Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người anh hùng tài ba của dân tộc Việt Nam, chúng ta có dịp tìm hiểu thêm về vị tướng được cả thế giới biết tới qua các trận chiến, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Thế giới đánh giá ông là “một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của mọi thời đại”. Nhưng trước khi trở thành một vị tướng gắn liền với trận mạc, Võ Nguyên Giáp là một thầy giáo. Sinh thời, một trong những câu nói nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đó là: “Nếu không có chiến tranh, tôi sẽ vẫn là một thầy giáo” [1]. Tâm niệm của Đại tướng đối với giáo dục, với sự nghiệp trồng người vẫn như ngọn lửa xuyên suốt cả cuộc đời. Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đã đưa một người thầy giáo dạy lịch sử ra chiến trường, trở thành vị tướng khiến quân thù phải nể phục. Nhưng trong cốt cách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bóng dáng của một người thầy giáo vẫn luôn hiển hiện.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà Nho, con của ông Võ Quang Nghiêm (Võ Nguyên Thân), một nhà Nho đức độ và mẹ là bà Nguyễn Thị Kiên. Tuổi đến trường, sớm thấm nhuần lòng yêu nước, Võ Nguyên Giáp hăng hái tham gia hoạt động Cách mạng. Sau nhiều thăng trầm, ông ra Hà Nội, học trường Albert Sarraut. Ông nhận bằng cử nhân Luật năm 1937 (Licence en Droit) [3]. Trong những năm tháng ở trên bục giảng, những bài giảng của đồng chí Võ Nguyên Giáp như: “Tư tưởng chiến lược”; “Phổ biến kinh nghiệm chiến đấu”... kể từ ngày đó cho tới tận bây giờ vẫn được đội ngũ giảng viên tiếp tục nghiên cứu, phát huy.
Luôn thao thức với từng bước đi của ngành Giáo dục, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhiều bài viết, ý kiến và kiến nghị để mong ngành Giáo dục phát triển. Quan niệm của Đại tướng về giáo dục đến bây giờ vẫn vẹn nguyên giá trị. “Giáo dục rất quan trọng. Muốn chấn hưng đất nước, muốn đào tạo con người có ích cho xã hội thì phải coi giáo dục là ưu tiên bậc nhất. Hiện giờ, giáo dục có nhiều thành tích nhưng còn kém so với các nước trong khu vực”, lời căn dặn này của Đại tướng khi ông đã 96 tuổi và cho đến nay vẫn được ngành giáo dục coi là quan điểm chỉ đạo trong hoạch định chính sách của ngành [2].
Đại tướng cho rằng: “Chúng ta phải luôn xây dựng, chăm lo nền giáo dục thật tốt vì đó là xây dựng con người. Muốn phát triển đất nước phải có những con người tài đức. Phải làm như thế nào để đầu tư tốt nhất cho giáo dục, quan tâm đến đội ngũ thầy giáo, cô giáo là những người dìu dắt các em học sinh”. Quan điểm này xuyên suốt và phù hợp với sự phát triển của đất nước. Đặc biệt khi bàn về cải cách trong giáo dục thì Đại tướng khẳng định: “Phải cách mạng trong giáo dục! Vì sự nghiệp giáo dục của chúng ta đã có đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến, nhưng trong giai đoạn này, chúng ta phải nâng giáo dục lên mức cao hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”. Điều đó có nghĩa là phải làm thế nào để có sự chuyển biến thật mạnh để nền giáo dục của chúng ta đào tạo ra những lớp người có tài, có đức, đủ sức đóng góp cho đất nước. Kể cả sau khi nghỉ công tác và tuổi đã cao, Đại tướng vẫn luôn luôn trăn trở về vấn đề giáo dục.
