Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Khái lược lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Ngày đăng: 04.11.2024

      Ngày 06-01-1946 đánh dấu một mốc son chói lọi của đất nước khi cuộc tổng tuyển cử đầu tiên thắng lợi. Sự kiện này đã trở thành biểu tượng chứng minh cho sức mạnh của dân tộc Việt Nam, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của Việt Nam, mở ra một thời kỳ phát triển mới về thể chế chính trị ở nước ta. Chính những người nông dân, công nhân, tri thức thuộc mọi tầng lớp, lần đầu tiên được tự tay bầu ra 333 người tài đức trên cả nước, hình thành nên một cơ quan đại diện lớn nhất của dân tộc, gồm tất cả các thành phần, giai cấp trong xã hội - Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là Quốc hội của độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và của đại đoàn kết toàn dân.

Từ đó đến nay, Quốc hội Việt Nam đã trải qua một chặng đường vẻ vang, xây dựng một chỗ đứng vững chắc trong lòng dân, không ngừng lớn mạnh và phát triển, ngày càng khẳng định vững chắc, vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, thực hiện tốt chức năng cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Trong mỗi giai đoạn thăng trầm của cách mạng, Quốc hội giúp khơi dậy ý chí và tinh thần đoàn kết trong toàn dân, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

1. Vị trí, vai trò của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Trong bộ máy nhà nước ta, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất bởi vì theo quy định của Hiến pháp, ở nước ta, tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân. Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Quốc hội do Nhân dân bầu ra, là cơ quan nhà nước cao nhất thực hiện quyền lực của Nhân dân. Quốc hội là cơ quyền lực nhà nước cao nhất còn thể hiện ở chức năng của Quốc hội. Theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, làm luật và sửa đổi luật. Bằng việc làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, Quốc hội quy định các vấn đề cơ bản nhất, quan trọng nhất về hình thức và bản chất của Nhà nước; ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quy định các nội dung cơ bản về chế độ kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường, bảo vệ Tổ quốc và về tổ chức bộ máy nhà nước. Bằng việc làm luật và sửa đổi luật, Quốc hội điều chỉnh các quan hệ xã hội trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, Quốc hội là cơ quan có quyền quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đó là những chủ trương lớn, những vấn đề quốc kế dân sinh, những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Không một cơ quan nào đứng trên Quốc hội trong xem xét, đánh giá việc thi hành Hiến pháp, luật - những văn bản mà chỉ Quốc hội mới có quyền ban hành. Các cơ quan do Quốc hội thành lập và người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn phải chịu trách nhiệm, báo cáo công tác trước Quốc hội và chịu sự giám sát của Quốc hội.  

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân được thể hiện ở các mặt sau đây:

- Về cách thức thành lập, Quốc hội là cơ quan do cử tri cả nước bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Quốc hội đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân cả nước, được Nhân dân tin tưởng uỷ thác quyền lực nhà nước, thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước và chịu trách nhiệm trước Nhân dân cả nước;

- Về cơ cấu tổ chức, đại biểu Quốc hội là yếu tố cơ bản và quan trọng nhất cấu thành Quốc hội. Đại biểu Quốc hội là những công dân ưu tú trong mọi lĩnh vực hoạt động của Nhà nước và xã hội, đại diện cho các tầng lớp Nhân dân và các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Quốc hội là hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân, là biểu trưng sức mạnh trí tuệ của cả dân tộc Việt Nam;

- Chức năng và nhiệm vụ của Quốc hội được quy định toàn diện trên các lĩnh vực: lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhằm phục vụ cho lợi ích chung của toàn thể Nhân dân. Có thể nói, 75 năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam là 75 năm Quốc hội tận tâm cống hiến vì lợi ích quốc gia và dân tộc, nói lên tiếng nói của Nhân dân, hành động theo ý chí và nguyện vọng của Nhân dân.

