Đánh giá về công lao của đồng chí Lê Quang Đạo, trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại lễ truy điệu đồng chí Lê Quang Đạo, ngày 27/7/1999, tại Hà Nội, Đảng ta khẳng định: "Đồng chí Lê Quang Đạo, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đồng chí đã đi trọn cuộc đời một cách vẻ vang và để lại cho chúng ta tấm gương về cuộc đời cao đẹp của người cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh"(1). Tấm gương cuộc đời cao đẹp của đồng chí Lê Quang Đạo, tấm gương người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trên nhiều lĩnh vực trong đó có vấn đề thực hành dân chủ, lấy dân làm gốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
THỰC HIỆN QUAN ĐIỂM “LẤY DÂN LÀM GỐC”
Tiếp thu truyền thống yêu nước của quê hương, gia đình, Lê Quang Đạo sớm tham gia hoạt động cách mạng, năm 1938 khi mới 17 tuổi. Lê Quang Đạo đã lựa chọn và đi theo con đường cách mạng vô sản, con đường cách mạng mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm ra và định hướng cho dân tộc Việt Nam.
Được sự dìu dắt của các thế hệ đàn anh, Lê Quang Đạo đã trở thành một cán bộ trẻ tài năng của Đảng, được Đảng tin cậy giao nhiều trọng trách như: Bí thư Đảng bộ nhiều địa bàn trọng yếu (Bắc Ninh, Phúc Yên, Hải Phòng, Hà Nội). Trên cương vị người đứng đầu tổ chức Đảng nhiều địa phương, dù bận rộn nhưng với phong cách dân chủ, gần dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến nhân dân, đồng chí Lê Quang Đạo luôn đi sâu, đi sát cơ sở, nắm tình hình để từ đó đề ra đường lối đúng, phù hợp yêu cầu thực tiễn. Giai đoạn từ 10/1943-10/1944, trong thời kỳ xây dựng lực lượng chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội - Lê Quang Đạo luôn đi sát thực tiễn, lăn lộn hoạt động trong giới trí thức, học sinh, sinh viên, tuyên truyền xây dựng các tổ chức quần chúng cách mạng, phát triển các đoàn thể Việt Minh, huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia cứu nước, tạo điều kiện, tiền đề quan trọng đem lại thành công của Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội năm 1945.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng chí Lê Quang Đạo đảm trách nhiều cương vị khác nhau gồm công tác Đảng dân sự và công tác Đảng trong quân đội. Đồng chí luôn thực hiện triệt để quan điểm Hồ Chí Minh về lấy dân làm gốc. Giai đoạn từ cuối 1947 đến 1948, trên cương vị Bí thư Liên tỉnh Hà Nội - Hà Đông, kiêm phụ trách công tác tuyên huấn của Liên Khu III – địa bàn bình định, càn quét trọng điểm của quân đội viễn chinh Pháp, Lê Quang Đạo đã thực hiện tốt phương châm “bám dân, đánh giặc”, đồng chí đã đưa cán bộ về cơ sở, tiến hành củng cố các chi bộ Đảng, các tổ chức quần chúng, tổ chức lực lượng du kích, đào hầm bí mật, chiến đấu ngay trong lòng địch, do vậy đã gây cho địch nhiều khó khăn, tổn thất. Thời kỳ 28 năm phục vụ trong quân ngũ (1950-1978), cùng với việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững vàng, kiên định về tư tưởng, chính trị, trung thành tuyệt đối với lý tưởng của Đảng, quan điểm gần dân, gắn bó mật thiết với nhân dân luôn được Lê Quang Đạo quán triệt thực hiện.
Trong bài viết Nâng cao quyết tâm kiên trì và đẩy mạnh cuộc chống Mỹ, cứu nước đến toàn thắng, (tháng 6-1970), đồng chí khẳng định: “Quân đội ta là quân đội nhân dân,… Quân đội ta sinh ra và lớn lên từ cao trào đấu tranh cách mạng sôi sục của quần chúng, lấy mục tiêu cách mạng của Đảng làm mục tiêu của mình. Quân đội ta là quân đội của nhân dân, của các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam, là của nhân dân lao động, thực chất là của công nông, do Đảng của giai cấp công nhân tổ chức, lãnh đạo mang bản chất giai cấp công nhân”(2).
