Luật Bình đẳng giới (Luật số 73/2006/QH11) được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007. Mục tiêu bình đẳng là “xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”.
Bình đẳng giới là một phần quan trọng của xã hội dân chủ, công bằng. Bình đẳng giới góp phần đảm bảo mọi người, bất kể giới tính được đối xử công bằng và có cơ hội như nhau.
1. Bình đẳng giới trong một số lĩnh vực
Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị (Điều 11 Luật Bình đẳng giới 2006 )
1. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội.
2. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức.
3. Nam, nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
4. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức.
5. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị bao gồm:
a) Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới;
b) Bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
Bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế (Điều 12 Luật Bình đẳng giới 2006)
1. Nam, nữ bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, nguồn vốn, thị trường và nguồn lao động.
2. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế bao gồm:
a) Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính theo quy định của pháp luật;
b) Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo quy định của pháp luật.
Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động (Điều 13 Luật Bình đẳng giới 2006)
1. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác.
2. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh trong các ngành, nghề có tiêu chuẩn chức danh.
3. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động bao gồm:
a) Quy định tỷ lệ nam, nữ được tuyển dụng lao động;
b) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lao động nữ;
c) Người sử dụng lao động tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ làm việc trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.
Bình đẳng giới trong gia đình (Điều 18 Luật Bình đẳng giới 2006)
1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.
2. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình.
3. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật.
4. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.
5. Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.
Theo đó, Pháp luật về Bình đẳng giới quy định một số nguyên tắc về bình đẳng giới trong các lĩnh vực là bình đẳng giới trong chính trị, bình đẳng giới trong kinh tế, bình đẳng giới trong lao động, bình đẳng giới trong gia đình. Ngoài ra, Luật Bình đẳng giới 2006 cũng có quy định về bình đẳng giới ở các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao, y tế.
Ảnh minh hoạ (nguồn: Internet)
2. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong bình đẳng giới và biện pháp khắc phục hậu quả
Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 125/2021/NĐ-CP thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong bình đẳng giới là một năm.
Điều 4 Nghị định 125/2021/NĐ-CP quy định về các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
Các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả
1. Hình thức xử phạt chính:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động có thời hạn;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc cải chính công khai thông tin sai sự thật;
b) Buộc xin lỗi công khai;
c) Buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức đã bị xâm phạm;
d) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh hợp lý cho người bị xâm phạm trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính gây thiệt hại về sức khỏe, tinh thần;
đ) Buộc tiêu hủy tác phẩm, văn hóa phẩm, sản phẩm in, sách giáo khoa, giáo trình, chương trình giảng dạy có nội dung định kiến giới, cổ vũ, tuyên truyền, phổ biến phân biệt đối xử về giới;
e) Buộc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc đính chính tác phẩm, văn hóa phẩm, sản phẩm in, sách giáo khoa, giáo trình, chương trình giảng dạy có nội dung định kiến giới, cổ vũ, tuyên truyền, phổ biến phân biệt đối xử về giới;
g) Buộc sửa đổi hoặc bãi bỏ quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức, hương ước, quy ước của cộng đồng có sự phân biệt đối xử về giới;
h) Buộc sửa đổi hoặc bãi bỏ quy định về tuổi đào tạo, tuổi tuyển sinh có sự phân biệt đối xử về giới;
i) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính;
k) Buộc nộp lại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp các loại giấy phép, chứng chỉ, giấy đăng ký hoạt động đó.
Như vậy, hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong bình đẳng giới bao gồm: Hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung. Trong đó, phạt cảnh cáo và phạt tiền là hình thức xử phạt chính; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là hình thức xử phạt bổ sung.
Bên cạnh đó, các biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới là: Buộc cải chính công khai thông tin sai sự thật; buộc xin lỗi công khai; Buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức đã bị xâm phạm; buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh hợp lý cho người bị xâm phạm trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính gây thiệt hại về sức khỏe, tinh thần....
H.P (Tổng hợp)
- Để Việt Nam vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (29.11.2024)
- Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) (29.11.2024)
- Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự (28.11.2024)
- 9 động tác chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (27.11.2024)
- Số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện, điều tra, xử lý tăng 20,55% (26.11.2024)
- Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông (25.11.2024)
- Các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới (22.11.2024)
- Quy định về Quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ (22.11.2024)
- Quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe (21.11.2024)