 

Trong phiên họp của Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa I, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 1946 (Nguồn: quochoi.vn)

 

2. Quá trình hình thành và phát triển của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

          Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 14/SL về cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội và những sắc lệnh khác để xúc tiến việc chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử và dự thảo Hiến pháp.

Ngày 6-1-1946 cuộc Tổng tuyển cử lần đầu tiên trong cả nước. Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến... đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử, tự do lựa chọn người đại diện cho mình vào Quốc hội.

Ngày 9-11-1946 Quốc hội đã biểu quyết thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Quốc hội Việt Nam là một cơ quan quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân Việt Nam và là cơ quan quyền lực Nhà nuớc cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cơ quan này có ba chức năng chính:

- Lập pháp

- Quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước

- Giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước.

Thành phần nhân sự của cơ quan này là các đại biểu quốc hội Việt Nam, do cử tri Việt Nam bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Các đại biểu được bầu chịu trách nhiệm trước cử tri bầu ra mình và trước cử tri cả nước. Thông qua các đại biểu và thông qua quốc hội, nhân dân Việt Nam sử dụng quyền lực của mình để định đoạt các vấn đề của đất nước.

Các nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của quốc hội Việt Nam được quy định theo Điều 84 trong Hiến pháp Việt Nam. Quốc hội Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Cơ quan này có các đơn vị trực thuộc là Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội Việt Nam.

Quốc hội Việt Nam họp thường lệ mỗi năm 2 kỳ do Uỷ ban thường vụ Quốc hội triệu tập. Uỷ ban thường vụ Quốc hội có thể triệu tập phiên họp bất thường theo quyết định của mình, hoặc khi Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hoặc khi có ít nhất 1/3 tổng số Đại biểu Quốc hội yêu cầu. Các cuộc họp của Quốc hội đều công khai, một số được truyền hình trực tiếp, phát sóng tòan quốc và ra nước ngòai. Quốc hội Việt Nam cũng có thể họp kín theo đề nghị của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hoặc của ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội. Thành viên của Chính phủ không phải là đại biểu Quốc hội được mời tham dự các phiên họp toàn thể của Quốc hội. Đại diện cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang, cơ quan báo chí, công dân và khách quốc tế có thể được mời dự các phiên họp công khai của Quốc hội.

Đứng đầu Quốc hội Việt Nam là Chủ tịch Quốc hội.

Quốc hội Việt Nam hiện nay là thành viên của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước ASEAN (AIPO), Liên minh Nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (APF), là thành viên sáng lập Diễn đàn Nghị sĩ các nước châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Tổ chức Liên nghị viện các nước châu Á vì Hòa bình (AAPP).

Quốc hội khóa I (1946 - 1960): Bầu cử ngày 6-1-1946; Tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu: 89%; Tổng số đại biểu Quốc hội: 403; Số đại biểu được bầu: 333; đại biểu không đảng phái: 43%; Số đại biểu không qua bầu cử: 70 (thuộc Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội - Việt Cách, và Việt Nam Quốc dân Đảng - Việt Quốc, theo thoả thuận đạt được ngày 24.12.1945 với Việt Minh). Số đại biểu không qua bầu cử này thể hiện chủ trương của Việt Minh về hòa hợp dân tộc, tập trung lực lượng kháng chiến chống thực dân Pháp.

Quốc hội khóa II (1960 - 1964): Bầu cử ngày 8-5-1960; Tỉ lệ cử tri bỏ phiếu: 97,52%; Tổng số đại biểu: 453; đại biểu ngòai Đảng: 64; đại biểu là cán bộ kinh tế, khoa học kỹ thuật: Kỳ họp thứ nhất (từ ngày 6 đến 15 tháng 7 năm 1960) bầu Chủ tịch nước Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 21 ủy viên chính thức, 5 ủy viên dự khuyết.

