Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2024/NÐ-CP quy định về quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đăng ký tại nước ngoài, do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch.
Theo đó, điều kiện để phương tiện cơ giới nước ngoài và người nước ngoài điều khiển phương tiện vào tham gia giao thông tại Việt Nam được quy định cụ thể tại Điều 4 Nghị định như sau:
1. Điều kiện chung đối với người điều khiển và phương tiện cơ giới nước ngoài vào Việt Nam
a) Phải thông qua doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam làm thủ tục đề nghị chấp thuận được tổ chức cho khách du lịch nước ngoài mang phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam;
b) Có văn bản chấp thuận được tổ chức cho khách du lịch nước ngoài mang phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam của Bộ Công an cấp.
2. Điều kiện đối với phương tiện cơ giới nước ngoài
a) Là phương tiện cơ giới đường bộ quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định này;
b) Có Giấy đăng ký xe và gắn biển số xe do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp và còn hiệu lực;
c) Có Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới hoặc giấy tờ tương đương do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp còn hiệu lực (đối với xe ô tô);
d) Đối với phương tiện cơ giới nước ngoài là xe ô tô có tay lái ở bên phải: Có công hàm của Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế liên Chính phủ tại Việt Nam gửi Bộ Công an đề nghị và nêu rõ lý do cho phương tiện tham gia giao thông tại Việt Nam;
đ) Phải làm thủ tục hải quan, tạm nhập, tái xuất theo quy định của pháp luật hải quan ngay tại cửa khẩu nhập cảnh, xuất cảnh;
e) Chỉ được tạm nhập, tái xuất qua các cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt, đường hàng không; phải tạm nhập, tái xuất theo đúng cửa khẩu đã được Bộ Công an chấp thuận;
g) Thời gian được phép tham gia giao thông tại Việt Nam tối đa không quá 45 ngày. Trong trường hợp bất khả kháng được lưu lại Việt Nam thêm không quá 10 ngày và phải thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định này.
3. Điều kiện đối với người điều khiển phương tiện cơ giới nước ngoài
a) Là người nước ngoài;
b) Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực, giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam, trừ trường hợp được miễn thị thực theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Trường hợp người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng; người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử phải nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế do Chính phủ quyết định;
c) Có Giấy phép lái xe do nước ngoài cấp phù hợp với loại xe điều khiển và còn hiệu lực;
d) Phải làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Một đoàn Caravan vào Việt Nam du lịch (Nguồn: dangcongsan.vn)
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định, đối với người điều khiển và phương tiện cơ giới nước ngoài khi tham gia giao thông tại Việt Nam (Điều 6) phải có phương tiện đi trước để hướng dẫn giao thông cho phương tiện cơ giới nước ngoài trong quá trình tham gia giao thông tại Việt Nam. Phương tiện hướng dẫn giao thông là xe ô tô (nếu khách du lịch điều khiển xe ô tô) hoặc xe mô tô (nếu khách du lịch điều khiển xe mô tô) do doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam bố trí và phải được gắn logo hoặc cắm cờ có biểu tượng của doanh nghiệp đó; Chỉ được tham gia giao thông trên các tuyến đường trong phạm vi địa giới hành chính cấp tỉnh và thời gian lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam theo đúng quy định tại văn bản chấp thuận của Bộ Công an; Khi điều khiển phương tiện cơ giới nước ngoài tham gia giao thông, người điều khiển phải chấp hành đúng quy định của pháp luật về giao thông đường bộ của Việt Nam; mang theo và xuất trình đầy đủ các giất tờ khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu…
Về trách nhiệm của các cơ quan liên quan và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của việt nam được nêu cụ thể tại chương III của nghị định, trong đó trách nhiệm của bộ công an được quy định tại Điều 8 như sau:
1. Tổ chức thực hiện việc chấp thuận cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam được tổ chức cho khách du lịch nước ngoài mang phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam.
2. Xử lý các hành vi vi phạm quy định của Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
3. Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính trong việc giải quyết các thủ tục tạm nhập, tái xuất đối với phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam.
4. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc quản lý, theo dõi, kiểm tra việc tham gia giao thông tại Việt Nam của phương tiện cơ giới nước ngoài.
5. Trong một số trường hợp đặc biệt để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và an ninh quốc gia, Bộ Công an quyết định việc từ chối, đình chỉ hoạt động hoặc yêu cầu thay đổi thời gian, tuyến đường, tốc độ phù hợp đối với phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam để du lịch.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2024.
Tác giả: H.P (Tổng hợp)
- Góp phần nâng cao hiệu quả trong tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân của mua bán người (07.06.2024)
- Sự cần thiết xây dựng, ban hành luật Phòng cháy Chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (07.06.2024)
- “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá” (05.06.2024)
- Tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu (04.06.2024)
- Chung tay xây dựng xã, phường, thị trấn sạch ma túy (04.06.2024)
- Tiếp cận dịch vụ chăm sóc phát triển toàn diện của trẻ em (03.06.2024)
- Đức là gốc! (02.06.2024)
- Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước (01.06.2024)
- Một số điểm mới của luật Căn cước 2023 (31.05.2024)