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành thắng lợi, đất nước thống nhất, Bắc-Nam xum họp một nhà, trên cương vị Bí thư Trung ương Đảng, trực tiếp làm Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương và công tác dân vận vào giữa thập niên 80, thế kỷ XX, đồng chí Lê Quang Đạo đã có những đóng góp quan trọng trong công tác khoa giáo, đồng thời thúc đẩy quan điểm dân chủ phát triển trong lĩnh vực công tác đặc biệt này. Trong lĩnh vực khoa học, vấn đề dân chủ được đồng chí Lê Quang Đạo đặc biệt quan tâm. Theo đồng chí, khoa học là sự sáng tạo, do đó phải tạo môi trường tự do dân chủ, rộng mở để những trí thức, nhà khoa học phát huy tính độc lập, tìm tòi, sự sáng tạo, phát minh khoa học của mình, phải nghiêm khắc với những biểu hiện định kiến, hẹp hòi với trí thức. Mặt khác, cần tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của những nhà trí thức, nhà khoa học đối với kết quả sáng tạo mà họ đã làm ra. Đồng chí đã kiến nghị với Chính phủ ban hành Pháp lệnh về Sở hữu trí tuệ nhằm động viên tối đa sự sáng tạo của những nhà khoa học. Đây chính là động lực to lớn thúc đẩy giới trí thức không ngừng đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Đồng chí cũng thường xuyên trực tiếp xuống cơ sở, gặp gỡ, trao đổi với những nhà nghiên cứu, chia sẻ khó khăn, động viên họ tích cực trong nghiên cứu. Chính vì vậy, lĩnh vực khoa học đã ngày càng phát triển, gắn bó thiết thực với thực tiễn, góp phần không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
THỰC HÀNH DÂN CHỦ
Tấm gương thực hành dân chủ, lấy dân làm gốc của Lê Quang Đạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện đặc biệt rõ trong giai đoạn đồng chí đảm nhận cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa VIII (1987-1992) và Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1994-1999)
Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa VIII (1987-1992), đồng chí Lê Quang Đạo luôn quan tâm tới việc đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội, mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh. Thời kỳ này tình hình thế giới có nhiều biến đổi sâu sắc, phức tạp, đất nước phải đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách, đồng chí Lê Quang Đạo đã lãnh đạo Quốc hội, từng bước đổi mới trên mọi mặt hoạt động và có đóng góp tích cực, đáp ứng yêu cầu quản lý đất nước bằng pháp luật, phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đặc biệt là phát huy tối đa quyền dân chủ của nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Lê Quang Đạo, Quốc hội khóa VIII đã hoạt động thực chất hơn, dân chủ hơn, thể hiện trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt thực hiện chức năng cơ bản nhất của Quốc hội là đại diện cho ý chí, quyền lợi của nhân dân, xây dựng các bộ luật, đạo luật và pháp lệnh. Trong nhiệm kỳ, Quốc hội đã ban hành hai bộ luật, 25 đạo luật, 40 pháp lệnh, nhiều hơn bảy khóa trước cộng lại. Điều đáng nói là nội dung các bộ luật, đạo luật và pháp lệnh toàn diện trên tất cả mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, tổ chức bộ máy, do đó đã đảm bảo quyền dân chủ của mọi công dân, đồng thời tăng cường kỷ cương, kỷ luật xã hội. Đặc biệt, Quốc hội đã thực hiện lấy ý kiến nhân dân và thông qua việc sửa đổi Hiến pháp 1980 cho phù hợp với thời kỳ đổi mới thành Hiến pháp 1992. Hiến pháp 1992 được thông qua là đạo luật cơ bản để Quốc hội tiếp tục xem xét, điều chỉnh bổ sung các luật không còn phù hợp hoặc làm luật mới cho phù hợp với Hiến pháp. Đây là bước tiến mới cho nền dân chủ nước ta, đi đôi với tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Cùng với việc xây dựng các đạo luật, vấn đề thực hiện tốt quyền làm chủ của nhân dân thông qua lãnh đạo, chỉ đạo Quốc hội chú trọng hơn tới chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cũng được Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo đặc biệt quan tâm. Quốc hội đã quan tâm tới những vấn đề cấp bách của đời sống xã hội: về kinh tế-xã hội, về bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, về trật tự an toàn xã hội. Đó chính là minh chứng về việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, đề cao quyền lợi của nhân dân, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, phát triển đất nước. Đây là mục tiêu và đích hướng tới trong hoạt động của Quốc hội.
