Nhằm gắn hoạt động giảng dạy lý luận, nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục trong Công an nhân dân với thực tiễn công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng Công an nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, Bộ Công an xây dựng dự thảo Thông tư quy định về công tác thực tế của nhà giáo thuộc các cơ sở giáo dục trong Công an nhân dân (CAND) gồm 4 Chương 17 Điều để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo đó, dự thảo Thông tư nêu rõ, công tác thực tế là việc nhà giáo các cơ sở giáo dục trong CAND đến Công an đơn vị, địa phương và các tổ chức ngoài lực lượng CAND có liên quan để bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về chuyên môn, nghiệp vụ.
Về nguyên tắc thực hiện công tác thực tế, dự thảo Thông tư quy định: Đáp ứng mục tiêu, yêu cầu về xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo các cơ sở giáo dục trong CAND; Không bố trí, sử dụng nhà giáo đi thực tế trái với địa bàn, mục đích, nội dung kế hoạch đi thực tế; Nhà giáo phải bảo đảm thời gian đi thực tế đối với từng chức danh theo quy định. Ngoài quy định bắt buộc về thời gian đi thực tế, khuyến khích nhà giáo tích cực, chủ động đăng ký đi thực tế để bồi dưỡng, nâng cao năng lực công tác, kiến thức chuyên môn; Thời gian đi thực tế không được tính để thay thế thời gian luân chuyển.
Ảnh minh họa.
Cũng theo Dự thảo, nội dung công tác thực tế của nhà giáo bao gồm: Trực tiếp tham gia các hoạt động nghiệp vụ, thực hiện các quy trình công tác chuyên môn có liên quan đến chuyên ngành, môn học được giao giảng dạy.
Nghiên cứu, điều tra khảo sát, thu thập tài liệu liên quan đến lĩnh vực giảng dạy tại địa bàn thực tế để phục vụ hoạt động dạy học, nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình và tài liệu dạy học hoặc kết hợp với thực hiện nhiệm vụ trực tiếp hướng dẫn học viên hoạt động thực tập tốt nghiệp tại Công an các đơn vị, địa phương (nếu có).
Tham gia tổng kết chuyên đề, nghiên cứu đề tài, nhiệm vụ khoa học theo kế hoạch của Bộ hoặc thỏa thuận hợp tác giữa cơ sở giáo dục trong CAND với Công an đơn vị, địa phương và các tổ chức, đơn vị ngoài lực lượng CAND.
Thời gian đi thực tế đối với nhà giáo
Về thời gian đi thực tế, dự thảo Thông tư cũng quy định rõ: Đối với người tập sự trước khi được bổ nhiệm chức danh giảng dạy đi thực tế một lần, thời gian ít nhất 04 tháng; Đối với trợ giảng, giáo viên trong thời gian đảm nhiệm chức danh phải đi thực tế ít nhất 06 tháng, thời gian mỗi lần ít nhất là 03 tháng; Đối với giảng viên, giáo viên chính trong thời gian đảm nhiệm chức danh phải đi thực tế ít nhất 8 tháng, thời gian mỗi lần ít nhất là 04 tháng; Đối với giảng viên chính, giáo viên cao cấp phải đi thực tế 02 năm một lần, thời gian mỗi lần ít nhất là 02 tháng…Trường hợp nhà giáo (có bằng tiến sĩ) được rút ngắn thời hạn đảm nhiệm chức danh thì thời gian đi thực tế tối thiểu trong thời hạn đảm nhiệm chức danh được giảm 01 tháng.
Địa bàn đi thực tế gồm: Các đơn vị trực thuộc Bộ Công an; Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an cấp huyện; Công an cấp xã; Các cơ sở đào tạo, cơ quan, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức khoa học kỹ thuật, đơn vị vũ trang ngoài lực lượng CAND.
