Bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến mua bán người được tiếp nhận và phân loại
Theo Quyết định, Chương trình phòng, chống mua bán người được lập ra nhằm thực hiện các mục tiêu, yêu cầu cụ thể sau đây:
1. Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho cá nhân, gia đình và cộng đồng về công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các cơ quan báo chí ở trung ương, địa phương và hệ thống Đài Truyền thanh cấp huyện, cấp xã hàng tháng có chuyên mục, tin, bài tuyên truyền về phòng, chống mua bán người phù hợp các nhóm đối tượng khác nhau và đặc điểm của từng địa phương. Thường xuyên cập nhật các hình thức, thủ đoạn và mục đích của tội phạm mua bán người trên các trang mạng và mạng xã hội có nhiều người theo dõi, truy cập tại Việt Nam.
2. Bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến mua bán người được tiếp nhận, phân loại; tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%. Các vụ việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người phải được thụ lý điều tra, xác minh, khi có đủ căn cứ phải khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án mua bán người đạt trên 90% tổng số án khởi tố. 95% số vụ án mua bán người hàng năm được giải quyết và truy tố. 90% số vụ án mua bán người hàng năm được giải quyết, xét xử.
3. Bảo đảm nạn nhân được tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ kịp thời, hiệu quả theo quy định của pháp luật và đảm bảo nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm. Xây dựng, củng cố, từng bước nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ làm công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, hỗ trợ nạn nhân các cấp.
4. Chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất phù hợp với pháp luật khu vực, quốc tế và thực tiễn công tác phòng, chống mua bán người.
5. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành, hợp tác quốc tế trong tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân và trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án mua bán người. Các điều ước quốc tế, hiệp định song phương, đa phương, các thỏa thuận hợp tác về phòng, chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên được triển khai thực hiện có hiệu quả, định kỳ sơ kết, tổng kết.
6. Dữ liệu thống kê về công tác phòng, chống mua bán người được xây dựng, kết nối giữa các bộ, ngành chức năng, thường xuyên cập nhật, chia sẻ thông tin, phục vụ việc theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả và xây dựng chính sách về công tác phòng, chống mua bán người.
Xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án mua bán người
Nhiều nhiệm vụ và giải pháp đã được đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, như: Truyền thông về phòng, chống mua bán người; đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người; truy tố và xét xử tội phạm mua bán người; tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu và bảo vệ nạn nhân; hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; hoàn thiện chính sách, pháp luật và theo dõi thi hành chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán người; tăng cường công tác phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người; xây dựng dữ liệu thống kê về công tác phòng, chống mua bán người; nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác liên quan đến phòng, chống mua bán người. Trong đó, công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán là công tác vẫn luôn được chú trọng.
Về công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan báo chí trung ương và địa phương xây dựng, duy trì hoạt động các chuyên trang, chuyên mục, chương trình phát thanh, truyền hình tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, trong đó, tập trung tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn mới, địa bàn trọng điểm của tội phạm này, những đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân, quyền lợi mà nạn nhân được hỗ trợ và đường dây nóng tiếp nhận thông tin về nạn nhân và vụ việc. Đồng thời, chú trọng công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng và mạng xã hội... Tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” phù hợp với thông điệp của Liên hợp quốc và tình hình thực tiễn của địa phương. Lồng ghép và truyền tải các thông điệp phòng, chống mua bán người vào các chương trình giáo dục công dân, giáo dục ngoại khóa của các cấp học, ngành học…
Về nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng, triển khai quy trình chuẩn về hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng; xây dựng quy chế phối hợp liên ngành, liên cấp về tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và cung cấp kết nối dịch vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và người nghi là nạn nhân bị mua bán. Củng cố, phát triển, cải thiện chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, bảo đảm tính sẵn có, dễ tiếp cận; đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ hỗ trợ nạn nhân và thí điểm các mô hình hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào các chương trình phòng, chống tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác…
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn theo quy định của pháp luật chủ động tham mưu, xây dựng, ban hành kế hoạch, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình này. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp công tác với Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ trong phòng, chống mua bán người; hướng dẫn các cơ quan tư pháp ở địa phương áp dụng thống nhất pháp luật về phòng, chống mua bán người, chỉ đạo đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người và tội phạm có liên quan, bảo đảm kịp thời và nghiêm minh; thực hiện thống kê và cung cấp các thông tin theo tiêu chí thống kê để phục vụ quản lý dữ liệu thống kê về công tác phòng, chống mua bán người.
- Phát huy vai trò của công tác tư tưởng trong bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa (10.11.2023)
- Những kết quả nổi bật của Bộ Công an thực hiện Ngày Pháp luật năm 2023 (08.11.2023)
- Các hình thức tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT theo Thông tư 32/2023/TT-BCA (27.10.2023)
- Những đóng góp của lực lượng Pháp chế Công an nhân dân qua 48 năm xây dựng, trưởng thành (14.10.2023)
- Quy định về cung cấp thông tin của lực lượng CAND trên môi trường mạng (12.10.2023)
- Quy định chế độ trợ cấp đối với chiến sĩ CAND tham gia kháng chiến chống Mỹ chính thức có hiệu lực (11.10.2023)
- Lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão (11.10.2023)
- Hội nghị phổ biến, quán triệt các luật, dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo (10.10.2023)
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính tại Trường Đại học CSND (09.10.2023)