Phát huy quyền dân chủ đại diện của nhân dân, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo cũng luôn quan tâm tới công tác giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban thường trực của Quốc hội trong xem xét thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội, về thi hành pháp luật và các vấn đề có liên quan khác. Quốc hội cũng đã đổi mới lề lối làm việc, từng bước vươn lên thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, đáp ứng niềm tin và lòng mong mỏi của nhân dân.
XÂY DỰNG MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Tấm gương về thực hành dân chủ, lấy dân làm gốc của đồng chí Lê Quang Đạo thể hiện rõ nhất trong thời kỳ đồng chí tham gia lãnh đạo xây dựng Mặt trận Tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Trong 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Quang Đạo có 17 năm tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1982-1999), trong đó 12 năm là Bí thư Đảng đoàn Mặt trận (1987-1999)và 5 năm là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trậnTổ quốc Việt Nam (1994-1999). Đây là dịp đồng chí hoạt động, tiếp xúc gần gũi với dân. Đồng chí đã có nhiều đóng góp, sáng tạo trong xây dựng Mặt trận, củng cố khối đại đoàn kết và phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân.
Cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo. (Nguồn: Internet) |
Vận dụng, kế thừa và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, lấy dân làm gốc, về xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất trong tình hình mới, đồng chí Lê Quang Đạo đã xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất trên tinh thần dân chủ, phát huy quyền làm chủ của người dân và đem lại những hiệu quả tích cực. Là người đứng đầu tổ chức Mặt trận, đồng chí luôn chỉ đạo và đi đầu thực hiện lắng nghe dân để thấu hiểu lòng dân, để tiếp nhận nhiều thông tin, dữ liệu từ nhân dân làm cơ sở, sử dụng thông tin đó ngày càng tốt hơn.
Trong xây dựng Mặt trận, đồng chí Lê Quang Đạo luôn chú trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Theo đồng chí: “Dân chủ là vấn đề thuộc bản chất của chế độ ta. Là truyền thống của dân tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh… Dân chủ là xu thế phát triển của loài người. Dân chủ tư sản cũng là một bước phát triển lớn nằm trong xu thế đó… Với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, điều mà chúng ta mong muốn là xây dựng một chế độ mà quyền làm chủ thuộc về toàn bộ nhân dân, kể cả nhân dân lao động”(3). Đây chính là bài học thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga, mặt khác cũng là nguyên nhân dẫn tới những sai lầm của Đảng Cộng sản Liên Xô và Nhà nước Xô viết khi có tiềm lực mạnh nhưng không phát huy được sức mạnh của dân dẫn tới sụp đổ(4). Đây là kinh nghiệm để các nước như Việt Nam tự rút ra bài học xương máu cho mình trên con đường phát triển.
