Thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để can thiệp vào công việc nội bộ nước ta hòng phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị, cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Một số người theo đạo lạ đang được cán bộ Công an tỉnh Lai Châu phân tích về những âm mưu và luận điệu sai trái
Với chủ trương “tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo” của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, tình hình tôn giáo ổn định, đời sống tôn giáo có những biến đổi sâu sắc cả về số lượng lẫn phạm vi hoạt động, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được tôn trọng, bảo đảm. Các tổ chức tôn giáo được công nhận xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo phù hợp với văn hóa truyền thống, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Cơ quan chức năng làm tốt công tác hướng dẫn, quản lý, từng bước đưa hoạt động tôn giáo đi vào nền nếp, đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Các tổ chức tôn giáo và đại bộ phận chức sắc, chức việc, nhà tu hành hoạt động tôn giáo đúng quy định của pháp luật, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, với tác động của tình hình quốc tế, mặt trái của toàn cầu hóa và cơ chế thị trường, âm mưu “chính trị hóa tôn giáo” của các thế lực thù địch đã làm cho đời sống tôn giáo bị tác động và không ngừng biến đổi, tiềm ẩn nhiều “nguy cơ”, nổi lên các vấn đề như: Lợi dụng hoạt động tôn giáo vi phạm pháp luật, thậm chí mang “màu sắc chính trị”; lợi dụng một số bất cập trong quản lý tôn giáo để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xuất hiện một số loại hội, nhóm mang danh tôn giáo, đạo lạ…
Lực lượng Công an Thanh Hóa tuyên truyền tại một điểm hoạt động tôn giáo
Những vấn đề nêu trên không chỉ gây khó khăn cho công tác tôn giáo mà còn là nguyên nhân và điều kiện để các thế lực thù địch lợi dụng tiến hành các hoạt động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị - xã hội.
Thời gian qua, lợi dụng tính nhạy cảm của vấn đề tôn giáo, một số phần tử cực đoan trong tôn giáo cấu kết với các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Đảng và Nhà nước Việt Nam tổ chức các cuộc “hội luận”, “họp báo”, soạn thảo và tán phát các tài liệu có nội dung xuyên tạc, bịa đặt để tuyên truyền chống Đảng và Nhà nước Việt Nam, nhất là trên các lĩnh vực dân chủ và nhân quyền. Họ đẩy mạnh xuyên tạc Đảng và Nhà nước Việt Nam “đàn áp tôn giáo”, Việt Nam “không có tự do tôn giáo”. Họ cho rằng Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (trước đây) và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay là sự “đàn áp tôn giáo” bằng pháp luật của Nhà nước Việt Nam, không tạo điều kiện cho các tôn giáo phát triển; từ đó, khoét sâu mâu thuẫn giữa các tôn giáo với chính quyền các cấp. Đồng thời, móc nối, câu kết với một số tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài thành lập hoặc tích cực tham gia các hội, nhóm trái pháp luật, mang danh nghĩa tôn giáo để tập hợp, phát triển lực lượng chống đối. Một số chức sắc cực đoan lợi dụng các vấn đề chính trị - xã hội phức tạp để kích động tín đồ xuống đường biểu tình, gây mất ổn định chính trị - xã hội. Điển hình như, lợi dụng sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung do Formosa gây ra, một số chức sắc cực đoan trong Công giáo thuộc Giáo phận Vinh đã tổ chức, kích động giáo dân tổ chức nhiều cuộc biểu tình, tuần hành dưới danh nghĩa “bảo vệ môi trường”, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự tại các địa phương, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, khiến cho mối quan hệ đoàn kết lương - giáo có nơi, có lúc bị rạn nứt.
"Hội thánh của Đức Chúa trời mẹ" bị phát hiện khi đang len lỏi vào vùng sâu, vùng xa của Lai Châu
Hoạt động lợi dụng tôn giáo và vấn đề tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị - xã hội là hoạt động hết sức nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây chia rẽ giữa các tôn giáo, giữa tôn giáo với chính quyền, giữa quần chúng giáo dân và những người không theo tôn giáo, tạo ra những yếu tố phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ thành xung đột xã hội. Do đó, chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động này có vai trò quan trọng trong toàn bộ công tác tôn giáo cũng như bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội ở Việt Nam.
Có thể nói, ổn định tình hình tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của công cuộc đổi mới đất nước, phát triển kinh tế, xã hội, đoàn kết dân tộc và bảo đảm an ninh - quốc phòng. Do vậy, công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác bảo đảm an ninh trên lĩnh vực tôn giáo là những nhiệm vụ quan trọng, vừa bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nâng cao đời sống tinh thần của người dân, vừa hạn chế sự chống phá của các thế lực thù địch, góp phần tạo sự ổn định và phát triển bền vững đất nước.
Điều 5, Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 quy định các hành vi bị nghiêm cấm: 1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. 2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo. 4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo: a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. 5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi. Điều 10, Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 quy định nguyên tắc tổ chức hoạt động tín ngưỡng: 1. Hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng phải bảo đảm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. 2. Việc tổ chức hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng phải bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tiết kiệm, bảo vệ môi trường. |
Chiến Thắng
- Đức là gốc! (02.06.2024)
- Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước (01.06.2024)
- Một số điểm mới của luật Căn cước 2023 (31.05.2024)
- “Bùng nổ thương mại điện tử và cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (28.05.2024)
- 8 nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2023 (27.05.2024)
- Chớ “lớn tiếng” xuyên tạc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam! (26.05.2024)
- Nghị định mới về hoạt động thông tin cơ sở (25.05.2024)
- Tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp (22.05.2024)
- Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (19.05.2024)