1. Hoàn cảnh ra đời
- Từ ngày 25 đến ngày 29/01/1948, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ II được tổ chức tại Tuyên Quang. Hội nghị đã phát động phong trào thi đua “Rèn cán bộ, lập chiến công” trong toàn lực lượng CAND. Hưởng ứng phong trào này, các sở, ty Công an đã tổ chức giao ước thi đua thực hiện tốt nội dung phong trào thi đua và đặt ra những giải thưởng có giá trị cho các tập thể, cá nhân lập công xuất sắc. Phong trào “Rèn cán bộ, lập chiến công”,“Gây cơ sở, phá kỷ lục” đã tạo khí thế thi đua hăng say, nhiệt huyết trong công tác, chiến đấu, rèn luyện đạo đức, lối sống giữa các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ Công an.
- Cùng với tờ Nội san “Rèn luyện” của Nha Công an Trung ương, nhiều khu, sở, ty Công an cũng ra nội san nhằm tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, huấn luyện nghiệp vụ và hướng dẫn công tác cho cán bộ, chiến sĩ Công an như: Công an Nam Định ra tờ “Luyện tiến”, Công an Tuyên Quang ra tờ “Trau dồi”… trong đó tờ Nội san “Bạn dân” của Công an Khu XII là một trong những nội san tiêu biểu trong công tác tuyên truyền về phong trào “Rèn cán bộ, lập chiến công”. Sau khi dự Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ II, đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII đã viết thư kính gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh và biếu Người tờ Nội san “Bạn dân” số Tết Mậu Tý (1948). Trong thư, đồng chí báo cáo với Bác về niềm tin, niềm tự hào, phấn khởi của quân và dân ta sau chiến thắng Thu - Đông năm 1947; đồng thời có nguyện vọng xin ý kiến chỉ đạo của Bác về nhiệm vụ, biện pháp công tác, nội dung giáo dục đạo đức, tác phong cho cán bộ, chiến sĩ Công an; tôn chỉ, mục đích và những việc phải làm của báo chí Công an.
Đáp ứng nguyện vọng đó, ngày 11/3/1948, Bác Hồ đã có thư gửi đồng chí Giám đốc Sở Công an Khu XII, trong thư Bác dạy:
“... Trên báo, cần thường xuyên làm cho anh chị em Công an nhận rõ Công an của ta là CAND, vì dân mà phục vụ và dựa vào Nhân dân mà làm việc.
Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào Nhân dân thì việc gì cũng xong.
Trên tờ báo phải luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách đạo đức. Tư cách người Công an cách mệnh là:
Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với Nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và huấn thị cho cán bộ, chiến sĩ CAND tháng 2/1961 (Ảnh tư liệu)
Nói tóm lại là những đạo đức và tư cách mà người Công an cách mệnh phải có, phải giữ cho đúng. Những điều đó, chẳng những nên luôn luôn nêu trên báo, mà lại nên viết thành ca dao cho mọi người Công an học thuộc, nên viết thành khẩu hiệu, dán tại những nơi các anh em Công an thường đến (bàn giấy, nhà ăn, phòng ngủ...).
Ngoài ra, Công an thường phải kiểm soát nhân viên và công việc của mình. Mỗi Công an viên đóng ở chỗ nào thì cần dạy cho dân quân, tự vệ nơi đó cách điều tra, xét giấy, phòng gian... Dạy cho dân ở nơi đó giữ bí mật. Và tự mình phải luôn luôn giữ lễ phép, tránh hách dịch...”.