Từ những ngày đầu đi theo cách mạng cho tới những năm tháng cuối đời, đồng chí Lê Quang Đạo luôn thể hiện tấm gương nhà yêu nước chân chính, người cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo có uy tín lớn, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân, “Tất cả quyền lực phải thuộc về nhân dân”, đồng chí Lê Quang Đạo luôn trăn trở tìm cách thức để phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân, đổi mới mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân thông qua cầu nối là Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng. Phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (ngày 29/6/1996), đồng chí khẳng định: “Một yếu tố quyết định để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc là phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo cơ chế: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Đây là vấn đề thuộc bản chất của chế độ ta”(5). Trên cơ sở thực tiễn, đồng chí Lê Quang Đạo chỉ rõ: “Sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính với đường lối và phương thức lãnh đạo đúng đắn, luôn gắn bó chặt chẽ với nhân dân là yếu tố quyết định nhất bảo đảm cho chính quyền thực sự thuộc về nhân dân. Đảng ta là tổ chức lãnh đạo Nhà nước duy nhất như Hiến pháp đã quy định nhưng Đảng không phải là tổ chức quyền lực ở trên Nhà nước, trên nhân dân. Chúng ta cần nắm vững nguyên lý: Đảng lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, chứ Đảng không thay nhân dân cầm quyền”(6). Lý giải rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, khi trả lời phỏng vấn của báo Tuổi trẻ, ngày 18/4/1996, đồng chí Lê Quang Đạo đã phân tích: “Không nên hiểu vai trò lãnh đạo của Đảng như là một tổ chức quyền lực cao hơn hết thảy bắt buộc tất cả phải nghe theo. Mà vai trò lãnh đạo của Đảng là vai trò tiên phong: Đảng nắm lý luận cách mạng, các vấn đề khoa học có liên quan, những thực tế tình hình đất nước, tổng kết kinh nghiệm hoạt động của nhân dân, từ đó đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn để đưa cách mạng tiến lên, đem lại lợi ích cho nhân dân. Đường lối được thể chế hóa thành pháp luật. Rồi Đảng tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện đường lối đó để toàn dân noi theo thực hiện. Như Bác Hồ đã dạy: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Còn quyền lực thuộc về nhân dân. Đảng lãnh đạo Nhà nước để đảm bảo cho tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân”(7). Đồng chí Lê Quang Đạo chỉ rõ: “Yếu tố quan trọng để sự lãnh đạo của Đảng đúng đắn là Đảng phải có quan hệ máu thịt với dân, phải lắng nghe ý kiến của nhân dân, hiểu được nguyện vọng chính đáng của nhân dân”(8). Sức mạnh vĩ đại của Đảng là ở nhân dân, là sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Mọi tổ chức Đảng cũng như tất cả các đảng viên đều phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, gương mẫu chấp hành pháp luật.
Nhà nước quản lý đất nước bằng pháp luật; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương phép nước, phải không ngừng hoàn chỉnh hệ thống pháp luật vào cuộc sống. Do đó, theo đồng chí Lê Quang Đạo: “Phải có cơ chế, chính sách, pháp luật cụ thể để đảm bảo cho nhân dân tham gia quản lý xã hội, thực hiện quyền giám sát của mình đối với hoạt động của cơ quan nhà nước và đại biểu dân cử theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”(9).
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đang gặt lúa, năm 1954. |
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân để xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn về mọi mặt, để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các tầng lớp nhân dân, của mọi công dân. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Những người phạm tội dù ở cương vị nào cũng phải được xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Có vậy dân mới tin, mới tăng cường được khối đại đoàn kết dân tộc.
Mặt trận là cầu nối giữa Đảng với dân bởi Đảng, Nhà nước trình bày với Mặt trận những quyết định, chủ trương lớn để lấy ý kiến của toàn dân thông qua người đại diện của mình là Mặt trận, đồng thời cũng là để Mặt trận thấy được và hiểu rõ chủ trương, quyết định của Đảng để Mặt trận vận động nhân dân ủng hộ và thực hiện đường lối đúng đắn đó, biến thành những thắng lợi to lớn(10). Do đó, đồng chí Lê Quang Đạo đã xác định rõ trách nhiệm và thái độ của Mặt trận và cán bộ làm công tác Mặt trận là mong muốn được nghe ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân, tập hợp và phản ánh với Đảng, Nhà nước để Đảng cân nhắc, xem xét, tiếp thu những ý kiến… Đảng, Nhà nước và Mặt trận trân trọng tất cả các ý kiến tâm huyết của nhân dân, dù ý kiến đó đúng hay chưa đúng, đồng ý hay chưa đồng ý đều rất cần, ít nhất nó cũng gợi ra điều gì đó để cùng suy nghĩ. Càng phát huy dân chủ trong việc phát biểu và tiếp thu ý kiến thì càng tiếp cận được chân lý đúng đắn, càng hạn chế được sai sót. Đó là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của Mặt trận và toàn dân(11).
