Trong sự nghiệp cách mạng của mình, với 53 tuổi đời, hơn 30 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã cống hiến trọn đời cho Đảng và dân tộc. Cuộc đời và sự nghiệp của Đồng chí là tấm gương sáng ngời của người cộng sản kiên trung, mẫu mực; một nhà lãnh đạo tài năng; vị tướng tài ba; người con ưu tú của dân tộc.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sinh ngày 01/01/1914 tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên Huế). Thấu hiểu nỗi cơ cực, lầm than của người dân đang chịu sự đọa đày, áp bức, bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp và phong kiến tay sai, được ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối cách mạng của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soi đường, người thanh niên Nguyễn Vịnh1 sớm hăng hái dấn thân trên con đường tranh đấu để cứu dân, cứu nước. Tháng 7/1937, Đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, ngay sau đó được cử làm bí thư chi bộ ở địa phương. Và khi tuổi Đảng chưa tròn năm (tháng 3/1938), Đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên lúc mới 24 tuổi. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Thừa Thiên, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Vịnh, các cơ sở đảng nhanh chóng được phát triển, phong trào đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ ở địa phương những năm 1937, 1938 được đẩy mạnh, đưa Huế thành trung tâm cách mạng sôi nổi ở Trung Kỳ.
Từ năm 1938 đến năm 1945, Đồng chí 03 lần bị địch bắt, giam giữ trong các nhà lao nổi tiếng khắc nghiệt ở miền Trung. Song, ngục tù đế quốc không làm lay chuyển tinh thần của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, Đồng chí đã sát cánh cùng các chiến sĩ yêu nước và các nhà cách mạng, thành lập chi bộ nhà lao, tổ chức học tập văn hóa, học tập chính trị, truyền đạt kinh nghiệm hoạt động cách mạng, đấu tranh chống chế độ đàn áp, khủng bố tàn bạo của kẻ thù,... góp phần biến nhà tù thành trường học. Vượt qua ngục tù của đế quốc, trở về với phong trào cách mạng, phát động cao trào kháng Nhật cứu nước ở quê hương; tháng 8/1945, Đồng chí được cử đi dự Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào, được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được phân công đảm nhiệm chức vụ Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Cũng tại Hội nghị này, Đồng chí vinh dự được Bác Hồ đặt tên; từ đây, cái tên Nguyễn Chí Thanh trở thành một phần lịch sử của Quân đội Nhân dân Việt Nam, của cách mạng Việt Nam và đây cũng là dấu ấn quan trọng trong hành trình cống hiến lớn lao, trở thành nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng.
Cách mạng Tháng Tám thành công, với tài năng lãnh đạo của người đứng đầu, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã chỉ đạo quân và dân Thừa Thiên thực hiện hàng loạt công tác cấp bách nhằm xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. Dưới sự chỉ đạo của Đồng chí, quân và dân Huế đã chủ động bước vào cuộc kháng chiến, anh dũng chiến đấu, bao vây quân địch suốt 50 ngày đêm trong thành phố, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc chiến đấu của quân và dân các đô thị Bắc vĩ tuyến 16, tạo điều kiện để cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Tuy nhiên, do tương quan lực lượng quá chênh lệch khi địch tăng quân, giải vây, mở rộng vùng chiếm đóng đã đẩy cuộc kháng chiến của quân và dân Thừa Thiên đứng trước thử thách ngặt nghèo: mất đất, mất dân, lực lượng vũ trang không còn chỗ đứng, thế trận chiến tranh nhân dân bị phá vỡ, v.v. Đây là thời điểm lịch sử mà đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã thể hiện rõ vai trò của người lãnh đạo. Quán triệt đường lối “kháng chiến, kiến quốc”, căn cứ vào thực tiễn kháng chiến ở Thừa Thiên, với tư duy và bản lĩnh của nhà lãnh đạo xuất sắc, Đồng chí chủ trương tiếp tục tiếng súng kháng chiến, phá chính sách bình định của địch, đưa cán bộ, đảng viên về lại địa bàn, vận động nhân dân, xây dựng lại cơ sở; chấn chỉnh lực lượng vũ trang, chỉnh đốn chính quyền, kiện toàn sự lãnh đạo của Đảng. Đồng chí nhấn mạnh “Mất đất chưa phải là mất nước, chúng ta phải tranh thủ từng người, từng thôn. Chúng ta không thể để mất dân, chết không rời cơ sở. Chúng ta nhất định thắng lợi”2. Dưới sự chỉ đạo của Bí thư Nguyễn Chí Thanh, thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn được hồi phục, chặn đà tiến quân của thực dân Pháp, tạo dựng lại niềm tin nơi nhân dân.