Quốc hội khóa III (1964 - 1971): Bầu cử ngày 26-4-1964. 366 đại biểu được bầu, 87 đại biểu khóa I của Miền Nam được lưu nhiệm. Kỳ họp thứ nhất (từ ngày 25 tháng 6 đến ngày 3 tháng 7 năm 1964) bầu Chủ tịch nước Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 23 ủy viên chính thức, 3 ủy viên dự khuyết.

Quốc hội khóa IV (1964 - 1971): Bầu cử ngày 11-4-1971; Tỉ lệ cử tri bỏ phiếu: 98,88%; Tổng số đại biểu được bầu: 420; đại biểu ngoài Đảng: 103; đại biểu là cán bộ kinh tế - khoa học kỹ thuật: Kỳ họp thứ nhất (từ ngày 6 đến ngày 10 tháng 6 năm 1971) bầu Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 24 ủy viên chính thức, 3 ủy viên dự khuyết.

Quốc hội khóa V (1975 - 1976): Bầu cử ngày 6-4-1975; Tỉ lệ cử tri bỏ phiếu: 98,26%; Tổng số đại biểu được bầu: 424; đại biểu ngòai Đảng: 110; đại biểu là trí thức xã hội chủ nghĩa: 93. Quốc hội khóa V là Quốc hội ngắn nhất (từ tháng 4-1975 đến tháng 4-1976) vì đã rút ngắn nhiệm kỳ để tiến hành cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI - Quốc hội chung của cả nước Việt Nam thống nhất. Kỳ họp thứ nhất (từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 6 năm 1975) bầu Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 19 ủy viên chính thức, 3 ủy viên dự khuyết.

Quốc hội khóa VI (1976 - 1981): Bầu cử ngày 25-4-1976; Số cử tri bỏ phiếu: 23 triệu người; Tổng số đại biểu được bầu: 492; đại biểu ngoài Đảng: 94; đại biểu là trí thức nhân sĩ: 98. Kỳ họp thứ nhất (từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 3 tháng 7 năm 1976) bầu Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, 2 Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng và Nguyễn Hữu Thọ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Cũng tại kỳ họp này, ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc hội đã quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đổi tên Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 21 ủy viên chính thức, 2 ủy viên dự khuyết.

Quốc hội khóa VII (1981 - 1987): Bầu cử ngày 26-4-1981; Tỉ lệ cử tri bỏ phiếu: 97,96%; Số đại biểu được bầu: 496; đại biểu ngoài Đảng: 61; đại biểu là trí thức nhân sĩ: 110. Kỳ họp thứ nhất (từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 4 tháng 7 năm 1981) bầu Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng. Hội đồng Nhà nước gồm 12 thành viên đảm nhận chức năng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội.

Quốc hội khóa VIII (1987 - 1992): Bầu cử ngày 19-4-1987; Tỉ lệ cử tri bỏ phiếu: 98,75; Số đại biểu được bầu: 496; đại biểu ngoài Đảng: 31; đại biểu là trí thức xã hội chủ nghĩa: 123. Kỳ họp thứ nhất (từ ngày 17 đến ngày 22 tháng 6 năm 1987) bầu Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng. Hội đồng Nhà nước gồm 15 thành viên. Thông qua Hiến pháp 1992 tại kỳ họp 11 ngày 15 tháng 4 năm 1992.

Quốc hội khóa IX (1992 - 1997): Bầu cử ngày 19-7-1992; Tỉ lệ cử tri bỏ phiếu: 99,12%; Số đại biểu được bầu: 395; đại biểu ngoài Đảng: 33; đại biểu có bằng đại học và trên đại học: 222. Kỳ họp thứ nhất (từ ngày 19 tháng 9 đến ngày 8 tháng 10 năm 1992) bầu Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ủy ban Thường vụ Quốc hội: gồm 13 ủy viên