Để đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận, đồng chí Lê Quang Đạo cũng đã tổ chức nghiên cứu, khảo sát thực tế, tạo dư luận rộng rãi để Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra Thông tri về “Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”, hướng công tác Mặt trận về cơ sở xã, phường, góp phần phát huy tinh thần yêu nước, ý thức dân chủ, tự chủ, tự quản, tinh thần chủ động tích cực của nhân dân trong xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư. Cuộc vận động này đã trở thành một phong trào quần chúng rộng lớn nhất do Mặt trận phát động, tạo căn cứ để Đảng ra chỉ thị về Quy chế dân chủ ở cơ sở.
SÁNG NGỜI TẤM GƯƠNG ĐỒNG CHÍ LÊ QUANG ĐẠO
Từ những ngày đầu đi theo cách mạng cho tới những năm tháng cuối đời, đồng chí Lê Quang Đạo luôn thể hiện tấm gương nhà yêu nước chân chính, người cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo có uy tín lớn, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo tấm gương người thầy Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh vĩ đại, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, dù trải qua nhiều khó khăn, thử thách, đồng chí Lê Quang Đạo luôn kiên trung với mục tiêu, lý tưởng đã trọn: vì độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết, trước hết, đồng chí Lê Quang Đạo luôn thực hành dân chủ và lấy dân làm gốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hơn 20 năm đã trôi qua kể từ ngày trái tim người cộng sản Lê Quang Đạo ngừng đập, nhưng tấm gương người cộng sản kiên trung, tấm gương người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn ngời sáng. Quan điểm của đồng chí Lê Quang Đạo về thực hành dân chủ, lấy dân làm gốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn.
Kế thừa, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các học trò của Người, kế thừa quan điểm của các kỳ Đại hội trước, trong bối cảnh, tình hình mới, vấn đề thực hành dân chủ, lấy dân làm gốc vẫn luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam quan tâm. Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, khi đề ra nhiệm vụ, giải pháp nhằm đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, nhiệm vụ thứ 5, được Đảng nêu lên: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”(12). Báo cáo cũng nêu rõ: “Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước. Phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức; có cơ chế giải phóng mọi tiềm năng, sức mạnh, khả năng sáng tạo, động viên nhân dân tham gia phát triển kinh tế và quản lý phát triển xã hội. Bảo đảm công khai, minh bạch thông tin, quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của mọi tầng lớp nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở. Chống các biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức”(13).
TS. Trần Thị Huyền
___
(1) Điếu văn do Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đọc tại Lễ truy điệu và an táng đồng chí Lê Quang Đạo, ngày 27/7/1999.
(2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9) (10) (11) Lê Quang Đạo: Tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, tr. 207-208, 813, 814, 814, 759, 759-760, 746-747, 747, 760, 747, 747-748.
(12) (13) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tập 1, tr.50, 5.
(13) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.51
Nguồn: tuyengiao.vn
- Một số điểm mới của luật Căn cước 2023 (31.05.2024)
- “Bùng nổ thương mại điện tử và cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (28.05.2024)
- 8 nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2023 (27.05.2024)
- Chớ “lớn tiếng” xuyên tạc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam! (26.05.2024)
- Nghị định mới về hoạt động thông tin cơ sở (25.05.2024)
- Tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp (22.05.2024)
- Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (19.05.2024)
- Tìm hiểu về Cuốn sách “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” (18.05.2024)
- Đồng chí Đào Duy Tùng với công cuộc đổi mới đất nước (17.05.2024)