2. Nội dung Sáu điều Bác Hồ dạy
2.1. Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính
Điều dạy đầu tiên của Bác là “đối với tự mình”, Bác muốn nhấn mạnh trách nhiệm chủ quan, tự phấn đấu, rèn luyện của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Nếu mỗi người tự học tập, rèn luyện tốt thì toàn lực lượng sẽ trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Điều này thể hiện quan điểm lớn của Bác về nội dung và vị trí quan trọng của vấn đề rèn luyện đạo đức. Bác nói:
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính
Thiếu một mùa thì không thành trời
Thiếu một phương thì không thành đất
Thiếu một đức thì không thành người” (1)
Theo tư tưởng của Bác Hồ thì nội dung của đạo đức cách mạng là “cần, kiệm, liêm, chính”, đó là những đức tính cần phải có của người cán bộ cách mạng. Bác viết “Việc nước lấy Đoàn thể làm cốt cán. Việc Đoàn thể lấy cán bộ làm cốt cán. Cán bộ lấy đạo đức làm cốt cán” (2), “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì” (3).
“Cần” “là siêng năng, chăm chỉ, dẻo dai” (4), chịu khó, nhẫn nại, say sưa, miệt mài để làm tốt bất cứ công việc gì được giao, dù là lao động chân tay hay lao động trí óc, dù ở lực lượng nào trong CAND. Nói cách khác cần là làm việc có tinh thần trách nhiệm cao, không tính toán riêng tư, với tính chủ động, không để lãnh đạo phải đôn đốc, nhắc nhở; chịu khó học tập, suy nghĩ, tìm tòi, cải tiến, tìm mọi cách khắc phục khó khăn để hoàn thành công việc nhanh nhất với chất lượng và hiệu quả cao nhất. Phải đấu tranh khắc phục các hiện tượng lơ là, lười biếng; chấp hành không đúng giờ lao động hoặc chấp hành “trá hình”; làm việc tắc trách, qua loa, đại khái rồi đẩy lên cấp trên; chậm trễ để cấp trên phải đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần; làm theo “đường mòn”, thiếu chủ động, thiếu suy nghĩ, động não; không học tập, rút kinh nghiệm những việc đã làm... nên chất lượng và hiệu quả thấp, thậm chí làm việc theo kiểu “chân trong, chân ngoài”, lựa chọn công việc có “mầu”.
“Kiệm” “là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi” (5). Bác còn chỉ rõ nguồn gốc sinh ra tham ô, lãng phí là bệnh quan liêu. Vì vậy, để thực hành tiết kiệm, phải chống quan liêu, lãng phí. Trước hết nói về tiết kiệm thì giờ, phải khắc phục hiện tượng: đi muộn, về sớm, “ngồi chơi, xơi nước” trong giờ làm việc; không có chương trình, kế hoạch cụ thể nên kéo dài thời gian hoàn thành công việc; thiếu nghiên cứu khảo sát thực tiễn nên công việc không đảm bảo yêu cầu chất lượng, phải làm đi làm lại, gây lãng phí nhiều mặt; hội họp quá nhiều nội dung không thiết thực, thời gian không phù hợp, đi họp không đúng giờ để nhiều người phải chờ đợi, phát biểu lê thê kéo dài do không chuẩn bị kỹ; lập ra nhiều tổ chức cồng kềnh, tầng nấc trung gian, văn bản, giấy tờ không cần thiết... gây lãng phí nhiều mặt và phiền hà cho cán bộ và Nhân dân. Về tiết kiệm của cải của Nhân dân cũng có nội dung rất rộng, một số vấn đề nổi lên hiện nay cần phải chống lãng phí như: Xây dựng trụ sở cơ quan, hội trường, mua sắm đồ dùng, phương tiện làm việc còn phô trương, hình thức, thiếu thiết thực và hiệu quả; sử dụng những trang thiết bị ngoại đắt tiền, không tính toán chặt chẽ; thiếu trách nhiệm và tùy tiện trong quản lý, phân phối, sử dụng tài chính, tài sản phương tiện, thậm chí “móc ngoặc” để mưu lợi cá nhân; làm bừa, làm ẩu, móc ngoặc để lấy cắp tiền vốn, vật tư của Nhà nước; sử dụng điện nước tại cơ quan, doanh trại bừa bãi; dùng xe, điện cho cá nhân một cách quá mức; sử dụng điện thoại đi liên tỉnh vào việc riêng không đúng quy định; tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn không tính toán hợp lý số đại biểu, khách mời, nội dung không thiết thực, liên hoan ăn uống quá mức cần thiết; đi cơ sở công tác quá đông người không liên quan thiết thực đến công việc, sử dụng công quỹ để ăn nhậu xa hoa, lãng phí...