Trường hợp nhà giáo không phải đi thực tế, được hoãn đi thực tế
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng quy định đối với những trường hợp không phải đi thực tế gồm: Nhà giáo giảng dạy toán học, vật lý, hóa học; Nhà giáo có tổng thời gian công tác tại Công an đơn vị, địa phương từ 36 tháng trở lên được điều động về trường làm công tác giảng dạy hoặc hoàn thành kế hoạch luân chuyển trở về trường theo đúng chuyên môn giảng dạy không bắt buộc phải đi thực tế trong thời gian 3 năm kể từ ngày nhận công tác tại trường. Khi xét chức danh giảng dạy, nếu thời điểm xét nằm trong 3 năm đó, nhà giáo được tính là đảm bảo điều kiện về thực tế. Sau thời gian 3 năm, nếu chưa được bổ nhiệm chức danh giảng dạy cao hơn, việc đi thực tế được thực hiện lại theo quy định.
Những trường hợp được hoãn đi thực tế trong năm học gồm: Đi đào tạo, bồi dưỡng từ 02 tháng trở lên theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh giảng dạy; Nữ đang trong thời kỳ mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; Đi điều trị bệnh từ 02 tháng trở lên tại các cơ sở y tế (có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền); Đơn vị công tác hoặc địa bàn thực tế của nhà giáo bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh không thể thực hiện việc đi thực tế; Nhà giáo đang có đơn khiếu nại, tố cáo mà chưa có kết luận, đang chờ xét kỷ luật hoặc đang trong thời hạn thi hành kỷ luật.
Trường hợp nhà giáo được huy động tham gia chuyên án, chuyên đề công tác của Công an đơn vị, địa phương được giảm thời gian đi thực tế tương ứng với thời gian được huy động. Khi hết thời hạn và điều kiện hoãn đi thực tế theo quy định nêu trên, nhà giáo phải đi thực tế bù đủ thời gian theo quy định đối với chức danh giảng dạy đang đảm nhiệm.
Chế độ, chính sách đối với nhà giáo đi thực tế
Về chế độ, chính sách đối với nhà giáo đi thực tế, dự thảo Thông tư quy định: Trong thời gian đi thực tế, nhà giáo được trực tiếp tham gia công tác nghiệp vụ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn giảng dạy, được đơn vị thực tế trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết theo yêu cầu, nội dung của kế hoạch đi thực tế. Nhà giáo đi thực tế được bảo đảm các chế độ, chính sách như nhà giáo đang giảng dạy tại cơ sở giáo dục, được cơ sở giáo dục trả lương, mỗi đợt đi thực tế được cơ sở giáo dục thanh toán chi phí đi lại (một lượt đi và về) và hưởng phụ cấp lưu trú đi công tác theo các quy định hiện hành.
Nhà giáo đi thực tế được Công an đơn vị, địa phương tạo điều kiện bố trí nơi ăn, ở và được hưởng các chế độ, chính sách khác tại nơi đến thực tế theo các quy định hiện hành. Nhà giáo đi thực tế trong năm học được giảm định mức giờ chuẩn giảng dạy tương ứng giữa tỉ lệ thời gian đi thực tế với định mức giờ chuẩn theo quy định đối với chức danh giảng dạy.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng quy định: Nhà giáo có thành tích xuất sắc trong thời gian đi thực tế được lãnh đạo Công an đơn vị, địa phương hoặc cơ sở giáo dục khen thưởng; trường hợp có thành tích đặc biệt xuất sắc, được Công an đơn vị, địa phương phối hợp với cơ sở giáo dục đề nghị lãnh đạo cấp trên khen thưởng theo quy định.
Nhà giáo vi phạm trong thời gian đi thực tế thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định. Trường hợp vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Việc xử lý nhà giáo vi phạm trong thời gian đi thực tế do cơ sở giáo dục thực hiện. Công an các đơn vị, địa phương có trách nhiệm phối hợp cung cấp các thông tin liên quan.
Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đăng (nội dung chi tiết xem tại file đính kèm). Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại đây.
- Tọa đàm về chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng (14.06.2024)
- Trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan và tổ chức trong phòng, chống ma túy (11.06.2024)
- Trách nhiệm của gia đình trong việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới (11.06.2024)
- 8 nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2023 (10.06.2024)
- Quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (10.06.2024)
- 76 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc: Thi đua phải là vì yêu nước (10.06.2024)
- Các nhóm nhiệm vụ của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (10.06.2024)
- An ninh văn hóa trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay (08.06.2024)
- Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số (08.06.2024)