GIỮ VỮNG LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG VÌ NƯỚC, VÌ DÂN
Trong thời kỳ hoạt động bí mật, đồng chí Lê Đức Thọ đã tích cực hoạt động cách mạng và hai lần bị thực dân Pháp bắt, giam cầm, tra tấn dã man. Trải qua 11 năm bị giam cầm trong các lao tù khắc nghiệt của thực dân Pháp, từ Nam Định, Côn Đảo, Hà Nội, Sơn La, Hòa Bình, đồng chí đã kiên cường vượt qua mọi thử thách, giữ vững ý chí, tinh thần cách mạng. Đồng chí cùng các bạn tù chính trị đã biến lao tù đế quốc thành nơi trui rèn ý chí, nghị lực của người cộng sản, thành trường học cách mạng. Đối với đồng chí, “khó khăn lớn nhất”, “thử thách lớn nhất” “trước sự tra tấn hết sức dã man của kẻ thù” không phải là giữ tính mệnh của mình mà chính là “để giữ được cơ sở cách mạng” (1).
Thoát khỏi ngục tù đế quốc (tháng 9/1944), đồng chí lại tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng và trở thành một trong những người lãnh đạo chủ yếu của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Khichính quyền cách mạng ra đời, ngay từ ngày đầu lập nước, đồng chí Lê Đức Thọ đã góp phần quan trọng vào việc giúp Trung ương bố trí, phát triển lực lượng Đảng, đoàn thể, xây dựng chính quyền cách mạng nhằm bảo đảm giữ vững và phát huy thắng lợi của cách mạng. Đồng thời, những hoạt động đó cũng kịp thời chuẩn bị mọi mặt cho đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc, đồng chí Lê Đức Thọ luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta tin tưởng, giao phó đảm nhận nhiều cương vị quan trọng. Đồng chí thường được “điều đến những nơi, những lúc và ở những khâu công tác có tính quyết định của cách mạng”(2). Tuy nhiên, với ý chí, sự kiên định lý tưởng và nỗ lực không ngừng, đồng chí đều cống hiến hết sức mình, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Nam Bộ là chiến trường khốc liệt và cũng là nơi, đồng chí Lê Đức Thọ gắn bó rất nhiều trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.
Năm 1948, đồng chí Lê Đức Thọ được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ vào kiểm tra công tác kháng chiến kiến quốc ở Nam Bộ. Sau hơn một năm đi bộ, trèo đèo, băng rừng, lội suối vượt Trường Sơn, vượt qua những khó khăn, thử thách, sự truy đuổi của kẻ thù, qua mấy chục nghìn km từ căn cứ địa Việt Bắc, đồng chí và phái đoàn Trung ương đã vào tới căn cứ của Trung ương cục miền Nam tại Đồng Tháp Mười. Năm 1949, đồng chí được bầu làm Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ - một trong những lãnh đạo chủ chốt của cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân miền Nam. Năm 1951, đồng chí Lê Đức Thọ được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, sau đó làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Đồng chí đã nỗ lực cùng đồng bào Nam Bộ vượt qua khó khăn, thử thách, quyết tâm từng bước đưa cuộc kháng chiến đạt được những thành công, làm rạng rỡ thêm tên gọi “Thành đồng Tổ quốc”, cho tới tận lúc nhận được chỉ đạo của Trung ương tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơnevơ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Lê Đức Thọ được bổ sung vào Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được phân công làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, kiêm Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, rồi được cử vào Quân ủy Trung ương. Năm 1968, đồng chí được giao trực tiếp vào chiến khu Bắc Tây Ninh với vai trò Phó Bí thư Trung ương cục miền Nam, tham gia chỉ đạo thúc đẩy các hoạt động cách mạng ở miền Nam. Khi xuất hiện cục diện mới (5/1968), ta với Mỹ vừa “đánh”, vừa “đàm”, đồng chí Lê Đức Thọ được cử làm phụ trách công tác đấu tranh ngoại giao, làm cố vấn đặc biệt của đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris. Đây là một nhiệm vụ mới, một thử thách rất lớn, một sứ mạng rất khó khăn, bởi đây sẽ là kết quả tổng hợp từ chiến trường và bản lĩnh chính trị, tài năng sáng tạo của người đại diện trên chính trường. Sau gần 5 năm, vừa đấu trí, đấu lực, Hoa Kỳ phải ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thắng lợi có ý nghĩa này là kết quả sự cố gắng nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân ta, mà trực tiếp là đoàn ngoại giao Việt Nam, đặc biệt là cố vấn Lê Đức Thọ. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, đồng chí được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ Trưởng Ban Chỉ đạo đấu tranh thi hành Hiệp định Paris về Việt Nam. Năm 1975, đồng chí tiếp tục được cử vào miền Nam phổ biến Nghị quyết về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đồng thời, cùng một số đồng chí thay mặt Bộ Chính trị chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh, trực tiếp tham gia chỉ huy trận quyết chiến cuối cùng phối hợp với tổng nổi dậy vào sào huyệt địch tại trung tâm Sài Gòn làm lên chiến thắng vĩ đại.
Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, đồng chí Lê Đức Thọ tiếp tục được Đảng, Nhà nước giao phó nhiều trọng trách mới như: Phó Trưởng Ban đại diện Đảng và Chính phủ ở miền Nam; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (12/1976). Khi xuất hiện vấn đề biên giới Tây Nam, đồng chí Lê Đức Thọ được Bộ Chính trị phân công phụ trách công tác biên giới Tây Nam (giữa năm 1977-1/1979); Trưởng đoàn chuyên gia của Chính phủ ta bên cạnh Chính phủ Campuchia và thay mặt Bộ Chính trị làm việc với Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạngCampuchia (1979 - 1982); Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Đảng (1983); Trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội lần thứ VIcủa Đảng (1986). Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986), đồng chí được Đại hội cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Cuộc đời 64 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Đức Thọ đã trải qua rất nhiều những nhiệm vụ khó khăn, thử thách do Đảng và nhân dân giao phó. Trên bất cứ cương vị, nhiệm vụ chính trị nào, đồng chí đều cố gắng hết mình và hoàn thành tốt nhằm thực hiện mục tiêu chung của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đó là đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và xây dựng đất nước ngày càng phát triển nhằm đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc cho mọi người dân.
Đồng chí Lê Đức Thọ tên khai sinh là Phan Đình Khải, sinh ngày 10/10/1911, trong một gia đình nhà nho, tại làng Địch Lễ, tổng Đông Phù, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay thuộc xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định). Khi mới 15 tuổi (năm 1926), Lê Đức Thọ đã tham gia phong trào bãi khóa và dự lễ truy điệu trí sỹ yêu nước Phan Bội Châu. Năm 1929, Lê Đức Thọ được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, được phân công phụ trách công tác thanh niên, học sinh và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), khi Đảng vừa ra đời. Đồng chí là một trong những đảng viên cộng sản lớp đầu tiên của Đảng. |
GIỮ VỮNG PHẨM CHẤT ĐẠO ĐỨC NGƯỜI CỘNG SẢN
Trên con đường thực hiện mục tiêu, lý tưởng cao cả vì nước, vì dân, đồng chí Lê Đức Thọ luôn hết lòng phấn đấu vì sự nghiệp chung, giữ vững lý tưởng và đạo đức người cộng sản.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lê Đức Thọ từng trải qua rất nhiều những cam go, thử thách (hai lần bị bắt, bị tù đày tại những lao tù khắc nghiệt nhất) và luôn có mặt ở những nơi đầu sóng, ngọn gió của cách mạng, đồng chí Lê Đức Thọ vẫn luôn giữ vững niềm tin tưởng, lạc quan vào sự nghiệp cách mạng vì nước, vì dân.
Đồng chí Lê Đức Thọ tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam năm 1968. Ảnh TL |
Là người học trò, người cộng sự gần gũi, tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Đức Thọ đã học tập và thực hành triệt để phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo, phương pháp lãnh đạo dân chủ tập trung và quyết đoán của người thầy vĩ đại. Phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của đồng chí Lê Đức Thọ thể hiện rõ trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí đặc biệt là trên đấu tranh ngoại giao, trên bàn đàm phán của Hiệp định Paris. Với bản lĩnh, tài trí của một nhà chính trị kinh nghiệm, bằng tài trí, sự không khéo, linh hoạt và sáng tạo trong từng phương án, đồng chí đã thực hiện phương châm kiên trì đấu tranh, giành thắng lợi từng bước dẫn tới thắng lợi cuối cùng.
Phong cách lãnh đạo dân chủ, tập trung và quyết đoán của đồng chí Lê Đức Thọ thể hiện rõ trong quá trình đồng chí trực tiếp chỉ đạo hoạt động thực tiễn trên nhiều cương vị, ở nhiều lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, đặc biệt khi phụ trách công tác tổ chức cán bộ của Đảng. Đồng chí luôn nhắc nhở cán bộ tổ chức phải chú ý phương châm: thận trọng, dân chủ; lắng nghe ý kiến cơ sở, ý kiến tập thể. Nhận rõ vai trò quan trọng của công tác cán bộ, đồng chí luôn căn dặn, nhắc nhở các cán bộ tổ chức phải trung thực, công tâm, khách quan, không được cậy quyền thế, không lộng quyền(3). Trong công tác chuẩn bị nhân sự cấp cao của Đảng, theo đồng chí Lê Đức Thọ, phải biết lắng nghe nhiều ý kiến của cán bộ các cấp, không nghe ý kiến một chiều hoặc ý kiến của một hai cán bộ. Đặc biệt phải đặt yêu cầu hàng đầu, quyết định là chất lượng cán bộ, nhất là tiêu chuẩn đức tài khi chọn cán bộ tham gia cấp ủy, tham gia hệ thống chính trị.