Đầu năm 1948, Phân khu Bình - Trị - Thiên được thành lập, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được cử làm Bí thư Phân khu ủy vừa là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, dưới sự lãnh đạo của Đồng chí, cuộc kháng chiến của quân và dân trên địa bàn đã vượt qua thử thách ngặt nghèo, dần củng cố thế trận, tạo tiền đề, cơ sở để giành những thắng lợi to lớn hơn, đóng góp vào thắng lợi chung của cả dân tộc. Với những cống hiến to lớn đó, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng danh hiệu “Vị tướng du kích”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Đại hội Đảng bộ Quân đội năm 1960. Ảnh tư liệu
Để xây dựng Quân đội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước sang giai đoạn mới, năm 1950, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng điều động vào công tác trong Quân đội, giữ trọng trách Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Trên cương vị mới, Đồng chí luôn thấm nhuần quan điểm xây dựng lực lượng vũ trang của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để chỉ đạo kết hợp chặt chẽ ba mặt chính trị - quân sự - hậu cần, không ngừng kiện toàn tổ chức để nâng cao sức chiến đấu của Quân đội. Đồng thời, coi công tác chính trị, tư tưởng là khâu quyết định nhất, là cơ sở quan trọng nhất để xây dựng quân đội vững mạnh, nhấn mạnh Quân đội nhân dân Việt Nam là một lực lượng nòng cốt của cách mạng, lực lượng chính trị tin cậy, lực lượng vũ trang chiến đấu sắc bén của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Điều đó cũng có nghĩa là, Đảng phải nắm quyền lãnh đạo Quân đội, không thể và không bao giờ chia sẻ quyền đó cho giai cấp khác. Đó là vấn đề có tính nguyên tắc và là quy luật đảm bảo cho Quân đội đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, có phương hướng chính trị đúng đắn, hoạt động quân sự hiệu quả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Để đảm bảo cho sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, Đồng chí đã cùng Tổng Quân ủy tập trung nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, đề xuất thay thế chế độ “chính ủy tối hậu quyết định” (được áp dụng từ 8/1949) bằng chế độ “đảng ủy, cấp ủy đảng lãnh đạo trong bộ đội chủ lực”, được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 02/1951) chính thức thông qua. Đồng chí cũng dành nhiều công sức chỉ đạo, tổ chức hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội; triển khai thành lập hệ thống cơ quan chính trị và thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên xuống đến cấp đại đội; luôn quan tâm chỉ đạo việc kiện toàn và nâng cao chất lượng lãnh đạo của chi bộ, luôn nhấn mạnh nguyên tắc tập thể lãnh đạo; quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ đức, đủ tài, có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đồng chí, công tác đảng, công tác chính trị có bước tiến vượt bậc; trở thành “linh hồn, mạch sống” của Quân đội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Ở cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, anh Thanh đã có công lớn trong việc xây dựng Quân đội về chính trị, tư tưởng, xây dựng hệ thống tổ chức đảng, tổ chức công tác chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh, công tác Đảng - công tác chính trị trong quân đội đã có bước phát triển mới cả về nội dung và hình thức, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân ta”3.
Đầu năm 1961, trước yêu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được phân công làm Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương. Với phong cách sâu sát thực tiễn, Đồng chí đã “bám ruộng, lội đồng”, sâu sát với nông dân, nắm tình hình thực tế về phong trào hợp tác hóa và sản xuất nông nghiệp ở các địa phương. Nhận thấy hạn chế về diện tích đất sản xuất, Đồng chí đã chỉ đạo tập trung thâm canh tăng năng suất, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, v.v. Để khuyến khích, cổ vũ nhân dân thi đua lao động sản xuất, Đồng chí đã phát động, khởi xướng nhiều phong trào thi đua sâu rộng trên toàn miền Bắc, như: Gió Đại Phong, Phá xiềng ba sào, Cải tạo hợp tác xã,… chú trọng sản xuất đi đôi với phân phối, tạo nên chuyển biến quan trọng trong nông nghiệp, nông thôn miền Bắc. Đến năm 1964, miền Bắc cơ bản bảo đảm được lương thực, góp phần quan trọng xây dựng hậu phương chiến lược vững mạnh. Những cống hiến xuất sắc trên mặt trận sản xuất nông nghiệp đã khẳng định đồng chí Nguyễn Chí Thanh không chỉ là nhà chính trị, quân sự tài năng, mà còn là nhà lãnh đạo, quản lý kinh tế xuất sắc.