Về tiết kiệm của cải của mình là tiết kiệm trong tiêu dùng cá nhân và gia đình. Nó đòi hỏi mỗi chúng ta phải từ thu nhập chính đáng của mình để chi tiêu cho ăn, mặc, ở, giao tiếp một cách phù hợp vừa bảo đảm yêu cầu cuộc sống hằng ngày, vừa có dành dụm dự phòng cho các nhu cầu khác, không keo kiệt nhưng cũng không đua đòi tiêu dùng xa hoa, phung phí.
“Liêm” “là trong sạch, không tham lam” (6). Với tinh thần ấy, chúng ta hiểu liêm là trong sạch, không vẩn đục về tư tưởng và hành động; sống bằng thu nhập chính đáng trên cơ sở lao động của chính mình; không để đồng tiền và dục vọng chi phối, làm hại đến lợi ích của Nhân dân, của Nhà nước. Để thực hành Liêm, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng thực dụng, chạy theo đồng tiền bằng mọi giá, bất chấp luật pháp và đạo đức, lương tâm để tham ô của Nhà nước, của tập thể, ăn cắp của Nhân dân. Những hành vi tham ô, ăn hối lộ, móc ngoặc, dự trù, kê khai thanh toán thiếu trung thực để “bòn rút” công quỹ cho cá nhân và tập thể... đều là những hành vi trái với đức tính liêm khiết.
Chính là việc phải thì dù nhỏ cũng làm, việc trái thì dù nhỏ cũng tránh. Việc phải ở đây là những việc đúng, phù hợp chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, lợi ích của quần chúng, đạo đức xã hội. Việc trái chính là những hành vi ngược lại với đạo lý, pháp luật. Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đúng đắn. Ở đây, Chính đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, ủng hộ cái đúng, cái thiện, biết tôn trọng lẽ phải, làm theo lẽ phải, bảo vệ và đấu tranh theo lẽ phải. Mặt khác, trước những “việc trái”, điều ác dù có lợi cho cá nhân và gia đình mình cũng không đồng tình, không làm và kiên quyết đấu tranh. Để thực hành Chính chúng ta phải đấu tranh chống những biểu hiện bàng quan, thiếu trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy cho người khác, đơn vị khác khi lợi ích của Nhân dân bị xâm phạm, khi kẻ địch có hành vi phá hoại; phải ủng hộ cái đúng, đấu tranh phê phán cái sai trong quan hệ xã hội và gia đình; hoan nghênh, cổ vũ những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, dám phê phán đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, lạc hậu.
Cần, kiệm, liêm, chính có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Cần mà không kiệm thì sản xuất không phát triển, thành quả lao động sẽ bị hao phí, mất mát. Kiệm hỗ trợ làm tăng thêm hiệu quả cho cần. Cần, kiệm là cơ sở để thực hiện liêm, chính. Bác viết “CẦN, KIỆM, LIÊM là gốc rễ của CHÍNH. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải Chính mới là hoàn toàn” (7).