Quốc hội khóa X (1997 - 2002): Bầu cử ngày 20-7-1997; Tỉ lệ cử tri bỏ phiếu: 99,59%; Số đại biểu được bầu: 450; đại biểu ngoài Đảng: 68; đại biểu có bằng đại học và trên đại học: 411. Kỳ họp thứ nhất (từ ngày 20 đến ngày 29 tháng 9 năm 1997) bầu Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và Thủ tướng Phan Văn Khải. Ủy ban Thường vụ Quốc hội: gồm 8 ủy viên

Quốc hội khóa XI (2002-  2007): Bầu cử ngày 19-5-2002; Tỷ lệ cử tri đã tham gia bỏ phiếu là 99,73%; Số đại biểu được bầu là 498; đại biểu ngoài Đảng chiếm 10,24%; đại biểu có bằng đại học và trên đại học 465 người, chiếm 93,37%; đại biểu chuyên trách là 118 người, chiếm 23,69%. Kỳ họp thứ nhất (từ ngày 19 tháng 7 đến ngày 12 tháng 8 năm 2002) bầu Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và Thủ tướng Phan Văn Khải. Ủy ban Thường vụ Quốc hội: gồm 9 ủy viên

Quốc hội khóa XII (2007 - 2011): Bầu cử ngày 20-5-2007; Tỷ lệ cử tri đã tham gia bỏ phiếu là 99,64% (56.252.543 người); Số đại biểu được bầu là 493; đại biểu ngoài Đảng là 43 người, chiếm 8,72%; đại biểu có bằng đại học và trên đại học là 473 người, chiếm 95,94%.

* Quốc hội khóa XIII (2011 - 2016): Bầu cử ngày 22-05-2011. Bầu 500 đại biểu. Quốc hội thông qua Hiên pháp năm 2013 vào ngày 28/11/2013. Trong số 97,99% (tức 488 ĐB) có mặt tại hội trường có 97, 59% (tức 486 đại biểu) tán thành; 0% đại biểu không tán thành; và 0,4% (tức 2 đại biểu) không biểu quyết. Quốc hội khóa XIII đã thông qua 100 luật, bộ luật và 10 pháp lệnh. Quốc hội khóa XIII cũng là lần đầu tiên Việt Nam là chủ nhà đăng cai tổ chức Đại hội đồng Lê minh Nghị viện thế giới  lần thứ 132 (IPU-132) tại Tòa nhà Quốc hội. Đây cũng là khóa đầu tiên tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm  với các chức danh mà Quốc hội đầu ra vào kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5/2013.

* Quốc hội khóa XIV (2016- 2021): Bầu cử ngày 22-5-2016. Bầu 496 đại biểu. Đây là khóa Quốc hội chính thức đầu tiên thực hiện quy định tuyên thệ khi nhậm chức với cả bốn chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án TAND tối cao. Quốc hội khóa XIV đã thông qua 73 luật, bộ luật và 2 pháp lệnh Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV là nhiệm kỳ thành công về mặt ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), với 3 hiệp định đa phương quan trọng là Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và Hiệp định RCEP. Ngoài ra, còn có Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - Vương Quốc Anh (UKVFTA) và Hiệp định thương mại tự do song phương ASEAN - Hồng Kông (Trung Quốc) (AHKFTA).

* Quốc hội khóa XV (2021 – 2026): Bầu cử ngày 23-5-2021 và bầu ra 499 đại biểu. Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm là ông Trần Thanh Mẫn. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trị giá gần 350,000 tỉ đồng nhằm phục hồi nền kinh tế hậu đại dịch COVID-19. Quốc hội khóa XV này đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội triệu tập “Kỳ họp bất thường”. Đây cũng là nhiệm kỳ nổi bật về mặt ngoại giao và vấn đề nhân sự, trong đó về ngoại giao: nâng cấp quan hệ cao nhất Đối tác chiến lược toàn diện với 4 nước quan trọng (Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc./.

 

Tiến Nam – Vũ Phương

Giảng viên Khoa Luật - T05 

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 3769
  • Tuần: 32649
  • Tháng: 100000
  • Tổng: 100000