Trong một bài viết về giáo dục Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết: “Nền giáo dục của kỷ nguyên thông tin là một nền giáo dục cho mọi người, tạo điều kiện để mọi người được học, giúp cho mọi người biết cách học, biết cách tự học, học tập liên tục, học suốt đời; là một nền giáo dục mở và liên thông, có khả năng hội nhập với nền giáo dục chung của thế giới. Nền giáo dục mới là một nền giáo dục hiện đại, sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin và truyền thông, mạng máy tính và Internet để tổ chức và triển khai quá trình dạy và học với những phương pháp và hình thức linh hoạt nhằm nâng cao nền tảng văn hóa và tinh thần chung của xã hội, mở ra những khả năng mới hỗ trợ cho quá trình học tập liên tục, học tập suốt đời, học ở mọi nơi, mọi lúc, học từ xa và đặc biệt là tự học của mọi người. Học trực tuyến và tương tác qua mạng Internet sẽ trở thành một hiện tượng toàn cầu…” [4].
Để phát triển đúng hướng, Đại tướng cho rằng: “Trước hết, cần đổi mới tư duy về quan điểm và mục tiêu giáo dục và đào tạo, từ đó mà đổi mới chương trình, nội dung, phương châm, phương pháp giáo dục, đổi mới hệ thống tổ chức, công tác quản lý và hệ thống chính sách nhằm hiện đại hóa nền giáo dục của nước ta phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc và xu hướng phát triển chung của thời đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển và hiện đại hóa đất nước ta trong tình hình mới. Ngành Giáo dục và Đào tạo phải đổi mới tư duy và có quyết tâm cao đối với công cuộc đổi mới nền giáo dục. Trước mắt, cần rà soát lại các chủ trương, chính sách về giáo dục và đào tạo được đề ra trong các nghị quyết của Đảng, trong luật và chiến lược giáo dục của Nhà nước để xác định một kế hoạch, một lộ trình đổi mới nền giáo dục và đào tạo với yêu cầu nâng cao một bước rõ rệt chất lượng giáo dục và đào tạo”.
Suốt cuộc đời mình, bên cạnh những chiến công trận mạc hiển hách, đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn trăn trở và đặt nhiều sự quan tâm đối với giáo dục. Dẫu bận rộn với rất nhiều công việc song mỗi khi nhắc đến giáo dục, người thầy giáo ngày nào vẫn thể hiện quan điểm nhất quán, khoa học và mang tính cách mạng, đóng góp vào sự nghiệp trồng người./.
--------------------
Tài liệu tham khảo
1. Phạm Hồng Cư (2015), “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ”, Nxb Thanh Niên và Nxb Kim Đồng
2. Đặng Thị Loan (2021), Đại tướng Võ Nguyên Giáp với ngành giáo dục Việt Nam, Tạp chí Hòa Bình điện tử (http://www.baohoabinh.com.vn/218/155231/Dai-tuong-Vo-Nguyen-Giap-voi-nganh-Giao-duc-Viet-Nam.htm)
3. Nguyễn Tuấn (2013), Đại tướng Võ Nguyên Giáp với giáo dục, Tạp chí Công an nhân dân online (https://cand.com.vn/Tam-guong-cuoc-song/Dai-tuong-Vo-Nguyen-Giap-voi-giao-duc-i321328/)
4. Võ Nguyên Giáp, Bài viết về giáo dục, Tạp chí An Giang online (https://baoangiang.com.vn/-font-size-2-tung-la-mot-thay-giao-day-su-trong-cuoc-doi-minh-dai-tuong-vo-nguyen-giap-a49702.html)
Tác giả: Vũ Thị Hồng Phương – Khoa Luật
- 11 năm Ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (4-10-2013/ 4-10-2024): Suốt cuộc đời quán triệt tinh thần “Dĩ công vi thượng” (04.10.2024)
- Phát huy “thế trận lòng dân” trong công tác PCCC và CNCH góp phần giữ vững ANTT và an sinh xã hội (04.10.2024)
- Phản bác những hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc gây mất ổn định an ninh trật tự hiện nay (27.09.2024)
- Để không ai bị bỏ lại phía sau (24.09.2024)
- Một số nội dung đáng chú ý tại Luật sửa đổi luật Cảnh vệ năm 2024 (24.09.2024)
- Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát (24.09.2024)
- Hoàn thiện pháp luật về hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (23.09.2024)
- Tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho Công an các đơn vị, địa phương (21.09.2024)
- Xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức và chiến sỹ trong lực lượng vũ trang vi phạm nồng độ cồn (17.09.2024)