2.2. Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ
Sau khi xác định trách nhiệm phấn đấu chủ quan của mỗi người, Bác nói đến mối quan hệ của mỗi cá nhân đối với đồng sự, nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh của tổ chức. Phương pháp xử lý mối quan hệ đó, Bác dạy phải “thân ái giúp đỡ” nhằm mục đích tăng cường đoàn kết để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Thân ái giúp đỡ là truyền thống của dân tộc ta, là tình cảm cách mạng, tình cảm giai cấp của cán bộ, chiến sĩ CAND, là chất keo kết dính các cá nhân trong tổ chức. Thân ái giúp đỡ đồng sự thể hiện trước hết trong chiến đấu, công tác và lao động, mỗi người nỗ lực làm tốt trách nhiệm của mình đồng thời phải phối hợp chặt chẽ, giúp đỡ, chia sẻ khó khăn gian khổ, sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm để đồng đội cùng làm tốt nhiệm vụ được giao. Những biểu hiện cục bộ, bản vị, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ích kỷ là trái với tinh thần thân ái giúp đỡ. Thân ái giúp đỡ đồng sự còn thể hiện trong học tập, rèn luyện. Các đồng chí lớn tuổi có quá trình công tác thì quan tâm dìu dắt, giúp đỡ, đào tạo, bồi dưỡng các đồng chí trẻ tuổi về kinh nghiệm công tác và rèn luyện. Các đồng chí trẻ tuổi được học tập cơ bản, có hệ thống thì tận tình giúp đỡ các đồng chí lớn tuổi về kiến thức khoa học kỹ thuật. Khi đồng chí, đồng đội có thành tích và tiến bộ thì chân thành chia vui, những biểu hiện kèn cựa, dèm pha, đả kích là trái với tình đồng chí, đồng đội; khi đồng chí, đồng đội gặp khó khăn trong cuộc sống thì đồng cảm, sẵn sàng giúp đỡ về vật chất, động viên về tinh thần, đặc biệt khi đồng đội vấp váp, sai lầm thì chân tình, gần gũi, xử lý khách quan, cầu thị, có lý, có tình; không nể nang, né tránh đấu tranh, giúp đỡ đồng đội nhưng cũng không “đao to, búa lớn”, xa lánh, thành kiến, vùi dập; những biểu hiện chia rẽ, bè phái, lợi dụng đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực để vu cáo, bôi nhọ, hạ uy tín lẫn nhau bằng các thủ đoạn làm mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến uy tín của CAND là hoàn toàn xa lạ, trái với quan hệ đồng sự mà Bác Hồ đã dạy.
Trong mối quan hệ với đồng sự còn có mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới. Đối với cấp trên, người lãnh đạo phải có quan điểm dân chủ, bình đẳng để chân tình chỉ bảo, hướng dẫn cho cán bộ, chiến sĩ trong công việc; trân trọng động viên những cố gắng và thành tích của anh em; tôn trọng lắng nghe ý kiến cấp dưới; phê bình đúng mức khi cán bộ, chiến sĩ có sai phạm; rộng lượng khi anh em đã nhận rõ và quyết tâm sửa chữa; quan tâm giúp đỡ cán bộ và gia đình họ khi gặp khó khăn... Kiên quyết khắc phục hiện tượng độc đoán, chuyên quyền, định kiến, trù dập cán bộ, chiến sĩ.
2.3. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành
Chính phủ ta là của Nhân dân, là công cụ để đấu tranh, bảo vệ lợi ích của Nhân dân, có nhiệm vụ tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng. Do đó, trung thành với Chính phủ có nghĩa là trung thành với Đảng và Nhân dân. CAND là một trong những công cụ chuyên chính trọng yếu của chính quyền, để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và bảo vệ Nhân dân. Đặc biệt trước những biến động phức tạp của tình hình thế giới hiện nay, các thế lực thù địch ráo riết hoạt động nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, phi chính trị hóa Quân đội và Công an thì tuyệt đối trung thành với Chính phủ càng là một phẩm chất rất quan trọng của lực lượng CAND. Chính vì vậy mà CAND lấy mục tiêu, lý tưởng của Đảng làm mục tiêu, lý tưởng của mình. Đồng chí cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nói “Đảng giao cho Công an nhiệm vụ bảo vệ Đảng. Công an phải thấy Đảng giao vận mệnh của Đảng cho mình. Vì vậy, Đảng lựa chọn Công an trong những người trung thành nhất với Đảng, chỉ biết còn Đảng thì còn mình”.
