác, sử dụng và phát triển vốn tự nhiên (Điều 147); đặc biệt là thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, bổ sung chính sách về tín dụng xanh, trái phiếu xanh để huy động đa dạng các nguồn lực xã hội cho BVMT.
* Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sửa đổi, bổ sung các quy định về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm
- Luật đã quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh; bổ sung quy định trách nhiệm của UBND huyện, xã trong việc chỉ đạo thực hiện kiểm tra, thanh tra về BVMT (khoản 1 Điều 160); đồng thời, bổ sung quy định thẩm quyền, tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành về BVMT được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra và các quy định đặc thù trong lĩnh vực BVMT (Điều 160).
- Bổ sung quy định về hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp kiểm tra để giải quyết các thủ tục hành chính quy định tại Luật này. (Điều 160).
- Bổ sung hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, nhân sự phụ trách về BVMT có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về BVMT hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường (Điều 161).
* Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật có liên quan đến BVMT và quy định điều khoản chuyển tiếp
Luật BVMT năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định khác, bao gồm: bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 08/2017/QH14 và Luật số 35/2018/QH14; bãi bỏ điểm d khoản 1 Điều 44 và Điều 58 của Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 59/2020/QH14; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2020/QH14; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Mục IX - Phí thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường thuộc Phụ lục số 01 - Danh mục Phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 09/2017/QH14 và Luật số 23/2018/QH14 (Điều 169).
Đồng thời, Luật quy định các điều khoản chuyển tiếp để xử lý sự giao thoa, bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức thực hiện quy định pháp luật về BVMT (Điều 171)./.
Tác giả: Ngô Thị Hiền - Trần Văn Hoàng (Tổng hợp)
- Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên phát triển vươn tầm (15.11.2024)
- Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo khi truy cập vào đường link do shipper gửi (14.11.2024)
- Bình đẳng giới trong một số lĩnh vực và thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong bình đẳng giới (14.11.2024)
- Một số quy định pháp luật về bình đẳng giới ở Việt Nam (13.11.2024)
- Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới 2024 (13.11.2024)
- Một số vấn đề về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trong tình hình mới (07.11.2024)
- Khái lược lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (04.11.2024)
- Sự cần thiết ban hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cảnh vệ năm 2024 (01.11.2024)
- Phiên họp thẩm tra chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy đến năm 2030 (31.10.2024)