Tháng 10/1964, trước đòi hỏi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như sự phát triển của tình hình cách mạng miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị cử giữ cương vị Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Quân ủy Miền, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Khi Mỹ chuyển sang “chiến lược chiến tranh cục bộ”, đưa quân trực tiếp vào tham chiến trên chiến trường miền Nam, Đồng chí cùng tập thể Trung ương Cục tìm cách đánh Mỹ, thắng Mỹ, trong hoàn cảnh xuất hiện những lo ngại, dao động trong một bộ phận nhân dân trước sức mạnh của đội quân nhà nghề số một thế giới và một số nước lớn cũng “khuyên” Việt Nam không nên đối đầu với đế quốc Mỹ. Bằng tư duy biện chứng trong đánh giá tương quan lực lượng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhận định, Mỹ đang ở thế bị động về chiến lược, tinh thần binh sĩ không ổn định, địa hình chiến trường miền Nam không phải là điều kiện lý tưởng cho quân Mỹ triển khai đội hình tác chiến theo kiểu chiến tranh quy ước. Ngược lại, vũ khí chiến thắng của quân dân ta chính là chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đồng chí kêu gọi đồng bào, chiến sĩ ta phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết chiến quyết thắng, tìm cách bắt Mỹ đánh theo cách đánh của ta, hạn chế sức mạnh hỏa lực, khả năng cơ động của chúng. Trên cơ sở nghiên cứu thực tế chiến trường, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho rằng phương châm tác chiến của ta nằm ở mặt trận là: “Cứ đánh Mỹ sẽ tìm ra cách đánh thắng Mỹ”. Thực hiện phương châm chỉ đạo đó, quân và dân miền Nam đã làm nên những chiến thắng: Núi Thành, Vạn Tường, Plây Me - Ia Đrăng, chứng tỏ được khả năng đánh thắng quân viễn chinh Mỹ. Từ thực tế của
chiến trường, Đồng chí đúc kết thành phương châm và cũng là tư tưởng chiến lược “bám lấy thắt lưng địch mà đánh”, “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, và hình thành các “vành đai diệt Mỹ”, nhanh chóng được quân và dân miền Nam phổ biến, tạo nên cách đánh đặc thù của chiến tranh nhân dân Việt Nam, đó là “đánh gần, đánh thẳng” vào quân Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, quân và dân miền Nam đã đánh bại hai cuộc phản công trong hai mùa khô: 1965 - 1966, 1966 - 1967 của Mỹ ngụy, “tạo ra tiền đề vững chắc để đánh thắng hoàn toàn chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ”4. Những nhận định về tình hình chiến trường của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã góp phần quan trọng để Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh hạ quyết tâm mở cuộc tiến công chiến lược Xuân Mậu Thân 1968, tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh “đã đóng góp nhiều vào việc phát triển nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân của Đảng ta, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến những thắng lợi to lớn”5.
Ngày 06/7/1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã từ trần sau cơn đau tim đột ngột. Hơn 30 năm hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị khác nhau, Đồng chí đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng Đảng, xây dựng Quân đội, xây dựng đất nước. Đồng chí là nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam cả về tư duy lý luận và chỉ đạo hoạt động thực tiễn; tấm gương sáng ngời để các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.
Đại tá, TS. LÊ THANH BÀI, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự
________________
1 - Tên khai sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
2 - Ban Chấp hành Đảng bộ Thừa Thiên - Huế, Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên - Huế, Tập 1 (1930 - 1954), Nxb CTQG, H. 1995, tr. 245.
3 - Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam - Nguyễn Chí Thanh tiểu sử, Nxb CTQGST, H. 2020, tr. 152 - 153.
4 - Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975, Tập IV Cuộc đụng đầu lịch sử, Nxb CTQG, H. 2013, tr. 452.
5 - “Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam”. In trong: Tổng tập Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tập 3, Nxb Thời đại, H. 2013, tr. 641 - 642.
- Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (16.11.2022)
- Quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không (16.11.2022)
- Quán triệt và triển khai công tác bảo vệ môi trường theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (11.11.2022)
- Quốc hội thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm, thi hành án, phòng, chống tham nhũng (09.11.2022)
- Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới (08.11.2022)
- Đấu tranh với hoạt động lợi dụng Internet, mạng xã hội chống phá Đảng, nhà nước ta hiện nay (08.11.2022)
- Tập huấn công tác THAHS tại cộng đồng tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An (03.11.2022)
- Vai trò của người giảng viên đối với công tác tuyên truyền pháp luật (31.10.2022)
- Hội nghị trực tuyến Thông báo kết quả Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (28.10.2022)