Lòng trung thành của cán bộ, chiến sĩ Công an phải được thể hiện trước hết ở sự giác ngộ sâu sắc, tin tưởng tuyệt đối, phấn đấu đến cùng vì lý tưởng, mục tiêu cách mạng của Đảng. Trong tình hình hiện nay là trung thành, tin tưởng tuyệt đối vào con đường xã hội chủ nghĩa, vào sự lãnh đạo và các quan điểm đổi mới của Đảng, vững vàng, không hoang mang dao động, giảm sút niềm tin, xa rời lý tưởng cách mạng trong bất cứ tình huống nào. Lòng trung thành phải được thể hiện bằng hành động cụ thể trong việc chấp hành nghiêm đường lối, chính sách, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chiến đấu, công tác, học tập... được giao. Những biểu hiện vi phạm đường lối, chủ trương, chính sách, vi phạm pháp luật; lơ là, thiếu tinh thần trách nhiệm công tác, thiếu tinh thần tiến công tội phạm... là trái với phẩm chất trung thành.
Tuyệt đối trung thành với Đảng và Chính phủ còn là có lập trường quan điểm vững vàng, luôn nêu cao cảnh giác cách mạng trước những âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; kịp thời phát hiện, đấu tranh trước những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, kích động của địch; tích cực góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và thành quả cách mạng, bảo vệ tài sản của Nhà nước, bảo vệ tính mạng, tài sản của công dân.
2.4. Đối với Nhân dân, phải kính trọng, lễ phép
Kính trọng, lễ phép là thái độ đúng đắn của người ít tuổi với người lớn tuổi, của con cháu với ông bà, cha mẹ. Trong mối quan hệ giữa Công an với Nhân dân, Bác xác định Nhân dân ở vị trí là người “bề trên” mà cán bộ, chiến sĩ Công an phải tôn kính, phục vụ. Kính trọng, lễ phép với Nhân dân theo Bác dạy không chỉ là thái độ trong giao tiếp mà còn thể hiện nội dung tư tưởng sâu sắc, xuất phát từ quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Kế thừa tư tưởng tiến bộ của cha ông ta, Bác Hồ đã dạy “Nước lấy dân làm gốc, gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân” (8). Vì sao Công an phải kính trọng, lễ phép với Nhân dân? Trước hết vì dưới chế độ ta, Nhân dân là người chủ của đất nước, người chủ của chế độ. CAND từ Nhân dân mà ra, được Nhân dân nuôi dưỡng, đùm bọc, che chở, giúp đỡ, ủng hộ. CAND được thành lập để phục vụ lợi ích của Nhân dân, có nghĩa vụ bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân. Trong bài nói tại Trường Công an Trung ương ngày 28/01/1958, Bác chỉ rõ “Là một bộ phận của cả bộ máy Nhà nước Nhân dân dân chủ chuyên chính tiến lên chủ nghĩa xã hội, Công an phải bảo vệ dân chủ của Nhân dân và thực hiện chuyên chính đối với những kẻ chống lại dân chủ của Nhân dân” (9); “CAND là một bộ máy để thực hiện chuyên chính dân chủ Nhân dân, bảo vệ nền chuyên chính của Nhân dân đối với các thế lực phản động khác” (10). Theo Bác, Công an của ta là CAND, “Công an phải có tinh thần phục vụ Nhân dân” (11). Bác khẳng định “cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người” (12); “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại nổi” (13); “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên” (14), “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân” (15). Phải dựa vào dân để làm việc, bởi lẽ theo Bác “Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào Nhân dân thì việc gì cũng xong” (16), “Chính quyền ta là chính quyền dân chủ, bất kỳ việc to việc nhỏ đều phải dựa vào lực lượng của Nhân dân để phụng sự lợi ích của Nhân dân. Việc giữ gìn trật tự, an ninh càng phải dựa vào sáng kiến và lực lượng của Nhân dân” (17); “Làm Công an thì phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ. Có dựa vào Nhân dân thì Công an mới hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nếu trong công tác các cô, các chú được dân ủng hộ, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì nhất định các cô, các chú thành công. Muốn được như vậy thì phải trau dồi đạo đức cách mạng, phải chống chủ nghĩa cá nhân” (18).