Với phương pháp làm việc khoa học, thái độ nghiêm túc, sâu sát trong công việc, nắm vững ưu, khuyết điểm, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ; tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của đồng sự và cấp dưới; quyết đoán trong sắp xếp, bố trí, kiên trì trong tham mưu, đổi mới trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đồng chí Lê Đức Thọ đã góp phần tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ bảo dảm tính kế thừa và sự vững vàng của Đảng trong mọi tình thế(4).
Trong cuộc sống thường ngày, đồng chí Lê Đức Thọ luôn thể hiện rõ đức tính cần, kiệm, liêm, chính, cốt cách ngay thẳng, bao dung, luôn gần gũi, thương yêu và cảm thông sâu sắc với đồng bào, đồng chí và chiến sĩ. Nếp sống đó cũng được đồng chí giáo dục, căn dặn tới gia đình và đồng chí, đồng đội. Trước khi về cõi vĩnh hằng, đồng chí căn dặn và được gia đình thực hiện di nguyện hoàn trả lại ngôi nhà số 6 phố Nguyễn Cảnh Chân, nơi đồng chí đã sống 34 năm từ khi tập kết ra Bắc cho tới những ngày tháng cuối đời cho Văn phòng Trung ương Đảng.
Trong tâm trí của những người đồng chí, đồng đội làm việc cùng thời, hình ảnh người lãnh đạo năng động, sáng tạo, kiên trung, tận tụy, gần gũi, liêm khiết và ngay thẳng, hình ảnh ông “Sáu búa” vẫn mãi in đậm. Đồng chí Phan Văn Khải, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ viết: “Đối với tôi, Lê Đức Thọ thủy chung vẫn là một chiến sỹ Mácxít kiên cường, tài năng, đức độ, tận trung với nước, tận hiếu với dân, xứng đáng là người học trò xuất sắc kế tục sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ”(5). Mặc dù có rất nhiều đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, nhưng đồng chí luôn khiêm tốn, chỉ coi cuộc đời hoạt động của mình “thật nhỏ bé so với sự nghiệp vĩ đại của hàng triệu của nhân dân”. Đồng chí cho rằng: “Thực ra đời hoạt động của tôi so với sự nghiệp của nhân dân tôi, sự nghiệp của cách mạng, thì có thể nói rằng, nó làmột giọt nước trong biển cả”(6).Từ biết bao những “giọt nước trong biển cả” bao la như tấm gương đồng chí Lê Đức Thọ và nhiều thế thệ cách mạng, đã góp phần làm rạng danh lịch sử dân tộc Việt Nam.
Đồng chí Lê Đức Thọ đã đi xa, nhưng tấm gương người cộng sản kiên trung, hết lòng vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân vẫn mãi còn đó. Tấm gương kiên trung của đồng chí Lê Đức Thọ đã để lại cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay mai sau nhiều bài học quý báu. Đó chính là bài học về lựa chọn và cống hiến hết mình vì lý tưởng, mục tiêu đã lựa chọn; bài học về tinh thần làm việc, cống hiến vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Đó cũng là bài học về phương pháp, phong cách làm việc…, về sự nỗ lực rèn luyện không ngừng trên bước đường hoạt động cách mạng; bài học về nếp sống giản dị, gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân. Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và những người học trò xuất sắc của Người chính là trách nhiệm của mỗi thế hệ người Việt Nam hôm nay nhằm viết tiếp và tô thắm thêm trang sử hào hùng của dân tộc, tiếp tục nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế./.
TS. Trần Thị Huyền
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
___
(1) (2) (6) Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng(Hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, tr.649, 25, 650.
(3) (4) (5) Kỷ yếu hội thảo Đồng chí Lê Đức Thọ với cách mạng Việt Nam và quê hương Nam Định, tháng 10/2011, tr. 20, 35, 23.
Nguồn: tuyengiao.vn
- “Bùng nổ thương mại điện tử và cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (28.05.2024)
- 8 nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2023 (27.05.2024)
- Chớ “lớn tiếng” xuyên tạc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam! (26.05.2024)
- Nghị định mới về hoạt động thông tin cơ sở (25.05.2024)
- Tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp (22.05.2024)
- Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (19.05.2024)
- Tìm hiểu về Cuốn sách “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” (18.05.2024)
- Đồng chí Đào Duy Tùng với công cuộc đổi mới đất nước (17.05.2024)
- Không thể phủ nhận việc đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (16.05.2024)