Thời gian qua, hoạt động thu thập, mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng, căn cước công dân, chứng minh nhân dân của người dân diễn biến phức tạp tại một số địa phương. Công an các đơn vị, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Ảnh minh họa
Theo đánh giá của Cục Cảnh sát hình sự đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, đánh bạc, tổ chức đánh bạc... ảnh hưởng trực tiếp tình hình an ninh, trật tự tại các địa phương. Thủ đoạn hoạt động phạm tội nổi lên của các đối tượng là:
- Lợi dụng sơ hở của người dân trong việc chia sẻ hình ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ khẩu trên mạng xã hội (Zalo, Facebook...) và sử dụng vào việc đăng ký sử dụng các dịch vụ online (mua hàng, xin việc, vay tiền để đánh cắp thông tin cá nhân của người dân.
- Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, đối tượng đưa ra nhiều lý do, xin chụp ảnh chân dung, chụp ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân (có thể trả cho người dân từ 100.000₫ – 300.000₫ trên mỗi căn cước công dân, chứng minh nhân dân được chụp), hoặc các đối tượng thuê, mua tài khoản ngân hàng của người dân.
Sau khi có thông tin dữ liệu cá nhân, tài khoản ngân hàng của người dân, các đối tượng bán thông tin cho các đối tượng khác (kể cả người nước ngoài) để sử dụng vào mục đích phạm tội, vi phạm pháp luật như: Làm giấy tờ giả để mở tài khoản lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các khoản vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính; chuyển nhận tiền đánh bạc, tổ chức đánh bạc; giả mạo, giả danh cán bộ Công an, Toà án, Viện kiểm sát, hải quan, thuế... gọi điện đe doạ yêu cầu chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra hoặc làm quen qua mạng xã hội hứa hẹn gửi quà, tiền đánh vào lòng tham của người dân rồi yêu cầu họ chuyển tiền phí, lệ phí và tiền “bôi trơn” vào tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định để chiếm đoạt...
Phần lớn những người cho thuê, cho mượn thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng không biết việc sử dụng thông tin, tài khoản để thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên có trường hợp dù biết rõ nhưng vì hám lợi vẫn tiếp tay, tạo cơ hội cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội và đã bị xử lý với vai trò đồng phạm.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình trên, để phòng tránh tội phạm và những hệ lụy có liên quan, Cục Cảnh sát hình sự khuyến cáo:
1. Tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp, thuê, mua căn cước công dân (chứng minh nhân dân) hoặc tài khoản ngân hàng nếu không có mục đích chính đáng;
2. Không đăng tải, chia sẻ hình ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân, tài khoản ngân hàng lên mạng xã hội. Không cung cấp thông tin căn cước công dân, chứng minh nhân dân cho những dịch vụ không thiết yếu, không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội;
3. Trường hợp bị mất căn cước công dân, chứng minh nhân dân, người dân cần trình báo ngay cho cơ quan chức năng để làm lại giấy tờ. Đây là căn cứ để chứng minh chủ sở hữu của căn cước công dân, chứng minh nhân dân không có liên quan đến các giao dịch dân sự trong thời gian bị mất căn cước công dân, chứng minh nhân dân; đồng thời phòng ngừa trường hợp số căn cước của công dân bị lợi dụng thực hiện các giao dịch dân sự trái pháp luật.
4. Khi bị các đối tượng xấu lừa đảo, lấy cắp thông tin căn cước công dân, chứng minh nhân dân để tiến hành các hoạt động phi pháp, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan chức năng nơi gần nhất để được hỗ trợ. Trường hợp nghi ngờ/ phát hiện số căn cước công dân/ chứng minh nhân dân của mình bị sử dụng trái phép để mở tài khoản ngân hàng hoặc đăng ký thuê bao trả sau, cần nhanh chóng liên hệ ngân hàng, nhà mạng để được hỗ trợ khóa tài khoản, thuê bao.
5. Trong trường hợp phát hiện đối tượng mượn, chụp, thuê căn cước công dân hay chứng minh nhân dân; mời chào cho thuê, mượn, mua, bán tài khoản ngân hàng đề nghị người dân tố giác và cung cấp ngay tài liệu, chứng cứ đến cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu biết đối tượng sử dụng căn cước công dân, tài khoản ngân hàng vào mục đích vi phạm pháp luật, phạm tội nhưng bao che hoặc vẫn bán, cho thuê, cho mượn thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.
Ban Biên tập
- Ý nghĩa lịch sử của cách mạng Tháng 8/1945 (18.08.2024)
- Cách mạng tháng Tám năm 1945: Bài học về nhận định, vận dụng thời cơ và bảo vệ thành quả cách mạng của Đảng (18.08.2024)
- Lấp khoảng trống pháp luật về bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông (18.08.2024)
- Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (16.08.2024)
- Quy định mới về phân loại tai nạn giao thông có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2024 (15.08.2024)
- Nhận diện âm mưu lợi dụng bạo loạn, biểu tình ở một số nước nhằm kích động “cách mạng màu” tại Việt Nam (12.08.2024)
- Đảm bảo công bằng xã hội trong phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số (07.08.2024)
- Những điểm mới cơ bản của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) (21.07.2024)
- Chính phủ bổ sung 15 chất mới vào danh mục chất ma túy (19.07.2024)