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị Cảnh sát nhân dân Thủ đô Hà Nội, mùng 1 Tết Quý Mão (1963). Ảnh tư liệu
Từ những ý nghĩa nói trên mà chúng ta phải kính trọng, lễ phép với Nhân dân. Kính trọng, lễ phép trước hết phải vì lợi ích của Nhân dân mà phục vụ. Trước những việc, yêu cầu chính đáng của Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Công an phải lắng nghe họ trình bày, sẵn sàng, vô tư tìm mọi cách, mọi khả năng để giải quyết, không quản ngại khó khăn, gian khổ, nguy hiểm; không phân biệt việc to hay việc nhỏ, giá trị vật chất lớn hay nhỏ, người có vị trí xã hội hay thường dân; tôn trọng không xâm phạm đến lợi ích tinh thần và vật chất của quần chúng; rèn luyện tác phong sâu sát cơ sở, sâu sát quần chúng, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để giải quyết hoặc đề xuất với cấp trên sửa đổi những điều chưa phù hợp với lòng dân. Cần khắc phục những hiện tượng né tránh, bàng quan, thiếu trách nhiệm, bao che tội phạm, để dây dưa kéo dài, đòi hỏi điều kiện, đòi hối lộ, chuyên môn nghiệp vụ đơn thuần, vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền làm chủ của quần chúng Nhân dân.
Kính trọng, lễ phép đối với Nhân dân phải được thể hiện ở việc đề cao, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; thể hiện ở cách xưng hô đúng mực, nói năng lịch sự, hòa nhã, khiêm tốn, có văn hóa, biết kính trọng lắng nghe tiếp thu và sửa chữa những khuyết điểm mà Nhân dân phê bình, góp ý kiến; có ý thức và hành động quan tâm chăm lo đến Nhân dân, nhất là những người gặp khó khăn hoạn nạn, gia đình chính sách.
2.5. Đối với công việc, phải tận tụy
Tận tụy với công việc là một biểu hiện rất quan trọng của sự giác ngộ lý tưởng cách mạng. Lòng trung thành tuyệt đối với Chính phủ chỉ có thể được khẳng định bằng hành động tận tụy trong công tác, chiến đấu của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an. Vì sao Công an phải tận tụy với công việc? Trước hết vì đối tượng đấu tranh của Công an là các thế lực thù địch và tội phạm. Chúng hoạt động giấu mặt, trá hình dưới nhiều danh nghĩa, bằng các thủ đoạn bí mật, công khai, tinh vi, xảo quyệt, sử dụng các phương tiện khoa học, kỹ thuật hiện đại để phá hoại cách mạng, tấn công vào nội bộ, xâm phạm tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của Nhân dân. Mặt khác công việc của Công an liên quan trực tiếp đến sinh mệnh chính trị, tính mạng và tài sản của công dân. Do đó tận tụy với công việc là một yêu cầu khách quan, xuất phát từ tính chất, nhiệm vụ của công tác công an.
Tận tụy với công việc chứa đựng nhiều nội dung cụ thể. Đó là tinh thần làm việc trách nhiệm cao, tự giác, tự nguyện, hết lòng, hết sức, toàn tâm, toàn ý vì công việc chung, không nề hà, tính toán lợi ích riêng. Tận tụy đòi hỏi người cán bộ, chiến sĩ Công an trực tiếp đấu tranh với tội phạm phải kiên trì, bền bỉ, làm việc bất kể thời gian; vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, nguy hiểm; luôn nghiên cứu, suy nghĩ tìm mọi đối sách, biện pháp để điều tra, xác minh, phát hiện, ngăn chặn và trấn áp kịp thời mọi hành động phá hoại của chúng.
Tận tụy đòi hỏi những cán bộ, chiến sĩ phải chấp hành nghiêm kỷ luật lao động, tận dụng thời gian; miệt mài, say mê nghiên cứu, suy nghĩ đề xuất ý kiến với lãnh đạo; làm việc có chương trình, kế hoạch cụ thể; chăm chỉ học tập, rút kinh nghiệm trong công tác, không thỏa mãn với kết quả đã đạt được để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả công tác.
Tận tụy, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an trực tiếp giải quyết những công việc có quan hệ với Nhân dân phải với tấm lòng nhân ái, thực sự đồng cảm với Nhân dân; suy nghĩ tìm mọi giải pháp khắc phục mọi khó khăn, gian khổ nhằm bảo vệ sinh mệnh chính trị, tính mạng và tài sản của Nhân dân. Những hiện tượng lười biếng, thiếu trách nhiệm, qua loa, đại khái, thiếu tận tâm, ngại khó, ngại khổ, dựa dẫm, đùn đẩy cho người khác, tính toán lựa chọn công việc có lợi ích cho cá nhân, đòi hỏi đãi ngộ... trong công tác và chiến đấu là trái với tinh thần tận tụy mà Bác Hồ đã dạy.
2.6. Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo
Bản chất của tội phạm, nhất là các thế lực thù địch là căm thù, ngoan cố và quyết liệt chống đối cách mạng; âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của chúng rất thâm độc, tinh vi, xảo quyệt nên cuộc đấu tranh giữa ta và địch là cuộc đấu sức, đấu trí một mất một còn. Đặc biệt trong thời đại hiện nay, các thế lực thù địch đã và đang thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ Đảng Cộng sản, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Vì vậy đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an phải cương quyết, khôn khéo đấu tranh với địch.
Cương quyết, khôn khéo đấu tranh với địch là hành động cụ thể biểu hiện lập trường, quan điểm giai cấp công nhân, lòng trung thành với cách mạng, ý chí chiến đấu, tư tưởng cách mạng tiến công của cán bộ, chiến sĩ ta.
Cương quyết, khôn khéo với địch là sự kết hợp hài hòa giữa kiên định về lập trường, không xa rời nguyên tắc với sự mềm dẻo về sách lược và phương pháp đấu tranh. Cương quyết với địch đồng thời cũng rất khôn khéo trong đối sách nhằm lợi dụng triệt để mâu thuẫn trong nội bộ địch để làm suy yếu chúng, phân hóa, loại bớt kẻ thù, tập trung mũi nhọn tiến công kẻ thù chính, nguy hiểm nhất, giành thắng lợi chắc chắn nhất, có hiệu quả cao nhất, hạn chế tối đa hao tổn về sinh lực, vật lực của ta.
Cương quyết với địch đòi hỏi người cán bộ, chiến sĩ Công an phải có lòng căm thù địch sâu sắc, bất chấp khó khăn, gian khổ, hi sinh, tiến công và tiến công địch đến cùng với tinh thần không khoan nhượng, không né tránh, hữu khuynh, không nao núng, thoái lui trước mọi thủ đoạn đe dọa hoặc mua chuộc của địch; đi sâu nắm địch từ khi chúng mới có âm mưu và kịp thời ngăn chặn. Tinh thần cương quyết đấu tranh yêu cầu không để lọt kẻ địch nhưng cũng không được làm oan người vô tội. Phải chủ động phòng ngừa tội phạm, lấy phòng ngừa là chính, coi chủ động phòng ngừa tội phạm, ngăn chặn tội phạm xảy ra, tiến tới loại trừ mọi nguyên nhân và điều kiện nảy sinh tội phạm là cương quyết tấn công địch một cách tích cực nhất.
Cương quyết với địch không có nghĩa đơn thuần là triệt để đấu tranh mà còn phải thực hiện chính sách giáo dục, cải tạo, đưa họ từ con đường tội lỗi về con đường chính nghĩa, làm ăn lương thiện, trở thành người có ích cho xã hội. Cương quyết không phải là bắt nhiều, xử nhiều, mà phải bắt đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, cảnh tỉnh các hành vi vi phạm pháp luật. Cương quyết với địch của người Công an mang tính nhân đạo cách mạng nên phải đi sâu nghiên cứu tâm lý, tính cách của từng loại đối tượng phạm tội, tìm hiểu quá trình phạm tội, hoàn cảnh của từng người; có thái độ chân tình, giúp đỡ để khơi dậy được những cái tốt còn lại trong tâm hồn họ, khiến họ lấy lại được niềm tin, cải tạo tốt để làm lại cuộc đời.
Khôn khéo với địch là nghệ thuật, đối sách khôn ngoan, sáng tạo trong công tác đánh địch. Khôn khéo đánh địch thể hiện: Ở ý thức cảnh giác cách mạng cao; nhạy bén về chính trị và nghiệp vụ; thông minh, mưu trí đề ra đối sách phát hiện và trấn áp có hiệu quả cao mọi thủ đoạn hoạt động của địch. Cương quyết, khôn khéo với địch đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an phải kiên quyết đấu tranh khắc phục các biểu hiện hữu khuynh, né tránh, sợ trách nhiệm, đồng thời cũng phải phòng ngừa, khắc phục các hiện tượng chủ quan, mất cảnh giác, thiếu nhạy bén...
3. Ý nghĩa Sáu điều Bác Hồ dạy CAND
Bác Hồ đã khái quát, chỉ ra các mối quan hệ rất cơ bản của người Công an cách mạng. Đó là các mối quan hệ với mình, với đồng đội, với Chính phủ, với Nhân dân và với địch. Các mối quan hệ cơ bản đó rất sát hợp với nhiệm vụ của CAND, với đối tượng mà Công an trực tiếp phục vụ, với đối tượng mà Công an phải trực tiếp đấu tranh. Sáu điều Bác Hồ dạy còn chỉ ra một cách toàn diện những phẩm chất cách mạng cơ bản phải có của người cán bộ, chiến sĩ CAND để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đó là về lập trường, quan điểm: Phải tuyệt đối trung thành với Chính phủ, có quan điểm quần chúng sâu sắc, có tinh thần cương quyết, khôn khéo với địch; về ý chí chiến đấu, phải nêu cao tinh thần tận tụy, ý thức trách nhiệm cao đối với công việc; về đạo đức, lối sống, phải cần, kiệm, liêm, chính, đoàn kết, thân ái giúp đỡ đồng chí, đồng đội. Ở đây tuy Bác không đề cập trực tiếp đến vấn đề học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực, song đó là biện pháp tất yếu, rất quan trọng mà mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an phải làm để có được những phẩm chất, tư cách người Công an cách mạng như Bác Hồ dạy.
Việc tổ chức học tập, thực hiện nghiêm túc Sáu điều Bác Hồ dạy thể hiện tình cảm sâu sắc của lực lượng CAND đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh; là hành động thiết thực của cán bộ, chiến sĩ Công an, thể hiện sự trung thành tuyệt đối với Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân. 75 năm qua, Sáu điều dạy của Bác về “Tư cách người Công an cách mệnh” vẫn còn nguyên giá trị và luôn có tính thời sự sâu sắc, nhất là vào thời điểm hiện nay khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.117.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.117.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.292, 265.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.333.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.122.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.126.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.129.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.333, 502
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.247.
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.598.
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.312.
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.283.
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.297.
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.333.
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.453.
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.498.
(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.77.
(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.221.
Còn tiếp...
Ban Biên tập
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định về thương mại điện tử (01.10.2021)
- Thực hành dân chủ XHCN, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII (28.09.2021)
- Phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên (15.09.2021)
- Những điểm mới và quan trọng nhất của Luật Cảnh sát biển Việt Nam (14.09.2021)
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cơ duyên với nền giáo dục nước nhà (12.08.2021)
- Đồng chí Lê Quang Đạo: Tấm gương thực hành dân chủ và lấy dân làm gốc (08.08.2021)
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Tôi là một vị tướng và là một nhà báo!” (06.08.2021)
- Đồng chí Lê Quang Đạo, Nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta (06.08.2021)
- 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (03.08.2021)